ĐTC Phanxicô với các Giám mục Thái Lan: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sứ mạng truyền giáo”

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu chia sẻ với các Giám mục Thái Lan và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) tại Đền thờ dâng kính Chân Phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung tại Bangkok.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

ĐTC Phanxicô bắt đầu bài diễn văn của mình với các Giám mục bằng cách đặt cuộc gặp gỡ của họ dưới “cái nhìn thận trọng” của Chân Phước Nicholas Bunkerd “để mẫu gương của Ngài có thể truyền cảm hứng cho chúng ta với tinh thần nhiệt thành tuyệt vời đối với công cuộc truyền giáo tại tất cả các Giáo hội địa phương của Châu Á”.

Chân Phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung

Chân Phước Nicholas được phái đến như một linh mục truyền giáo đến miền bắc Thái Lan vào năm 1930, nơi mà Ngài đào tạo các chủng sinh và nỗ lực làm việc để đưa những người Công giáo lầm lạc trở lại với đức tin. Vào thời điểm của những quan điểm chống Kitô giáo trong Thế chiến II, Chân Phước Nicholas đã bị bắt vì các hành vi “chống tinh thần yêu nước” bị kết án 15 năm tù. Nicholas đã tiếp tục công việc truyền giáo của mình ở đó, rửa tội cho 68 bạn tù của mình. Ngài qua đời vì căn bệnh lao phổi trong bệnh viện nhà tù năm 1944 ở tuổi 49.

Kỷ niệm 50 năm thành lập FABC

ĐTC Phanxicô lưu ý rằng năm 2020 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. “Đây quả là một dịp hết sức thích hợp để thăm lại ‘những ngôi đền đó’, nơi mà những gốc rễ của việc truyền giáo đã để lại dấu ấn của họ trên những vùng đất này được bảo tồn”, ĐTC Phanxicô nói, và đồng thời “chào đón một tương lai mà chính anh chị em phải giúp phát triển và tạo ra”. Bằng cách này, ĐTC Phanxicô tiếp tục, “cả Giáo hội và xã hội tại Châu Á sẽ được hưởng lợi từ cách tiếp cận truyền giáo được đổi mới và chia sẻ”.

Một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo

ĐTC Phanxicô đã mô tả châu Á như là “một lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi mà những tiến bộ công nghệ nhanh chóng có thể mở ra những khả năng to lớn, nhưng cũng có thể dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa duy vật”. ĐTC Phanxicô kế đến đã liệt kê các lĩnh vực quan tâm cụ thể: “Tai họa của tình trạng buôn bán ma túy và nạn buôn bán người”, việc chăm sóc những người di cư và những người tị nạn, sự bóc lột mà nhiều công nhân phải trải nghiệm, “cũng như sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội giữa giàu và nghèo”.

Ký ức về các vị Thừa sai đầu tiên

ĐTC Phanxicô đã nhắc lại những nhà truyền giáo đầu tiên: “tinh thần can trường, niềm vui và sức chịu đựng phi thường của họ có thể giúp chúng ta nắm bắt tình hình và sứ mạng hiện tại của chúng ta từ một viễn cảnh rộng lớn và biến đổi hơn nhiều”, ĐTC Phanxicô nói. “Ký ức đó giải thoát chúng ta khỏi sự tin tưởng rằng thời gian trong quá khứ thì tốt hơn cho việc loan báo Tin Mừng”. Nó cũng giúp chúng ta “tránh khỏi việc cậy dựa vào các cuộc thảo luận không có kết quả, khiến chúng ta tự đứng về phía mình, làm tê liệt bất kỳ mọi hoạt động nào”, ĐTC Phanxicô nói.

Sức mạnh của Chúa Thánh Thần

ĐTC Phanxicô tiếp tục bài giảng của mình với các Giám mục, đồng thời nhắc nhở họ rằng “chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến trước các nhà truyền giáo và ở lại với họ”. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã duy trì và củng cố vô số các nhà truyền giáo, “không coi nhẹ bất kỳ vùng đất, con người, văn hóa hay tình huống nào”, ĐTC Phanxicô tiếp tục. “Họ trở nên táo bạo và can trường bởi vì họ biết rằng Tin Mừng chính là một món quà được chia sẻ với và cho tất cả mọi người”.

Giáo hội là một nhân chứng qua ơn gọi

ĐTC Phanxicô cho biết rằng chúng ta cần phải để cho mình “được biến đổi” bởi Tin Mừng: được Thiên Chúa thanh tẩy, Giáo hội trở thành “một nhân chứng qua ơn gọi, không ngần ngại bước ra bên ngoài các ngả đường và đối mặt với cuộc sống của những người được giao phó cho sự quan tâm chăm sóc của mình”. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ với các Giám mục, những người là một nhóm thiểu số ở nhiều quốc gia của họ, rằng chúng ta có thể học hỏi từ họ: họ không cho phép mình “bị tha hóa bởi mặc cảm tự ti”, ĐTC Phanxicô nói, “hoặc phàn nàn rằng mình không được công nhận đúng mức”.

Truyền giáo là một tình yêu tha thiết đối với Chúa Kitô và Dân của Ngài

Chúng ta không phải là những người chịu trách nhiệm đối với việc truyền giáo, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. Chúa Thánh Thần mới chính là nhân vật chính thực sự. “Chúng ta đã được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần để biến đổi bất cứ nơi nào chúng ta được đặt để”. Truyền giáo chính là “một tình yêu tha thiết đối với Chúa Giêsu Kitô và Dân của Người”,  ĐTC Phanxicô nói.

Những người phục vụ chứ không phải những nhà quản lý

“Chúng ta cũng chính là một phần của Dân của Người”, ĐTC Phanxicô tiếp tục, “chúng ta cũng được chọn để trở nên những người phục vụ chứ không phải là những ông chủ hay những nhà quản lý”. Điều này có nghĩa là “chúng ta phải đồng hành với những người mà chúng ta phục vụ với sự kiên nhẫn và tinh thần bao dung, lắng nghe họ, tôn trọng phẩm giá của họ, luôn thúc đẩy và đánh giá cao các sáng kiến tông đồ của họ”. ĐTC Phanxicô nhắc nhở các Giám mục rằng nhiều vùng đất của họ đã được truyền giáo bởi những anh chị em giáo dân, những người “đã nói tiếng địa phương của dân tộc họ, một cách thực hiện việc hội nhập văn hóa đơn giản và trực tiếp, chứ không phải là lý thuyết hay ý thức hệ, mà là thành quả của sự nhiệt thành của họ để chia sẻ Ch,úa Kitô”.

Các Giám mục và các Linh mục của họ

ĐTC Phanxicô khuyến khích các Giám mục luôn luôn cởi mở với các Linh mục của họ. “Người cộng sự thân cận nhất của Giám mục chính là các Linh mục”,  ĐTC Phanxicô  nói. “Hãy trở nên gần gũi với các Linh mục của mình, lắng nghe họ và tìm cách đồng hành cùng họ trong mọi tình huống, đặc biệt là khi anh em nhận thấy họ nản lòng hoặc thờ ơ, vốn chính là điều tồi tệ nhất trong những cám dỗ của ma quỷ”.

Hướng nhìn về tương lai

ĐTC Phanxicô đã kết thúc bài phát biểu chia sẻ của mình với các Giám mục bằng cách thừa nhận rất nhiều những vấn đề mà họ phải đối mặt trong các cộng đồng của họ. “Chúng ta hãy cùng nhau hướng nhìn về tương lai một cách chắc chắn rằng chúng ta không thực hiện cuộc hành trình của mình một cách lẻ loi cô độc”, ĐTC Phanxicô nói: “Thiên Chúa đang ở đó, chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trước hết qua việc bẻ bánh”.

 

 Minh Tuệ (theo Vatican News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết