Trong cuộc gặp gỡ với các Giám mục hàng đầu của cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Miến Điện, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự cần thiết cần phải ưu tiên việc chữa lành và đồng hành mục vụ khi nước này tiếp tục bị chao đảo bởi ác cuộc xung đột trong quá khứ và hiện tại.
Trong cuộc gặp gỡ hôm 29 tháng 11 với các Giám mục Miến Điện, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Tin Mừng mà họ rao giảng “trên hết là một thông điệp của sự chữa lành, hòa giải và hòa bình”. Thông điệp này, ĐTC Phanxicô nói, đặc biệt có một sức mạnh to lớn ở Miến Điện, vốn vẫn đang nỗ lực làm việc “để vượt qua những sự chia rẽ sâu xa và đồng thời xây dựng sự thống nhất quốc gia”.
Nhiều tín hữu Công giáo trong đất nước đã phải “chịu đựng những vết sẹo của cuộc xung đột này và đã có những chứng từ can đảm cho đức tin và truyền thống lâu đời của họ”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời Ngài cũng giải thích rằng việc rao giảng Tin Mừng “không chỉ là nguồn an ủi và sức mạnh những đồng thời cũng là một lời hiệu triệu để nuôi dưỡng tinh thần hiệp nhất, bác ái và chữa lành trong đời sống của quốc gia này”.
Lặp lại những lời nói của mình tới các nhà lãnh đạo liên tôn trong trọn ngày đầu tiên của mình tại nước này, ĐTC Phanxicô cho biết sự thống nhất này “phát sinh từ sự đa dạng. Nó đánh giá cao sự khác biệt của mọi người như là một nguyên nhân của việc làm phong phú lẫn nhau cũng như sự phát triển, đồng thời mời gọi tất cả mọi người đến với nhau trong một nền văn hoá của sự gặp gỡ và liên đới”.
ĐTC Phanxicô nguyện xin Thiên Chúa sẽ hướng dẫn các Giám mục trong tất cả những nỗ lực của họ để thúc đẩy việc chữa lành và hiệp thông ở mọi cấp độ trong Giáo hội, để “dân thánh của Thiên Chúa có thể trở nên muối và ánh sáng cho những tâm hồn đang khao khát một nền hòa bình mà thế giới không thể mang lại”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám mục trong chuyến viếng thăm từ ngày 27/11 đến 30/11 đến đất nước này – còn được gọi là Myanmar – sau đó Ngài sẽ đến với quốc gia láng giềng Bangladesh từ ngày 30/11 đến 2/12 trước khi trở về Rome.
ĐTC Phanxicô đã đến nước này hôm 27 tháng 11 và cho đến nay Ngài đã gặp gỡ với cả giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự. Các cuộc gặp gỡ đã được đưa ra ở nhiều cấp độ khác nhau về mặt chính trị, bắt nguồn từ việc các Kitô hữu chỉ là một cộng đồng thiểu số nhỏ ở Miến Điện cũng như thực tế là quốc gia này vẫn đang nỗ lực làm việc để chuyển sang một chính phủ dân chủ sau hơn 50 năm dưới ách cai trị quân đội.
Trong bài phát biểu của mình với các Giám mục ĐTC Phanxicô đã đưa ra ba từ để suy ngẫm: chữa lành, đồng hành và tiên đoán.
ĐTC Phanxicô đã ca ngợi những nỗ lực của Giáo hội địa phương trong việc chăm sóc cho người nghèo và những người bị buộc phải di tản, nhiều người trong số đó là thành viên của công đồng thiểu số Hồi giáo gốc Rohingya đã bị buộc phải trốn chạy khỏi quê hương xứ sở của họ ở bang Rakhine của Miến Điện do kết quả của những gì mà LHQ gọi là “một cuộc thanh trừng sắc tộc” trong khu vực.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng cám ơn những người đã “mang niềm an ủi chữa lành đến cho những người này, những người thân cận đang cần được giúp đỡ, bất kể tôn giáo hay sắc tộc của họ là gì”.
Việc chữa lành này, ĐTC Phanxicô nói, cũng hết sức phù hợp khi nói đến việc đối thoại liên tôn và mong rằng các Giám mục sẽ tiếp tục xây dựng những cây cầu nối của việc đối thoại và cùng vơi các tín đồ của các tôn giáo khác “tham gia vào việc đan kết nên những mối quan hệ hòa bình vốn sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào cho việc hoà giải trong đời sống của quốc gia”.
Sau đó, ĐTC Phanxicô cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành mục vụ, đồng thời cho biết rằng một vị mục tử tốt lành luôn luôn sát cánh với đàn chiên của mình, và phải luôn “mang mùi của chiên”.
ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bước ra những khu vực ngoại vi, đồng thời nhắn nhủ với các vị Giám chức rằng trong vai trò là các Giám mục, “đời sống và sứ vụ của các huynh đệ được mời gọi để làm gương mẫu cho tinh thần tiếp cận truyền giáo này”, vốn chủ yếu được thực hiện bằng các cuộc thăm viếng các giáo xứ cũng như các cộng đồng tại các Giáo Hội địa phương của mình.
Với tinh thần của các nhà truyền giáo đầu tiên, những người đã truyền giảng Tin Mừng cho đất nước này, các Giám mục, với tư cách là những vị mục tử, phải “tiếp tục làm thấm nhuần mọi tín hữu giáo dân với tinh thần của một người môn đệ truyền giáo đích thực và đồng thời tìm kiếm một sự hội nhập đầy khôn ngoan đối với sứ điệp Tin Mừng nơi đời sống hàng ngày cũng như những truyền thống của các cộng đồng địa phương”.
Để đạt được điều này, vai trò của các các Giáo lý viên là vô cùng cần thiết, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “hệ thống cũng như sự phong phú của tất cả các anh chị em Giáo lý viên phải nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của anh em”.
Với con số rất ít các Giám mục và hàng giáo phẩm phục vụ cho toàn bộ dân số Công giáo nhỏ bé của Miến Điện, các Giáo lý viên đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và giảng dạy Giáo lý cho các tín hữu trong nước.
Miến Điện là một quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số. Người Công giáo chỉ là một cộng đồng thiểu số nhỏ bé, chỉ chiếm 1,3% dân số gần 52 triệu người.
Cộng đồng Công giáo nước này được dẫn dắt bởi 22 Giám mục; 888 linh mục, cả linh mục giáo phận lẫn linh mục Dòng; 128 nam tu sĩ chưa được thụ phong và chỉ có hai Phó tế vĩnh viễn. Các nữ tu hiện đang phục vụ ở Miến Điện chỉ dưới 2.000. Nước này bao gồm ba Tổng Giáo phận với tất cả 13 Giáo phận.
Với những thách thức duy nhất của việc trở thành một cộng đồng thiểu số, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành mục vụ, đặc biệt đối với giới trẻ.
ĐTC Phanxicô thúc giục các Giám mục chú ý cách đặc biệt đến cơ cấu của họ “trong những nguyên tắc luân lý vững chắc vốn sẽ hướng dẫn họ trong việc đương đầu với những thách đố của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng”, bao gồm cả những đe dọa của “sự xâm chiếm về văn hoá và ý thức hệ”.
Trở lại Thượng Hội Đồng sắp tới của các Giám mục về giới trẻ vào năm 2018, sẽ được tổ chức tại Vatican, ĐTC Phanxicô cho biết những người trẻ chính là một trong những phúc lành lớn lao nhất của Giáo hội tại Miến Điện, và đồng thời Ngài cũng đã chỉ ra số lượng các chủng sinh đang theo học tại các Đại Chủng viện và Tiểu Chủng viện trong nước, với tổng cộng khoảng 1.100 chủng sinh.
Theo tinh thần của Thượng Hội Đồng, vốn sẽ lắng nghe những câu chuyện của những người trẻ và đồng thời giúp họ phân biệt cách thức tốt nhất để có thể rao giảng Tin Mừng trong đời sống của mình, ĐTC Phanxicô đề nghị Phanxicô các Giám mục hãy “mời gọi họ cam kết và hỗ trợ họ trong hành trình đức tin của mình, bởi vì chủ nghĩa lý tưởng và sự nhiệt tình của họ, họ được mời gọi để trở nên những người rao giảng Tin Mừng đầy hân hoan và thuyết phục cho những người đồng trang lứa với mình”.
ĐTC Phanxicô sau đó cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lời chứng tiên tri của Giáo hội ở Miến Điện và đồng thời công nhận những nỗ lực hằng ngày của họ để làm chứng cho Tin Mừng thông qua các công việc từ thiện bác ái và giáo dục cũng như thông qua việc bảo vệ nhân quyền và “ủng hộ chế độ dân chủ”.
ĐTC Phanxicô ước mong các Giám mục sẽ có thể giúp cho cộng đồng Công giáo “tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong đời sống xã hội bằng cách làm cho tiếng nói của các huynh đệ được lắng nghe đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, đặc biệt bằng cách nhấn mạnh đến việc tôn trọng phẩm giá con người và quyền lợi của tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Với việc diễn tả về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở Miến Điện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài phát biểu của mình với đôi lời khuyên về mục vụ cho các Giám mục.
Nhận thấy nhu cầu đối với sứ vụ của các Giám mục, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng các Giám mục, cùng với các linh mục của mình, “thường làm việc dưới sức nóng và gánh nặng trong ngày”.
ĐTC Phanxicô thúc giục các Giám mục cần phải cân bằng trong việc chăm sóc sức khoẻ tâm linh và thể chất của họ, đồng thời giữ con mắt của một người cha đối với sức khoẻ của các linh mục trong việc chăm sóc của họ.
ĐTC Phanxicô đã khuyến khích các Giám mục dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và với “sự cảm nghiệm về tình yêu hòa giải của Thiên Chúa”, mà Ngài nói “chính là nền tảng của căn tính linh mục của các huynh đệ, việc bảo đảm sự trọng vẹn trong việc rao giảng, và nguồn mạch của Đức Bác ái mục tử mà nhờ đó các huynh đệ hướng dẫn dân Thánh Thiên Chúa trên con đường của sự thánh thiện và chân lý”.
Cầu nguyện là nhiệm vụ đầu tiên của các Giám mục, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.
Trong lời chào mừng đặc biệt gửi tới ĐTC Phanxicô, Đức Cha Felix Lian Khen Thang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Miến Điện, nhắn nhủ với ĐTC Phanxicô rằng chuyến viếng thăm của Ngài mang lại cho các Giám mục nước này “sự can đảm, vui mừng và hy vọng trong việc cố gắng sống và làm chứng cho đức tin của chúng ta, khi chúng ta tham gia vào tiến trình hòa bình và xây dựng quốc gia”.
“Cũng giống như một vùng đất khô cằn đang chờ đợi cơn mưa đầu tiên, chúng con cũng đang háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha giống như những giọt sương ban mai, một sự chúc lành lớn lao cho dân tộc cũng như cho đất nước chúng con”, Đức Cha Khen Thang nói, đồng thời Ngài cũng cho biết rằng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô quả là “một chuyến viếng thăm đúng thời điểm” đã làm tràn ngập tâm hồn họ với tình yêu và sự bình an khi họ cố gắng để trở thành “muối và ánh sáng cho trần gian” nơi quốc gia của họ.
Đức Cha Khen Thang cầu chúc ĐTC Phanxicô “được tràn đầy sức khỏe và bình an” trong chuyến thăm này, và đồng thời cam kết với ĐTC Phanxicô rằng họ sẽ luôn là “những cộng tác viên trung tín với sứ mạng hòa bình và tình yêu của Ngài”.
Minh Tuệ chuyển ngữ