Đức Giáo hoàng: Không đủ nếu chỉ dài dòng suy tư hay thảo luận bất tận về sự đói khổ

Lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến trụ sở của Chương trình Lương thực Thế giới: Ngay cả nạn đói cũng bị người ta sử dụng như một thứ vũ khí. Đừng “quan liêu hóa” đau khổ, hãy nhớ những câu chuyện và những khuôn mặt của con người.

20160613 ĐGH Phanxico

“Trong khi các kế hoạch viện trợ và phát triển đang bị cản trở bởi các quyết định chính sách phức tạp và khó hiểu, bởi sự sai lệch các tầm nhìn ý thức hệ hoặc bởi các rào cản hải quan không thể vượt qua, thì vũ khí lại không bị gì cả: người ta không quan tâm vũ khí đến từ đâu, vũ khí đang di chuyển với một sự vênh vang và tự do gần như tuyệt đối ở nhiều nơi thế giới.”

Đó là lời than phiền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày hôm nay, thứ Hai 13/6, khi lần đầu tiên một vị Giáo hoàng ghé thăm trụ sở của Chương trình Lương thực Thế giới tại Roma.

Đức Phanxicô nói: “Đừng “quan liêu hóa” đau khổ. Ngài nhấn mạnh: đối với các cuộc chiến tranh, các cuộc di cư và các tình huống đói kém trên thế giới, cần phải nhớ đến những “khuôn mặt” và những “câu chuyện” của các nạn nhân.

“Trong một thế giới kết nối và siêu – liên lạc mà chúng ta đang sống, khoảng cách địa lý dường như được rút ngắn,” Đức Giáo hoàng nói. “Chúng ta có thể tiếp xúc gần như đồng thời với những gì đang xảy ra ở phía bên kia của hành tinh”, nhưng “sự dư thừa thông tin đã dần tạo ra những “sự tự nhiên hóa” đói nghèo. Đó là, từng chút một, chúng ta trở nên miễn dịch với những bi kịch của những người khác và coi những bi kịch đó như một cái gì “tự nhiên”. Có rất nhiều hình ảnh được truyền tải đến chúng ta giúp chúng ta nhìn thấy rõ những nỗi khổ đau nhưng chúng ta không chạm vào những nỗi khổ đau đó, chúng ta nghe được tiếng khóc nhưng không an ủi những người khóc, chúng ta thấy sự đói khát nhưng không giúp làm cho người ta được khỏi đói khát. Bằng cách đó, rất nhiều cuộc đời trở thành một phần của một tin tức mà trong một thời gian ngắn sẽ được thay thế bởi một tin tức khác. Và, trong khi những tin tức thay đổi, thì những đau đớn, đói khát không thay đổi, chúng vẫn còn đó.”

“Không đủ – Đức Thánh Cha nói – nếu chỉ dài dòng suy tư hay dấn mình vào những cuộc thảo luận bất tận về những sự đói khổ, khi lặp đi lặp lại những lập luận mà mọi người đếu biết. Điều cần là – xin lỗi vì một từ mới – phải “phi – tự nhiên hóa” sự khốn cùng và thôi không coi nó như là một dữ kiện của thực tại giữa các dữ kiện khác. Tại sao? Bởi vì sự khốn cùng có một khuôn mặt. Nó có khuôn mặt của một đứa trẻ, có khuôn mặt của một gia đình, có khuôn mặt của người trẻ và của người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ hội và thiếu công việc của rất nhiều người, nó có khuôn mặt của những cuộc di dân bắt buộc, của những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy. Chúng ta không thể “tự nhiên hóa” sự đói khát của rất nhiều người, sẽ là sai khi nói rằng tình hình của họ là kết quả của số phận mù quáng mà chúng ta không thể làm bất cứ điều gì khi phải đối diện. Khi đau khổ không còn có một khuôn mặt, chúng ta có thể bị cám dỗ bắt đầu nói chuyện và thảo luận về “đói”, về “lương thực”, về “bạo lực” mà bỏ qua một bên những chủ thể cụ thể và thực tế, nghĩa là những người vẫn gõ cửa nhà chúng ta. Khi thiếu những khuôn mặt và những câu chuyện, cuộc sống bắt đầu trở thành những con số và do đó, từng chút một tại mỗi thời điểm, chúng ta có nguy cơ quan liêu trước nỗi đau của người khác. Chúng ta quan liêu đối phó với thực tế, tuy nhiên, lòng từ bi mới là điều biết bao người đang cần.”

Đề cập một cách sống động vào vấn nạn đói, Đức Phanxicô nói: “Cho phép tôi được nói rõ ràng: việc thiếu lương thực không phải là điều tự nhiên, không phải là một dữ kiện hiển nhiên cũng không phải là một dữ kiện rõ ràng. Hôm nay, trong thế kỷ hai mươi mốt, rất nhiều người vẫn còn phải chịu đựng tai họa này, thì đó là do sự phân bố ích kỷ và xấu xa các nguồn tài nguyên, một sự “thương mại hóa” thực phẩm.” “Sẽ là rất tốt khi nhắc nhớ, Đức Giáo hoàng tiếp tục, “rằng thực phẩm bạn đang lãng phí chính là thực phẩm bạn ăn cắp từ bàn ăn của người nghèo, của những người đang đói.”

Để giải quyết vấn nạn này, trước hết chúng ta phải nói cách chân thành: “Có những vấn đề bị quan liêu hóa, có những hành động giống như ‘đóng chai’.”

Trong những năm gần đây, Đức Thánh Cha nói, “các cuộc chiến tranh và các mối đe dọa xung đột đã chiếm ưu thế trong các mối bận tâm và các cuộc tranh luận của chúng ta. Và như vậy, đối mặt với sự đa dạng của các cuộc xung đột hiện nay, có vẻ như vũ khí đã được ưu tiên một cách khác thường, đến nỗi người ta hoàn toàn bác bỏ những cách thức khác trong việc giải quyết các vấn đề xung đột. Sụ ưu đãi này hiện nay đã ăn sâu và người ta chấp nhận ngăn cản sự phân phối thực phẩm trong vùng chiến tranh, thậm chí đi đến chỗ vi phạm các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản nhất của luật pháp quốc tế vốn đã có hiệu lực từ nhiều thế kỷ. Như vậy chúng ta thấy mình – Đức Phanxicô nói – đứng trước một hiện tượng kỳ lạ và nghịch lý: trong khi các kế hoạch viện trợ và phát triển đang bị cản trở bởi các quyết định chính sách phức tạp và khó hiểu, bởi sự sai lệch các tầm nhìn ý thức hệ hoặc các rào cản hải quan không thể vượt qua, thì vũ khí lại không bị gì cả: không quan trọng vũ khí đến từ đâu, vũ khí đang di chuyển với một sự vênh vang và tự do gần như tuyệt đối ở nhiều nơi thế giới. Và bằng cách này, thực tại được nuôi dưỡng là các cuộc chiến tranh chứ không phải là những con người. Trong một số trường hợp, bản thân nạn đói bị sử dụng như một vũ khí chiến tranh. Và các nạn nhân đang gia tăng, bởi vì số người bị chết vì đói và kiệt sức đã lên mức ngang bằng với số người chết trên chiến trường, và với con số các dân thường thiệt mạng trong các cuộc giao tranh và trong các cuộc tấn công. Chúng ta hoàn toàn nhận thức được điều này, tuy nhiên, chúng ta đã gây tê ý thức của chúng ta, và vì vậy chúng ta làm cho nó bị tê liệt.” Do đó, thật là khẩn cấp việc “phi-quan liêu hóa” tất cả những gì ngăn cản kế hoạch viện trợ nhân đạo đạt tới được các mục tiêu của chúng. Trong đó, quý vị có một vai trò cơ bản, bởi vì chúng ta cần những anh hùng thực sự có khả năng mở đường giao thông, xây dựng các cây cầu, đưa ra những cách thực hiện tập trung vào khuôn mặt của những người đau khổ. Để đạt được mục tiêu đó, các sáng kiến của cộng đồng quốc tế đều cần phải được định hướng.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã đến thăm FAO và là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Roma, kết luận bằng cách trích dẫn Tin Mừng: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống”: “Trong những lời này có một trong những châm ngôn của Kitô giáo. Một cách diễn đạt mà, bên ngoài các tuyên tín tôn giáo và bên kia các xác tín, có thể được cung cấp như là một nguyên tắc vàng cho các dân tộc chúng ta”. Nhân loại, giống là một dân tộc, “chuẩn bị tương lai cho chính mình trong khả năng chịu trách nhiệm về sự đói khát của anh em mình”. Nếu được phép mơ những giấc mơ tuyệt vời” – Đức Giáo hoàng nói – “chúng ta cần mơ về những người thực hiện dự án này.”

20160613 ĐGH WFP

Bắt đầu từ lúc 09:00, Đức Phanxicô, được Giám đốc điều hành Ertharin Cousin và Chủ tịch Hội đồng Hochstetter Stephanie Skinner-Klee đón tiếp, đã kết thúc chuyến viếng thăm lúc hơn 10:30, sau một bài diễn văn và những cái ôm chào thăm chân tình các cán bộ và nhân viên của PAM, và cám ơn họ đặc biệt vì những công việc thầm lặng của họ đằng sau hậu trường, như nền tảng của một tòa nhà, cho phép thực hiện các công việc có giá trị trong cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới. Đức Giáo hoàng sau đó gợi nhớ lại “tấm bia tưởng niệm” ở lối vào mà trước đó ngài đã dừng lại chiêm ngắm khi vừa đến, đó là một chứng từ cho sự hy sinh làm cho các thành viên của cơ quan này tham gia vào thế giới xung quanh. Ngài gọi họ là “những chứng nhân tử vì đạo”. Ký ức về họ, Đức Thánh Cha nói, “khiến chúng ta phải tiếp tục chiến đấu, với cùng một nghị lực, cho mục tiêu đáng mong muốn là “chấm dứt nạn đói”. Đức Phanxicô đã kết thúc với lời xin thông thường của mình: “Cảm ơn anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, để chính tôi có thể làm điều gì đó về nạn đói.”

Được biết, trong những ngày này, PAM bắt đầu công việc hướng tới các “Mục tiêu phát triển bền vững” cơ bản. Mỗi năm, WFP giúp đỡ bình quân 80 triệu người trong khoảng 80 quốc gia.

Tâm Thành (theo vaticaninsider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết