Hôm Chúa nhật, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại lời dạy của Chúa Giêsu rằng quyền lục thực sự được tìm thấy bằng cách chăm sóc người khác, chứ không phải bằng cách bóc lột hoặc lợi dụng họ.
“Với một lời đơn giản nhưng quả quyết, Chúa Giêsu đổi mới cách sống của chúng ta. Người dạy chúng ta rằng quyền lực thực sự không nằm ở sự thống trị của kẻ mạnh nhất mà nằm ở việc chăm sóc những người yếu thế nhất”, Đức Giáo hoàng nói trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin hàng tuần của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật ngày 22 tháng 9.
“Sức mạnh thực sự”, Đức Gióa hoàng Phanxicô nhấn mạnh, “là chăm sóc những người yếu thế nhất; điều đó làm cho bạn trở nên vĩ đại”.
Đức Giáo hoàng đã đưa ra bài suy tư ngắn gọn về bài Tin Mừng Chúa nhật từ cửa sổ của Điện Tông Tòa nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, nơi hàng ngàn người đã tụ tập để gặp gỡ Đức Giáo hoàng và hiệp ý cầu nguyện cùng với ngài.
Sau khi chủ sự giờ Kinh Truyền Tin bằng tiếng Latin, Đức Giáo hoàng đã tưởng nhớ đến một người đàn ông Công giáo đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ những người yếu thế: Juan Antonio López, một nhà hoạt động vì môi trường Công giáo đã bị giết hại sau khi rời khỏi nhà thờ của mình ở Tocoa, đông bắc Honduras vào ngày 14 tháng 9.
Ngoài công việc bảo vệ môi trường, ông López còn là đại biểu của Lời Chúa tại Giáo phận Trujillo, nơi mà với sự cho phép của Đức Giám mục địa phương, ông sẽ chủ sự các buổi cử hành tôn vinh Lời Chúa, bao gồm việc công bố Tin Mừng và cho Rước lễ với Mình Thánh đã được các Linh mục truyền phép trước đó. Các đại biểu Lời Chúa phục vụ tại những nơi mà các Linh mục ít khi đến thăm.
Ông López cũng là điều phối viên công lý xã hội của Giáo phận Trujillo, một thành viên sáng lập của hội đồng sinh thái toàn diện và là thành viên của Ủy ban thành phố về bảo vệ tài sản chung và công cộng của Tocoa. Người chồng và người cha Công giáo này được biết đến với việc bảo vệ công trình sáng tạo và quyền của người nghèo và người bản địa trước hoạt động khai thác môi trường ở Honduras.
“Tôi cùng chia buồn với Giáo hội và lên án mọi hình thức bạo lực”, Đức Giáo hoàng nói. “Tôi gần gũi với những người chứng kiến các quyền cơ bản của mình bị chà đạp và những người làm việc vì công ích để đáp lại tiếng kêu cứu của người nghèo và trái đất”.
“Có biết bao nhiêu người đang đau khổ và chết vì những cuộc đấu tranh giành quyền lực”, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ trong bài suy niệm trước khi đọc Kinh Truyền Tin. “Đó là cuộc sống mà thế gian từ chối, như thế gian đã từ chối Chúa Giêsu… Khi Chúa Giêsu bị trao nộp vào tay con người, Người không tìm thấy một cái ôm mà thay vào đó là một cây thập giá. Tuy nhiên, Tin Mừng vẫn là một lời sống động và đầy hy vọng: Đấng bị từ chối đã sống lại; Ngài là Thiên Chúa!”.
Trong thông điệp của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mô tả cảnh tượng trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật: “Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 9:30-37) kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng đã loan báo những gì sẽ xảy ra vào thời đỉnh điểm của cuộc đời của Người: ‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, và họ sẽ giết chết Người; và khi Người bị giết, sau ba ngày, Người sẽ sống lại’”.
“Tuy nhiên, các môn đệ, trong khi họ đang di theo Thầy, lại có những điều khác nảy sinh trong tâm trí và trên môi miệng của họ”, Đức Giáo hoàng chỉ ra. “Khi Chúa Giêsu hỏi họ đang bàn tán về điều gì, họ không trả lời”.
Sự im lặng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý, nói lên điều gì đó. “Các môn đệ im lặng vì họ đang thảo luận xem ai là người lớn hơn cả. Thật là trái ngược với lời của Chúa Giêsu! Trong khi Chúa Giêsu tâm sự với họ về ý nghĩa cuộc sống của Người, thì họ lại nói về quyền lực”.
Đức Giáo hoàng lưu ý đến lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu đã minh họa quan điểm của mình bằng cách ôm một đứa trẻ và nói với các môn đệ rằng: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
“Đứa trẻ không có sức mạnh; nó có nhu cầu”, Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta, tất cả chúng ta, đều nhận thức vì chúng ta được chào đón, nhưng quyền lực làm chúng ta quên mất sự thật này. Khi đó, chúng ta trở thành những kẻ thống trị, không phải là những người phục vụ, và những người đầu tiên phải chịu đau khổ vì điều đó là những người rốt hết: những người nhỏ bé, những người yếu thế, những người nghèo khổ”.
Minh Tuệ (theo CNA)