Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến Tông du Châu Á - Thái Bình Dương

Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫy tay chào các tín hữu Công giáo khi ông đến Changi Jurassic Mile ở Singapore vào ngày 11 tháng 9, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến Tông du bốn quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: AFP)

Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫy tay chào các tín hữu Công giáo khi ngài đến Changi Jurassic Mile ở Singapore vào ngày 11 tháng 9, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến Tông du 4 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (Ảnh: AFP)

Hôm thứ Tư, ngày 11 tháng 9, vào lúc 14 giờ 52 phút theo giờ địa phương, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hạ cánh xuống Sân bay Changi, Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến Tông du 4 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục đích nâng cao vị thế của Giáo hội Công giáo tại khu vực đông dân nhất thế giới.

Vị Giáo hoàng 87 tuổi đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, ông Edwin Tong, và Đại sứ không thường trú của Singapore tại Vatican, bà Janet Ang, chào đón.

Đức Hồng y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, và Đức Tổng Giám mục Julian Leow Địa phận Kuala Lumpur, cùng nhiều vị khác, cũng có mặt để tiếp đón ngài.

Bên trong tòa nhà sân bay, 4 em thiếu nhi đại diện cho các nền văn hóa chính ở Singapore đã biểu diễn và chào đón Đức Giáo hoàng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Đám đông vẫy cờ Vatican và Singapore khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bước ra khỏi Sân bay Changi của thành phố này để nghỉ lại hai đêm, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến Tông du thứ 45 của ngài.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã di chuyển ra khỏi sân bay bằng xe điện trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt.

Đức Giáo hoàng đã được chào đón bởi một nhóm gồm 1.000 người Công giáo cổ vũ tại Jurassic Mile, một khu trưng bày ngoài trời mới được xây dựng cố định với các mô hình khủng long có kích thước bằng người thật.

“Viva..viva Papa Francisco (Đức Giáo hoàng Phanxicô vạn an)”, các nhóm thanh thiếu niên reo hò theo nhịp điệu, mặc những bộ trang phục màu vàng và trắng.

Người đứng đầu của 1,4 tỷ người Công giáo trên thế giới đã bay từ Dili, Timor-Leste, nơi ngài đã cử hành Thánh lễ với khoảng 700.000 người – gần một nửa dân số cả nước.

“Đây là một hành trình rất dài và mệt nhoài vì tuổi tác và tình trạng sức khỏe của Đức Giáo hoàng”, Marcus Voon, một nhân viên y tế 44 tuổi người Singapore, người dự định sẽ tham dự Thánh lễ tại sân vận động vào ngày 12 tháng 9, cho biết.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã vượt qua mọi nghi vấn về vấn đề sức khỏe của ngài trong chuyến Tông du kéo dài 11 ngày, từ một đại thánh đường Hồi giáo ở Jakarta đến một khu rừng rậm xa xôi ở Papua New Guinea.

Trong những năm gần đây, vị Giáo hoàng đau yếu đã phải phẫu thuật thoát vị và gặp phải các vấn đề về hô hấp.

Do bị căng dây chằng đầu gối, hiện tại Đức Giáo hoàng Phanxicô phải dùng xe lăn, gậy chống hoặc phải có người hỗ trợ để di chuyển.

Tuy nhiên, trong suốt chuyến đi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện hàng chục hoạt động cộng đồng, tiếp thêm năng lượng cho các cộng đoàn thông qua sự tương tác ngẫu hứng, và nhiều lần ngồi hàng giờ dưới cái nóng nhiệt đới khắc nghiệt.

‘Thông điệp về tình yêu’

Khoảng 30% người Singapore theo Phật giáo, 20% không theo tôn giáo nào và số còn lại là sự pha trộn giữa Công giáo, Tin lành, Đạo giáo và Ấn Độ giáo.

Erik Hon, một nhân viên công nghệ tài chính theo đạo Phật 45 tuổi, cho biết anh “rất vui mừng” trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng và hy vọng chuyến thăm này sẽ “truyền tải thông điệp về tình yêu, hòa bình và sự thống nhất đến mọi tầng lớp nhân loại”.

“Ngài tìm cách tiếp cận những người bị gạt ra bên lề và tăng cường đối thoại giữa những người có đức tin khác nhau và những người không có đức tin nào”.

Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể sẽ tận dụng Singapore làm bàn đạp để tiếp cận các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Đức Giáo hoàng có thể sẽ tiếp tục nhấn mạnh một số vấn đề toàn cầu vốn không chỉ liên quan đến một quốc gia nào”, Michel Chambon, một chuyên gia về Kitô giáo ở Châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

“Tầm quan trọng của sự hòa hợp liên tôn và hòa bình quốc tế, sự cần thiết của phát triển bền vững và công bằng hơn cũng như sự cần thiết phải nỗ lực mạnh mẽ hơn để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Chambon nói, gợi ý những chủ đề quen thuộc cho chặng dừng chân này của Đức Giáo hoàng.

Đối với hơn 100 triệu người Công giáo ở Châu Á, chuyến viếng thăm này khiến họ cảm thấy gắn bó với một Giáo hội thấm nhuần các phong tục và quy ước của một lục địa xa xôi.

Mặc dù Giáo hội Công giáo đã hiện diện ở châu Á trong hơn 800 năm – từ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha ở Nhật Bản đến các Giáo hội hầm trú ở Trung Quốc – giữa các tôn giáo địa phương, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa vô thần, nhưng Giáo hội Công giáo luôn là một đức tin bị loại trừ.

Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng “cho thấy rằng mặc dù Công giáo là một tín ngưỡng thiểu số ở Singapore, nhưng nó vẫn chiếm một phần lớn trong xã hội dân sự”, Veronique Dawson, một bà nội trợ 46 tuổi, cho biết.

“Thật tuyệt vời khi những người từ các tín ngưỡng và nền văn hóa khác nhau đã cùng tham gia vào chuyến viếng thăm này!”.

Mặc dù đường phố Singapore không đông đúc những người bán cờ Vatican và tràng hạt, nhưng các tín hữu Công giáo vẫn cảm thấy có cảm giác như đang tham dự một sự kiện nào đó.

Chị Dawson đang hồi phục sau chấn thương lưng nên chị phải theo dõi Thánh lễ và các sự kiện khác tại nhà.

“Tôi phải nói rằng tôi đang mắc hội chứng FOMO nghiêm trọng!”, chị Dawson nói — thể hiện nỗi sợ bị bỏ lỡ các sự kiện.

An ninh chặt chẽ tại chỗ

An ninh đã được tăng cường tại các trạm kiểm soát trên bộ, trên không và trên biển của Singapore từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 9 do tình hình an ninh gia tăng chưa xác định trong khu vực, hãng thông tấn Bernam của Malaysia đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore.

Chuyến viếng thăm Singapore gần đây nhất của một vị Giáo hoàng là vào năm 1986, khi Thánh Gioan Phaolô II dừng chân 5 tiếng tại thành phố này.

Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã được chuẩn bị trong 8 năm. Một tuyên bố của Tổng Giáo phận Singapore cho biết chuyến viếng thăm bắt đầu bằng lời mời của cựu Tổng thống Tony Tan vào năm 2016 và một lời mời khác từ bà Halimah Yacob trong nhiệm kỳ của bà với tư cách là Tổng thống.

Lịch trình của Đức Giáo hoàng trong thời gian còn lại của ngày 11 tháng 9 khá nhẹ nhàng, chỉ có một cuộc gặp gỡ riêng được lên kế hoạch với các thành viên của Dòng Tên tại Trung tâm tĩnh tâm Thánh Phanxicô Xaviê ở Punggol.

Vào ngày 12 tháng 9, Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến ​​sẽ đến thăm Tổng thống Tharman Shanmugaratnam tại Tòa nhà Quốc hội và gặp Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Trung tâm Văn hóa Đại học Quốc gia Singapore để gặp gỡ các thành viên của các nhóm xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, cùng nhiều người khác.

Vào tối ngày 12 tháng 9, Đức Giáo hoàng sẽ tham dự sự kiện quan trọng của chuyến Tông du này, chủ sự Thánh lễ với khoảng 50.000 người Công giáo tại Sân vận động Quốc gia.

Khi kết thúc chuyến đi vào ngày 13 tháng 9, ngài sẽ đến thăm Đức Tổng Giám mục tiên khởi của Singapore, Đức Cha Nicholas Chia, hiện đã nghỉ hưu, tại Nhà Thánh Têrêsa. Đức Cha Chia, 86 tuổi, người đã được kế nhiệm bởi Đức Hồng y William Goh vào năm 2013, đã lưu trú tại đây kể từ năm 2014.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng sẽ dành thời gian để đến thăm 80 cư dân khác của 3 ngôi nhà dành cho những người cao niên và bệnh nhân do Dịch vụ Phúc lợi Công giáo Singapore điều hành.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng dự kiến sẽ tham dự một cuộc đối thoại liên tôn với những người trẻ tuổi trước khi trở về Rôma vào ngày 13 tháng 9.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết