Đức Giáo hoàng Phanxicô chấm dứt án tử hình trong Thông điệp ‘Fratelli Tutti’

ĐTC Phanxicô ban phước cho một tù nhân khi anh ta đến thăm Cơ sở Cải huấn Curran-Fromhold ở Philadelphia vào ngày 27 tháng 9 năm 2015, ảnh tập tin. (Ảnh CNS / Paul Haring)

ĐTC Phanxicô chúc lành cho một tù nhân khi đến thăm Trại Cải huấn Curran-Fromhold, Philadelphia vào ngày 27 tháng 9 năm 2015 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Fratelli Tutti” – Tất cả anh em”, thực hiện điều mà một số người Công giáo tin rằng không thể làm được: Nó phê chuẩn một sự thay đổi trong Giáo huấn của Giáo hội. Trong trường hợp này, về án tử hình.

 Vào năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ thị một thay đổi trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, bản tóm tắt chính thức về Giáo huấn của Giáo hội, khi Ngài gọi án tử hình là “không thể chấp nhận được”. Hiện nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặt toàn bộ thẩm quyền Giáo huấn của mình đằng sau tuyên bố này: Án tử hình là không thể chấp nhận được, và người Công giáo phải nỗ lực làm việc để bãi bỏ bản án này. Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô là một trong những tài liệu cao nhất xét về thẩm quyền của nó, xóa bỏ mọi nghi ngờ còn tồn tại về xác quyết của Giáo hội.

“Không thể lùi bước khỏi lập trường này”, Đức Phanxicô nhấn mạnh khi đề cập đến sự phản đối đối với hình phạt tử hình do Thánh Gioan Phaolô II bày tỏ. “Ngày nay, chúng ta tuyên bố một cách rõ ràng rằng ‘án tử hình là không thể chấp nhận được’ và Giáo hội kiên quyết kêu gọi bãi bỏ hình phạt này trên toàn thế giới”.

Helen Prejean, C.S.J., tác giả của cuốn ‘Dead Man Walking và là người từ lâu phản đối án tử hình, người có tác phẩm giúp thay đổi Sách Giáo lý GHCG, đã ca ngợi tin tức về Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm 4/10.

Tôi vui mừng trước lời tuyên bố vang dội của Đức Thánh Cha Phanxicô về phẩm giá bất khả xâm phạm của tất cả mọi sự sống của con người, thậm chí là mạng sống của những kẻ sát nhân, và tôi rất phấn khởi trước sự phản đối dứt khoát của Giáo hội đối với việc chính phủ sử dụng án tử hình trong mọi trường hợp. Trong các phòng thi hành án tử hình, tôi đã chứng kiến cận cảnh cảnh tra tấn và sự đau khổ của con người, diễn tả tình trạng không thể kháng cự và bị nhà nước giết chết, sự sống của họ bị tước hết phẩm giá. Tôi vui mừng vì giờ đây sự rõ ràng về Giáo huấn của Giáo hội sẽ giúp chấm dứt sự đau khổ khôn tả này và khơi dậy Tin Mừng của Chúa Giêsu để được thể hiện trong sự viên mãn của nó: phục hồi sự sống con người, không bị sỉ nhục, tra tấn và hành hình.

Trong những thế kỷ trước, Giáo hội phần lớn chấp nhận án tử hình. Cả Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều tuyên bố rằng bản án này là phù hợp không chỉ vì mục đích trừng phạt, mà còn là cách để nhà nước tự bảo vệ mình, những ý tưởng đã tồn tại trong Giáo hội và ảnh hưởng đến xã hội dân sự. Trong Sách Giáo lý Rôma, được viết sau Công đồng Trentô vào thế kỷ 16, Giáo hội ủng hộ án tử hình vì hai lý do đó: “Hình thức giết người hợp pháp khác thuộc về chính quyền dân sự, những người được trao phó quyền sinh sát, bằng việc thực thi pháp lý và tư pháp để trừng phạt kẻ có tội và bảo vệ người vô tội“.

Gần đây nhất là những năm 1990, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói rằng nhà nước vẫn có thể sử dụng hình phạt tử hình để bảo vệ người dân khỏi những tội phạm bạo lực: “Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh không loại trừ án tử hình, khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, nếu đây là biện pháp khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con ngƣời khỏi bị xâm phạm bất chính”.

 Tuy nhiên, vào năm 1995, trong Thông điệp “Evangelium Vitae” của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thắt chặt những hạn chế, nói rằng những lần nhà nước cần sử dụng hình phạt tử hình để bảo vệ các công dân khác là “rất hiếm, nếu không muốn nói là không tồn tại”. Bốn năm sau, Ngài kêu gọi bãi bỏ án tử hình. Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã kêu gọi bãi bỏ bản án này vào năm 2011. Cánh cửa dẫn đến án tử hình đang dần khép lại. Ngày nay, cánh cửa này đã bị khép lại. Đó là một ví dụ rõ ràng về sự phát triển của Giáo lý của Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Trong Thông điệp mới của mình, Đức Phanxicô cũng đã cho thấy một chủ đề thần học luôn phản đối án tử hình: “Từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, một số rõ ràng đã phản đối hình phạt tử hình”, Đức Phanxicô viết và đề cập đến lời bình luận của Thánh Augustinô, người đã tranh luận về lòng thương xót trong trường hợp của hai kẻ ám sát.

Trong Thông điệp “Fratelli Tutti”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt nền tảng sự phản đối của mình đối với án tử hình không chỉ nơi lòng thương xót, có lẽ là chủ đề tâm linh đặc trưng nhất của Ngài, mà còn ở việc phản đối thái độ trả thù. “Sợ hãi và phẫn uất có thể dễ dàng dẫn đến việc xem hình phạt một cách đầy thù hận và thậm chí tàn nhẫn hơn là một phần của quá trình chữa lành và tái hòa nhập xã hội”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết.

Hơn nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt nền tảng Giáo huấn của mình dựa trên phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người — kể cả người bị tử hình. “Chúng ta hãy ghi nhớ rằng ‘thậm chí ngay cả một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá cá nhân của mình, và chính Thiên Chúa cam kết đảm bảo điều này’”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, trích dẫn Thông điệp “Tin Mừng về Sự Sống” (“Evangelium Vitae”). Đức Phanxicô tiếp tục: “Việc kiên quyết bác bỏ án tử hình cho thấy mức độ có thể nhận ra phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người và thừa nhận rằng họ có một vị thế trong vũ trụ này”.

Hôm 4/10, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã lên án bản án  tù chung thân, mà Ngài gọi là “bản án tử hình kín đáo”. Linh mục George Williams, S.J., người đã phục vụ nhiều năm với tư cách là Linh mục tuyên úy Công giáo tại Nhà tù San Quentin ở California và đã làm việc với các tù nhân bị kết án tử hình, đã ca ngợi lập trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô:

“Trong gần 30 năm thi hành sứ vụ mục vụ trong nhà tù, tôi đã chứng kiến những tổn hại giết chết tâm hồn gây ra bởi việc kết án những người đàn ông và phụ nữ với bản án tù chung thân mà không có khả năng được ân xá. Tôi tin rằng sẽ tàn nhẫn hơn khi kết án một người nào đó với mức án tù mà không có hy vọng được ra tù hơn là xử tử họ ngay lập tức. Việc hành quyết giết chết thể xác, nhưng việc bị tù chung thân mà không được ân xá giết chết tinh thần con người”.

Với Thông điệp “Fratelli Tutti”, Đức Phanxicô đã đưa lập trường phản đối án tử hình vào nền tảng của Giáo huấn Xã hội Công giáo, hoàn thành cuộc hành trình dài của lòng thương xót và hòa giải của Giáo hội. Như Nữ tu Prejean lưu ý, người Công giáo vẫn phải biến những lời nói của mình trở thành hành động thực tiễn:

Chỉ tán thành không thôi thì vẫn chưa đủ. Nếu chúng ta không chú ý đến cam kết của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong việc xóa bỏ án tử hình, những lời nói của Ngài, dù có truyền cảm hứng đến đâu, vẫn sẽ chỉ là: những lời nói trên một trang giấy, chóng qua, một lời tuyên bố, nhưng không được hiện thực hóa. Chớ gì nơi mỗi người chúng ta, những lời này có thể được thực hiện!

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết