Dù bị coi là chống chủ nghĩa tư bản, ĐGH vẫn đã xuất sắc nói về hoạt động kinh doanh

Trong nhận thức rộng rãi của công chúng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường bị xem là người thù địch với chủ nghĩa tư bản và không phải là người bạn thực sự của văn hoá doanh nghiệp. Tuy nhiên vào ngày thứ bảy vừa qua tại Genova, ngài đã đưa ra những suy tư về hoạt động kinh doanh xứng đáng với một chương trình MBA sau đại học. Một trong những điều ngài đề cập: sự khai thác công nhân không chỉ là vô đạo đức mà còn là sự tự hại mình về mặt kinh tế.

ĐGH tại GenovaỞ mức độ hình ảnh công khai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn chung bị coi là một nhà phê bình chủ nghĩa tư bản và là người không thiện cảm cả với việc kinh doanh lớn lẫn với nền kinh tế thị trường tự do. Thứ bảy vừa qua, tuy nhiên, đã là một trong những ngày “khuôn mẫu bị nổ tung”, khi Đức Phanxicô chứng tỏ rõ ràng rằng ngài thực sự có một quan niệm khá lãng mạn về việc kinh doanh tốt.

Khung cảnh là chuyến viếng thăm thành phố cảng Genova của Ý, từ đó, như Đức Giáo Hoàng đã nhớ lại, gia đình ngài đã đi tìm cuộc sống mới tại Argentina. Đức Phanxicô đã dừng lại tại nhà máy thép Ilva, nổi tiếng về mức độ ô nhiễm cao, tai nạn lao động chết người, và những vụ bê bối tham nhũng trong quản lý.

Các công nhân cầm mũ bảo hộ lắc mạnh trong tiếng hoan hô Đức Giáo Hoàng, nhiều lần hô vang “Francesco, Francesco!” khi ngài chào họ và khi ngài phát biểu.

Tại nhà máy, Đức Phanxicô đã nói về một loạt vấn đề liên quan đến các doanh nhân, các công nhân và những người thất nghiệp, và cuộc đối thoại đáng chú ý này có lẽ là sự kiện gần nhất giúp chúng ta có thể có cái nhìn tổng quan về cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận về hoạt động kinh doanh.

“Thế giới công việc là một ưu tiên của con người”, Đức Phanxicô nói, “và nó cũng là một ưu tiên đối với Đức Giáo Hoàng. Luôn luôn có tình bạn giữa Giáo Hội và lao động, bắt đầu với Chúa Giêsu, vốn là một người thợ.”

Mặc dù có những hoài nghi về lĩnh vực hoạt động vì lợi nhuận, Đức Phanxicô đã vẫn đưa ra những khen ngợi sâu sắc đối với các doanh nhân và các chủ doanh nghiệp.

Ngài nói: “Không thể có một nền kinh tế tốt nếu không có các doanh nhân giỏi, nếu không có khả năng sáng tạo và sản xuất của họ”.

Trong thực tế, hôm thứ bảy vừa qua, Đức Phanxicô đã đề cập bốn điểm về quản lý kinh doanh.

– Sự khai thác và ngược đãi người lao động không chỉ là sai về mặt đạo đức và tâm linh, đó còn là sự tự hại mình xét về mặt kinh tế.

– Khái niệm về một “chế độ trọng dụng tài năng”, điểm tự đắc của một số lời hùng biện tư bản tự tán dương, là một khái niệm sai.

– Có một sự khác biệt giữa tinh thần kinh doanh và “đầu cơ”, cái thứ nhất thì cao quý, cái thứ hai là nguy hiểm và phi đạo đức.

– Các doanh nghiệp thành công là cần thiết cho nền dân chủ.

Về điểm đầu tiên, Đức Giáo Hoàng lập luận rằng khi văn hoá doanh nghiệp đặt trọng tâm vào cạnh tranh, nó sẽ gieo hạt giống cái chết của chính nó.

Ngài nói: “Nhiều giá trị mới của các công ty lớn và hệ thống tài chính không phù hợp với phẩm giá con người và chủ nghĩa nhân đạo Kitô giáo”. “Đặt trọng tâm vào sự cạnh tranh, ngoài sai lầm nhân học và Kitô giáo, còn là một sai lầm kinh tế, bởi vì nó quên rằng một công ty, trên tất cả, là thực tại của sự hợp tác.

“Khi đó là một hệ thống khuyến khích cá nhân làm cho người lao động cạnh tranh với nhau, bạn có thể có được một số lợi thế, nhưng nó sẽ làm hỏng lòng tin, vốn là linh hồn của bất kỳ tổ chức nào”, Đức Giáo Hoàng lập luận. “Khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, công ty sụp đổ từng phần. Nó trầy xước, bởi vì không có bất kỳ sự đồng thuận nào.”

Cần lưu ý rằng đây không phải là một cuộc tranh luận về đạo đức chống lại quan niệm cạnh tranh quá cao về các sự vật, mà là một vấn đề kinh doanh.

Đức Giáo Hoàng, sau đó, đã cố gắng bác bỏ ý tưởng cho rằng sự phân phối của cải trong thế giới hậu hiện đại chủ yếu là kết quả của một ‘chế độ trọng tài năng’ đang được vận hành.

Ngài nói: “Điều đó làm chúng tôi ngạc nhiên bởi vì nó sử dụng một từ rất đẹp, ‘công đức’, nhưng sử dụng theo cách ý thức hệ. “Khai thác lòng tin tốt lành của nhiều người, nó cung cấp sự hợp pháp về mặt đạo đức cho sự bất bình đẳng.

Đức Phanxicô nói: “Chủ nghĩa tư bản mới, thông qua “chế độ trọng dụng tài năng”, cho sự bất bình đẳng là phù hợp đạo đức. “Nó nhìn tài năng của con người không phải như là một món quà, mà là một ‘công đức’, ‘xác định một hệ thống những lợi thế và những điểm bất lợi.’

Ngài lập luận rằng hệ tư tưởng của một ‘chế độ trọng dụng tài năng’ cũng tô màu cho cách chúng ta nhìn người nghèo.

Ngài nói: “Hậu quả thứ hai của một ‘chế độ trọng dụng tài năng’ là một sự thay đổi trong văn hoá về đói nghèo. “Người nghèo bị coi là không có công, và do đó có tội. Họ đang bị chê bai. Đó là logic cũ của những người bạn của Gióp, những người muốn thuyết phục anh ta rằng anh ta có tội.

“Đó không phải là logic của Tin Mừng hay của sự sống,” Đức Phanxicô nói.

Đức Giáo Hoàng cũng đưa ra một sự phân biệt rõ nét giữa hoạt động kinh doanh, rõ ràng được ngài đề cao bởi vì nó mang lại việc làm và ý thức về phẩm giá cho người lao động, với cái ngài gọi là “đầu cơ” mà ngài có vẻ coi như là một thứ tư duy chỉ chú ý lợi nhuận nhưng thờ ơ với nhu cầu và khát vọng của những người có liên quan.

“Tôi nhớ một lần nọ, có một người đàn ông đến với tôi, ông khóc và xin tôi cầu nguyện,” ngài nói. “Ông ấy nói với tôi: “Tôi đang ở đường cùng và tôi phải tuyên bố phá sản, và như thế, tôi phải bỏ rơi 60 công nhân và tôi không muốn làm như thế, tôi cảm thấy như phải tự bắn mình”.

“Đó là một nhà kinh doanh tốt,” Đức Giáo Hoàng nói. “Ông quý trọng và cầu nguyện cho người của ông, bởi vì họ là gia đình ông. Ông gắn bó với họ.

“Một căn bệnh của nền kinh tế là sự từ từ chuyển đổi các doanh nhân thành những kẻ đầu cơ”, Đức Phanxicô nói. “Người đầu cơ là một hình ảnh tương tự như những gì Chúa Giêsu, trong các sách Phúc Âm, gọi là “những người đổi tiền” trái ngược với các mục tử. Anh ta không yêu công ty của anh ta hoặc công nhân của anh ta, nhưng chỉ coi họ là một phương tiện để kiếm lợi nhuận.”

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói về mối liên kết giữa khu vực kinh doanh và sức khoẻ của nền dân chủ.

Ngài nói: “Khi công việc bị suy yếu, nền dân chủ rơi vào tình trạng khủng hoảng.”

Hẳn nhiên là không điểm nào trong số các điểm nói trên làm cho ĐGH Phanxicô là một nhà biện giải cho chủ nghĩa tư bản tân bảo thủ. Cơ bản ngài là một người theo khuynh hướng dân túy Mỹ Latinh, luôn luôn thông cảm với lao động hơn là việc quản lý, và có khuynh hướng hoài nghi mạnh mẽ về giá trị đạo đức của các hoạt động kinh doanh khổng lồ.

Tuy nhiên, những phát biểu của ngài hôm thứ bảy vừa qua tại Genova cũng giúp khẳng định rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô không thù hằn về nguyên tắc đối với cuộc sống kinh doanh hay việc theo đuổi lợi nhuận, và những gì mà ngài chủ trương thì không làm xáo trộn chủ nghĩa tư bản mà làm cho nó bền vững hơn về lâu về dài – bởi vì, theo quan điểm của ngài, tôn trọng phẩm giá con người cũng là thực hành kinh doanh tốt.

Nói cách khác, những gì chúng ta được nghe hôm thứ bảy vừa qua tại Genova cho thấy Đức Phanxicô không xa lạ với ngôn ngữ của các doanh nhân và các nhà quản lý doanh nghiệp.

Trần Tài (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết