Với sự gia tăng của cánh hữu, rất nhiều người cấp tiến đang đặt niềm hi vọng vào một vị Giáo hoàng với những hành động chống lại sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
Chúng tôi mời quý vị đọc một bài bình luận của Francis X. Rocca. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Cuối tuần này, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đưa ra thông điệp Giáng sinh. Đối với nhiều người cấp tiến trên thế giới, thông điệp của ngài được trình bày không chỉ với tư cách của người đứng đầu Giáo hội Công Giáo mà còn là một người lãnh đạo không chính thức của họ.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và bảo thủ gia tăng ở nhiều nơi cũng như những nhân vật như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Pháp François Hollande đang chuẩn bị rời chức vụ, rất nhiều người cánh tả – từ các nhà xã hội chủ nghĩa tại châu Mỹ Latinh cho đến các nhà hoạt động vì môi trường tại châu Âu – đều tìm kiếm cho mình sự lãnh đạo nơi vị Giáo hoàng nay đã 80 tuổi.
Bleu Rainer, một nhà hoạt động trong phong trào đấu tranh “Đòi mức lương tối thiểu 15$ “ tại Tampa, Fla. nói rằng: “Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự truyền cảm hứng cho nhiều người trong việc đấu tranh. Tôi dám chắc rằng nếu ngài không ở trong cương vị đại diện cho Giáo hội Công Giáo, ngài sẽ xuống đường cùng chúng tôi”. Anh Rainer là người đã đi đến Rôma hồi tháng trước để tham dự cuộc gặp mặt quốc tế giữa các nhà hoạt động vì những người dân thường, trong đó có bài phát biểu của Đức Giáo hoàng. Anh nói tiếp: “Ngài nhấn mạnh đến các vấn đề của chúng tôi và đưa chúng thành các vấn đề đạo đức”.
Thực ra, sự ủng hộ của Đức giáo hoàng đối với một số quan điểm của phe tự do bắt nguồn từ mối quan tâm lâu đời của Kitô giáo dành cho người nghèo và yếu thế. Tuy nhiên, sư ủng hộ đó cũng giúp cho việc tập hợp các lực lượng bao gồm cả những người không ủng hộ nền luân lý Công giáo. Những người chỉ trích cũng nói rằng nhà lãnh đạo của giáo hội không nên đưa ra những lập trường mạnh mẽ như thế đối với các vấn đề chính trị mà người Công giáo được phép có những quan điểm đa dạng.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trình bày những quan điểm rõ ràng của mình về rất nhiều vấn đề, bao gồm di dân, biến đổi khí hậu, bình đẳng kinh tế và quyền của những người di dân. Thông điệp về môi trường “Laudatio Si” hồi tháng 6/2015 của ngài kêu gọi sự cắt giảm mạnh mẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, coi sự nóng lên toàn cầu là một mối đe dọa chính yếu đến đời sống trên Trái đất. Thông điệp cũng là một lời tố cáo nền kinh tế thị trường toàn cầu đã tàn phá hành tinh này dựa trên sự bóc lột những phần được dành cho người nghèo và những thế hệ tương lai. Hiện giờ, trong chương trình đào tạo tại các chủng viện, Vatican yêu cầu các chủng sinh phải học hỏi về các vấn đề môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu.
Quan điểm của Đức Giáo hoàng về vấn đề di dân còn đưa đến sự chỉ trích đối với Donald Trump hồi đầu năm nay. Trên thực tế, ngài kêu gọi mở cửa biên giới cho người tị nạn và những người nhập cư vì lý do kinh tế. Ngài nói rằng ứng cử viên của Đảng cộng hòa “không có tinh thần Kitô giáo” khi tuyên bố dự định xây dựng một bức tường ngăn cách Hoa Kỳ với Mexicô. Chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Hoa Kì, trong một bài diễn văn trước các nhà hoạt động vì dân thường đến từ khắp nơi trên thế giới, Đức Giáo hoàng Phanxicô cảnh báo “sự lan tràn của tinh thần bài ngoại” và “nền an ninh giả tạo của các bức tường vật lý cũng như xã hội”. Những lời lẽ này được coi như một lời chỉ trích đối với Trump.
Đức Giáo hoàng đã thẳng thắn đối với vấn đề bình đẳng kinh tế. Ngài nói rằng “đất đai, nơi cư trú và việc làm” là những “quyền thiêng liêng” và ngài còn nói rằng “khi tôi nói như thế, có thể có một số người kết luận rằng Giáo hoàng là một người cộng sản”. Trong một bài diễn văn hồi năm 2015 trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngài đã vinh danh bà Dorothy Day quá cố, người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo, vì “hoạt động xã hội của bà, sự hiến thân cho công lý và cho việc bênh vực những người bị đàn áp”.
Những tuyên bố như thế đã khiến ngài trở thành một người hùng trong mắt nhiều nhà chính trị cánh tả. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người đã rời bỏ cuộc vận động tranh cử chỉ hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ tại New York để tham dự một hội thảo tại Vatican, đã tự mô tả về mình là “một người hâm mộ sự thẳng thắn, khiêm nhường, tầm nhìn và lòng can đảm của Đức Giáo hoàng”.
