Các trích đoạn diễn văn của Đức Thánh Cha ngày hôm nay, thứ Hai 9/1, với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh Vatican. Mười ba suy tư về an ninh và hòa bình
1. Một thế kỷ trước đây, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Một thế kỷ trước đây, thế giới đang ở giữa cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một vụ thảm sát vô ích, trong đó các kỹ thuật chiến đấu mới đã rải rắc cái chết và gây ra đau khổ to lớn đối với dân thường không có khả năng tự vệ. Vào năm 1917, bộ mặt của cuộc xung đột đã thay đổi một cách sâu sắc, mang khía cạnh toàn cầu càng ngày càng nhiều hơn, khi nó được mở rộng đường chân trời với các chế độ độc tài toàn trị, gây ra những sự chia rẽ thảm khốc. Một trăm năm sau đó, nhiều nơi trên thế giới đã có thể nói rằng họ được hưởng lợi từ những giai đoạn hòa bình kéo dài với các cơ hội phát triển kinh tế và các hình thức thịnh vượng chưa từng có. Nhưng đồng thời, vẫn còn hàng triệu người đang phải sống ở trung tâm của các cuộc xung đột vô nghĩa. Ngay cả ở những nơi đã từng được coi là an toàn, người ta vẫn cảm thấy một cảm giác chung là sợ hãi. Chúng ta thường xuyên phải choáng váng bởi hình ảnh của cái chết, bởi những nỗi đau của những người vô tội đang cầu xin giúp đỡ và an ủi, bởi những tiếng than khóc của những người đang thương tiếc một người thân yêu bị giết hại vì hận thù và bạo lực, bởi hoàn cảnh của những người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc những người di cư chết thảm.
2. Vẫn chưa hết bạo động vì lý do tôn giáo
Trong cái nhìn này tôi xin bày tỏ xác tín sống động rằng mọi hình thức tôn giáo đều được kêu gọi làm sứ giả hòa bình. Chúng ta có thể trải nghiệm điều đó một cách rất ý nghĩa trong Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa Bình được tổ chức tại Assisi vào tháng Chín vừa qua, trong đó đại diện các tôn giáo khác nhau đã đến với nhau để “cùng ngỏ lời với những người đau khổ, những người không có tiếng nói và không được lắng nghe”. Chúng ta biết vẫn còn những cuộc bạo động vì lý do tôn giáo, bắt đầu từ châu Âu, nơi các cuộc phân ly lịch sử giữa các Kitô hữu vẫn còn kéo dài quá lâu. Trong chuyến đi gần đây của tôi đến Thụy Điển, tôi có ý định gợi lại nhu cầu cấp thiết phải chữa lành những vết thương của quá khứ và cùng nhau tiến bước hướng tới các mục tiêu chung. Dựa trên cơ sở cùng nhau tiến bước ấy, không thể không thực hiện những cuộc đối thoại đích thực giữa các xác tín tôn giáo khác nhau. Đó là cuộc đối thoại có thể thực hiện và cần thiết phải được thực hiện, như tôi đã tìm cách chứng tỏ trong cuộc gặp gỡ diễn ra tại Cuba với Thượng Phụ Cyril của Moscow, cũng như trong các chuyến tông du đến Armenia, Gruzia và Azerbaijan, nơi tôi cảm thấy khát vọng chính đáng của các dân tộc muốn giải quyết các xung đột đã tác hại, từ nhiều năm trước, đến sự hòa hợp và hòa bình. (…) Thật không may, chúng ta phải nhận rằng ngay cả ngày nay, kinh nghiệm tôn giáo, thay vì mở ra với những người khác, đôi khi lại có thể bị sử dụng như một cái cớ để đóng cửa, để gạt bỏ nhau ra bên lề và để thi hành bạo lực. Tôi muốn nói cách đặc biệt đến chủ nghĩa khủng bố cực đoan, trong năm ngoái đã sát hại nhiều nạn nhân tại một số nước, như Afghanistan, Bangladesh, Bỉ, Ai Cập, Pháp, Đức, Iraq, Nigeria, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là những hành xử thấp hèn, sử dụng trẻ em giết người, như ở Nigeria; nhắm mục tiêu là những người đang cầu nguyện, như trong Nhà thờ chánh tòa Coptic ở Cairo, hoặc chỉ đơn giản là những người đi bộ qua các con đường của thành phố, như ở Nice và Berlin.
3. Lạm dụng danh Thiên Chúa
Thật là một sự sát nhân điên rồ khi lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc cái chết trong một nỗ lực khẳng định ý chí thống trị và quyền lực. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả các nhà chức trách tôn giáo hiệp nhất để mạnh mẽ nhắc lại rằng người ta không bao giờ được sát hại nhân danh Thiên Chúa. Chủ nghĩa khủng bố cực đoan là kết quả của một sự nghèo nàn tinh thần nghiêm trọng, và thường được kết nối với sự nghèo nàn đáng chú ý về mặt xã hội. Nó chỉ có thể hoàn toàn bị đánh bại nhờ sự đóng góp chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Nhiệm vụ đầu tiên là truyền đạt những giá trị tôn giáo không cho phép xảy ra cuộc đối đầu giữa lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Sau đó là trách nhiệm đảm bảo các không gian công cộng đối với quyền tự do tôn giáo, ghi nhận sự đóng góp tích cực và mang tính xây dựng của tôn giáo trong việc xây dựng xã hội dân sự, trong đó không thể coi việc thuộc về một giai tầng xã hội được ghi nhận trong nguyên tắc công dân, và chiều kích đời sống tinh thần, là những điều mâu thuẫn nhau. Ngoài ra, chính quyền cũng có trách nhiệm ngăn chặn sự hình thành những điều kiện có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan. Điều này đòi hỏi các chính sách xã hội thích hợp chống lại đói nghèo, đi kèm với một sự chân thành đề cao giá trị của gia đình như là nơi chỗ ưu tiên đối với sự trưởng thành của con người, và các khoản đầu tư đáng kể vào giáo dục và văn hóa.
4. Từ an ninh đến nền hòa bình thật sự
Tôi muốn bày tỏ niềm tin rằng thẩm quyền chính trị không nên chỉ giới hạn vào chỗ đảm bảo sự an toàn của các công dân của mình – khái niệm có thể dễ dàng được diễn dịch thành một “cuộc sống yên tĩnh” đơn giản – nhưng nó cũng được gọi một cách đúng đắn là người thúc đẩy và tác tạo hòa bình. Hòa bình là một “nhân đức tích cực”, đòi hỏi sự cam kết và hợp tác của mỗi cá nhân và các cơ chế xã hội như một toàn thể. Như Công đồng Vatican II đã tuyên bố, “hòa bình không bao giờ là một cái gì đó đạt được một lần cho tất cả, nhưng nó là một tòa nhà phải tiếp tục được xây dựng”, bằng cách bảo vệ lợi ích của nhân dân, tôn trọng phẩm giá của họ. Việc xây dựng hòa bình đòi hỏi, trước hết, sự từ bỏ bạo lực trong việc đòi quyền lợi của mình. Đó chính là nguyên tắc mà tôi đã đề cao trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2017, mang tên: “Bất bạo động: phong cách của một nền chính trị vì hòa bình”, để nhắc nhớ rằng trên tất cả, phi bạo lực là một phong cách chính trị, dựa trên nguyên tắc của pháp luật và phẩm giá của mọi người. Việc xây dựng hòa bình cũng đòi hỏi phải “tận diệt những nguyên nhân của sự bất hòa kích động chiến tranh”, bắt đầu với sự bất công. Trong thực tế, có một liên kết mật thiết giữa công lý và hòa bình. “Nhưng – Thánh Gioan Phaolo II ghi nhận – vì công lý của con người luôn luôn là mong manh và không hoàn hảo, tập chú vào những hạn chế và ích kỷ của cá nhân và của nhóm, nên nó phải bao gồm và, trong một nghĩa, phải được hoàn thành bởi sự tha thứ chữa lành và hồi phục các quan hệ đã bị hư hỏng giữa người với người. (…) Sự tha thứ, trong bất kỳ cách thức nào, không hề phản đối công lý, [nhưng] đúng hơn, nó là sự viên mãn của công lý đưa đến sự yên bình trật tự, sự viên mãn ấy (…) chính là sự chữa lành sâu xa nhất các vết thương dai dẳng trong tâm hồn con người. Đối với sự chữa lành đó, cả công lý lẫn sự tha thứ đều cần thiết.
