Đức Giáo hoàng Phanxicô và các công nhân tại Genoa

Khi có được các doanh nhân giỏi trong nền kinh tế, thì các doanh nghiệp thân thiện với người dân. Khi nền kinh tế nằm trong tay các nhà đầu cơ, mọi thứ đều bị hủy hoại. Nó trở thành một nền kinh tế trừu tượng, không có gương mặt con người. Đằng sau những quyết định của các nhà đầu cơ, không có con người và khi sa thải, họ không nhìn thấy con người. Khi mất giao tiếp với khuôn mặt của những con người cụ thể, nền kinh tế trở nên không chân dung và do đó tàn nhẫn.

CNS-POPE-GENOA c

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện chuyến đi một ngày [27.5.2017] thăm Genoa vào cuối tuần này, và Ngài bắt đầu cuộc hành trình của mình tại một cuộc gặp nói chuyện với các công nhân. Họ đã gửi những câu hỏi cho Đức Thánh Cha trước vì ngài nói rằng Ngài muốn có thời gian để suy nghĩ kỹ các câu trả lời vì chủ đề công ăn việc làm là một ưu tiên hàng đầu trong thời của chúng ta.Tôi muốn nêu bật ba điều đức giáo hoàng đã nói, mặc dù toàn bộ bản văn [1] rất súc tích phong phú, tràn đầy tính liên đới. Trước tiên, Đức Giáo hoàng nói:

Một trong những căn bệnh của nền kinh tế là dần dần chuyển đổi các doanh nhân thành các nhà đầu cơ. Không bao giờ được nhầm lẫn, đánh đồng doanh nhân với các nhà đầu cơ, họ thuộc hai loại khác nhau. Nhà đầu cơ là một nhân vật giống với những điều Chúa Giêsu trong Tin Mừng gọi là người làm thuê, ngược lại với người chăn chiên tốt. Họ xem các công ty và công nhân chỉ là phương tiện để kiếm lợi nhuận, họ sử dụng công ty và công nhân để kiếm lợi, họ không yêu doanh nghiệp và công nhân. Họ không coi việc cho công nhân nghỉ việc, đóng cửa nhà máy, di chuyển doanh nghiệp đi nơi khác là vấn đề, bởi vì các nhà đầu cơ sử dụng, khai thác, “ăn tươi nuốt sống” người ta và các phương tiện để kiếm lợi nhuận cho mình.

Khi có được các doanh nhân giỏi trong nền kinh tế, thì các doanh nghiệp thân thiện với người dân. Khi nền kinh tế nằm trong tay các nhà đầu cơ, mọi thứ đều bị hủy hoại. Nó trở thành một nền kinh tế trừu tượng, không có gương mặt con người. Đằng sau những quyết định của các nhà đầu cơ, không có con người và khi sa thải, họ không nhìn thấy con người. Khi mất giao tiếp với khuôn mặt của những con người cụ thể, nền kinh tế trở nên không chân dung và do đó tàn nhẫn.

Tôi đặc biệt ưa thích phương cách Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu bật hình ảnh trong Kinh Thánh về người chăn chiên tốt. Nhưng tôi có một chút bất đồng với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây không phải là vấn đề người tốt đối lại với người xấu cho bằng vấn đề một hệ thống kinh tế khuyến khích các thái độ, các giá trị và cách hành xử chống lại Kitô giáo.

Những người ủng hộ thị trường tự do có khuynh hướng lập luận rằng nếu người ta mang các giá trị đúng đắn đến chốn thị trường, mọi sự sẽ tốt. Đối với họ, luân lý luôn luôn là một thứ gì bổ sung thêm vào, chứ không bao giờ nội tại. Nhưng hệ thống đòi hỏi một loại phong cách ứng xử khác và một tập hợp các thái độ khác hẳn với cách ứng xử và các thái độ ta thấy trong Tin Mừng. Chủ nghĩa tư bản ngày nay biến “các doanh nhân thành những nhà đầu cơ” như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói. Hệ thống buộc người ta hành xử không chút xót thương dù cho họ không hành xử như vậy.

Đáp lại một câu hỏi khác, Đức Thánh Cha được trích dẫn đã nói:

Đối thoại tại nơi làm việc cũng không kém phần quan trọng như tại các giáo xứ hay trong các hội nghị trang trọng. Các nơi chốn của Giáo Hội là các nơi chốn của cuộc sống. Ai đó có thể nói: tại sao linh mục này đến đây để kể cho chúng ta những điều này, sao không về giáo xứ mà làm! Không, tất cả chúng ta đều là dân của Thiên Chúa…. Thế giới công ăn việc làm và thế giới con người đi đôi với nhau. Thông qua công việc, người nam và người nữ được “xức dầu nhân phẩm”. Toàn bộ khế ước xã hội được xây dựng quanh thế giới công ăn việc làm. Khi có ít hoặc không có công ăn việc làm, hoặc công ăn việc làm giảm sút, thì hệ thống dân chủ bắt đầu rơi vào suy thoái, toàn bộ khế ước xã hội bắt đầu rơi vào suy thoái.

Điều luôn luôn lạ kỳ đối với tôi, đó là một số người bạn bảo thủ của chúng tôi tin rằng nhà thờ nên đưa ra lời khuyên chốn phòng ngủ nhưng nên im lặng trong phòng họp ban giám đốc. Cũng kỳ quặc không kém là phe tả hoan nghênh việc đưa luân lý đạo đức vào thế giới kinh doanh nhưng cho rằng các quan hệ tình dục là “cá nhân”, “ngoài tầm phủ sóng” của nhà thờ. Không, phẩm giá con người liên quan đến các quyết định được đưa ra trong cả phòng ngủ lẫn phòng họp và đối với Kitô giáo, phẩm giá con người luôn luôn bắt nguồn từ những gì đã được mặc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, trong Ngài chúng ta nhận ra ơn gọi đích thực của ta với tư cách là con Thiên Chúa. Ơn gọi, về bản chất, là có trước bất cứ nghề nghiệp chuyên môn nào mà chúng ta chấp nhận. Bạn có thể nói nếu ơn gọi Kitô hữu đang được sống bằng cách tham dự vào phương cách một người thể hiện nhân phẩm và nâng cao phẩm giá của các người khác. Và vì ơn gọi Kitô giáo kêu gọi chúng ta quan tâm đến công ích, Đức Giáo hoàng nhắc nhở ta rằng khi công nhân bị tấn công, nền dân chủ sẽ phải hứng chịu. Các Giám mục nên nhớ điều đó nếu các cơ quan lập pháp của GOP (ND – viết tắt của “Grand Old Party”, chỉ về Đảng Cộng Hoà”) ở các bang của họ tấn công vào các liên đoàn.

Đoạn văn cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là điều này. Đức Giáo hoàng nói:

Sự nhấn mạnh vào cạnh tranh không chỉ là sai lầm về mặt nhân học mà còn là một sai lầm về mặt kinh tế vì như thế là quên rằng doanh nghiệp đòi hỏi sự hợp tác với nhau. Khi sự cạnh tranh giữa các công nhân mang tính hệ thống, có lẽ sẽ có một lợi thế nào đó trong ngắn hạn, nhưng rút cuộc sẽ phá hoại cái cơ cấu là linh hồn của mọi tổ chức. Vì vậy, khi có khủng hoảng, công ty bị phân rẽ và sụp đổ, bởi vì không có sợi dây liên kết cùng nhau giữ nó lại. Văn hoá cạnh tranh này là một sai lầm; đó là một tầm nhìn cần được thay đổi nếu chúng ta mong muốn những điều tốt nhất cho doanh nghiệp, cho công nhân và cho nền kinh tế. Một giá trị khác, đây thực sự là một giá trị giả tạo, là chế độ nhân tài, ngày nay được người ta ca ngợi rất nhiều và rất hấp dẫn. Ngoài lòng tin của nhiều người đề xướng, chế độ nhân tài đang trở thành một sự hợp pháp hoá mang tính luân lý cho bất bình đẳng. Qua chế độ nhân tài, chủ nghĩa tư bản kiểu mới đem lại một bộ trang phục đạo đức cho sự bất bình đẳng bằng cách giải thích tài năng của con người không phải là một tặng ân mà là một công trạng, do đó xác định một hệ thống tích luỹ các ưu thế và các bất lợi thế. Người nghèo được coi là không xứng đáng, và do đó có tội. Và nếu đói nghèo là lỗi của người nghèo, thì người giàu sẽ được miễn trừ khỏi làm một cái gì. Đây là lôgic cũ mèm của các người bạn ông Gióp, những người này muốn thuyết phục ông rằng chính ông mới thật đáng trách cho nỗi bất hạnh của mình, nhưng đây không phải là lôgic của Tin Mừng và của cuộc sống. Chế độ nhân tài trong Tin Mừng được tìm thấy trong nhân vật người anh trong dụ ngôn đứa con hoang. Anh ta khinh thường thằng em của mình và cho rằng cuộc đời của nó hẳn phải là thất bại và bỏ đi, đáng đời nó. Tuy nhiên, người cha thì nghĩ rằng không có thằng con nào đáng phải ăn những thứ dành cho lợn.

Điều này là rất, rất quan trọng. Tôi không nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy có ai trực tiếp thách thức chế độ nhân tài như thế. Việc quên đi chuyện hợp tác trong khi hối hả lo cạnh tranh khiến tôi nhớ đến một điều mà David Schindler đã viết trong cuốn sách của ông, Heart of the World, Center of the Church (Trái tim của Thế giới, Trung tâm của Giáo Hội) [2], “một cái tôi trước hết (thực chất, chứ không phải tạm thời) phục vụ người khác, và do đó tìm thấy bản thân, không giống với một cái tôi trước nhất lo tìm kiếm chính mình, và do đó phục vụ người khác. Ích kỷ cho nhau không phải là quảng đại với nhau”. Một người bạn Giám mục nói với tôi rằng ông thường xuyên phải trăn trở với phương cách chúng ta có thể nối kết học thuyết xã hội của Giáo Hội tốt hơn với thần học về ân sủng. Đây là cốt lõi, để hiểu mầu nhiệm Nhập Thể, và các nhà thần học thông minh hơn tôi cần giải thích thêm.

Một người kia đọc bài nói của Đức Giáo hoàng đã hỏi tôi có phải là người đã soạn bài đó cho vị Giáo hoàng không. Không phải tôi. Nhưng tôi sẽ nói điều này. Mấy năm trước, tôi đã tranh luận với Cha Robert Sirico [3], người sáng lập Viện Acton. Đọc các lời của Đức Giáo hoàng tại Genoa, tôi không thể không cảm thấy đúng là trong những lập luận của tôi chống lại nền kinh tế tự do mà Sirico đề cao – và không chỉ Sirico mà là cả một con số ngày càng tăng các người Công giáo lỗi lạc liên kết với Viện Napa hoặc Viện Acton hoặc các trường kinh doanh khác nhau hoặc hầu hết các chi hội của Legatus (ND – tổ chức các lãnh đạo doanh nghiệp Công giáo). Tôi xin để cho bạn đọc phán xét xem tôi có đúng khi cho rằng quan điểm của Đức Thánh Cha và quan điểm của tôi có đồng điệu với nhau nhiều hơn là tư duy của một trong hai chúng tôi với những nhà kinh tế tự do này hay không. Tôi đã nói vào lúc đó:

Chúng ta hãy nhìn vào cách ứng xử mà thị trường đòi. Thị trường đề cao những giá trị gì? Ai là những người chủ xướng? Thị trường đề cao người thân tự lập thân (self-made man), chứ không phải người đề cao tinh thần liên đới. Thị trường, gốc rễ vốn cắm sâu trong chủ thuyết Calvin, đề cao tinh thần cần kiệm và sự tiết chế, không phải là tính quảng đại cho không biếu không. Thị trường đòi hỏi sự tự khẳng định chính mình, không tự đầu hàng. Thị trường toàn những hoạt động và hoạt động, không chút gì chiêm niệm ở đây. Thị trường chứng tỏ cho thấy sự cạnh tranh không hợp tác …. Ta hãy nói hai năm rõ mười: không có gì hay đổi thay, không có gì là thân tự lập thân, không có gì là cần kiệm hay tiết chế, không có gì là tự khẳng định quyết đoán, không có gì cạnh tranh ganh đua, không có gì là tham lam hay tự tư tự lợi trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài. Các đặc tính cá nhân mà thị trường đòi hỏi và xiển dương không thể nhận thấy trong cuộc đời của Người mà đặc tính hiển nhiên nhất là sự hoàn toàn tuân phục thánh ý của Cha Ngài, cũng không thể tìm thấy trong cuộc đời của Mẹ Ngài. Điều này còn sâu sắc hơn luân lý. Đó chính là lập trường mà con người phải có đối với thực tại. Nếu bạn hiểu sai điều này, bạn có khuynh hướng hiểu sai mọi thứ, đó là lý do tại sao Giáo hoàng Piô XI rất nổi tiếng với việc mệnh danh nền kinh tế tự do là một “con suối bị nhiễm độc”. Các nhà kinh tế học tự do chủ trương tư lợi đã sai, như đã nói trên, khi tìm cách cố gắng biến tư lợi thành một đức tính. Họ hiểu sai về công ích, về mục tiêu phổ quát của tài sản, về các nghĩa vụ của chúng ta đối với môi trường, về sự cần thiết phải thay đổi các lối sống phương Tây.

Tôi không biết các giám mục có tham dự sự kiện mùa hè Acton thường niên không, nhưng có rất nhiều giám mục sẽ tham dự sự kiện của Viện Napa vào mùa hè này. Tôi không phản đối các giám mục ‘treo cổ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến, nhưng ta hãy rõ ràng: Những người tiếp tục tuyên bố có một phương cách để “rửa tội” thị trường tự do như nó được trải nghiệm ngày nay là những người bất đồng chính kiến, thuần khiết và đơn giản. Bản văn mà Đức Thánh Cha đọc trước các công nhân ở Genoa này chứng tỏ sự sai lầm của chương trình nghị sự tư bản chủ nghĩa của họ.

Michael Sean Winters 30.5.2017

Đinh Quang Bàn chuyển ngữ

[Michael Sean Winters phụ trách mục quan hệ tôn giáo và chính trị cho tờ National Catholic Reporter]

[1] http://www.lastampa.it/2017/05/27/vaticaninsider/eng/the-vatican/the-pope-who-lays-off-and-relocates-is-not-a-businessperson-but-a-speculator-61OD86nXmorfUb8kSxT6VI/pagina.html


[2] http://www.eerdmans.com/Products/3985/heart-of-the-world-center-of-the-church.aspx

[3] https://vimeo.com/58702718

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết