Đức Giám mục Matthew Kukah Địa phận Sokoto, Nigeria, chia sẻ rằng sự suy giảm ngày càng lan rộng đối với đức tin Kitô giáo ở phương Tây “hoàn toàn” là một trong số những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự giảm sút của Giáo hội Công giáo tại đất nước của Ngài. “Thế giới Ả rập đang đổ tiền vào Nigeria, và các mục sư phong trào Ngũ Tuần ở Mỹ cũng đang làm như vậy, và Giáo hội Công giáo hiện đang trở thành một thể chế yếu nhất xét về việc tiếp cận các nguồn lực”.
LIVERPOOL, Anh – Một Giám mục người Nigeria chia sẻ rằng Giáo hội Công giáo ở quốc gia của Ngài hiện đang bắt đầu đánh mất đi tầm ảnh hưởng đối với công chúng một phần do sự suy giảm đức tin tôn giáo ở phương Tây.
Đức Giám mục Matthew Kukah Địa phận Sokoto đã cáo buộc các chính trị gia châu Âu và Hoa Kỳ cùng với các nhà ngoại giao vì đã công khai “nối giáo” cho Hồi giáo để rồi đánh đổi bằng Kitô giáo.
Kết quả, Đức Cha Kukah nói, chính là uy thế của Hồi giáo và việc rao giảng Tin Mừng Kitô giáo ở Nigeria cũng như sự suy yếu của Công giáo.
Đức Cha Kukah đã phát biểu với Catholic News Service trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 10 tháng 10 tại Liverpool rằng sự suy giảm ngày càng lan rộng đối với đức tin Kitô giáo ở phương Tây “hoàn toàn” là một trong số những nguyên nhân gây ảnh hưởng đối với sự giảm sút của Giáo hội Công giáo ở quốc gia của mình.
“Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi nhận thấy rằng cao ủy Anh quốc, các đại sứ đến từ các quốc gia châu Âu, đại sứ Hoa Kỳ – họ đang nối giáo cho Hồi giáo để rồi phải trả giá bằng Kitô giáo, bởi vì hầu hết họ đều đã quay lưng lại với Kitô giáo”, Đức Cha Kukah nói.
“Thế giới Ả rập đang đổ tiền vào Nigeria, và các mục sư phong trào Ngũ Tuần ở Mỹ cũng đang làm như vậy, và Giáo hội Công giáo hiện đang trở thành một thể chế yếu nhất xét về việc tiếp cận các nguồn lực”, Đức Cha Kukah nói.
“Đối với tôi, với tư cách là một Giám mục Giáo hội Công giáo, tôi có thể nhận thấy rất rõ rằng tầm ảnh hưởng của chúng ta đối với công chúng hiện đang dần dần giảm sút, và chủ yếu là do khả năng huy động các nguồn lực của chúng ta”, Đức Cha Kukah nói.
Đã không còn khả thi nữa, Đức Cha Kukah nói, để các vị Giám mục kêu gọi các quốc gia từng là Kitô giáo nếu xét về phương diện lịch sử để trợ giúp tài chánh cho các dự án của Giáo hội.
“Chúng ta không thể đến với đại sứ Ireland hay đại sứ Tây Ban Nha và nói, ‘Đây chính là điều cần thiết cho Giáo hội Công giáo’”, Đức Cha Kukah nói. “Mọi người đã trở nên không quan tâm”.
“Vào tháng Ramadan, các đại sứ của các quốc gia Hồi giáo rất nhiệt tình để tham dự những dịp lễ kỷ niệm của người Hồi giáo theo cách thức và thói quen mà người Ailen hoặc bất kỳ những vị đại sứ này có vẻ như miễn cưỡng đối với Thánh Lễ nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh hay các buổi cử hành phụng vụ nhân dịp Lễ Phục sinh”.
Đức Cha Kukah nói, theo kinh nghiệm của mình, hầu hết các đại sứ Công giáo đều thích được người dân nhìn thấy công khai tại các buổi lễ của người Hồi giáo hơn là tham dự những dịp lễ của Kitô giáo.
“Trước cuộc bầu cử của chúng ta, ông John Kerry đã đến Nigeria”, Đức Cha Kukah nói. “John Kerry, khi ông ta còn là Bộ trưởng Ngoại giao, đã rời Hoa Kỳ và đến thẳng để gặp gỡ vị Sultan của Sokoto. Đó là chuyến thăm mà không ai có thể giải thích được”.
“John Kerry tuyên bố là một người Công giáo. Đây là ví dụ điển hình tuyệt vời. Ông đã ghé thăm Abuja. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Abuja. Có một vị Hồng y ở Abuja, và một vị Hồng y rất rõ ràng về vấn đề đó, nhưng điều đó không vượt qua được lý trí của ông John Kerry để hoàn thành chuyến thăm xã giao vị Hồng y này.
Ông ta đã lên chuyến bay khác để đến Sokoto và đi đến cung điện của vị Sultan, người đứng đầu Hồi giáo”.
“Phản ứng của cộng đồng Kitô giáo tại Nigeria rất thú vị. Họ nghĩ ông Kerry đã thúc đẩy chương trình nghị sự của Hồi giáo”, Đức Cha Kukah nói. “Điều này đã được tiến hành trước cuộc bầu cử, và họ nghĩ rằng ông đang cung cấp cho ứng cử viên Hồi giáo một cơ hội thăng tiến”.
“Chúng ta đã không đào tạo cho người dân của chúng tôi đối với những vai trò trong đời sống công cộng … chúng ta vẫn còn rất nhút nhát đối với những không gian công cộng, và chúng ta không nhận thức được rằng có bao nhiêu thứ đã tiến triển”.
Đức Cha Kukah, chủ tịch ủy ban đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục Nigeria và hội nghị khu vực của các Giám mục Tây Phi, đã có mặt tại Anh trong một buổi nói chuyện.
Cùng ngày, hai Giám mục tại Nigeria đã khuyến khích Hiệp hội bao gồm các Giám đốc Truyền thông Xã hội Giáo phận nỗ lực phấn đấu để công khai tốt hơn đối vơi các công việc tốt đẹp của Giáo hội trong lĩnh vực công cộng.
Đức Giám mục Albert Ayinde Fasina Địa phận Ijebu Ode nói rằng việc huấn luyện nâng cao người Công giáo đối với những công việc trong lĩnh vực truyền thông sẽ giúp duy trì sự hiện diện của Giáo hội trong lĩnh vực công cộng.
“Theo tinh thần của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, anh chị em đòi hỏi cần phải đặt sự sáng tạo vào công việc của mình … bằng cách tham gia vào các công cụ truyền thông để giảng dạy giáo lý”, Đức Cha Fasina cho biết trong một bài phát biểu vào ngày đầu tiên của một cuộc họp diễn ra trong ba ngày. “Giáo hội cần được quan tâm, và cần phải hiện diện trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người thời đại ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô”.
Đức Giám mục Godfrey Igwebuike Onah Địa phận Nsukka cho biết rằng các chuyên gia Công giáo cũng cần phải sẵn sàng để chỉnh sửa những bài báo không chính xác về Giáo hội.
“Nếu chúng ta không lên tiếng, thì ai sẽ lên tiếng thay cho chúng ta”, Đức Cha Onah nói. “Chúng ta cần một loại phương tiện truyền thông có thể phục vụ như là một cơ quan giám sát đối với xã hội”.
Minh Tuệ chuyển ngữ