Hôm Chúa nhật, ngày 8 tháng 9, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise ở Port Moresby, truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới người dân Papua New Guinea rằng bất chấp khoảng cách xa xôi ngăn cách họ với Rôma, họ vẫn ở trung tâm trái tim của Chúa Kitô.
Khoảng 35.000 tín hữu Công giáo từ khắp Papua New Guinea và Châu Đại Dương đã tụ họp tại địa điểm này, hiệp nhất trong đức tin và được cổ vũ bởi những bài thánh ca đầy phấn khởi của 100 ca sĩ thuộc dàn hợp xướng Công giáo Port Moresby tôn vinh Thiên Chúa dưới ánh mặt trời nhiệt đới.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khiến đám đông ngạc nhiên khi đến sớm hơn một tiếng so với dự kiến để chủ sự Thánh lễ tại sân vận động, khiến những người đã chờ đợi trên khán đài từ trước khi mặt trời mọc vô cùng nhẹ nhõm và vui mừng.
“Anh chị em thân mến, đôi khi anh chị em sống trên hòn đảo lớn này ở Thái Bình Dương có thể nghĩ rằng mình là một vùng đất xa xôi và hẻo lánh, nằm ở rìa thế giới”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong bài giảng.
“Có lẽ, vì những lý do khác, đôi khi anh chị em cũng cảm thấy xa cách với Thiên Chúa và Phúc Âm, không thể giao tiếp với Người hoặc với nhau. Tuy nhiên… hôm nay Thiên Chúa muốn đến gần anh chị em, phá vỡ khoảng cách, để anh chị em biết rằng anh chị em đang ở trung tâm trái tim của Người và mỗi người trong anh chị em đều quan trọng”.
Đoàn rước khai mạc bằng tiếng trống vang lên khi các vũ công từ hai bộ tộc lớn nhất ở Papua New Guinea dẫn đầu đông đảo các Giám mục đồng tế mặc áo lễ màu xanh.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Vatican, có 2,5 triệu người Công giáo ở Papua New Guinea, chiếm khoảng 30% dân số. Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đã tham dự Thánh lễ, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đến quốc đảo này.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc lời cầu nguyện mở đầu Thánh lễ bằng tiếng Anh, một sự kiện hiếm hoi và chỉ được thấy trong các chuyến Tông du nước ngoài của vị Giáo hoàng người Argentina.
Lời cầu nguyện tín hữu được đọc bằng 3 trong số hơn 800 ngôn ngữ của Papua New Guinea: tiếng Motu, tiếng Tok Pisin và tiếng Anh.
Trong bài giảng của mình, Đức Giáo hoàng đã trích dẫn bài Tin Mừng trong ngày về việc Chúa Giêsu chữa lành một người điếc để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua khoảng cách với Thiên Chúa và người khác, thúc đẩy các tín hữu suy ngẫm về các mối quan hệ của chính họ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các tín hữu Công giáo: “Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc chúng ta chọn cách giữ khoảng cách với Thiên Chúa, với anh chị em mình hoặc với những người khác biệt với chúng ta, thì chúng ta đang tự khép mình lại, tự cô lập mình khỏi thế giới bên ngoài”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu của quốc đảo Thái Bình Dương này hãy can đảm: “Hỡi người dân Papua New Guinea, đừng sợ hãi! Hãy mở lòng mình ra! Hãy mở lòng mình ra với niềm vui của Tin Mừng; hãy mở lòng mình ra để gặp gỡ Thiên Chúa; hãy mở lòng mình ra với tình yêu thương với anh chị em mình”.
Đức Giáo hoàng khẩn cầu Chân Phước John Mazzuccini, một nhà truyền giáo người Ý thế kỷ 19 đến Papua New Guinea, để “không ai trong chúng ta câm điếc trước lời mời gọi này”.
https://twitter.com/i/status/1832672593784058336
‘Mang đến phước lành, sự bình an và sự khích lệ’
Đức Hồng y John Ribat, Tổng Giám mục Port Moresby, đã cảm ơn Đức Giáo hoàng sau Thánh lễ, lưu ý rằng chuyến Tông du của ngài “mang đến cho chúng con những phước lành, sự bình an, sự khích lệ và làm gia tăng đức tin của chúng con”.
Đức Hồng y Ribat, vị Hồng y đầu tiên của đất nước mình, đã nhấn mạnh lịch sử 142 năm của Giáo hội Công giáo tại Papua New Guinea, thừa nhận sự phát triển của Giáo hội và những thách thức của đất nước.
Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trao phó Giáo hội tại Papua New Guinea và Quần đảo Solomon cho Đức Trinh Nữ Maria. Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho hòa bình “cho khu vực rộng lớn này của thế giới giữa Châu Á, Châu Đại Dương và Thái Bình Dương”, và ngài nói thêm rằng: “Hãy nói không với việc tái vũ trang và khai thác tận diệt ngôi nhà chung của chúng ta! Hãy sẵn sàng với cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, sẵn sàng với sự hòa hợp của những người nam và nữ với các loài thọ tạo!”.
Minh Tuệ (theo CNA)