Đức Giáo hoàng Phanxicô: "Giáo hội phải dính dự vào chính trị "

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 05-06-2016 | 01:24:43

Trong bối cảnh “toàn cầu hóa sự thờ ơ”, Giáo hội được mời gọi phải dấn thân – Đức Phanxicô khẳng định. “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải dính dự  vào chính trị”, vì “như Đức Phaolô VI nói, chính trị là một trong những hình thức cao  nhất của đức ái”. Trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.

Đức Thánh Cha và Sanchez Sorondo tại Hội nghị . Ảnh: ANSA.

Đức Thánh Cha và Sanchez Sorondo tại Hội nghị . Ảnh: ANSA.

Đức Giáo hoàng đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Casina Pio IV và nói với các thẩm phán chống buôn người: hãy mang lại hi vọng cho xã hội. Ngài khen ngợi các phụ nữ phụ trách nhà tù, nói về vai trò của Liên Hợp Quốc và về nhu cầu tái hòa nhập cộng đồng.

Làm việc để đem lại niềm hy vọng cho xã hội, bằng cách phòng chống tham nhũng, và tập trung vào việc đưa những người đã từng phạm lỗi tái hội nhập xã hội, nhưng đồng thời luôn dành ưu tiên cho việc chống nạn buôn người, các hình thức mới của chế độ nô lệ và tội phạm có tổ chức. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những chủ đề đó với các thẩm phán và luật gia từ khắp nơi trên thế giới, tại hội nghị do Học viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội tổ chức, trong Casina Pio IV thuộc khuôn viên Vườn Vatican. Ngồi giữa Chưởng ấn của học viện và nhà hoạt động người Argentina Gustavo Vera, bạn của ngài từ thời ở Buenos Aires, Đức Phanxicô ca ngợi sự hợp tác với Liên hợp quốc và dành riêng lời khen ngợi để đặc biệt nhắc nhớ đến những người phụ nữ phụ trách nhà tù.

Trong bối cảnh “toàn cầu hóa sự thờ ơ”, Giáo hội – Đức Phanxicô nói bằng tiếng Tây Ban Nha – “được mời gọi dấn thân”. “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị”, vì “như Đức Phaolô VI nói, chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái”. Trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò quan trọng của Học viện Giáo hoàng về Khoa học xã hội trong những năm gần đây. Ngài cảm ơn đặc biệt ngài Chủ tịch, Margaret Archer, vị Chưởng ấn, Đức ông Marcelo Sanchez Sorondo, và biết bao người đóng góp từ bên ngoài (trong số những người ngồi ở hàng ghế đầu là nhà kinh tế Jeffrey Sachs), nhắc lại những cam kết trong những năm này về vấn đề cuộc chiến chống nạn buôn người và  các hình thức nô lệ mới như lao động cưỡng bức, mại dâm, buôn bán nội tạng, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức, “những tội ác thực sự chống lại nhân loại, như định nghĩa của Đức Bênêđictô XVI.”

Đức Phanxicô nhớ lại cuộc họp về vấn đề này với các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác, vào tháng 12 năm 2014; cuộc họp với các thị trưởng, ngày 21 tháng Bảy năm ngoái; và các buổi hội thảo với những người trẻ tuổi. “Người ta có thể nghĩ rằng một học viện thì phải vận hành ở cấp độ khoa học thuần túy, cấp độ nghiên cứu các lý thuyết, nhưng tôi nghĩ rằng các học viện nên bám rễ trong thực tế cụ thể, nếu không sẽ có nguy cơ thúc đẩy một khái niệm không vững chắc và dẫn tới hư không, một sự ly dị giữa ý tưởng và hiện thực”.

Đức Thánh Cha cám ơn các nhà luật học đang hiện diện, đánh giá cao “sứ mệnh không thể thay thế được” của họ và nhấn mạnh sự cần thiết, và đôi khi cũng là những khó khăn, của việc họ phải “có sự tự do khỏi các áp lực của các chính phủ, sự tự do của các tổ chức tư nhân và tất nhiên sự tự do trong cấu trúc tội lỗi như cách gọi của Đức Gioan Phaolô II, sự tự do khỏi các tổ chức tội phạm vốn thường gây áp lực và các mối đe dọa”.

Đức Phanxicô đã lên án nạn tham nhũng. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết bức tranh biếm họa về công lý, công lý bị bịt mắt, và dải băng rơi xuống bịt miệng công lý”.Tham nhũng, Đức Jorge Mario Bergoglio nhấn mạnh, là “một trong những vấn đề lớn hiện nay”, “làm suy yếu nền dân chủ và làm suy yếu công lý”. Đối với Đức Phanxicô, “trong hình ảnh vị thẩm phán, công lý được công nhận như là phẩm tính đầu tiên của xã hội” và trong một xã hội có xu hướng nhầm lẫn giữa dân tộc với một nhóm cư dân nào đó, “Công lý là thuộc tính thứ nhất của một xã hội thực sự của dân.”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh “sức mạnh tổng hợp quan trọng” với LHQ “để thực hiện được dự án nhân bản và Kitô giáo rất tinh tế, là giải phóng nhân loại khỏi nạn buôn người và tội phạm có tổ chức”, thể hiện sự đánh giá cao đối với sự nhất trí gần đây về các mục tiêu mới của sự phát triển bền vững và toàn diện và, đặc biệt, của quyết tâm xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025, bao gồm cả việc tuyển dụng binh lính trẻ em. “Có thể nói rằng việc thực hiện những mục tiêu này là một mệnh lệnh đạo đức cho tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc”.

Nói chung, để nâng cao nhận thức và theo đuổi những mục tiêu này, và mục tiêu cuối cùng là “hòa bình”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải có một phong trào mở rộng và tạo ra những làn sóng tốt lành bao trùm toàn xã hội, từ ngoại vi vào trung tâm và  ngược trở lại, từ các nhà lãnh đạo đến cộng đồng, từ người dân đến những người lãnh đạo cao nhất”. Đức Thánh Cha cũng tỏ ra hài hước khi ngài chào đón các đại sứ có mặt trong Casina Pio IV, thêm vào đó ngài chào cả những người vắng mặt, những người rõ ràng đã không coi hội nghị này là quan trọng …, “chúng ta chờ đợi họ tại cuộc họp tiếp theo!”

Tiếp tục suy tư về công lý, Đức Giáo hoàng tập trung vào sự phục hồi và tái hòa nhập những người đã từng phạm lỗi vào lại xã hội. “Khi chúng ta nói về công lý chúng ta không có ý định theo đuổi một công lý tự thân là trừng phạt, nhưng là sự tái giáo dục để những người đã từng làm sai có thể được hội nhập vào xã hội. Không có bản án tốt mà không mang lại hy vọng. Một hình phạt dừng lại trong chính nó và không liên kết với hy vọng, thì sẽ là sự tra tấn, chứ không phải là một phán quyết đích thật. Và lập trường của Giáo Hội là chống lại án tử hình. Một nhà thần học nói với tôi – Đức Thánh Cha thêm – rằng trong quan niệm thời trung cổ, hình phạt tử hình hướng tới hy vọng, bởi vì tử tù được trao phó cho Thiên Chúa … nhưng thời gian đã làm thay đổi điều đó!”.

Sự “kết hợp tinh tế giữa công lý và lòng thương xót” là điều có giá trị “cho những người chịu trách nhiệm về tội ác chống lại nhân loại, cho tất cả mọi người và đặc biệt là cho các nạn nhân” – Đức Giáo Hoàng nói. Các thẩm phán phải đặc biệt chú ý nhu cầu của các nạn nhân, đừng theo câu ngạn ngữ cũ “chuyện ấy có từ tạo thiên lập địa.” Nhưng cũng phải suy nghĩ về việc đưa những người đã phạm lỗi hội nhập lại xã hội. Đức Phanxico đã nhấn mạnh điểm này mà rằng: “Ấn tượng chung của tôi khi đến thăm nhà tù là nơi nào do một người phụ nữ điều hành thì nơi đó mọi sự đều tốt hơn khi người quản lý là người đàn ông: đây không phải là chuyện nữ quyền – Đức Giáo Hoàng nói – nhưng người phụ nữ có một hiệu ứng đặc biệt trong vấn đề tái hòa nhập. Có lẽ họ có thể làm việc với tình mẹ. Ngay cả ở Ý có một tỷ lệ phần trăm khá cao các nhà tù được quản lý bởi những người phụ nữ, trẻ và đáng kính trọng.” Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi “các biện pháp thu hồi tài sản mafia của Ý”, nhấn mạnh sự cần thiết phải tái hội nhập các cá nhân, “điều tốt nhất là chúng ta có thể trao họ cho cộng đồng và cho hòa bình xã hội.” Công việc, ngài nói, “không kết thúc với bản án, nhưng tiếp tục với sự đồng hành và tái hòa nhập và chữa lành cả nạn nhân lẫn thủ phạm.” Đức Bergoglio trích dẫn một đoạn Tin Mừng về các mối phúc, Matthêu 25, và kết thúc bằng một lời mời các thẩm phán “mang lại hi vọng thông qua việc thực thi công lý.”

Trả lời phỏng vấn gần đây của Vatican Radio về hội nghị này, Sanchez Sorondo cho biết: “Tham dự viên là 150 thẩm phán và những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp, những người rất quan trọng. Từ Hoa Kỳ là Trưởng Văn phòng phòng chống buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, Susan Coppedge, Cao ủy Anh chống lại chế độ nô lệ hiện đại, Kevin Hyland và công tố viên Alison Saunders, Cao ủy Hà Lan, người có vai trò giống như Kevin Hyland, gọi là Corinne Dettmeijer-Vermeulen, Cao ủy Liên Hợp Quốc chống nạn buôn người, Maria Grazia Giammarinaro, Chưởng ấn Thụy Điển Anna Skarhed, người đề xuất luật gọi là ” mô hình Bắc Âu”, đụng đến không chỉ bọn tội phạm mà còn các khách mua dâm. Trong số những người Ý có công tố viên chống mafia quốc gia Franco Roberti, tổng chưởng lý của Roma, Gianni Salvi, thẩm phán Maria Monteleone và Antonio Ingroia. Rồi đến một nhóm lớn  người Mexico – khoảng mười người- đứng đầu là Edgas Elías Azar và tất nhiên nhiều người dân Argentina, các thẩm phán quan trọng nhất đã làm việc trong lĩnh vực này, dưới sự chủ trì của người đứng đầu về công lý Argentina cũng là thẩm phán nổi tiếng Sebastián Casanello.”

Chính Đức ông người Argentina, cùng với Gustavo Vera, một vài ngày trước đã đi Madrid, gặp Thị trưởng Manuela Carmena (Podemos), để, như người ta có thể đọc thấy trong một thông cáo được công bố cũng vào dịp đó từ Palacio de Cibeles, trao đổi về “sự hỗ trợ của ngài thị trưởng cho sự kiện Vatican dự định tổ chức tại Roma vào một ngày chưa được xác định, cuộc thảo luận về vai trò của các thành phố châu Âu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn”. Thị trưởng thành phố Madrid, vốn đã có mặt tại  cuộc họp của các thị trưởng từ khắp nơi trên thế giới về phát triển bền vững tháng Bảy năm ngoái, “cam kết với vị giám chức sẽ sẵn sàng tất cả những sự hỗ trợ của tòa thị chính.” Một sáng kiến được Gustavo Vera ​​xác nhận hôm nay, bên lề hội nghị, rằng theo dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2017.

Cũng Vera đã thông báo rằng tháng chín tới, tại Vatican Giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp Pablo Iglesias và các nhà lãnh đạo khác của Podemos, đảng cánh tả Tây Ban Nha , một sự kiện có giá trị là một phần của “văn hóa gặp gỡ” mà Đức Giáo Hoàng Argentina đẩy mạnh, Vera giải thích. Tuy nhiên vào buổi tối Cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết rằng “hiện nay trong chương trình làm việc của Đức Giáo Hoàng chưa thấy ghi lịch cho sự kiện này.”

Iacopo Scarmuzzi
Ngọc Huỳnh chuyển ngữ (theo Vatican Insider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết