LONDON, Ontario – Một Giám mục Canada đã tuyên bố rằng Giáo phận London, Ontario, sẽ phản đối những yêu cầu mới đối với các khoản trợ cấp của chính phủ vốn yêu cầu các tổ chức phải theo quan điểm của chính phủ về các chủ đề chẳng hạn như quyền phá thai và nhận dạng giới tính.
“Tôi tin rằng chúng ta cần phải đứng lên chống lại lập trường của chính phủ Canada và đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không bị đe dọa buộc phải thực hiện hành động hỗ trợ phá thai thậm chí ngay cả khi xuất hiện một sự thông đồng về vấn đề này”, Đức Giám mục Ronald Fabbro Địa phận London, Ontario cho biết trong một lá thư vào ngày 5 tháng 2 gửi đến 118 Giáo xứ trong Giáo phận của ngài. “Trong khi những người khác có thể đi theo con đường phải chọn một trong hai, chúng ta có thể đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ bằng cách nói ‘không’ với tất cả những điều kiện do chính phủ quy định”.
Đức Giám mục Ronald Fabbro cho biết rằng ngài đã quyết định rằng Giáo phận London sẽ không áp dụng hoặc chấp nhận bất kỳ khoản tiền nào từ chương trình Trợ Cấp ‘Canada Summer Job Grants’.
Chương trình đã tài trợ khoảng 70.000 việc làm vào mùa hè cho sinh viên các trường trung học hoặc cao đẳng, cung cấp cho các tổ chức khoản kinh phí đối với các vị trí như nhân viên tư vấn trại hè hoặc những người chăm sóc vườn hoa và công viên. Các tổ chức khu vực London đã nhận được gần 4 triệu đô la thông qua chương trình này vào năm ngoái.
Theo điều khoản mới của đơn xin trợ cấp, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức phi lợi nhuận và lợi nhuận phải đánh dấu vào một ô bày tỏ sự nhất quán của họ với Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada, luật pháp liên quan và cam kết của chính phủ Canada đối với các quyền con người mà nó thừa nhận. Các chính sách này bao gồm “quyền của phụ nữ và quyền sinh sản của phụ nữ cũng như quyền của các công dân Canada đa dạng giới và chuyển đổi giới tính”.
Theo Đức Giám Mục Fabbro, điều này đòi hỏi phải bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phá thai hợp pháp.
“Trớ trêu thay, việc yêu cầu một sự chứng thực như vậy để có được trợ cấp việc làm đã vi phạm một số quyền vốn thực sự được tìm thấy trong Hiến chương, trong khi một số trường hợp gây tranh cãi được tán thành bởi chính phủ thì lại không”, Đức Cha Fabbro nói, đồng thời đề nghị chính phủ loại bỏ điều khoản này.
Vị giám trợ đã yêu cầu chính phủ loại bỏ hoặc thay đổi sự chứng thực này, đồng thời gọi đó là “một sự vi phạm đáng tiếc đối với tự do lương tâm và tôn giáo, tự do về tư tưởng và tín ngưỡng, tự do về quan điểm và cách biểu lộ, như đã được bảo đảm trong Hiến chương”.
Trong một bài phát biểu hồi tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bảo vệ các yêu cầu mới, khẳng định rằng lập trường của các nhóm ủng hộ bảo vệ sự sống chống lại việc phá thai là “không phù hợp với chúng ta với tư cách là một chính phủ và, một cách khá thẳng thắn, không phù hợp với chúng ta với tư cách là một xã hội”.
Chính phủ đã thông báo rằng họ sẽ không thay đổi đơn xin tài trợ, mặc dù họ đã kéo dài thời hạn nộp đơn xin trợ cấp từ ngày 2 tháng 2 đến ngày 8 tháng 2, CBC News đưa tin.
“Không có chương trình này, nhiều cơ hội tuyệt vời có thể bị đánh mất”, Đức cha Fabbro than thở.
Đức cha Fabbro khuyến khích một cuộc quyên góp đặc biệt trong Giáo phận trong suốt tháng Hai này, với hy vọng người Công giáo có thể quyên góp được 35.000 đô la cần thiết cho các chương trình hè sắp tới.
Có khoảng 440.000 người Công giáo tại Giáo phận London.
Minh Tuệ chuyển ngữ