Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định công nhận việc thuyên chuyển một giám mục ở Trung Quốc vào đầu năm nay, việc thuyên chuyển mà khi ấy ngài đã không hề hay biết hoặc chấp thuận, bất chấp thực tế là việc thuyên chuyển đó vi phạm các điều khoản của thỏa thuận tạm thời năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục – Vatican công bố hôm thứ Bảy.
Trong một cuộc phỏng vấn kèm theo thông báo, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, đã tận dụng cơ hội này để gợi ý rằng nên mở một “văn phòng liên lạc ổn định” giữa Tòa thánh và Trung Quốc, nói rằng một động thái như vậy sẽ “cực kỳ hữu ích” cho cuộc đối thoại đang diễn ra. Đó là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của Đức Hồng y Parolin cho đến nay về ý tưởng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đã hai lần vi phạm các điều khoản của thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018, với lần mới nhất là quyết định của họ vào tháng 4 chuyển Đức cha Giuse Thẩm Bân của Giáo phận Hải Môn (Giang Tô) sang Giáo phận Thượng Hải, nơi đã trống tòa 10 năm, mà không cần có sự biết trước hoặc chấp thuận trước của Vatican.
Mùa thu năm ngoái, một sự cố tương tự đã xảy ra khi vào tháng 11, Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá cho Giáo phận Giang Tây, một lãnh thổ giáo hội được chính quyền Trung Quốc công nhận, nhưng không được Vatican công nhận.
Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Giáo phận Dư Giang được chính thức công nhận vào năm 2014, bốn năm trước thỏa thuận năm 2018. Được coi là một giám mục “chui” không được chính quyền công nhận, Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu đã bị bắt và giam giữ trong sáu tháng trước khi được thả dưới sự giám sát nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 11, ngài đã tham gia một số tổ chức được nhà nước công nhận trong một buổi lễ đánh dấu việc ngài được bổ nhiệm làm phụ tá cho Giáo phận Giang Tây không được Đức Giáo hoàng công nhận. Vatican vào thời điểm đó đã đưa ra một lời lên án công khai hiếm hoi đối với việc bổ nhiệm Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu, mặc dù cho đến hôm nay Tòa thánh vẫn chưa bình luận gì về việc thuyên chuyển Đức cha Giuse Thẩm Bân.
Tuyên bố hôm thứ Bảy về Thượng Hải không nói gì về Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu hoặc tình hình ở Giáo phận Giang Tây.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Hồng y Parolin cho biết lý do Vatican chờ đợi quá lâu để đưa ra bình luận công khai về tình hình Thượng Hải là để “đánh giá cẩn thận” tất cả tình hình mục vụ của Giáo phận Thượng Hải, “vốn đã không có giám mục quá lâu,” và quyết định thuyên chuyển Đức cha Giuse Thẩm Bân là quyết định đơn phương của Trung Quốc.
Đức Hồng y Parolin cho biết việc thuyên chuyển các Đức cha Giuse Thẩm Bân và Gioan Bành Vệ Chiếu vốn không được Tòa thánh biết hoặc chấp thuận, “dường như không tính đến tinh thần đối thoại và hợp tác” được thiết lập trong thỏa thuận tạm thời năm 2018.
Ngài cho biết, cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chấp nhận việc thuyên chuyển Đức cha Giuse Thẩm Bân đến Thượng Hải là “vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả” sứ vụ giám mục của Đức cha Giuse Thẩm Bân.
Ý định của Đức Phanxicô, Đức Hồng y Parolin nói, “về cơ bản là mục vụ, và sẽ cho phép Đức Tổng Giuse Thẩm Bân làm việc một cách thanh thản hơn để thúc đẩy việc truyền giáo và thúc đẩy sự hiệp thông trong Giáo hội.”
Đức Hồng y Parolin cũng bày tỏ hy vọng rằng Đức cha Giuse Thẩm Bân sẽ có thể làm việc với chính quyền để đạt được “giải pháp khôn ngoan” cho các vấn đề rắc rối khác, bao gồm cả việc các giám mục phụ tá của Tổng giáo phận bị cản trở thực hiện công việc của họ, cũng như làm sáng tỏ tình trạng của Đức cha Giuse Hình Văn Chi, vị tiền nhiệm của Đức cha Gioan Bành Vệ Chiếu.
