
Đức Giáo hoàng Phanxicô và Linh mục Georges Breidi, một linh mục Lebanon, cầm quốc kỳ Lebanon khi họ cầu nguyện trong buổi tiếp kiến chung tại sân San Damaso ở Vatican vào ngày 2 tháng 9 năm 2020 (Ảnh: UPDATE IMAGES PRESS / Isabella Bonotto / MaxPPP)
“Lebanon không thể bị bỏ rơi trong sự cô độc của nó … nó là một ví dụ về đa nguyên đối với cả phương Đông phương và Tây phương”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự liên đới với Lebanon và đồng thời kêu gọi một ngày cầu nguyện trên toàn thế giới vào thứ Sáu ngày 4 tháng 9, một tháng sau vụ nổ lớn ở Beirut làm thiệt mạng gần 200 người và gây ra sự tàn phá nghiêm trọng đối với thủ đô.
“Tất cả mọi suy nghĩ của tôi một lần nữa hướng về Lebanon và người dân của nó”, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết trong buổi Tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 2 tháng 9 tại sân San Damaso tại Vatican, nơi các buổi tiếp kiến chung đang được tổ chức do các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dừng lại trước Georges Breidi, một linh mục đang tu học tại Roma – thành viên của Dòng Thừa Sai Maronite Liban với lá cờ nước mình trong tay – và đứng bên cạnh vị linh mục này.
Trích lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, “Trước tất cả những bi kịch mà mỗi người dân trên đất nước này hiểu biết, chúng ta nhận thức được mối nguy hiểm tột độ đang đe dọa chính sự tồn tại của đất nước”.
“Lebanon không thể bị bỏ rơi trong sự cô độc của nó”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói khi cầm một góc lá cờ Lebanon, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đức tin của người dân vào Thiên Chúa.
Ngay cả trong “những thời khắc đen tối nhất của lịch sử”, người dân Lebanon vẫn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, đồng thời khen ngợi họ vì đã “thể hiện khả năng biến vùng đất nước của họ trở thành một vùng đất của sự khoan dung, sự tôn trọng và cùng tồn tại”.
“Lebanon là một thông điệp về tự do, đó là một ví dụ về chủ nghĩa đa nguyên đối với cả Đông phương và Tây phương”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Vì lợi ích của quốc gia và thế giới, chúng ta không thể để di sản này bị mai một”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích “tất cả mọi người dân Lebanon hãy kiên trì hy vọng và tập hợp sức mạnh và năng lượng cần thiết để bắt đầu lại mọi thứ”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi “các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo cam kết với sự chân thành và cởi mở với công việc tái thiết, đồng thời gác lại mọi lợi ích đảng phái và hướng tới công ích chung và tương lai của quốc gia”.
Ngài thúc giục “cộng đồng quốc tế hỗ trợ Lebanon và giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này mà không bị cuốn vào sự căng thẳng khu vực”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng kêu gọi người dân Lebanon “đừng từ bỏ ước mơ của những người tin tưởng vào buổi bình minh của một quốc gia tươi đẹp và thịnh vượng”.
Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo Giáo hội quốc gia nỗ lực dấn thân vì sự hòa hợp và công ích chung.
“Điều này sẽ chứng minh cơ sở chắc chắn cho sự hiện diện liên tục của các Kitô hữu và sự đóng góp vô giá của anh chị em cho đất nước, thế giới Ả Rập và toàn bộ khu vực, trên tinh thần huynh đệ giữa tất cả các truyền thống tôn giáo hiện có ở Lebanon”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “tất cả mọi người cùng tham gia ngày ăn chay và cầu nguyện toàn cầu cho Liban vào thứ Sáu ngày 4 tháng 9”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng mời gọi các Giáo hội Kitô giáo và các truyền thống tôn giáo khác tham gia vào sáng kiến này theo cách thức mà họ cho là thích hợp.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết Ngài có ý định cử Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin đến Lebanon vào ngày hôm đó như một biểu hiện của “sự gần gũi thiêng liêng cũng như sự liên đới” của Ngài với người dân Lebanon.
Vào ngày 4 tháng 8, một vụ nổ gây ra bởi hàng tấn amoni nitrat được lưu trữ trong một nhà kho ở cảng Beirut, đã làm thiệt hại một nửa thành phố, khiến cho 196 người thiệt mạng, 6.000 người khác bị thương và 300.000 người ngay lập tức mất nhà cửa. Vụ nổ tương đương với một trận động đất mạnh 3,3 độ Richter.
Nhưng thậm chí ngay cả trước khi vụ nổ xảy ra, Lebanon đã ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của Lebanon, trong đó đồng bảng Lebanon đã mất hơn 80% giá trị trong 8 tháng qua, dẫn đến khoảng 45% dân số Lebanon hiện đang sống dưới mức nghèo khổ. Hàng chục nghìn người đã bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương.
Đại dịch COVID-19 đã chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề về kinh tế.
Lebanon cũng sa lầy vào một cuộc khủng hoảng chính trị, với việc đất nước kể từ cuối năm 2019 chứng kiến các cuộc biểu tình hàng loạt chống lại chính phủ bị coi là tham nhũng.
Minh Tuệ (theo La Croix)