NEW DELHI, Ấn Độ – Cơ quan từ thiện của Giáo hội Công giáo, tổ chức Caritas, đã phát động một dự án nhằm chấm dứt nạn đói trên khắp Nam Á trước năm 2030.
Caritas Ấn Độ đã giới thiệu chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế của mình nhằm giúp nông dân thích ứng với các phương pháp để đối phó với các điều kiện khí hậu thất thường, ucanews.com đưa tin.
“Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và con người. Nó tấn công mạnh nhất vào nơi mà con người trực tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp để có được thực phẩm và sinh kế”, Sunil Simon, giám đốc dự án ở Ấn Độ cho biết.
Mạng lưới Nông dân thích ứng với nông nghiệp và Đa dạng sinh học đã được đưa ra vào tháng 6 tại hội nghị khu vực của tổ chức Caritas châu Á được tổ chức tại Bangkok.
Christoph Schweifer, tổng thư ký của Caritas Áo, một đối tác trong dự án cho biết: “Chương trình duy nhất nhằm mục đích giải quyết mục tiêu chung của chúng ta về việc chấm dứt nạn đói trước năm 2030”.
Các tổ chức Caritas ở Bangladesh, Nepal và Pakistan sẽ thực hiện chương trình với sự hỗ trợ của Caritas Áo và Caritas Thụy Sĩ.
Nỗ lực nhằm mục đích chống đói và suy dinh dưỡng bằng cách quảng bá thực phẩm địa phương thông qua canh tác quy mô nhỏ ở các khu vực được lựa chọn ở Nam Á để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, ông Simon nói.
Chương trình sẽ góp phần đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt nạn đói, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở Nam Á.
Trong khi 40% dân số toàn cầu được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, 54,6% trong tổng số dân 1,2 tỷ người của Ấn Độ đều là nông dân, theo nghiên cứu của LHQ. Mặc dù hơn một nửa dân số Ấn Độ là nông dân, nhưng nông nghiệp chỉ đóng góp 15% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước này.
Ấn Độ có gần 191 triệu người đói – 25% trong tổng số trên thế giới – những người không có được một bữa ăn hoàn chỉnh mỗi ngày, báo cáo năm 2017 của LHQ về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng cho biết.
Khoảng 51% phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi sinh đẻ đều bị thiếu máu do thiếu chế độ ăn uống cân bằng, trong khi 38% trẻ em Ấn Độ bị còi cọc vì thiếu thức ăn bổ dưỡng, báo cáo cho biết.
Dự án nhằm tạo ra một mạng lưới nông dân để thảo luận về vấn đề môi trường, khí hậu và nền kinh tế nông nghiệp của họ nhằm xác định những vấn đề cụ thể của họ. Sau đó, họ sẽ xác định các giải pháp được chấp nhận tại địa phương và đồng thời thử nghiệm chúng để đạt được giải pháp tốt nhất cho việc trồng trọt.
“Việc chia sẻ lẫn nhau, học hỏi và giải quyết vấn đề chủ động giữa nông dân, các nhà khoa học nông nghiệp và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ chính là cốt lõi của dự án này”, ông Simon nói.
Dự án 5 năm này nhằm mục đích mang lại lợi ích cho 10.000 nông dân ở Ấn Độ và 40.000 nông dân khác trên khắp Nam Á trước khi kết thúc vào năm 2022, ông nói.
Linh mục Paul Moonjely, giám đốc điều hành Caritas Ấn Độ, cho biết các hộ nông dân nhỏ là vô cùng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng của quốc gia.
Minh Tuệ chuyển ngữ