Khi được hỏi về các điều khoản của thỏa thuận năm 2018, vốn chưa bao giờ được công khai, Đức Hồng y Parolin cho biết chúng được giữ bí mật “vì vẫn chưa được phê duyệt dứt khoát”.
Tuy nhiên, ngài cho biết các điều khoản xoay quanh “nguyên tắc cơ bản về sự đồng thuận trong các quyết định liên quan đến các giám mục”. Nếu phát sinh những tình huống mới hoặc không lường trước được, “vấn đề là cố gắng giải quyết chúng một cách thiện chí và có tầm nhìn xa”.
Về việc liệu ngài có nghĩ rằng sẽ có những vi phạm khác xảy ra trong tương lai hay không, Đức Hồng y Parolin lưu ý rằng việc thuyên chuyển một giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác không phải là một điều mới lạ theo giáo luật, mà là một thông lệ. Ngài nói, vấn đề khó khăn sẽ là “việc thuyên chuyển được tiến hành theo cách không có sự đồng thuận.”
Ngài nói, việc áp dụng đúng thỏa thuận năm 2018 “cho phép tránh được khó khăn này”.
Đức Hồng y Parolin cũng chỉ ra những vấn đề cấp bách khác cần được giải quyết, chẳng hạn như nhu cầu về một hội đồng giám mục chung và thống nhất, sự liên lạc nhất quán giữa các giám mục và Đức Thánh Cha, và công việc truyền giáo.
“Tòa Thánh mong muốn thấy trách nhiệm của các giám mục tăng lên trong việc lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc,” ngài nói, đồng thời cho biết rằng để làm được điều này, cần có một hội đồng giám mục với các quy chế phù hợp.
Điều này đòi hỏi một sự liên lạc ổn định giữa các giám mục và Rôma, “đương nhiên tất cả những điều này thuộc về cấu trúc và giáo lý của Giáo hội Công giáo, điều mà chính quyền Trung Quốc luôn nói rằng họ không muốn thay đổi,” Đức Hồng y Parolin nói.
Ngài nhấn mạnh rằng “quá nhiều nghi ngờ” có thể “làm chậm lại và cản trở” công việc truyền giáo và đối thoại, nhấn mạnh rằng những người Công giáo thuộc Giáo hội ‘bí mật’ ở Trung Quốc “đáng được tin tưởng”, vì họ muốn là những công dân trung thành và đồng thời được tôn trọng “trong lương tâm và đức tin của họ.”
Về tương lai, Đức Hồng y Parolin cho biết người Công giáo nói chung, không chỉ ở Trung Quốc, đều “có quyền được thông báo đầy đủ” về những gì đang xảy ra, và ngài bày tỏ hy vọng rằng những lời của mình “giúp làm sáng tỏ và giải quyết những khó khăn”.
Các vấn đề sẽ luôn có, nhưng nếu đối thoại có thể phát triển trong sự thật và sự tôn trọng lẫn nhau, thì nó có thể mang lại nhiều hoa trái, Đức Hồng y Parolin nói.
Để đạt được mục tiêu này, Đức Hồng y đặc biệt đề nghị mở một “văn phòng liên lạc ổn định” giữa Trung Quốc và Tòa thánh, nói rằng nó sẽ “cực kỳ hữu ích”.
“Tôi xin mạn phép nói thêm rằng, theo ý kiến của tôi, sự hiện diện như vậy không chỉ có lợi cho việc đối thoại với chính quyền dân sự, mà còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn bên trong Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới một sự bình thường đáng mong muốn.”
Ngay bây giờ là thời điểm quan trọng để thực hiện thỏa thuận, Đức Hồng y Parolin nói, “chúng tôi cần thiện chí, sự đồng thuận và sự hợp tác cho phép chúng tôi tham gia vào hiệp ước có tầm nhìn xa này! Tòa Thánh quyết tâm thực hiện phần việc của mình để cuộc hành trình được tiếp tục.”
Hoàng Tâm
(Theo Crux)