Hôm thứ Tư, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm khuôn viên của Đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á để tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn tại Indonesia, nơi ngài đã ký một tuyên bố chung lên án bạo lực tôn giáo với nhà lãnh đạo Hồi giáo, Đại Imam Nasaruddin Umar.
Tuyên bố chung Istiqlal năm 2024 có tiêu đề “Thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại”.
Được đặt theo tên Đền thờ Hồi giáo Istiqlal quốc gia của Indonesia, tài liệu này kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau hợp tác để thúc đẩy phẩm giá con người, đối thoại liên tôn và bảo vệ môi trường.
“Những giá trị chung của các truyền thống tôn giáo của chúng ta cần được thúc đẩy hiệu quả để đánh bại văn hóa bạo lực”, tuyên bố nêu rõ.
“Niềm tin và nghi lễ tôn giáo của chúng ta có khả năng đặc biệt tác động đến trái tim con người và do đó nuôi dưỡng sự tôn trọng sâu sắc hơn đối với phẩm giá con người”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm khuôn viên của Đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta vào ngày 5 tháng 9. Ngôi Đền thờ Hồi giáo đồ sộ này là một trong những Đền thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, có sức chứa lên đến 250.000 người cùng một lúc. Đức Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Indonesia vào năm 1989, là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm một Đền thờ Hồi giáo trong chuyến thăm Damascus vào năm 2001.
Theo vị Đại Imam của Đền thờ Hồi giáo, Istiqlal chỉ đứng sau Mecca và Medina về quy mô, và ảnh hưởng của nó trải rộng tới khoảng 242 triệu tín đồ Hồi giáo ở Indonesia.
Cuộc gặp gỡ liên tôn nhằm thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa tôn giáo ở Indonesia, nơi đang phải đối mặt với những thách thức từ sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu.
Phát biểu trước đại diện của 6 tôn giáo được công nhận chính thức tại Indonesia — Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Công giáo và Tin lành — Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nêu rõ tầm nhìn của mình về đối thoại liên tôn.
“Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một cuộc gặp gỡ giữa các tôn giáo là vấn đề tìm kiếm tiếng nói chung giữa các học thuyết và niềm tin tôn giáo khác nhau bất kể giá nào. Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến việc chia rẽ chúng ta, vì học thuyết và giáo điều của mỗi kinh nghiệm tôn giáo là khác nhau”, Đức Giáo hoàng nói.
“Điều thực sự đưa chúng ta lại gần nhau hơn là tạo ra sự kết nối giữa sự đa dạng, vun đắp tình bạn, sự quan tâm và sự tương hỗ”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng cho biết thêm rằng khi các nhà lãnh đạo tôn giáo vun đắp mối quan hệ, điều đó cho phép họ “cùng nhau tiến lên theo đuổi các mục tiêu chung: bảo vệ phẩm giá con người, chống đói nghèo và thúc đẩy hòa bình”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến Đền thờ Hồi giáo qua Cổng Alfattah, nơi Đại Imam Nasaruddin Umar nồng nhiệt chào đón ngài. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiến đến “Đường hầm hữu nghị” mới xây dựng, một lối đi ngầm nối Đền thờ Hồi giáo với Nhà thờ Công giáo Đức Mẹ Lên Trời của Jakarta, do chính phủ Indonesia xây dựng để thúc đẩy đối thoại và tinh thần đoàn kết.
Trước khi bước vào “Đường hầm hữu nghị”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ hy vọng rằng nơi đây sẽ trở thành “nơi của sự đối thoại và gặp gỡ”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với vị Đại Imam rằng: “Tôi hy vọng rằng các cộng đồng của chúng ta ngày càng cởi mở hơn với đối thoại liên tôn và trở thành biểu tượng của sự chung sống hòa bình vốn đặc trưng cho Indonesia”.
´Sự kiện liên tôn diễn ra trong một chiếc lều màu đỏ và trắng trên khuôn viên Đền thờ Hồi giáo. Sự kiện bắt đầu bằng điệu nhảy chào mừng truyền thống của người Hồi giáo được gọi là Marawis, tiếp theo là một đoạn Kinh Quran ngắn do một phụ nữ Indonesia đọc và một đoạn Tin Mừng Luca.
Đại diện của 4 tôn giáo được công nhận khác đã đứng lên thể hiện sự đoàn kết khi bản tuyên bố được đọc to cho các tham dự viên tham gia sự kiện trong lều.
Văn kiện Istiqlal xác định việc hạ thấp phẩm giá con người và biến đổi khí hậu là hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay, nhấn mạnh trách nhiệm chung của các cộng đồng tôn giáo trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Văn kiện này cũng khẳng định sự cần thiết của đối thoại liên tôn để giải quyết “các cuộc xung đột địa phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt là những cuộc xung đột do việc lạm dụng tôn giáo gây ra”.
Tuyên bố chung tại Đền thờ Hồi giáo ở Indonesia gợi nhớ đến tuyên bố Abu Dhabi về “Tình Huynh đệ Nhân loại” mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ký với Ahmed el-Tayeb, Đại Imam của al-Azhar tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, khi ngài trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bán đảo Ả Rập vào năm 2019.
Vào thứ Năm, vị Đại Imam Indonesia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ, chỉ ra ảnh hưởng của Đền thờ Hồi giáo Istiqlal trên khắp Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.
Là Đền thờ Hồi giáo duy nhất của nhà nước Indonesia, Đền thờ Hồi giáo Istiqlal “dự kiến sẽ cung cấp hướng dẫn cho hơn một triệu Đền thờ Hồi giáo và phòng cầu nguyện rải rác trên khắp các hòn đảo của Cộng hòa Indonesia”, Đại Imam Nasaruddin Umar giải thích.
“Đền thờ Hồi giáo này cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa về tôn giáo ở Indonesia”, nhà lãnh đạo Hồi giáo nhấn mạnh.
Trong một cử chỉ đoàn kết và hữu nghị đầy cảm động khi kết thúc sự kiện, vị Đại Imam đã hôn lên đầu Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong khi Đức Giáo hoàng hôn tay của vị Đại Imam rồi chạm vào má mình.
Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ kết thúc ngày thứ ba của chuyến Tông du đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương bằng việc cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Gelora Bung Karno ở Jakarta. Vào thứ Sáu, Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ rời Indonesia để đến Papua New Guinea.
Dưới đây là một số hình ảnh:
Minh Tuệ (theo CNA)