5. Văn hóa của lòng thương xót
Tôi tin chắc rằng đối với nhiều người, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã là một dịp đặc biệt tốt lành để khám phá “tác động lớn lao và tích cực của lòng thương xót như một giá trị xã hội”. Vì vậy, tất cả mọi người đều có thể góp phần để đem lại cho cuộc sống “một nền văn hóa của lòng thương xót, dựa trên việc tái khám phá các cuộc gặp gỡ với những người khác. Một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác với sự thờ ơ hoặc bỏ chạy khi nhìn thấy sự đau khổ của anh em mình”. Đó là cách duy nhất để xây dựng xã hội cởi mở và thân thiện đối với người lạ và, đồng thời, an toàn và bình an trong xã hội ấy. Điều này thậm chí còn cần thiết hơn đối với ngày hôm nay, khi mà các làn sóng di cư lớn vẫn tiếp tục không suy giảm tại các phần khác nhau của thế giới.
6. Những người di tản và những người tị nạn
Tôi nghĩ một cách đặc biệt đến vô số những người tị nạn và di tản ở một số vùng của châu Phi, Nam Á và những người chạy trốn các vùng xung đột ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế, vào năm ngoái, đã thực hiện hai sự kiện quan trọng do Liên Hợp Quốc triệu tập: Hội nghị Thượng đỉnh nhân đạo Thế giới lần đầu tiên và Hội nghị Thượng đỉnh về Các Phong trào tị nạn và di cư rộng lớn. Chúng ta cần một cam kết chung trong việc đối diện với những người di cư, những người tị nạn và những người di tản, để có thể cung cấp cho họ một sự đón tiếp phù hợp nhân phẩm. Điều này bao hàm việc biết làm thế nào để kết hợp quyền “mỗi con người (…) được nhập cư vào các cộng đồng chính trị khác và ổn định trong đó”, và đồng thời đảm bảo khả năng hội nhập của người di cư trong các cơ cấu xã hội mà họ gia nhập vào, không có những cảm giác bị đe dọa về an ninh, về bản sắc văn hóa và về sự an toàn chính trị và xã hội. Các cơ quan công quyền phải thận trọng không có nghĩa là chấp nhận việc thực hiện các chính sách đóng cửa đối với những người di cư, ngay cả khi các cơ quan ấy được kêu gọi, với sự khôn ngoan và tầm nhìn xa trông rộng, lượng giá xem đến mức độ nào đất nước của họ có thể cung cấp một cuộc sống tươm tất cho người di cư, đặc biệt là cho những người có nhu cầu thực sự cần được bảo vệ, mà không làm tổn hại đến lợi ích chung của các công dân. Trên hết, không thể giảm trừ tính cách bi thảm của cuộc khủng hoảng hiện nay thành một con số đơn giản. Những người di cư là những người có tên gọi, lịch sử, gia đình, và không bao giờ có thể có hòa bình thật sự nếu vẫn còn tồn tại dù chỉ là một con người bị vi phạm bản sắc cá nhân và bị giảm thiểu thành một con số thống kê hoặc chỉ là đối tượng sinh lợi về kinh tế. Vấn đề nhập cư là một vấn đề mà không một số quốc gia nào có thể thờ ơ, trong khi những quốc gia khác phải chịu những gánh nặng nhân đạo lớn, với nỗ lực đáng kính phục và sự bất tiện rất nặng nề, để đối phó với những trường hợp khẩn cấp vốn có vẻ như không có điểm kết thúc. Tất cả đều phải cảm thấy có nghĩa vụ kiến tạo và đóng góp vào thiện ích chung quốc tế, thậm chí thông qua những hành động nhân đạo cụ thể, là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và phát triển mà các quốc gia và hàng triệu người vẫn đang chờ đợi. Vì thế, tôi chân thành biết ơn các quốc gia hào phóng chào đón những người có nhu cầu, như một số nước ở châu Âu, đặc biệt là Ý, Đức, Hy Lạp và Thụy Điển.
7. Cái nhìn giảm thiểu về con người
Kẻ thù của hòa bình là một “tầm nhìn giảm thiểu” về con người, mở đường cho sự lây lan của cái ác, của bất bình đẳng xã hội, của tham nhũng. Đối diện với tệ nạn tham nhũng, Tòa Thánh đã đưa ra những cam kết mới, chính thức ký kết, vào ngày 19 tháng 9, các văn kiện của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 31/10/2003 . Trong Thông điệp Populorum Progressio, mà năm nay sẽ kỷ niệm 50 năm công bố, Đức Phaolô VI đã đề cập đến sự bất bình đẳng như là yếu tố gây bất hòa. “Con đường của hòa bình đi qua sự phát triển” mà các cơ quan công quyền có trách nhiệm khuyến khích và nuôi dưỡng, bằng cách tạo điều kiện cho một sự phân phối công bằng hơn các nguồn lực và bằng cách kích thích các cơ hội làm việc nhất là đối với những người trẻ tuổi. Trên toàn thế giới, vẫn còn quá nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đang phải chịu đựng cảnh nghèo nàn kinh khủng và phải sống trong các điều kiện không an toàn về thực phẩm – thậm chí là bị đói – trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị những kẻ tham lam khai thác kiệt quệ và một số lượng lớn thực phẩm bị lãng phí mỗi ngày.
8. Buôn bán vũ khí, khinh miệt và thù hận
Điều đó cũng đòi hỏi những nỗ lực được thực hiện để loại trừ các thương vụ đê hèn của việc buôn bán vũ khí và tiếp tục chạy đua sản xuất và phổ biến ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn các loại vũ khí. Sự ương ngạnh đáng chú ý trong việc thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gây bất ổn cho toàn bộ khu vực và toàn thể cộng đồng quốc tế, đặt ra những câu hỏi rắc rối về nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Ngoài ra, cần lưu ý rằng sự dễ dàng tiếp cận thị trường vũ khí, ngoài việc làm trầm trọng thêm tình hình ở các khu vực xung đột khác nhau, đang tạo ra một cảm giác chung và rộng rãi về sự bất an và sợ hãi, ngày càng nguy hiểm hơn, nhất là trong giai đoạn đầy những bất ổn xã hội và những thay đổi quan trọng như hiện tại. Kẻ thù của hòa bình là ý thức hệ thúc đẩy các vấn đề xã hội để khuấy động sự khinh bỉ và căm ghét, và coi người khác như một kẻ thù phải bị tiêu diệt. Thật không may, các hình thức ý thức hệ mới vẫn đang liên tục xuất hiện trên đường chân trời của nhân loại. Giả mạo như là người mang điều tốt lành cho người dân, nhưng chúng chỉ mang đến nghèo đói, chia rẽ, căng thẳng xã hội, đau khổ và thậm chí đôi khi cả sự chết chóc.
9. Hòa bình, tuy nhiên, là chiến thắng của tình liên đới
Từ đó nảy sinh ý muốn đối thoại và hợp tác, là một công cụ quan trọng trong ngoại giao. Trong viễn tượng của lòng thương xót và tình liên đới, Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo kiên trì nỗ lực trong việc giúp các bên tránh các cuộc xung đột hoặc trong việc đồng hành với tiến trình hòa bình, hòa giải và việc tìm kiếm các giải pháp thương lượng đến cùng. Thật phấn khởi khi thấy rằng một số nỗ lực được thực hiện đã nhận được sự đáp ứng thiện chí của nhiều người, từ nhiều phía, đã dấn thân tích cực và hiệu quả cho hòa bình. Tôi nghĩ đến những nỗ lực của hai năm qua để tái kết nối Cuba và Hoa Kỳ. Tôi cũng nghĩ đến các nỗ lực thực hiện với sự kiên trì, thậm chí giữa những khó khăn, để chấm dứt những năm tháng xung đột ở Colombia.
10. Cuộc hành trình dũng cảm của đối thoại
Cách tiếp cận này nhằm nuôi dưỡng niềm tin tưởng lẫn nhau, hỗ trợ cho con đường đối thoại và nhấn mạnh sự cần thiết của những cử chỉ dũng cảm, là những điều cấp bách hơn bao giờ hết, ở Venezuela, nơi mà những hậu quả của cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế gây ra gánh nặng lâu dài cho dân thường; hoặc trong các phần khác của thế giới, bắt đầu từ Trung Đông, không chỉ để chấm dứt cuộc xung đột Syria, mà còn thúc đẩy xã hội hòa giải hoàn toàn ở Iraq và Yemen. Ngoài ra, Tòa Thánh cũng lặp lại lời kêu gọi khẩn cấp phải tiếp tục cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine, để đạt tới một giải pháp ổn định và lâu dài đảm bảo cuộc sống chung hòa bình của hai Chính Phủ bên trong biên giới được quốc tế công nhận. Không có xung đột nào có thể trở thành một thói quen mà có vẻ như không ai có thể tách rời khỏi nó. Israel và Palestine cần hòa bình. Toàn bộ vùng Trung Đông khẩn thiết cần hòa bình! Ngoài ra tôi hy vọng các thỏa thuận được thực hiện đầy đủ nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Libya, nơi cấp thiết hơn bao giờ hết phải hàn gắn những chia rẽ xảy ra trong những năm gần đây. Tương tự như vậy tôi kêu gọi tất cả những nỗ lực của địa phương và quốc tế để phục hồi xã hội dân sự tại Sudan và Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, tan nát bởi những cuộc xung đột vũ trang dai dẳng, bởi các cuộc tàn sát và tàn phá, cũng như ở các nước khác của châu lục này, là châu lục tang thương bởi những căng thẳng và bất ổn chính trị và xã hội. Đặc biệt, thật là rất cần thiết việc những người có trách nhiệm chính trị tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo nỗ lực liên tục thúc đẩy hòa giải và đối thoại giữa tất cả các thành phần của xã hội dân sự. Tôi cũng nghĩ đến Myanmar đang cần những thúc đẩy việc chung sống hòa bình, và với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, không bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ những người có nhu cầu nghiêm trọng và cấp bách. Ngay cả ở châu Âu, nơi không thiếu những căng thẳng, sự cởi mở đối thoại là cách duy nhất để đảm bảo an ninh và sự phát triển của châu lục này. Do đó, tôi hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình tái thống nhất của Síp, trong khi hy vọng rằng Ukraina sẽ tiếp tục với quyết tâm trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi cho việc thực hiện đầy đủ các cam kết của các Bên và, trên tất cả, đưa ra một phản ứng kịp thời với tình hình nhân đạo, vốn vẫn còn rất nghiêm trọng.
11. Thách thức của châu Âu
Châu Âu như một toàn thể đang trải qua một thời điểm quyết định trong lịch sử của nó, được kêu gọi tìm lại căn tính của mình. Điều này đòi hỏi các nước Châu Âu phải tái khám phá nguồn gốc của họ để định hình tương lai của chính họ. Đối mặt với các lực lượng ăn mòn, cấp thiết hơn bao giờ hết là việc cập nhật các “lý tưởng của châu Âu” để mang lại một nền nhân bản mới dựa trên khả năng tích hợp, đối thoại và sáng tạo, mà Lục Địa Cũ đã từng có. Quá trình thống nhất châu Âu, bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã, đang và tiếp tục là một cơ hội độc nhất cho sự ổn định, hòa bình và liên đới giữa các dân tộc. Ở đây tôi chỉ có thể nhắc lại sự quan tâm và mối quan ngại của Tòa Thánh đối với châu Âu và đối với tương lai của Châu Âu, trong nhận thức rằng các giá trị đặt nền cho dự án này, mà năm nay sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập, làm nên nguồn gốc và nền tảng của dự án, chính là những giá trị chung cho toàn bộ lục địa và mở rộng ra bên ngoài ranh giới của Liên minh châu Âu.
12. Chăm sóc tạo thành
Xây dựng hòa bình, tuy nhiên, cũng có nghĩa là hoạt động tích cực cho sự chăm sóc tạo thành. Hiệp định Paris về khí hậu, thời gian gần đây đã có hiệu lực, là một dấu hiệu quan trọng của sự cam kết chung để lại cho những người đến sau chúng ta một thế giới xinh đẹp và có thể sống được. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực được thực hiện trong những năm gần đây để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ tìm được một sự hợp tác rộng lớn hơn của tất cả mọi người, bởi vì Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta và phải nhìn nhận rằng sự lựa chọn của mỗi người đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người.
Tuy nhiên, rõ ràng là cũng có những hiện tượng vượt quá khả năng hành động của con người. Tôi đề cập đến nhiều trận động đất tấn công một số vùng trên thế giới. Trước tiên, tôi nghĩ đến những vụ đã xảy ra ở Ecuador, Ý và Indonesia, đã khiến nhiều người bị chết và vẫn còn nhiều người sống trong điều kiện vô cùng bấp bênh. Cá nhân tôi đã đến thăm một số khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở miền trung Ý, ở đó, chứng kiến những vết thương mà trận động đất đã gây ra cho một vùng đất giàu văn hóa nghệ thuật, tôi đã có thể chia sẻ nỗi đau của rất nhiều người, cùng với lòng can đảm và quyết tâm của họ để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy. Tôi hy vọng rằng tình liên đới đã đoàn kết người dân Ý thân yêu trong những giờ sau trận động đất, sẽ tiếp tục dánh động cả nước, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này của lịch sử. Tòa Thánh và Ý được đặc biệt ràng buộc bởi những lý do về lịch sử, văn hóa và địa lý. Mối liên kết đó đã xuất hiện rõ ràng trong Năm Thánh và tôi cảm ơn tất cả các nhà chức trách Ý vì sự giúp đỡ của họ trong việc tổ chức Năm Thánh và đảm bảo sự an toàn của những người hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới.
13. Hòa bình là một quà tặng, một thách thức và một cam kết
Là một quà tặng bởi vì nó tuôn trào từ trái tim của Thiên Chúa; là một thách thức bởi vì nó là một thiện hảo mà không bao giờ tính toán được và phải được liên tục chinh phục; là một cam kết bởi vì nó đòi hỏi hoạt động đầy đam mê của mọi người thiện chí trong việc tìm kiếm và xây dựng nó. Do đó, sẽ không có hòa bình thực sự nếu không bắt đầu từ một tầm nhìn về con người biết làm thế nào thúc đẩy sự phát triển toàn diện, tôn trọng phẩm giá siêu việt của nó, bởi vì “phát triển là tên mới của hòa bình”, như Đức Phaolô VI đã nói. Điều này, do đó, là mong ước của tôi trong năm tới: chớ gì giữa các Quốc Gia và nhân dân các Quốc Gia có thể phát triển những cơ hội làm việc chung cùng với nhau và xây dựng một nền hòa bình đích thực. Về phần mình, Tòa Thánh, và đặc biệt là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ luôn luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả những người làm việc để chấm dứt các cuộc xung đột đang xảy ra và cung cấp sự hỗ trợ và niềm hy vọng cho các dân đau khổ.
Hùng Vũ tóm lược