“Chỉ bằng cách thay đổi giáo dục, chúng ta mới có thể thay đổi thế giới”
ĐTC Phanxicô hôm 25 tháng 6 năm 2018, đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các nhà giáo dục, không gì quan trọng hơn là việc đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng.
Những nhận xét của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong Hội trường Mật tuyển Dinh Tông Tòa, trong một buổi nói chuyện với các thành viên của Gravissimum Educationis Foundation. ĐTC Phanxicô đã thành lập Quỹ này vào năm 2015, nhằm hỗ trợ các dự án có tính chất sáng kiến và có tác động mạnh mẽ, đầu tư vào chất lượng, thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và đồng thời thúc đẩy sự kết nối giữa các tổ chức giáo dục.
Đức Thánh Cha đã đưa ra ba gợi ý nhằm cải thiện vấn đề giáo dục:
- Trao đổi, phối hợp các tổ chức giáo dục khác nhau cũng như các ngành học thuật khác nhau.
- Duy trì hy vọng: “Chúng ta đã được mời gọi để không đánh mất niềm hy vọng bởi vì chúng ta phải mang lại hy vọng cho thế giới toàn cầu ngày nay”.
- Thực hiện các dự án vốn đồng nhất hóa với sứ mạng của Giáo Hội, có chất lượng cao, và phục vụ công ích chung.
“Do đó, để thực hiện sứ mạng của mình, anh chị em phải đặt nền móng của nó theo cách thức phù hợp với bản sắc Kitô giáo của chúng ta; củng cố những phương tiện phù hợp với chất lượng của việc học tập và nghiên cứu, và đồng thời theo đuổi những mục tiêu hài hòa với việc phục vụ cho công ích chung”, Đức Thánh Cha kết luận. “Một kế hoạch suy nghĩ và hành động dựa trên những trụ cột vững chắc này sẽ có thể đóng góp, thông qua giáo dục, vào việc xây dựng một tương lai mà trong đó phẩm giá của con người và tình huynh đệ toàn cầu là những nguồn lực toàn cầu mà mọi công dân trên thế giới có thể kín múc từ đó”.
Dưới đây là bài phát biểu của ĐTC Phanxicô:
Tôi xin gửi lời chào nông nhiệt đến tất cả các tham dự viên tham gia Hội thảo “Giáo dục để thay đổi” được tổ chức bởi Quỹ Giáo dục Gravissimum. Tôi cũng xin cảm ơn Đức Hồng y Versaldi vì lời giới thiệu của ngài cũng như rất biết ơn từng người trong anh chị em vì đã mang lại sự phong phú về kinh nghiệm của anh chị em trong tất cả các lĩnh vực khác nhau liên quan đến các hoạt động cá nhân và nghề nghiệp của anh chị.
Như anh chị em biết, tôi đã thành lập Quỹ này vào ngày 28 tháng 10 năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Declaration Gravissimum Educationis) của Công đồng Vatican II, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục Công giáo. Do bởi nền tảng này, Giáo Hội đổi mới cam kết của mình đối với giáo dục Công đuổi kịp với những biến đổi lịch sử của thời đại chúng ta. Trên thực tế, Quỹ này là một phản ứng đối với lời kêu gọi được đưa ra bởi Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, vốn gợi ý rằng các trường học và trường đại học phải cùng nhau hợp tác tốt hơn để đối mặt với những thách thức hiện nay (xem số 12). Đề xuất này của Công đồng Vatican II đã phát triển theo thời gian, và cũng có thể được tìm thấy trong Tông Hiến ‘Veritatis Gaudium’ gần đây về việc đào tạo đại học của Giáo hội Công giáo, vốn nói về “nhu cầu cấp thiết đối với việc ‘hình thành mạng lưới’ giữa các tổ chức này trên toàn thế giới vốn trau dồi và thúc đẩy những nghiên cứu về Giáo hội” (Lời nói đầu, 4d) và, một cách rộng hơn, giữa các cơ sở giáo dục Công giáo.
Chỉ bằng cách thay đổi giáo dục, chúng ta mới có thể thay đổi thế giới. Để đạt được điều này, tôi muốn cung cấp cho anh chị em một số gợi ý sau:
- Đầu tiên, điều quan trọng đó chính là việc “hình thành mạng lưới”. Việc hình thành mạng lưới có nghĩa là kết hợp các trường học và đại học nhằm mục đích cải thiện công tác giáo dục và nghiên cứu, dựa trên những điểm mạnh của tất cả mọi người để đạt được hiệu quả cao hơn đối với các cấp độ về tri thức và văn hóa.
Việc hình thành mạng lưới cũng đồng nghĩa với việc kết hợp các ngành kiến thức, khoa học và các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nhằm đối diện với những thách thức phức tạp bằng một phương pháp tiếp cận liên ngành và xuyên ngành, theo khuyến cáo của ‘Veritatis Gaudium’ (xem số 4c).
Việc hình thành mạng lưới cũng có nghĩa là tạo không gian cho việc gặp gỡ và đối thoại trong các tổ chức giáo dục, và đồng thời khuyến khích những không gian tương tự bên ngoài các tổ chức của chúng ta, với những người thuộc những nền văn hóa khác, các truyền thống khác và các tôn giáo khác nhau, ngõ hầu chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo có thể lưu tâm đến thực tế tổng thể của nhân loại ngày nay.
Việc hình thành mạng lưới cũng có nghĩa là biến trường học trở thành một cộng đồng giáo dục, nơi mà giáo viên và học sinh được quy tụ không chỉ bởi chương trình giảng dạy mà còn bởi một chương trình học hỏi về cuộc sống và kinh nghiệm vốn có thể đào luyện nhiều thế hệ khác nhau đối với việc biết chia sẻ lẫn nhau. Điều này là vô cùng quan trọng để không đánh mất nguồn gốc của chúng ta!
Hơn nữa, những thách thức đối với đại gia đình nhân loại chúng ta ngày nay mang tính chất toàn cầu, theo nghĩa rộng hơn là thường được nghĩ. Giáo dục Công giáo không chỉ giới hạn trong việc hình thành trí tuệ đối với một triển vọng rộng hơn, có khả năng đón lấy những thực tại xa vời. Nó cũng công nhận rằng trách nhiệm luân lý của nhân loại ngày nay không chỉ mở rộng qua không gian, mà còn qua thời gian và những lựa chọn hiện tại đều có những hệ quả của nó đối với các thế hệ tương lai.
- Một thách thức khác mà giáo dục ngày nay hiện đang phải đối mặt đó là một trong những điều mà tôi đã chỉ ra trong Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’: “chúng ta không được phép để mình bị cướp đi niềm hy vọng!” (Số 86). Với lời kêu gọi này, tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta đối diện với những thay đổi xã hội một cách lạc quan, để họ có thể chìm đắm trong thực tế với ánh sáng tỏa ra từ lời hứa cứu độ của Kitô hữu.
Chúng ta được mời gọi để không đánh mất hy vọng bởi vì chúng ta phải đem lại hy vọng cho thế giới toàn cầu ngày nay. “Toàn cầu hóa hy vọng” và “cổ võ hy vọng toàn cầu hóa” là những cam kết cơ bản trong sứ mạng giáo dục Công giáo, như đã được nêu trong tài liệu gần đây của Bộ Giáo dục Công giáo ‘Giáo dục Chủ nghĩa nhân văn Huynh đệ’ (xem số 18-19). Một sự toàn cầu hóa đánh mất hy vọng hoặc tầm nhìn có thể dễ dàng bị quyết định bởi những lợi ích kinh tế, vốn thường bị loại bỏ khỏi sự hiểu biết đúng đắn về công ích chung, và dễ dàng gây ra những căng thẳng xã hội, xung đột kinh tế và lạm dụng quyền lực. Chúng ta cần mang lại linh hồn cho thế giới toàn cầu thông qua việc hình thành tri thức và luân lý vốn có thể cổ võ những điều tốt đẹp mà toàn cầu hóa mang lại và sửa đổi những điều gây hại.
Đây là những mục tiêu quan trọng có thể đạt được bằng sự phát triển của các nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các trường đại học và hiện tại, trong nhiệm vụ của nghiên cứu ‘Gravissimum Educationis Foundation Quality’, vốn tìm đến chân trời giàu những thách thức. Một số trong những thách thức này, như tôi đã lưu ý trong Thông điệp ‘Laudato Si’, phải được thực hiện với các quá trình phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu. Thứ hai, một mặt, là một lực lượng lịch sử có lợi bởi vì nó đánh dấu sự gắn kết lớn hơn giữa con người; mặt khác, nó làm nảy sinh những bất công và đồng thời đưa đến mối quan hệ chặt chẽ giữa các hình thức nghèo đói của con người và các cuộc khủng hoảng sinh thái của thế giới chúng ta. Câu trả lời được tìm thấy trong việc phát triển và nghiên cứu một hệ sinh thái toàn diện. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh về thách thức kinh tế, dựa trên việc nghiên cứu các mô hình phát triển tốt hơn tương ứng với một sự hiểu biết chân thực hơn về sự thực hiện của con người và có khả năng điều chỉnh một số cơ chế tiêu thụ và sản xuất. Sau đó, cũng có những thách thức về mặt chính trị: sức mạnh của công nghệ không ngừng mở rộng. Một trong những ảnh hưởng của nó đó là việc lan truyền một nền văn hóa thải loại vốn nhấn chìm các đối tượng và con người mà không có sự phân biệt. Nó đòi hỏi một tầm nhìn của con người như một loài dã thú và thế giới mà chúng ta đang sống như một nguồn lực để bị chiếm đoạt theo ý muốn.
Chắc chắn, không thiếu những công việc đối với các nhà học thuật và các nhà nghiên cứu tham gia vào Quỹ Giáo dục Gravissimum!
- Công việc trước mắt anh chị em, với sự ủng hộ mà anh chị em đã tạo ra đối với các dự án giáo dục sáng tạo, cần phải tôn trọng ba tiêu chí cần thiết để có được hiệu quả:
Đầu tiên, ‘Tính đồng nhất’. Điều này đòi hỏi sự nhất quán và liên tục với nhiệm vụ của các trường học, các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu do Giáo Hội thành lập, khuyến khích hoặc cùng đồng hành và đồng thời mở ra cho tất cả mọi người. Những giá trị đó là hết sức cần thiết cho việc bước theo đường hướng đã được đánh dấu giới hạn bởi nền văn minh Kitô giáo và bởi sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Bằng cách này, anh chị em có thể giúp chỉ ra những đường hướng cần phải thực hiện, để đưa ra những câu trả lời cập nhật đối với những vấn đề của thời đại ngày hôm nay, với một sự ưu tiên dành cho những người khó khăn nhất.
Một điểm quan trọng khác đó chính là ‘Chất lượng’. Đây chính là ngọn hải đăng chắc chắn phải được chiếu sáng trên tất cả mọi lĩnh vực học hỏi, nghiên cứu và giáo dục. Quả là vô cùng cần thiết để có được những “trung tâm liên ngành xuất sắc” được đề xuất bởi Tông Hiến ‘Veritatis Gaudium’ (xem câu 5) và điều mà Quỹ Gravissimum Educationis mong muốn hỗ trợ.
Kế đến, công việc của anh chị em cũng không thể bỏ qua mục tiêu công ích chung. Công ích chung quả là khó xác định trong các xã hội của chúng ta vốn đặc trưng bởi sự tồn tại chung của các công dân, các nhóm, và các dân tộc thuộc các nền văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng khác nhau. Chúng ta phải mở rộng những chân trời của công ích chung, giáo dục mọi người hiểu rằng chúng ta thuộc về một đại gia đình nhân loại.
Do đó, để thực hiện sứ mạng của mình, anh chị em phải đặt nền móng của nó theo cách thức phù hợp với bản sắc Kitô giáo của chúng ta; củng cố những phương tiện phù hợp với chất lượng của việc học tập và nghiên cứu, và đồng thời theo đuổi những mục tiêu hài hòa với việc phục vụ cho công ích chung.
Một kế hoạch suy nghĩ và hành động dựa trên những trụ cột vững chắc này sẽ có thể đóng góp, thông qua giáo dục, vào việc xây dựng một tương lai mà trong đó phẩm giá của con người và tình huynh đệ toàn cầu là những nguồn lực toàn cầu mà mọi công dân trên thế giới có thể kín múc từ đó.
Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em có thể thực hiện với sự hỗ trợ của anh chị em cho Quỹ này, và tôi cũng khuyến khích anh chị em tiếp tục sứ mạng đáng trân trọng và có lợi này. Tôi ưu ái ban phép lành của Thiên Chúa trên tất cả anh chị em, các đồng nghiệp và toàn thể các gia đình của anh chị em. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cám ơn anh chị em!
Minh Tuệ chuyển ngữ