
Đức Giáo hoàng Phanxicô ký Lời kêu gọi Hòa bình năm 2020 tại Rome (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Lời kêu gọi Hòa bình đã được Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo trên thế giới ký tại Rôma tại Hội nghị Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình “Không ai được cứu một mình – Hòa bình và Tình huynh đệ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới đã tập trung tại Rome hôm thứ Ba ngày 20 tháng 10 để tham dự Hội nghị Hòa bình quốc tế và liên tôn do Cộng đồng Saint Egidio tổ chức.
Hiện diện tại Hội nghị tại Quảng trường Capitoline tại Rome, cũng có sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị, những người đã nhận được, một cách tượng trưng, văn bản Lời kêu gọi Hòa bình năm 2020.
Lời kêu gọi Hòa bình năm 2020
Cùng nhau quy tụ tại Rome, theo “tinh thần Assisi”, và được liên kết về mặt tinh thần với các tín đồ trên toàn thế giới và tất cả những người có tinh thần thiện chí, chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện để cầu xin cho thế giới của chúng ta món quà hòa bình. Chúng tôi đã kêu gọi lưu tâm đến những vết thương của nhân loại, chúng tôi cũng hiệp ý với những lời cầu nguyện thầm lặng của rất nhiều anh chị em đau khổ của chúng ta, tất cả đều thường xuyên không được lắng nghe và vô danh. Giờ đây, chúng tôi long trọng cam kết thực hiện và đề xuất với các nhà lãnh đạo của các quốc gia và tất cả mọi công dân trên thế giới Lời kêu gọi Hòa bình.
Trên Đồi Capitoline này, sau cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử, các quốc gia từng trải qua chiến tranh đã lập một hiệp ước dựa trên giấc mơ về sự thống nhất mà sau này đã trở thành hiện thực: giấc mơ về một châu Âu thống nhất. Ngày nay, trong những thời điểm không chắc chắn này, khi chúng ta cảm nhận được những tác động của đại dịch Covid-19 vốn đe dọa hòa bình bằng cách làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và nỗi sợ hãi, chúng tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng không ai có thể được cứu một mình: không có người nào, không có cá nhân nào!
Chiến tranh và hòa bình, đại dịch và vấn đề chăm sóc y tế, nạn đói kém và khả năng tiếp cận lương thực, vấn đề nóng lên toàn cầu và sự phát triển bền vững, vấn đề di cư của người dân, việc loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân và giảm bớt sự bất bình đẳng: đây không phải là những vấn đề chỉ liên quan đến từng quốc gia riêng lẻ. Ngày nay, chúng ta nhận thức được điều này một cách rõ hơn, trong một thế giới được kết nối đầy đủ, nhưng thường thiếu cảm giác về tinh thần huynh đệ. Tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau! Chúng ta hãy cầu nguyện với Đấng Tối Cao ngõ hầu, sau thời gian thử thách này, có thể không còn “những người khác” nữa, mà thay vào đó, là một “chúng ta” hết sức tuyệt vời, phong phú trong sự đa dạng. Đã đến lúc để một lần nữa mạnh dạn mơ ước rằng hòa bình là hoàn toàn có thể xảy ra, điều đó là vô cùng cần thiết, một thế giới không có chiến tranh không phải là điều không tưởng. Đây chính là lý do tại sao chúng ta muốn một lần nữa thốt lên: “Đừng để chiến tranh xảy ra nữa”!
Đáng buồn thay, đối với nhiều người, chiến tranh một lần nữa dường như là một trong những phương tiện khả thi để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế. Không phải vậy. Trước khi quá muộn, chúng tôi xin nhắc tất cả mọi người rằng chiến tranh luôn khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn. Chiến tranh là một sự thất bại của hoạt động chính trị và của nhân loại.
Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ từ chối ngôn ngữ của sự chia rẽ, thường dựa trên sự sợ hãi và ngờ vực, và tránh dấn thân vào những con đường không thể quay trở lại. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào các nạn nhân. Tất nhiên là đã có quá nhiều xung đột.
Đối với các nhà lãnh đạo của các quốc gia, chúng tôi muốn nói rằng: chúng ta hãy cùng cộng tác với nhau để tạo ra một kiến trúc hòa bình mới. Chúng ta hãy cùng nhau hợp lực để thúc đẩy cuộc sống, y tế, giáo dục và hòa bình. Đã đến lúc cần phải chuyển hướng các nguồn lực được sử dụng để sản xuất các loại vũ khí hủy diệt và chết chóc hơn bao giờ hết sang việc lựa chọn sự sống và chăm sóc nhân loại cũng như ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta đừng lãng phí thời gian! Chúng ta hãy bắt đầu với những mục tiêu có thể đạt được: chớ gì chúng ta có thể ngay lập tức phối hợp mọi nỗ lực của mình để ngăn chặn sự lây lan của vi rút cho đến khi có một loại vắc xin phù hợp và có sẵn cho tất cả mọi người. Đại dịch đang nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là anh chị em ruột thịt.
Đối với tất cả các tín hữu, và những người có tinh thần thiện chí, chúng tôi muốn nói rằng: chúng ta hãy trở thành những nghệ nhân sáng tạo của hòa bình, chúng ta hãy xây dựng tinh thần hữu nghị xã hội, chúng ta hãy tự làm cho nền văn hóa của chúng ta trở thành nền văn hóa đối thoại. Cuộc đối thoại trung thực, kiên trì và can đảm chính là liều thuốc giải độc cho sự ngờ vực, chia rẽ và bạo lực. Đối thoại ngay từ đầu đã loại bỏ những lập luận về các cuộc chiến tranh vốn phá hủy tinh thần huynh đệ mà gia đình nhân loại của chúng ta được mời gọi.
Không ai có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi điều này. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chung. Tất cả chúng ta cần phải tha thứ và được tha thứ. Những bất công của thế giới và lịch sử không được hàn gắn bằng sự thù hận và trả thù, mà bằng việc đối thoại và tha thứ.
Nguyện xin Thiên Chúa khơi dậy trong chúng ta sự cam kết với những lý tưởng này và cuộc hành trình mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện. Chớ gì Thiên Chúa đánh động mọi tâm hồn và làm cho chúng ta trở thành những sứ giả của hòa bình.
Rome, Đồi Capitoline, ngày 20 tháng 10 năm 2020
Minh Tuệ (theo Vatican News)