ĐTC Phanxicô với các nhà chức trách Colombia: ‘Loại bỏ bạo lực bằng cách duy trì phẩm giá của tất cả mọi người’

Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên trong chuyến viếng thăm Colombia hôm thứ Năm 7/9, ĐTC Phanxicô đã phát biểu với chính quyền rằng giải pháp để nhằm loại bỏ xung đột đó chính là phải  thừa nhận phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội.

“Tôi cầu mong quý vị hãy lắng nghe những người nghèo, những người phải chịu đựng đau khổ. Hãy nhìn vào mắt họ và tiếp tục tự chất vấn bản thân bởi những khuôn mặt đầy đau khổ cũng như bởi đôi bàn tay nài xin của họ. Từ nơi họ, chúng ta học được những bài học đích thực về cuộc sống, về nhân loại và phẩm giá con người”, ĐTC Phanxicô cho biết hôm 7/9.

Pope_Francis_meets_the_President_Juan_Manuel_Santos_of_Colombia_Sept_7_2017_Credit_Efrain_Herrera_Presidencia_de_Colombia_CNA_9_7_17ĐTC Phanxicô giải thích rằng Giáo hội “trung thành với sứ mạng của mình” và “cam kết vì hoà bình, công lý cũng như lợi ích của tất cả mọi người”, đồng thời nhận biết rằng các nguyên tắc của Tin Mừng “chính là một chiều kích vô cùng quan trọng đối với nền tảng xã hội của Colombia, và do đó Giáo hội có thể đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng của đất nước”.

“Đặc biệt, việc tôn trọng bất khả xâm phạm đối với sự sống con người, nhất là đối với những người yếu đuối nhất và không có khả năng tự vệ nhất, chính là nền tảng cho sự hình thành một xã hội không có bạo lực”.

ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ các nhà chức trách chính trị và tôn giáo, các nhà ngoại giao, các doanh nhân, cũng như các đại diện của xã hội dân sự và văn hoá tại Plaza de Armas de la Casa de Nariño, Bogota vào ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm từ ngày 6/9 đến 11/9 tới Colombia.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô được thực hiện theo sau các chuyến Tông du được thực hiện bởi hai vị tiền nhiệm của Ngài, Chân Phước Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II. “Cũng giống như hai vị tiền nhiệm của tôi”, ĐTC Phanxicô nói, “tôi cảm động bởi mong muốn được chia sẻ với các anh chị em Colombia của tôi về món quà đức tin, vốn đã ăn sâu một cách mạnh mẽ nơi những vùng đất này, và niềm hy vọng vốn vẫn luôn gõ nhịp nơi tâm hồn tất cả mọi người”.

“Chỉ với cách thức này, với đức tin và niềm hy vọng, chúng ta có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn thử thách có thể gặp phải trên cuộc hành trình, nhằm xây dựng một quốc gia vốn chính là nơi chon nhua cắt rốn và là quê hương xứ sở của tất cả mọi người dân Colombia”.

ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng việc định hình và hình thành xã hội cần phải bao gồm tất cả mọi người, đồng thời khuyến khích các nhà chức trách cần phải đặc biệt xem xét đối với những người bị xã hội loại bỏ và gạt ra bên lề, bởi vì “Colombia cần sự tham gia của tất cả mọi người để có thể đối diện tương lai với niềm hy vọng”.

ĐTC Phanxicô ghi nhận những tiến bộ đáng kể hướng tớihòa bình đã đạt được trong năm qua với việc ký hiệp định hòa bình giữa chính quyền và nhóm du kích FARC. Các bước tiến này đã làm gia tăng niềm hy vọng, ĐTC Phanxicô nói.

“Việc tìm kiếm hoà bình là một nỗ lực không ngừng, một nhiệm vụ không hề giảm bớt cường độ, vốn đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi người”.

“Đó là một nỗ lực thách thức chúng ta không được làm suy yếu những nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng sự thống nhất của đất nước. Mặc dù có những trở ngại, những khác biệt cũng như các quan điểm khác nhau trên con đường hướng tới việc đạt được sự cùng tồn tại hòa bình, nhiệm vụ này đòi hỏi chúng ta cần phải kiên trì trong cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy ‘một nền văn hoá của sự gặp gỡ’.

Một nền văn hoá gặp gỡ đòi hỏi chúng ta phải đặt con người trở thành trung tâm của tất cả mọi thứ – tất cả các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế – và khi làm như vậy, chúng ta có thể có được sự quyết tâm và sức mạnh để chống lại sự cám dỗ đối với việc trả thù lẫn nhau cũng như những lợi ích đảng phái.

“Phương châm của đất nước này là: ‘Tự do và Trật tự’. Hai từ này hàm chứa một lời khuyên hoàn hảo. Công dân cần phải được đánh giá theo sự tự do của họ và cần phải được bảo vệ bởi một trật tự ổn định. Đó không phải là luật lệ của những kẻ quyền lực nhất, mà là quyền lực của luật pháp, được tất cả mọi người chấp thuận, vốn sắp đặt việc cùng nhau sống chung trong hòa bình”.

ĐTC Phanxicô kêu gọi họ đặt ra những luật lệ công bằng để có thể thúc đẩy hòa bình và vượt qua cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ của đất nước.

Viện dẫn Thông điệp ‘Evangelii Gaudium’, ĐTC Phanxicô cho biết rằng chúng ta cần những luật lệ “không sinh ra từ nhu cầu thiết thực đối với  trật tự xã hội”, nhưng từ “mong muốn giải quyết các nguyên nhân cấu thành nghèo đói dẫn tới việc loại trừ lẫn nhau cũng như các hành động bạo lực”.

“Chỉ bằng cách này mới có thể chữa lành căn bệnh vốn dẫn đến sự mỏng manh và việc thiếu đi nhân phẩm đối với xã hội, khiến cho nó luôn dễ bị công kích bởi các cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta đừng quên rằng sự bất bình đẳng chính là gốc rễ của các tệ nạn xã hội”, ĐTC Phanxicô nói.

Trong bài phát biểu, ĐTC Phanxicô cũng chỉ ra sự đa dạng sinh học của Colombia, được xem là đứng thứ hai trên toàn thế giới, và cần phải được tôn trọng một cách hết sức cẩn thận.

Đất nước này đã được chúc lành qua rất nhiều cách thức khác nhau, ĐTC Phanxicô nói, bao gồm nơi vẻ đẹp thiên nhiên của nó: “đi qua vùng đất này người ta có thể cảm nếm và nhìn xem Thiên Chúa quả là tuyệt vời đến như thế nào qua việc phú cho đất nước này rất nhiều chủng loài thực vật và động vật khác nhau…”

ĐTC Phanxicô cũng lưu ý đến tính sống động của nền văn hoá và con người của đất nước này. Cũng giống như Thánh Phêrô Claver, một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha, lần đầu tiên nhìn thấy Colombia với một sự kinh ngạc, chúng ta cũng rất ngạc nhiên trước phong cảnh hùng vĩ cũng như các cư dân nơi đây, ĐTC Phanxicô nói.

Chúng ta hãy dừng lại để nhận ra, đặc biệt là tất cả những người không có tiếng nói: những người yếu đuối, những người bị áp bức và bị ngược đãi, cũng như sự đóng góp của phụ nữ, ĐTC Phanxicô nói. “Thưa quý vị, trước hết quý vị có một sứ mạng hết sức tốt đẹp và cao cả, đó cũng chính là một nhiệm vụ khó khăn”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.

Kết luận, ĐTC Phanxicô đã trích dẫn từ bài diễn văn nhận giải của nhà văn người Colombia Gabriel Gabriel García Márquez, người đã cho biết mặc dù gặp khó khăn trong công việc: “Trước sự áp bức, bóc lột và bỏ rơi, chúng ta cần phải phản ứng lại bằng chính đời sống của mình”.

“Cả lũ lụt, thiên tai, nạn đói, bão Kataclysms, thậm chí cả những cuộc chiến tranh không ngừng diễn ra trong nhiều thế kỷ, đều không thể chinh phục được lợi thế bền bỉ của sự sống đối với cái chết. Đó là một lợi thế vốn được gia tăng một cách nhanh chóng”.

“Chúng ta không muốn bất cứ hình bạo lực nào để hạn chế hoặc phá hủy một sự sống nào thêm nữa. Tôi đã muốn đến đây để nói với anh chị em rằng anh chị em không hề đơn độc, có rất nhiều người trong chúng ta đã cùng đồng hành với anh chị em trong bước tiến này; chuyến viếng thăm này nhằm mang lại cho anh chị em một động lực, một sự đóng góp mà một cách nào đó sẽ mở đường cho việc hướng đến sự hòa giải và hòa bình”, ĐTC Phanxicô nói.

“Tôi sẽ luôn nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho tất cả anh chị em, cho hiện tại cũng như tương lai của Columbia”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết