Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về chiến tranh Gaza, thỏa thuận với Trung Quốc, lạm dụng tình dục và nhiều vấn đề khác trên chuyến bay trở về Rôma

Đức Giáo hoàng Phanxicô mỉm cười với các nhà báo khi kết thúc cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rôma vào ngày 13 tháng 9 năm 2024, sau khi thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore. (Ảnh: CNS/ Lola Gomez)

Đức Giáo hoàng Phanxicô mỉm cười với các nhà báo khi kết thúc cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rôma vào ngày 13 tháng 9 năm 2024, sau khi thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore. (Ảnh: CNS/ Lola Gomez)

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tổ chức cuộc họp báo kéo dài 42 phút trên chuyến bay từ Singapore trở về Rôma vào ngày 13 tháng 9, kết thúc chuyến hành trình kéo dài 12 ngày tới Châu Á và Châu Đại Dương.

Không có gì ngạc nhiên khi Đức Giáo hoàng Phanxicô trông có vẻ hơi mệt mỏi sau chuyến Tông du kéo dài này. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đến 4 quốc gia—Indonesia, Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore—nhằm khuyến khích cộng đồng Công giáo của họ và đồng thời củng cố mối quan hệ với chính phủ và các cộng đồng tôn giáo khác.

Bất chấp gia đoạn của rất nhiều biến động, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề, từ lời khuyên dành cho người Công giáo bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho đến cuộc chiến ở Gaza, vụ việc lạm dụng của Linh mục Abbé Pierre ở Pháp, mối quan hệ với Trung Quốc, chuyến viếng thăm có thể xảy ra tới Argentina, tình hình ở Venezuela, quyết định không đề cập đến án tử hình ở Singapore và vấn đề biến đổi khí hậu.

Trên: Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự trong một cuộc họp tại Dinh Tổng thống ở Dili, Timor-Leste, ngày 9 tháng 9 năm 2024. (Ảnh CNS/Lola Gomez) Dưới: Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, bên trái, và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận Tổng thống của ABC News tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, thứ Ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024, tại Philadelphia (Ảnh: AP/ Alex Brandon)

Trên: Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự trong một cuộc họp tại Dinh Tổng thống ở Dili, Timor-Leste, ngày 9 tháng 9 năm 2024. (Ảnh CNS/Lola Gomez) Dưới: Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, bên trái, và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc tranh luận Tổng thống của ABC News tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, thứ Ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024, tại Philadelphia (Ảnh: AP/ Alex Brandon)

Một nhà báo người Ý đã nêu vấn đề về cuộc chiến ở Gaza, mà chỉ trong 3 tuần nữa và sẽ kéo dài được một năm. Ông lưu ý rằng một vụ đánh bom gần đây tại một khu vực nhân đạo ở Gaza đã khiến 19 người thiệt mạng, bao gồm một số nhân viên của Liên Hợp Quốc. Nhà báo người Ý hỏi Đức Giáo hoàng: “Ngài cảm thấy thế nào vào thời điểm này, và ngài muốn nói gì với các bên đang xảy ra chiến tranh? Liệu cuối cùng Tòa Thánh có thể đứng ra làm trung gian để đạt được lệnh ngừng bắn và hòa bình như mong muốn không?”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do cho các con tin và cung cấp viện trợ nhân đạo cũng như hỗ trợ y tế cho người Palestine ở Gaza kể từ cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10, đã trả lời: “Tòa Thánh đang nỗ lực làm việc [vì hòa bình]”. Ngài cũng cho biết thêm rằng: “Mỗi ngày tôi đều gọi điện đến Gaza, hầu như mỗi ngày, Giáo xứ ở Gaza. Bên trong đó, tại Giáo xứ và trong trường đại học, có 600 người, cả các Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Họ sống với nhau như anh chị em. Họ kể cho tôi nghe những điều tồi tệ, những điều khó khăn”.

Đề cập đến vụ đánh bom được nhà báo đề cập, Đức Giáo hoàng nói: “Tôi không thể nói liệu hành động chiến tranh này có quá đẫm máu hay không. Nhưng, khi bạn nhìn thấy xác của những đứa trẻ đã bị giết, khi bạn nhìn thấy giả định rằng có những chiến binh du kích [bị gắn vào vụ việc đó] và khi bạn nhìn thấy họ đánh bom một trường học, thì điều này quả thực vô cùng tồi tệ”.

Đức Giáo hoàng kết luận, “Tôi rất tiếc khi phải nói điều này, nhưng tôi không nghĩ họ đang tìm ra các bước để tạo ra hòa bình”.

Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm Verona vào tháng 7, ngài đã gặp gỡ hai người cha—một người Do Thái, một người Palestine—cả hai đều đã mất người thân trong chiến tranh. “Cả hai đều nói về hòa bình”, Đức Giáo hoàng nói. “Họ đã ôm lấy nhau, và họ đã đưa ra lời chứng về tình huynh đệ”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Tôi nói rằng tình huynh đệ quan trọng hơn việc giết hại một người anh em. Tình huynh đệ… chìa tay ra giúp đỡnhau. Cuối cùng, người chiến thắng trong cuộc chiến sẽ bị đánh bại thảm hại. Chiến tranh luôn là một sự thất bại, luôn không có ngoại lệ, và chúng ta không thể quên điều đó. Vì lý do này, mọi thứ được thực hiện vì hòa bình đều quan trọng”.

Một nhà báo người Pháp đã hỏi Đức Giáo hoàng hai câu hỏi. Đầu tiên, ngài có đến Paris để dự lễ tái khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris vào tháng 12 như nhiều người mong đợi không? Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời ngắn gọn: “Tôi sẽ không đến Paris! Tôi sẽ không đến Paris”. Ngài không đưa ra lý do cho quyết định của mình.

Nhà báo sau đó nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng đã nói về việc lạm dụng trẻ em ở Timor Leste và nói rằng: “Tất nhiên, chúng tôi [các nhà báo] đã nghĩ đến Đức Giám mục Belo”, mặc dù Đức Giáo hoàng không bao giờ nhắc đến ông. (Đức Giám mục Carlos Ximenes Belo là một anh hùng của phong trào giành độc lập của Timor Leste; chỉ đến năm 2022, những cáo buộc rằng vị Giám chức đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên mới được biết đến rộng rãi) Nhà báo này cho biết rằng có một trường hợp tương tự ở Pháp, đó là trường hợp của Linh mục Abbé Pierre, người sáng lập nổi tiếng của Cộng đồng Emmaus dành cho người vô gia cư và người tị nạn và cựu đại biểu Quốc hội Pháp, người đã bị cáo buộc quấy rối tình dục sau khi qua đời. Ông cho biết trong cả hai trường hợp, “sức hút của họ khiến người ta khó tin hơn vào hành vi lạm dụng mà họ đã gây ra”.

Ông hỏi Đức Giáo hoàng: “Vatican biết gì về Linh mục Abbé Pierre, và Đức Giáo hoàng có thể nói gì với các nạn nhân và dân chúng nói chung, những người thấy khó tin rằng một người đã làm nhiều việc tốt như vậy cũng có thể làm điều sai trái?”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời: “Bạn đã chạm đến một vấn đề hết sức nhức nhối và rất tế nhị. Những người tốt, những người làm những điều tốt đẹp—bạn đã nêu tên Linh mục Abbé Pierre—và sau đó, với rất nhiều điều tốt đẹp đã làm, người ta thấy rằng người này là một tội nhân xấu xa”.

“Đây là tình trạng con người của chúng ta”, Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta không được nói, ‘Hãy giấu đi, che lại để điều này không bị ai nhìn thấy’. Những tội lỗi công khai là điều công khai và cần phải bị lên án. Ví dụ, Linh mục Abbé Pierre là một người đã làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng ông cũng là một tội nhân. Chúng ta phải nói rõ ràng về những điều này và không bao che”.

Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về nỗ lực của Giáo hội nhằm xóa bỏ vấn nạn lạm dụng. “Công việc chống lạm dụng là điều mà tất cả chúng ta phải làm”, Đức Giáo hoàng nói. “Nhưng không chỉ chống lại vấn nạn lạm dụng tình dục mà còn chống lại mọi hình thức lạm dụng khác: lạm dụng trong xã hội, lạm dụng trong lĩnh vực giáo dục nhằm thay đổi suy nghĩ của mọi người, tước đi quyền tự do”.

“Theo tôi, lạm dụng là một điều gì đó thuộc về ma quỷ vì mọi hình thức lạm dụng đều phá hủy phẩm giá của con người”, Đức Giáo hoàng nói. “Mọi hình thức lạm dụng đều tìm cách hủy hoại bản chất của mỗi chúng ta, hình ảnh của Thiên Chúa”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết ngài không biết Vatican lần đầu biết đến vụ việc của Linh mục Abbé Pierre khi nào vì khi đó ngài không có mặt ở Vatican.

Phóng viên người Argentina, Elisabetta Piqué, kể với Đức Giáo hoàng rằng trong suốt chuyến đi, nhiều người đã hỏi bà rằng liệu Đức Giáo hoàng có về quê hương của ngài không. Phóng viên Elisabetta nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng đã nói rằng ngài có thể đi Argentina vào cuối năm và hỏi: “Ngài sẽ trở về thăm Argentina chứ?”. Đức Giáo hoàng Phanxicô không trả lời “không” ngay lập tức như ngài đã nói về việc đi Paris, nhưng ngài cũng không nói “có”. Đức Giáo hoàng trả lời: “Đó là điều vẫn chưa được quyết định. Tôi muốn đi, phải vậy không? Đó là dân tộc của tôi, tôi muốn đi, nhưng vẫn chưa quyết định. Có một số điều cần phải giải quyết trước”.

Phóng viên Elisabetta tiếp tục hỏi, như nhiều nhà báo ở Tây Ban Nha đang thắc mắc, liệu nếu ngài đến Argentina, ngài có dừng chân ở Quần đảo Canary không. Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời: “Bạn đang đọc được suy nghĩ của tôi. Tôi đang nghĩ một chút về việc đến Quần đảo Canary. Có những tình huống người di cư ra biển, và tôi muốn gần gũi với họ, với chính phủ và người dân Canary”.

Phóng viên người Argentina cũng nói về tình hình căng thẳng ở Venezuela, nơi người được cho là chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống đã bỏ trốn khỏi đất nước, và hỏi Đức Giáo hoàng muốn gửi thông điệp gì tới người dân Venezuela. “Thông điệp tôi muốn gửi đến chính phủ là: hãy đối thoại và kiến tạo hòa bình”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Chế độ độc tài không phục vụ và sẽ kết thúc một cách tồi tệ, không trước thì sau. Hãy đọc lịch sử của Giáo hội. Tôi nói điều này với chính phủ và tất cả mọi người: hãy tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình ở Venezuela. Tôi không muốn đưa ra ý kiến ​​chính trị vì tôi không biết chi tiết. Tôi biết các Giám mục đã lên tiếng, và thông điệp của các Giám mục sẽ tốt hơn”.

Một nhà báo người Đức lưu ý rằng trong chuyến Tông du tới Châu Á và Châu Đại Dương, Đức Giáo hoàng đã có bài phát biểu mạnh mẽ về vấn đề bạo lực, và hỏi tại sao ngài không nói về án tử hình ở Singapore, nơi mà ngay cả những tội phạm ma túy không sử dụng bạo lực cũng phải đối mặt với án tử hình. “Tôi không nghĩ đến điều đó”, Đức Giáo hoàng nói. Nhưng, ngài nói, “án tử hình không hiệu quả. Dần dần chúng ta phải nỗ lực xóa bỏ nó. Một cách từ từ. Có nhiều quốc gia áp dụng án tử hình. Ở Hoa Kỳ, cũng có cùng lập luận. Cũng như ở các tiểu bang khác. Cần phải chấm dứt án tử hình. Nó không hiệu quả”.

Một nhà báo người Ý đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến Trung Quốc, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trả lời một câu: Liệu ngài có hài lòng với kết quả của thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc, thỏa thuận sẽ được gia hạn vào cuối năm nay hay không.

“Tôi hài lòng với cuộc đối thoại với Trung Quốc”, Đức Giáo hoàng nói. “Kết quả tốt đẹp. Về việc bổ nhiệm các Giám mục, chúng tôi đang nỗ lực làm việc với tinh thần thiện chí. Tôi đã nghe về mọi việc đang diễn ra từ Phủ Quốc Vụ Khanh, và tôi rất hài lòng”.

“Đối với tôi, Trung Quốc là một giấc mơ, theo nghĩa là tôi muốn đến thăm Trung Quốc”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Đó là một đất nước tuyệt vời. Tôi ngưỡng mộ Trung Quốc. Tôi tôn trọng Trung Quốc”. Nhắc lại với sự ngưỡng mộ nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc, Đức Giáo hoàng kết luận, “Trung Quốc là một sự hứa hẹn và hy vọng cho Giáo hội”.

Một nhà báo Indonesia đã hỏi Đức Giáo hoàng rằng ngài nghĩ gì về thực tế là một số quốc gia đang bắt đầu từ bỏ các cam kết đối với thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris vì lý do kinh tế sau đại dịch, và một số quốc gia khác vẫn còn ngần ngại chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trả lời: “Tôi nghĩ rằng vấn đề khí hậu quả thực hết sức nghiêm trọng. Từ cuộc họp ở Paris… các cuộc họp về khí hậu đã suy giảm. Họ nói, nhưng họ chẳng hành động gì cả. Đây là ấn tượng của tôi. Về điều này, tôi đã nói trong hai văn kiện của mình, Laudato Si’ Laudate Deum’”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết