
Graciela Sosa cùng với chồng Silvino Baez đang gào khóc vì đứa con trai đã chết của họ, Fernado Baez Sosa, bên ngoài Quốc hội Argentina, nơi nhiều người tụ tập để kêu đòi công lý một tháng sau vụ giết hại chàng thanh niên 19 tuổi. Bức ảnh được chụp vào ngày 18 tháng 2 năm 2020 (Ảnh: AP / Natacha Pisarenko)
ROME – Mặc dù vẫn chưa trở về quê hương kể từ khi được bầu chọn làm Đấng kế vị Thánh Phêrô vào tháng 3 năm 2013, nhưng ĐTC Phanxicô vẫn gần gũi với Argentina và Giáo hội Argentina cũng luôn gần gũi với Ngài, với một vài ví dụ điển hình về mối quan hệ này trong tuần qua.
Gần gũi với gia đình của một thanh niên bị sát hại
Một tháng sau vụ giết hại một thanh niên 18 tuổi tên Fernando Baez Sosa ở Argentina bởi một nhóm bao gồm các cầu thủ bóng bầu dục, ĐTC Phanxicô đã gửi một lá thư cho gia đình nạn nhân được đọc trong Thánh lễ được cử hành tại lối vào một hộp đêm nơi xảy ra vụ án mạng hôm 18 tháng 1.
“Các huynh đệ thân mến, tôi biết rằng mọi người sẽ cử hành Thánh lễ tại Villa Gesell nhân kỷ niệm một tháng sau vụ sát hại Fernando Baez Sosa”, theo nội dung bức thư viết tay của ĐTC Phanxicô. “Tôi muốn đảm bảo với anh chị em sự gần gũi về tinh thần của tôi vào ngày này. Tôi cũng sẽ cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Fernando và cha mẹ của anh”.
Baez Sosa đã bị sát hại bởi một đám đông bao gồm 10 cầu thủ bóng bầu dục tại thành phố ven biển Villa Gesell, nằm cách Buenos Aires, thủ đô Argentina, khoảng 250 dặm về phía nam. Động cơ của vụ tấn công vẫn chưa được biết đến.
Sau Thánh lễ, Đức Cha Gabriel Mestre đã yêu cầu việc “chấm dứt bạo lực”; tất cả chúng ta hãy nói ‘sẵn sàng’ để trở thành những người kiến tạo hòa bình, một điều mà ĐTC Phanxicô thường đề nghị chúng ta”.
ĐTC Phanxicô đã đích thân yêu cầu sự giúp đỡ cho gia đình Baez Sosa những ngày sau vụ án mạng, và đồng thời cũng đã gọi điện cho cha mẹ của anh. Mặc dù cả gia đình và Vatican đều cho biết rằng cuộc điện thoại hôm 2 tháng 2 là một cuộc trò chuyện riêng tư, cha mẹ Baez Sosa thừa nhận động thái của ĐTC Phanxicô là “một cử chỉ chống lại bạo lực”.
Các bị cáo, tất cả đều trong độ tuổi 18-21, đến từ một đội bóng bầu dục có trụ sở tại thành phố Zarate, nằm ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires.
Không phải tất cả các cầu thủ – được xác định trên báo chí địa phương là ‘The Rugbiers’ – có cùng mức độ tham gia vào tội ác này: Một trong số họ đã đá vào đầu Baez Sosa khi anh ta bất tỉnh và một số người khác đã tham gia đánh đập nạn nhân.
Các nhân chứng xác định những người khác là đồng phạm của tội ác này, bởi vì họ đã ngăn cản những người bạn của Baez Sosa giúp đỡ anh ta, bên cạnh đó còn vui mừng khi chàng trai trẻ bị đánh, hoặc đuổi theo nạn nhân trước khi bị tấn công.
Hôm thứ Ba, khi nước này đánh dấu kỷ niệm tháng đầu tiên của tội ác, gia đình Baez Sosa đã dẫn đầu một cuộc biểu tình lên đến hàng ngàn người trước Quốc hội, yêu cầu công lý và chấm dứt bạo lực. Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ hơn đã được tổ chức trên khắp đất nước, cũng như ở London và Barcelona.
Cổ võ “Querida Amazonia”
Tuần trước, Vatican đã công bố Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon của ĐTC Phanxicô.
Trước sự kiện phát hành tài liệu, Ủy ban về các Dân tộc bản địacủa Hội đồng Giám mục Argentine đã đưa ra một thông điệp tố cáo tình trạng suy dinh dưỡng và cái chết của nhiều trẻ em bản địa tại miền bắc của quốc gia này.
Trong những tháng đầu năm, ít nhất 8 trẻ em từ cộng đồng bản địa Wichi đã chết vì tình trạng suy dinh dưỡng ở tỉnh Chaco của Argentina, và hàng chục trẻ em khác hiện đang phải nhập viện.
Bộ trưởng Y tế của khu vực, Josefina Medrano, cho biết một cách đơn giản rằng điều này “không phải là mới mẻ” khi mà trẻ em từ cộng đồng này thiệt mạng vào thời điểm này trong năm, do sức nóng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khu vực trong suốt mùa hè ở Nam bán cầu.
“Dưới ánh sáng của Tông Huấn ‘Querida Amazonia’, chúng tôi muốn mời gọi anh chị em nhìn vào thực tế đau khổ mà các dân tộc và các cộng đồng nguyên thủy tại khu vực Chaco của Argentina của chúng ta đang phải trải qua, do tình trạng suy dinh dưỡng và cái chết của nhiều trẻ em, tình trạng thiếu nước uống và các tai họa khác”, theo nội dung tuyên bố hôm 14 tháng 2 của các Giám mục.
“Chúng ta không thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức cho các tình huống khẩn cấp về xã hội và y tế nơi có nhiều cộng đồng sinh sống, nhưng chúng ta có thể có thái độ thương xót vốn giải thoát chúng ta khỏi sự thờ ơ và xu hướng giật gân của phuong tiện truyền thông và khiến chúng ta trở nên đồng lõa với sự đau khổ của những người bị lãng quên nhất”, các Giám mục viết.
Trích dẫn từ tài liệu của ĐTC Phanxicô, các Giám mục đã so sánh tình hình của người dân bản địa ở khu vực Amazon với người dân bản địa ở Chaco: “Sự mất cân bằng quyền lực là rất lớn; kẻ yếu không có cách nào để tự bảo vệ mình, trong khi những người chiến thắng chiếm được tất cả…các nhà cầm quyền địa phương, lợi dụng cái cớ của sự phát triển, cũng là thành viên của các thỏa thuận nhằm tàn phá các khu rừng một cách bừa bãi nhưng vẫn dugnr dưng trước pháp luật”.
Một xã hội không biết cách chăm sóc trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ bị sụp đổ và bị khai tử, tuyên bố cho biết: “Chúng ta không thể thế chấp tương lai của chúng ta hoặc để cho hy vọng của chúng ta bị đánh cắp, bởi vì không thể ‘chết đói ngay chính trong vùng đất trù phú được chúc phúc’”.
Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Victor Manuel Fernandez – thường được coi như là cây bút viết về Thông điệp ‘Laudato Si’ của ĐTC Phanxicô – cho biết ngài lấy làm tiếc khi giới truyền thông tập trung vào việc phong chức Linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn khi thảo luận về “Querida Amazonia”.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 13 tháng 2, Đức Tổng giám mục Địa phận La Plata đã cảnh báo rằng những người tiếp tục khai thác rừng nhiệt đới Amazon sẽ “phủi tay” trước thực tế rằng người Công giáo tiếp tục đấu tranh vì các vấn đề liên Giáo hội thay vì tập trung vào việc giải quyết sự chênh lệch và khác biệt quá lớn trong khu vực.
Theo Đức Tổng giám mục Fernandez, những người tập trung vào Đức Phanxicô không nói về việc phong chức cho những người gọi là “viri probati”, hoặc vì họ ủng hộ hay phản đối đề nghị, tiếp tục phớt lờ những lời của ĐTC Phanxicô cho rằng đó là một giải pháp đối với một vấn đề ảnh hưởng đến xã hội và Giáo hội ở Amazon.
Trong tuyên bố của mình, Đức Tổng giám mục Fernandez cũng lưu ý rằng ĐTC Phanxicô cảnh báo chống lại việc đánh đồng chức tư tế với quyền lực.
Các Giám mục nỗ lực bảo vệ sự sống
Đức Giám mục Oscar Ojea, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina, đã trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Maria hôm thứ Ba kêu gọi mọi người tham dự Thánh lễ vào ngày 8 tháng 3 để bảo vệ phụ nữ và những đứa trẻ chưa được sinh ra được cử hành tại Đền thờ Đức Mẹ Lujan, Quan Thầy Argentina.
Khi chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez tiếp tục thúc đẩy không chỉ việc hợp pháp hóa phá thai, đồng thời muốn việc phá thai phải “miễn phí, có sẵn và an toàn” tại mọi cơ sở y tế trong nước, các Giám mục kêu gọi các tín hữu Công giáo và tất cả mọi người có thành tâm thiện chí tham dự Thánh lễ, diễn ra vào ngày Quốc tế Phụ nữ.
Chủ đề của sự kiện đó là: “Hãy nói sẵn sàng với phụ nữ, sẵn sàng với sự sống”.
Đức Giám mục Ojea cho biết rằng mục đích của Thánh lễ đó là bảo vệ sự sống và bảo vệ phụ nữ Argentina, đồng thời kêu gọi việc bảo vệ quyền sống của những người cao niên, các bệnh nhân và những người đang bị cầm tù.
Đức Giám mục Ojea kêu gọi “việc bảo vệ sự sống trong tất cả mọi giai đoạn phát triển của nó, bằng mọi phương cách. Đó sẽ là một sự phản bội đối với thông điệp Tin Mừng khi chỉ bảo vệ sự sống tại thời điểm thụ thai”.
“Nhân dịp lễ Quốc tế Phụ nữ, và những lời của Đức Thánh Cha phát biểu về việc bảo vệ phẩm giá của phụ nữ, nói về tình trạng bạo lực tàn ác được thực thi nhiều lần đối với phụ nữ thông qua những thái độ sùng bái tinh thần bè phái cực đoan và sự độc đoán sai lầm; đây chính là một cơ hội tuyệt vời để đưa ra lời kêu gọi này đối với tất cả các anh chị em nơi quê hương của chúng ta, để bảo vệ sự sống và bảo vệ những người phụ nữ của chúng ta”, Đức Giám mục Ojea cho biết thêm.
Mặc dù ngài không đề cập đến điều đó, nhưng Argentina hiện đang phải đối mặt với các vụ bạo lực đối với phụ nữ gây ra bởi người phối ngẫu của họ, được biết đến với tên gọi là “femicide” (tội ác nhắm vào phụ nữ). Các thống kê thay đổi, nhưng một số người cho rằng cứ sau mỗi 40 giờ thì lại có một phụ nữ bị giết hại bởi người phối ngẫu của mình ở nước này.
Đức Giám mục Ojea đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn rằng Giáo hội Công giáo không phải là người “chống lại các quyền của con người”, và đồng thời kêu gọi tất cả các Kitô hữu hãy trở nên “can đảm” và sống theo thông điệp của Tin Mừng.
Trích dẫn Thông điệp Laudato Si, Đức Giám mục Ojea cho biết rằng quyền sống phải luôn luôn được bảo vệ; nếu không, sự sống của những người yếu đuối nhất trong xã hội sẽ bị loại bỏ.
“Ngay khi chúng ta bảo vệ những sinh vật nhỏ bé nhất trong tự nhiên, để không có loài nào bị tiêu diệt, không có loài tạo vật nào của Thiên Chúa bị tiêu diệt bởi vì Ngài biết tại sao Ngài tạo dựng nên nó, hơn nữa một con người cần phải được bảo vệ”, Đức Cha Ojea nói.
Minh Tuệ (theo Crux)