Đức Phanxicô đã phát biểu tại ba hội nghị thường niên liên tiếp của “các phong trào quần chúng”. Những sự kiện này quy tụ các nhà hoạt động vì dân thường, bao gồm các công nhân không tham gia công đoàn, những người nông dân mất đất tại các quốc gia đang phát triển, cũng như các nhóm tại Hoa Kỳ như “Vấn đề Cuộc sống người Da đen” (Black Lives Matter) và các thành phần trong cuộc đấu tranh về tiền lương tối thiểu. Trong cuộc họp gần đây nhất hồi tháng 11, Đức Giáo hoàng nói các nhà hoạt động “phải làm hồi sinh và tái thiết các nền dân chủ của chúng ta đang trong cơn khủng hoảng thực sự” và “phải tham gia vào nền chính trị cấp cao” tại các quốc gia của họ. Vatican cũng đồng bảo trợ một cuộc họp khác tại California vào tháng Hai tới, tập trung vào vấn đề nghèo đói, di dân và công bằng chủng tộc. (Đức Giáo hoàng không dự định tham dự cuộc họp này).
Quan điểm của Đức Giáo hoàng tiếp nối giáo huấn từ lâu của Giáo hội Công giáo về các vấn đề xã hội, khởi đầu từ một thông điệp hồi cuối thế kỷ XIX do Đức Giáo hoàng Leo XIII, trong đó chỉ trích sự lạm dụng của thị trường tự do và khẳng định quyền lập hội của các công nhân. Tổng Giám mục Silvano Tomasi, một quan chức tại Văn phòng Vatican về các vấn đề Công lý – Xã hội nói rằng: “Ngài [Đức Giáo hoàng Phanxicô] không hoàn toàn thay đổi dòng giáo huấn chính thống của giáo hội về các vấn đề xã hội”. Tuy nhiên, theo lời Đức Tổng Giám mục, Đức Giáo hoàng đã sử dụng ngôn ngữ và đưa ra những mối ưu tiên dựa trên kinh nghiệm của ngài tại thế giới đang phát triển.
Khi còn là một linh mục trẻ tại Argentina, Cha Jorge Bergoglio né tránh trường phái Mác-xít của “thần học giải phóng” Công giáo để theo đuổi trường phái “thần học về dân Chúa” (theology of the people), phản đối chủ nghĩa duy vật và quan điểm về xung đột giai cấp. Ngài và gia đình mình cũng là những người ủng hộ người anh hùng của đất nước mình, Juan Perón, một nhà chính trị quân sự lãnh đạo nhóm theo chủ nghĩa dân túy độc đoán, một trường phái vượt ra khỏi sự phân loại tả – hữu thuần túy.
Các nhà sử học nhắc đến những vị tiền nhiệm mới đây của Đức Giáo hoàng cũng liên đới với các phong trào chính trị. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Vatican đã hỗ trợ các nhà dân chủ Kitô giáo tại Ý và những năm 80, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ủng hộ phong trào lao động Liên đới tại quê nhà Ba Lan, do đó đẩy nhanh sự kết thúc Chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô. Cả hai phong trào đó đều rõ ràng mang đường hướng chống cộng sản.
Khối liên minh của Đức Phanxicô cũng có một số người “đồng sàng” kỳ lạ. Năm ngoái, Tổng thống Bolivia Evo Morales, một người chỉ trích mạnh mẽ toàn cầu hóa của phe tả, đã tặng cho Đức Giáo hoàng một tác phẩm điêu khắc hình thánh giá với hình búa liềm. Đức Phanxicô đã nói rằng tác phẩm này không xúc phạm đến ngài nhưng không đem nó về Rôma.
Những người chỉ trích cảnh báo rằng, với việc có quan điểm chính trị quá thiên về một phe, Đức Giáo hoàng có thể xa cách với những người Công giáo bảo thủ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ gần đây, theo kết quả thăm dò, hơn nửa số cử tri Công giáo lựa chọn Trump. Samuel Gregg, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Acton, một “think thank” – cơ quan tư vấn chuyên gia tại Michagan ủng hộ thị trường tự do và tôn giáo, nói rằng: “Phe tả toàn cầu nhìn thấy rõ ràng một cơ hội tận dụng vị thế của Đức Giáo hoàng cho quan điểm của mình. Điều đó dẫn tới việc phổ biến trong Giáo hội các vấn đề mà người Công giáo có quyền đồng ý hoặc phản đối”.
Những quan điểm của Đức Phanxicô đã khiến ngài bị gắn vào những nhóm phản đối nền luân lý của Giáo hội. Nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi trường ủng hộ các biện pháp kiểm soát dân số như một cách làm giảm thiệt hại đối với hệ sinh thái, tuy nhiên, giáo lý Công giáo cấm phá thai và ngừa thai nhân tạo. Đức Giáo hoàng đã phản đối sự phân biệt đối xử chống lại người đồng tính và kêu gọi sự đồng cảm và thấu hiểu đối với những người chuyển giới, mặc dù ngài không đồng ý hôn nhân đồng tính.
Nhiều người cho rằng Đức Giáo hoàng đã làm giảm bớt sự kì dị của những mối liên hệ cấp tiến bằng việc né tránh các câu hỏi hóc búa về đạo đức y học và tình dục, và nhấn mạnh vào những vấn đề chung như công bằng kinh tế và bảo vệ môi trường. Tổng Giám mục Tomasi nói rằng các mối quan hệ chính trị của Đức Phanxicô thiên về cánh tả, “không phải vì ngài là người theo chủ nghĩa mác-xít hay là một người cánh tả, nhưng bởi vì những nhóm này đại diện … cho những người bị tổn thương trong xã hội”.
P.B. chuyển ngữ