Đức Giám mục Chaldean Địa phận Aleppo cho biết rằng tiếp tục ở lại trong nước chính là yếu tố nền tảng “để sống đức tin Kitô giáo, sống Tin Mừng” trong hoàn cảnh hiện nay ở Syria. Tôn trọng người khác, quan tâm đến người nghèo và thực sự liên đới, chính là những dấu hiệu của sứ mạng truyền giáo. Cần “cấp bách” làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Đừng ngần ngại “thức tỉnh đức tin” nơi những người đang tìm kiếm Thiên Chúa.
Aleppo (AsiaNews) – Việc trở thành một nhà truyền giáo ở Syria ngày nay đồng nghĩa với việc “có thể, mỗi ngày, xây dựng những cây cầu nối” bất chấp “nguy cơ chiến tranh và bạo lực” thực sự và cụ thể, theo Đức Cha Antoine Audo, Giám mục Chaldean Địa phận Aleppo.
Đức Giám mục Audo tin rằng “việc sống đức tin Kitô giáo, việc sống Tin Mừng, việc tiếp tục ở lại đất nước” bất chấp cuộc xung đột, “là để chúng ta trở thành các nhà truyền giáo”. Một sự hiện diện vốn trở thành một yếu tố của sự gặp gỡ, giáp mặt, và đối thoại theo đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Chúa nhật Thế giới Truyền giáo, trong đó Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời mời gọi để “mang lại bầu không khí trong lành cho những người sống trong sự ô nhiễm của thế giới”.
Đức Giám mục Địa phận Aleppo và cựu Chủ tịch tổ chức Caritas Syria giải thích rằng “ở Syria chúng tôi không thể sử dụng cụm từ ‘truyền giáo’”, bởi vì trong tiếng Ả Rập, nó có “ý nghĩa là một kẻ thực dân”. Quả thực hết sức đáng buồn khi phải nói điều này – Đức Giám mục Audo cho biết thêm – nhưng đây chính là bối cảnh lịch sử – chính trị nơi chúng ta đang sống “và thậm chí những từ ngữ đó có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng và người ta vịn vào đó để gây ra những hiểu lầm, đồng thời tạo ra những sự khác biệt và chia rẽ”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc làm thế nào chúng ta có thể trở nên những nhân chứng cho Chúa Kitô trong một thực tại như thực tế tại Syria hiện nay, Đức Cha Audo trước hết nhấn mạnh việc “tôn trọng người khác”, sông song bên cạnh đó, “với việc quan tâm đến người nghèo, với việc lắng nghe và liên đới thực sự”. Trong giai đoạn khó khăn này, bị làm trầm trọng thêm bởi bi kịch chiến tranh, điều quan trọng đó chính là “đừng biến tiền bạc trở thành một vị thần, luôn luôn nói chân lý, không sợ hãi các mối đe dọa” nhưng tiếp tục tiến bước … “điều này đồng nghĩa với việc trở thành một nhà truyền giáo”.
100 năm sau khi ban hành Tông Thư “Maximum Illud” của Đức Giáo Hoàng Benedict XV, một ngày sau Chiến tranh thế giới thứ nhất nhằm đưa ra một “động lực mới cho sứ mạng truyền giáo”, ĐTC Phanxicô đã tuyên bố Tháng Truyền giáo Ngoại thường. Qua việc mời gọi “bước ra khỏi chính mình, tự biến mình trở thành một món quà”, ĐTC Phanxicô muốn tái khởi động nhiệm vụ quan trọng của Giáo hội cũng như của tất cả mọi Kitô hữu. Thời gian này, ĐTC Phanxicô nói, “cần phải thôi thúc và thúc giục chúng ta trở nên tích cực trong việc làm những việc lành phúc đức. Không phải là những công chứng viên của đức tin và những người bảo vệ ân sủng, mà là những nhà truyền giáo”.
“Theo nghĩa này, tiếp nhận những lời của ĐTC Phanxicô – Đức Giám mục Audo nói – đối với tôi có vẻ rõ ràng rằng có một nhu cầu cấp thiết đối với tất cả mọi Kitô hữu nam nữ, những người có khả năng trở nên nhân chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa”. Ngày nay, điều cần thiết hơn bao giờ hết đó chính là việc trở nên “một món quà” của chính chúng ta “với lòng can đảm và đức tin. Thậm chí ngay cả khi chiến tranh quả là đáng sợ – Đức Giám mục Audo cảnh báo – chúng ta phải là nhân chứng cho tình yêu phổ quát của Giáo hội”.
Vị Giám chức Syria cũng muốn gửi một thông điệp đến các tín hữu: “Qua việc phục vụ những người nghèo nhất – Đức Giám mục Audo giải thích – chúng ta trở thành những nhân chứng cho tình yêu nhưng không của Chúa Kitô dành cho tất cả mọi người. Trong một tình huống của tình trạng bạo lực chết chóc, của việc từ chối người khác do nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo của họ, các Kitô hữu có thể đưa ra một chứng ngôn về đức ái và tự do vốn phát xuất từ chính Tin Mừng”. Cuối cùng, Đức Giám mục Audo kết luận, “Là những người Kitô hữu của phương Đông và phương Tây, chúng ta không được ngần ngại thức tỉnh đức tin nơi những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Đây chính là điều mà thế giới mong đợi nơi chúng ta, sự tin tưởng và niềm vui mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta”.
Minh Tuệ (theo Asia News)