Đức Bênêđíctô XVI xin tha thứ liên quan đến việc xử lý các vụ việc lam dụng tình dục ở TGP Munich

Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI

Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI

Hôm thứ Ba, đích thân Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã kêu cầu sự tha thứ từ những người sống sót sau vụ lạm dụng trong một lá thư phản hồi một báo cáo chê trách cách xử lý các vụ việc của ngài trong nhiệm kỳ Tổng Giám mục Địa phận Munich từ năm 1977 đến năm 1982.

Trong một bức thư dài gần 1.000 từ được công bố vào ngày 8 tháng 2, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, 94 tuổi, cho biết rằng sự đau khổ dằn vặt của ngài còn lớn hơn cả vì ngài đã “gánh vác trách nhiệm lớn lao trong Giáo hội Công giáo”, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin.

Bức thư kèm theo một lời bác bỏ dài ba trang đối với những chỉ trích có trong báo cáo lạm dụng ở Tổng Giáo phận Munich, được công bố vào tháng trước, có chữ ký của bốn cố vấn của Đức nguyên Giáo hoàng.

Họ khẳng định rằng Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI không “biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ về các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục” trong bất kỳ trường hợp nào được đề cập trong báo cáo.

Họ cũng cho biết rằng Đức nguyên Giáo hoàng “không nói dối hoặc cố ý đưa ra một tuyên bố sai sự thật” liên quan đến sự hiện diện của ngài tại một cuộc họp gây tranh cãi vào năm 1980 về việc thuyên chuyển một linh mục bị cáo buộc lạm dụng đến Tổng Giáo phận Munich.

Lời đề nghị chân thành để được tha thứ’

Trong lá thư của mình, Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng việc cử hành Thánh lễ bắt đầu bằng Hành động Sám hối, trong đó các tín hữu Công giáo cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, thú nhận rằng họ đã phạm tội rất nhiều “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

“Trong tất cả các cuộc họp của tôi, đặc biệt là trong nhiều chuyến Tông du của tôi, với các nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục, trước hết tôi đã nhìn thấy những hậu quả của một sai phạm đau buồn nhất”, Đức Bênêđíctô XVI viết trong lá thư vào ngày 6 tháng Hai.

“Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào sai phạm đau buồn này bất cứ khi nào chúng ta phớt lờ nó hoặc không đối mặt với nó với sự quyết đoán và trách nhiệm cần thiết, như đã thường xuyên xảy ra và tiếp tục xảy ra”.

“Như trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả các nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự hổ thẹn sâu sắc, sự đau buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi”.

“Tôi đã nắm giữ những trách nhiệm lớn lao trong Giáo hội Công giáo. Trên hết là sự đau buồn của tôi vì những vụ lạm dụng và những sai sót đã xảy ra ở nhiều nơi khác nhau trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ”.

“Mỗi trường hợp lạm dụng tình dục riêng lẻ đều kinh hoàng và không thể sửa chữa được. Tôi cảm thông sâu sắc với các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, và tôi cảm thấy rất đau buồn cho từng trường hợp cá nhân”.

Các cáo buộc về việc xử lý yếu kém

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã viết bức thư sau một nghiên cứu, có tựa đề: “Báo cáo về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ, cũng như các nhân viên khác, trong Tổng giáo phận Munich từ năm 1945 đến năm 2019”, được công bố tại một cuộc họp báo ở Munich, miền nam nước Đức, vào ngày 20 tháng 1.

Báo cáo dài hơn 1.000 trang, do công ty luật Westpfahl Spilker Wastl của Munich biên soạn, đã xác định được ít nhất 497 nạn nhân bị lạm dụng, cũng như 235 thủ phạm bị cáo buộc, trong đó có 173 linh mục, trong suốt 74 năm.

Đức Bênêđíctô XVI đã ký một tuyên bố dài 82 trang được gửi cho các nhà nghiên cứu biên soạn báo cáo.

Phát biểu tại buổi ra mắt báo cáo, luật sư Martin Pusch khẳng định rằng Đức Bênêđíctô  XVI, khi đó là Đức Hồng y Joseph Ratzinger, “có thể bị cáo buộc về việc xử lý yếu kém” trong bốn trường hợp.

Luật sư Martin Pusch cho biết rằng trong hai trong số các trường hợp, các giáo sĩ đã có hành vi lạm dụng khi Đức Hồng y Ratzinger còn đương chức. Trong khi họ bị xử phạt hình sự bởi các tòa án thế tục, họ vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mục vụ, luật sư Pusch cho biết, và không có hành động nào trừng phạt họ theo Giáo luật.

Trong trường hợp thứ ba, một giáo sĩ bị tòa án nước ngoài kết án làm việc trong Tổng Giáo phận Munich. Luật sư Pusch gợi ý rằng Đức Hồng y Ratzinger hoàn toàn biết rõ về tiền sử của vị linh mục này.

Vụ việc thứ tư liên quan đến một linh mục tên là Peter Hullermann, người bị cáo buộc lạm dụng ít nhất 23 bé trai từ 8 đến 16 tuổi từ năm 1973 đến năm 1996.

Vụ việc lần đầu tiên được giới truyền thông nhấn mạnh vào năm 2010, khi Đức Bênêđíctô XVI lên làm Giáo hoàng, và một lần nữa vào tháng Giêng.

Tuyên bố dài 82 trang có chữ ký của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô  XVI khẳng định rằng ngài không có mặt trong một cuộc họp vào năm 1980, tại đó việc thuyên chuyển vị linh mục bị cáo buộc lạm dụng từ Giáo phận Essen đến Tổng Giáo phận Munich đã được thảo luận.

Nhưng vài ngày sau khi báo cáo được công bố, Đức Bênêđíctô  XVI thừa nhận rằng ngài đã tham dự cuộc họp. Trong một tuyên bố vào ngày 24 tháng 1, Đức Bênêđíctô  XVI chỉ ra rằng sai sót là kết quả của một lỗi chỉnh sửa.

Việc sửa sai đã gây náo động ở Đức, với việc những người chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI cáo buộc ngài bao che sự hiện diện của mình tại cuộc họp và những người ủng hộ chỉ ra rằng sự tham dự của ngài đã là một vấn đề được công khai.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Đức Giám mục Georg Bätzing, đã đề nghị Đức Bênêđíctô  XVI phản ứng lại những chỉ trích của nghiên cứu Munich.

Sự ủng hộ từ Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong bức thư của mình, Đức Bênêđíctô  XVI cho biết rằng ngài bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phản ứng đối với “sự sơ suất”, mà ngài nói đã bị “lợi dụng để gây nghi ngờ về tính trung thực của tôi, thậm chí miêu tả tôi như một kẻ nói dối”.

Đức Bênêđíctô  VI cho biết ngài cũng đã nhận được nhiều tin nhắn ủng hộ và “đặc biệt biết ơn vì sự tin tưởng, ủng hộ và cầu nguyện mà cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ với tôi”.

Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh sự tin tưởng tiếp tục của mình đối với các cố vấn đã giúp ngài chuẩn bị bản tuyên bố dài 82 trang.

“Ngoài việc trả lời các câu hỏi mà công ty luật đặt ra, điều này cũng đòi hỏi cần phải đọc và phân tích gần 8.000 trang tài liệu ở định dạng kỹ thuật số”, Đức Bênêđíctô  XVI nói.

“Những trợ lý này sau đó đã giúp tôi nghiên cứu và phân tích gần 2.000 trang ý kiến của các chuyên gia”.

Đức Bênêđíctô  XVI cho biết rằng sai sót liên quan đến sự hiện diện của ngài tại cuộc họp không “làm giảm sự cẩn trọng và cần mẫn” của các cộng tác viên của ngài.

Phân tích về các chỉ trích của báo cáo Munich

Trong phân tích 1.300 từ của họ về báo cáo lạm dụng ở Munich, các cố vấn của Đức Bênêđíctô XVI đã bảo vệ hành động của ngài trong cả bốn trường hợp được nghiên cứu nhấn mạnh.

Họ nhấn mạnh rằng vào thời điểm cuộc họp năm 1980, vị Giáo hoàng tương lai không biết rằng Hullermann – người mà họ chỉ xác định là “Linh mục X.” – là một kẻ lạm dụng tình dục hoặc ông ấy sẽ được nhận vào “hoạt động mục vụ” trong Tổng Giáo phận Munich.

“Đó hoàn toàn chỉ là vấn đề về chỗ ở của vị linh mục trẻ tuổi X. ở Địa phận Munich vì anh ta phải trải qua quá trình điều trị ở đó. Yêu cầu này đã được tuân thủ”, theo nội dung văn bản được ký bởi các chuyên gia pháp lý Stefan Mückl, Helmuth Pree, Stefan Korta và Carsten Brennecke.

“Trong cuộc họp, lý do của việc điều trị không được đề cập. Do đó, tại cuộc họp đã không quyết định dàn xếp kẻ lạm dụng tình dục vào công việc mục vụ”.

Các cố vấn nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô XVI “không nói dối hoặc cố ý đưa ra tuyên bố sai lệch” liên quan đến cuộc họp và đồng thời cũng cho biết rằng sai lầm là kết quả của “lỗi bản ghi chép”.

“Người ta không thể quy lỗi bản ghi chép này cho Đức Bênêđíctô XVI như một lời nói sai có ý thức hoặc một ‘lời nói dối’”, các vị cố vấn nhấn mạnh.

Họ cũng phủ nhận rằng vào thời điểm đó, Đức Bênêđíctô XVI biết rằng các linh mục trong ba trường hợp còn lại là những kẻ lạm dụng tình dục.

“Trong các trường hợp được báo cáo bởi chuyên gia phân tích, không có trường hợp nào Đức Hồng y Joseph Ratzinger biết về hành vi lạm dụng tình dục hoặc nghi ngờ về các vụ lạm dục tình dục của các linh mục này”, họ viết. “Báo cáo của chuyên gia không cung cấp bằng chứng ngược lại”.

Họ cũng phản ứng lại trước những lời chỉ trích rộng rãi rằng Đức Bênêđíctô XVI đã xem nhẹ “hành vi phô trương thân thể” của một linh mục trong một trong các trường hợp.

“Trên thực tế, trong hồi ký [tuyên bố dài 82 trang], Đức Bênêđíctô XVI đã nói rõ ràng rằng các vụ lạm dụng, bao gồm cả hành vi tính dục lộ thân, quả là‘ khủng khiếp ’,‘ tội lỗi ’,‘ đáng trách về mặt luân lý’, và ‘không thể sửa chữa được’”, họ lưu ý.

“Theo đánh giá theo Giáo luật về sự kiện, được chúng tôi, những người cộng tác đưa vào hồi ký, và được thể hiện theo nhận định của chúng tôi, chỉ có mong muốn nhắc lại rằng theo Giáo luật hiện hành, hành vi tính dục lộ thân không phải là một tội phạm theo ý thức hạn chế, bởi vì quy phạm hình sự liên quan không bao gồm trong trường hợp liên quan đến hành vi của hình thức như vậy”.

Thành tích của Đức Bênêđictô XVI với tư cách là Giáo hoàng

Sau khi rời Tổng Giáo phận Munich vào năm 1982, Đức Bênêđíctô XVI tương lai đã giữ chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin Vatican trước khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2005.

Trong Triều đại Giáo hoàng gần 8 năm của mình, Đức Bênêđíctô XVI đã loại bỏ hàng trăm kẻ lạm dụng khỏi hàng giáo sĩ, gặp gỡ những người sống sót sau vụ lạm dụng trong các chuyến Tông du nước ngoài của mình và giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Ireland trong một bức thư mục vụ mang tính bước ngoặt.

Ngài nghỉ hưu vào năm 2013 và từ đó sống ẩn dật tại Vatican.

Vatican đã xuất bản một bài xã luận về báo cáo lạm dụng ở Munich vào ngày 26 tháng 1 làm nổi bật vai trò của Đức Bênêđíctô XVI trong việc chống lại vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Bài xã luận, có chữ ký của Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Thánh Bộ Truyền thông của Vatican, cảnh báo chống lại “việc tìm kiếm những con dê tế thần dễ dàng và những phán quyết giản lược”.

Ông Tornielli viết: “Chính Đức Bênêđíctô XVI, thậm chí ngay cả khi chống lại ý kiến của nhiều người tự phong là ‘những người có tư tưởng Ratzinger’, đã ủng hộ, giữa cơn bão của những vụ bê bối ở Ireland và Đức, bộ mặt của một Giáo hội sám hối, vốn tự hạ mình xuống khi cầu xin sự tha thứ, cảm nhận được sự khiếp đảm, hối hận, đau đớn, lòng trắc ẩn và sự gần gũi”.

Trong bài xã luận thứ hai được xuất bản vào hôm thứ Ba, ông Tornielli đã mô tả bức thư của Đức Bênêđíctô  XVI là một bức thư “ngắn gọn súc tích và chân thành”.

“Những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong bức thư là lời của một cụ già đang bơ vơ, người mà giờ đây đã cảm nhận được sự gần kề của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng có danh xưng là Đấng giàu Lòng thương xót. Đó là những lời của một ‘người thợ khiêm hạ trong vườn nho của Thiên Chúa’, người chân thành cầu xin sự tha thứ mà không né tránh tính cụ thể của vấn đề, và đồng thời mời gọi toàn thể Giáo hội cảm nhận vết thương đang rỉ máu do vấn nạn lạm dụng như vết thương của chính mình”, ông Tornielli viết.

‘Giờ phán xét’

Kết thúc bức thư của mình, Đức Bênêđíctô XVI, người bước sang tuổi 95 vào ngày 16 tháng 4, hướng đến sự phán xét trước mặt Thiên Chúa.

“Sẽ sớm thôi, tôi sẽ nhận thấy chính mình đứng trước vị thẩm phán chung cuộc của cuộc đời mình. Mặc dù khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi xác quyết rằng Thiên Chúa không chỉ là vị quan tòa công chính, mà còn là người bằng hữu và người anh em, Đấng đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó, cũng là Đấng bênh vực tôi, ‘Đấng bào chữa’ của tôi”, Đức Bênêđíctô XVI viết.

“Trong giờ phán xét, tôi càng nhận thấy rõ ân sủng của việc trở thành người Kitô hữu. Nó cho tôi sự hiểu biết, và tình bạn đích thực, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của sự chết”.

“Về vấn đề này, tôi liên tục nhớ lại điều Thánh Gioan đã nói với chúng ta ở phần đầu Sách Khải Huyền: “Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói : ‘Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối’”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết