Đức Giáo hoàng Phanxicô đề nghị các Hồng y đạt được mục tiêu ‘thâm hụt bằng không’ trong Giáo hội Công giáo

Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta vào ngày 1 tháng 5 năm 2020, lễ Thánh Giuse Lao động (Ảnh: truyền thông Vatican)

Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện Casa Santa Marta vào ngày 1 tháng 5 năm 2020, Lễ Thánh Giuse Thợ (Ảnh: truyền thông Vatican)

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi các Hồng y nỗ lực đạt được mục tiêu “thâm hụt bằng không” trong hệ thống kinh tế của Giáo hội Công giáo thông qua việc cắt giảm chi phí, tìm kiếm nguồn lực bên ngoài và lòng quảng đại mang tinh thần Tin Mừng.

Trong một lá thư vào ngày 16 tháng 9 do Văn phòng Báo chí Vatican công bố hôm thứ Sáu, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại rằng cách đây 10 năm, cuộc cải cách Giáo triều Rôma đã bắt đầu theo tinh thần của nguyên tắc “Ecclesia semper reformanda” (“Giáo hội luôn cải cách”). Trong thời gian này, Đức Giáo hoàng chỉ ra rằng, “bất chấp những khó khăn và đôi khi là sự cám dỗ của sự bất động và cứng nhắc trước sự thay đổi, nhiều kết quả đã đạt được trong những năm này”.

Tập trung vào sự cải cách kinh tế của Tòa Thánh – “một trong những chủ đề đặc trưng nhất của các hội đồng chung trước Mật nghị” – Đức Giáo hoàng Phanxicô cho biết “giờ đây cần có thêm nỗ lực từ mọi người để ‘thâm hụt bằng không’ không chỉ là mục tiêu lý thuyết mà là mục tiêu thực sự có thể đạt được”.

Mục tiêu này dựa trên sự nhận thức rằng “các nguồn lực kinh tế phục vụ cho sứ mệnh này là có hạn và phải được quản lý một cách chặt chẽ và nghiêm túc để những nỗ lực của những người đã đóng góp vào di sản của Tòa Thánh không bị lãng phí”.

Cùng với mục tiêu không mắc nợ, Đức Giáo hoàng chỉ ra “sự cần thiết của việc mỗi tổ chức cần nỗ lực tìm kiếm nguồn lực bên ngoài để phục vụ sứ mệnh của mình, nêu gương về sự quản lý minh bạch và có trách nhiệm trong việc phục vụ Giáo hội”.

Ngoài ra, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn kêu gọi nêu gương trong việc cắt giảm chi phí bằng cách cố gắng tránh “những thứ không cần thiết” và lựa chọn ưu tiên hợp lý, “ủng hộ sự hợp tác và tương hỗ lẫn nhau”.

“Chúng ta phải nhận thức rằng ngày nay chúng ta phải đối mặt với những quyết định chiến lược mà chúng ta phải đưa ra với trách nhiệm to lớn, bởi vì chúng ta được kêu gọi đảm bảo tương lai của sứ vụ”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh.

Học hỏi từ sự liên đới gia đình

Để đạt được mục tiêu quản lý các nguồn lực tốt hơn, Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng “các tổ chức của Tòa Thánh có thể học hỏi nhiều từ tinh thần liên đới của các gia đình tốt” vốn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Như vậy, “các cơ quan có thặng dư phải đóng góp để bù đắp thâm hụt chung. Điều này đồng nghĩa với việc chăm lo cho lợi ích của các cộng đồng của chúng ta, hành động với lòng quảng đại, theo nghĩa Tin Mừng của từ này, như một điều kiện tiên quyết không thể thiếu để kêu gọi sự quảng đại từ bên ngoài”.

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng đề nghị các Hồng y đón nhận “thông điệp này với sự can đảm và tinh thần phục vụ” và đồng thời kêu gọi ủng hộ những cải cách này “với sự tin tưởng, lòng trung thành và sự quảng đại, đóng góp tích cực bằng kiến ​​thức và kinh nghiệm của mình”.

“Mỗi tổ chức của Tòa Thánh tạo thành một cơ quan duy nhất với tất cả các tổ chức khác: Do đó, sự cộng tác và hợp tác đích thực hướng tới mục tiêu duy nhất là lợi ích của Giáo hội, là điều kiện tiên quyết thiết yếu cho công việc phục vụ của chúng ta”, Đức Giáo hoàng Phanxicô kết luận.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết