Thứ Sáu Tuần thứ 31 Thường Niên (Lc 16,1-8)
Một trong những vấn đề gây thắc mắc cho rất nhiều người khi nghe dụ ngôn này là: làm thế nào mà cách hành xử có vẻ thiếu lương thiện của người quản lý trong câu chuyện lại có thể được khen ngợi?
Có nhiều hướng giải thích.
Một số nhà chú giải căn cứ theo những luật lệ và tục lệ được chấp nhận tại Palestina thời bấy giờ để chứng minh rằng người quản lý này không bất lương trong hành động sửa đổi biên lai cho các con nợ của ông chủ. Theo một cách giải thích, Luật Môsê cấm người ta lấy lãi cắt cổ. Các biên lai nợ nói đây là những biên lai bao gồm cả phần nợ và phần lãi cắt cổ, tức là vi phạm Luật Môsê, và người quản lý đã chỉ sửa các biên lai bằng cách cắt bỏ những phần lãi vi phạm Luật. Như thế, anh ta không làm gì sai trái. Thực ra, cách giải thích này rất khiên cưỡng và thiếu sức thuyết phục.
Một cách giải thích khác vẫn theo hướng này nhưng có lý hơn: theo tục lệ được chấp nhận tại Palestina, người quản lý có thể thu lợi nhuận theo một tỷ lệ nào đó từ những gì ông chủ cho vay mượn, thay vì được chủ trả lương. Vậy khi cho sửa lại các biên lai, người quản lý trong câu chuyện đã hy sinh phần lợi nhuận của mình để giảm nợ cho các con nợ của ông chủ và nhờ đó, gây được thiện cảm với họ. Người quản lý này, như thế, không bất lương trong hành động sửa biên lai, mà là bất lương trong quá khứ, đến nỗi bị sa thải. Cách giải thích này đáng được coi là rất đáng giá, cho dù vẫn còn đó một số vấn nạn liên quan đến cách dùng từ ngữ trong bản văn, cách riêng là tính từ “bất lương” ở câu 8.
Khác với hướng giải thích trên đây, lối giải thích truyền thống không tìm cách chứng minh rằng hành động sửa biên lai của người quản lý là có thể chấp nhận được, mà tìm cách xác định xem anh ta được khen ngợi về điều gì. Nói cách khác, vấn đề quan trọng là tại sao anh ta lại được khen ngợi?
Dù hành động sửa biên lai của người quản lý trong câu chuyện là có thể chấp nhận được hay không, thì chúng ta vẫn phải công nhận rằng: nếu đọc dụ ngôn một cách cẩn thận, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy điểm chính yếu không tập trung trên phương diện luân lý của hành động của người quản lý. Đức Giêsu không phán quyết về tính cách luân lý trong cách hành xử của anh ta, và vì thế, Ngài không hề khen ngợi sự bất lương của anh ta. (Hơn nữa, như một số người lập luận, nếu hành động của anh ta là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, thì câu chuyện càng dễ lôi kéo sự chú ý của người nghe hơn, khi họ thấy anh ta được khen ngợi!?).
Điều quan trọng là sự kiện người quản lý này, trong hoàn cảnh khó khăn, đã biết tận dụng quỹ thời gian ít ỏi còn lại trước khi phải ra đi để sắp xếp cho cuộc sống tương lai của mình, thay vì tận dụng những ngày giờ ít ỏi còn ở lại để hưởng thụ. Chính thái độ và cách hành xử đó đã được coi là gương mẫu cho các thính giả của Đức Giêsu. Nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ phải có thái độ của người quản lý này: nhận ra tính cách quan trọng đặc biệt của quỹ thời gian ít ỏi còn lại, ý thức tính cách cấp bách phải hành động, biết phải làm những gì cần thiết cho tương lai và mau lẹ quyết định dứt khoát để đáp ứng với hoàn cảnh có tính quyết định đặc biệt.
Vậy khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn lay chuyển thái độ lãnh đạm đáng lo ngại của đám đông dân chúng trước lời công bố của Ngài về biến cố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Ngài muốn nhấn mạnh rằng thời đại cánh chung đã xuất hiện, và rằng nếu người ta không hành động ngay, thì sẽ là quá trễ.
Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện CSsR