
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos
Khi cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo các lĩnh vực công và tư nhân trên thế giới về trách nhiệm của họ đối với sự phát triển toàn diện của mọi người bằng cách đặt con người làm trọng tâm của chính sách công.
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được xướng lên hôm thứ Ba 21/1 tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới bởi Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện.
Cuộc họp diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 1 về đề tài: “Các bên liên quan vì một Thế giới Gắn kết và Bền vững”, đang đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập WEF.
Được thành lập vào năm 1971, tổ chức quốc tế về sự hợp tác công-tư quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, văn hóa và các nhà lãnh đạo khác trong xã hội nhằm định hình các chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và công nghiệp.
Một thế giới tốt đẹp hơn
Tập trung vào chủ đề Diễn đàn, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thông điệp của mình, lưu ý rằng tổ chức này cung cấp cho các bên liên quan khác nhau cơ hội khám phá những cách thức sáng tạo và hiệu quả nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nó cũng cung cấp cơ hội để vượt qua chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dân ý thức hệ mà theo Ngài, “thật buồn bã thay, đặc trưng cho rất nhiều cuộc tranh luận đương đại”.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng nhiều sự phát triển trong nền kinh tế, thị trường lao động, công nghệ kỹ thuật số và môi trường đã mang lại lợi ích cho nhân loại nhưng đồng thời cũng than phiền rằng chúng cũng có những tác động bất lợi cũng như tạo ra những thiếu sót đáng kể.
Sự phát triển con người toàn diện
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở WEF rằng, “tất cả chúng ta đều là thành viên của đại gia đình nhân loại”. Điều này, Ngài chỉ ra, chính là nền tảng của nghĩa vụ luân lý để chăm sóc lẫn nhau và là nền tảng của “nguyên tắc đặt con người, thay vì chỉ theo đuổi quyền lực hay lợi nhuận, làm trọng tâm của các chính sách công cộng”.
Điều này kêu gọi việc vượt ra ngoài các phương pháp tiếp cận công nghệ hoặc kinh tế ngắn hạn và đồng thời đưa ra một sự đánh giá đầy đủ đối với khía cạnh luân lý trong việc tìm kiếm các giải pháp đối với các vấn đề hiện tại hoặc đề xuất các sáng kiến cho tương lai.
Vấn đề thiện ích chung
Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền rằng, quá thường xuyên, “tầm nhìn duy vật hoặc thực dụng, đôi khi bị che giấu, đôi khi được tôn vinh, đã dẫn đến các thực tiễn và cấu trúc thúc đẩy phần lớn, hoặc thậm chí một phần nhỏ, chỉ bởi lợi ích cá nhân”. Cách tiếp cận này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, xem những người khác như một phương tiện để đạt được mục đích của mình và kéo theo việc thiếu sự liên đới và bác ái, dẫn đến sự bất công thực sự.
Mặt khác, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự phát triển con người toàn diện thực sự chỉ có thể phát triển khi tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại được tham gia và đóng góp vào việc theo đuổi thiện ích chung.
“Trong quá trình tìm kiếm sự tiến bộ thực sự”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục WEF đừng quên rằng, “việc chà đạp phẩm giá của một người khác trên thực tế đồng nghĩa với việc làm suy yếu giá trị của họ”.
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “một hệ sinh thái toàn diện” liên quan đến ngôi nhà chung của chúng ta.
Trong khi thừa nhận những thành tựu trong 50 năm qua của WEF, Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng rằng Diễn đàn sẽ luôn luôn ghi nhớ “trách nhiệm luân lý cao quý của mỗi người chúng ta trong việc phải tìm kiếm sự phát triển toàn diện của tất cả các anh chị em của chúng ta, bao gồm cả những thế hệ tương lai”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thảo luận của họ “sẽ dẫn đến sự gia tăng tinh thần liên đới, đặc biệt là với những người gặp khó khăn cần được giúp đỡ nhất, những người đã gặp phải những sự bất công về kinh tế và xã hội và chính sự tồn tại của họ thậm chí còn bị đe dọa”.
Thiên Ân (theo Vatican News)