Đức Giáo hoàng Phanxicô: ‘Luxembourg có thể là hình mẫu của của sự hợp tác vì hòa bình’

Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên trong chuyến thăm kéo dài tám giờ đồng hồ tới Luxembourg, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quốc gia nhỏ bé nằm ở trung tâm châu Âu này trong việc thúc đẩy sự thống nhất và hòa bình của châu Âu, đồng thời lên án chủ nghĩa dân tộc và chiến tranh đang trỗi dậy.

“Luxembourg có thể cho mọi người thấy lợi ích của hòa bình trái ngược với nỗi kinh hoàng của chiến tranh… và lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trái ngược với hậu quả có hại của việc cứng rắn hóa lập trường và việc theo đuổi lợi ích riêng một cách ích kỷ, thiển cận hoặc thậm chí là bạo lực”.

Khi đặt chân đến Đại công quốc Luxembourg vào sáng hôm thứ Năm, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích chính quyền địa phương duy trì cam kết lâu dài của mình đối với hòa bình và xây dựng “một châu Âu thống nhất và huynh đệ” trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và chiến tranh đang đe dọa lục địa này.

Vai trò lịch sử của Luxembourg trong việc thúc đẩy hòa bình và thống nhất ở Châu Âu

Phát biểu trước các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại công quốc ở cung điện Cercle Cité, Đức Giáo hoàng Phanxicô đãnhắc lại rằng Luxembourg thường xuyên tự nhận thấy mình ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của châu Âu và thừa nhận vai trò quan trọng của đất nước này trong việc thúc đẩy hòa bình và thống nhất ở châu Âu sau sự tàn phá của Thế chiến II, với tư cách là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu.

“Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một sự thất bại. Thật đáng buồn khi thấy rằng ở một quốc gia châu Âu, khoản đầu tư tạo ra nhiều thu nhập nhất lại là sản xuất vũ khí”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô ca ngợi “cơ cấu dân chủ vững chắc” của nước này, vốn thúc đẩy phẩm giá con người và công ích, cho phép quốc gia nhỏ bé nằm ở trung tâm châu Âu này phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

“Thật vậy”, Đức Giáo hoàng lưu ý, “không phải diện tích lãnh thổ hay số lượng cư dân là điều kiện tiên quyết để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, hay trở thành trung tâm kinh tế và tài chính”.

Sự giàu có bao gồm trách nhiệm đối với người nghèo

Dựa trên lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến Tông du tới Luxembourg vào năm 1985, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại sự cần thiết của sự đoàn kết giữa các quốc gia, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các nước nghèo.

Đức Giáo hoàng khuyến khích Luxembourg trong vai trò là “ngã tư văn hóa quan trọng” tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy hợp tác trên toàn cầu, để “tất cả mọi người có thể trở thành nhân vật chính trong một quá trình phát triển toàn diện có tổ chức”, phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội.

Đức Giáo hoàng đặc biệt kêu gọi một mô hình phát triển tôn trọng môi trường và phản đối sự loại trừ xã ​​hội, đồng thời nhắc nhở các khán thính giả rằng “việc sở hữu của cải đi kèm với tinh thần trách nhiệm”.

“Để sự phát triển được chân thực và toàn diện, chúng ta không được cướp bóc hoặc làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta không được bỏ rơi những người dân hoặc nhóm xã hội ở bên lề”.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia giàu có như Luxembourg trong việc giúp đỡ các nước kém phát triển thoát khỏi đói nghèo, đồng thời “đảm bảo giảm số lượng người buộc phải di cư”.

Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng lưu ý, Đại công quốc, với lịch sử và dân số đa văn hóa, có thể trở thành hình mẫu về sự chào đón và hòa nhập người di cư và người tị nạn.

Phát biểu ngẫu hứng, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc lại nhu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh đang giảm ở châu Âu: “Chúng ta cần nhiều trẻ em hơn! Chúng là tương lai của chúng ta”, Đức Giáo hoàng nói.

Cần có những giá trị tinh thần để chống lại “sự ngu ngốc” của chiến tranh

Nói về tình hình bi thảm hiện nay trên thế giới, Đức Giáo hoàng Phanxicô lên án sự tái diễn của các cuộc xung đột đẫm máu thậm chí ngay cả ở châu Âu, điều này cho thấy nhân loại có xu hướng “bỏ quên” quá khứ, thường xuyên quay trở lại “con đường bi thảm của chiến tranh”.

Để ngăn chặn lý trí khuất phục trước “sự ngu ngốc” này, Đức Giáo hoàng nhận xét rằng “chúng ta cần hướng mắt lên cao”, và các dân tộc cùng các nhà lãnh đạo của họ cần được “thúc đẩy bởi các giá trị tinh thần cao quý và sâu sắc”. Chính những giá trị này, ngài nói, cho phép chúng ta không rơi vào những sai lầm tương tự của quá khứ, thậm chí còn tệ hơn ngày nay “bởi sức mạnh công nghệ lớn hơn mà con người hiện đang sở hữu”.

Tái khẳng định cam kết của Giáo hội trong việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ lấy cảm hứng từ Tin Mừng, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng Luxembourg có thể cho mọi người thấy lợi ích của hòa bình trái ngược với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, cũng như lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia.

Đức Giáo hoàng một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia “một cách kiên quyết” vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết những khác biệt, cùng với “ý chí tìm kiếm sự thỏa hiệp danh dự, không làm suy yếu bất cứ điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hòa bình cho tất cả mọi người”.

“Với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ, và thay mặt cho Giáo hội, vốn là chuyên gia về nhân loại, tôi hiện diện nơi đây để làm chứng rằng Tin Mừng chính là nguồn sống và là sức mạnh luôn mới mẻ của sự đổi mới cá nhân và xã hội”.

“Phục vụ”

Kết thúc bài phát biểu, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của ngài “Pour servir” – “Phục vụ” – ám chỉ sứ mệnh của Giáo hội, nhưng áp dụng cho tất cả mọi người như một nhiệm vụ cao cả và cách sống cần tuân theo mỗi ngày. Ngay cả những người không có đức tin, ngài nói thêm, “cũng nên làm việc vì anh em mình, làm việc cho đất nước mình, làm việc cho xã hội. Đây là đường hướng dành cho tất cả mọi người, luôn vì thiện ích chung!”.

“Xin Chúa ban cho anh chị em luôn phục vụ với tấm lòng vui tươi và tinh thần quảng đại”, Đức Giáo hoàng Phanxicô kết luận.


Thiên Ân (theo Vatican News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết