Một điểm hẹn mà ĐTC Phanxicô không bao giờ bỏ lỡ trong mỗi chuyến Tông du nước ngoài đó chính là cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi, “những người xây dựng nên xã hội ngày mai”. Cuộc gặp gỡ đó diễn ra vào ngày áp chót của chuyến viếng thăm Nhật Bản, khi ĐTC Phanxicô đã dành thời gian để gặp gỡ giới trẻ tại Tokyo.
Theo cách thức đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Phanxicô và những người trẻ tuổi tại Nhà thờ St. Mary tại Tokyo bắt đầu bằng một số lời chứng trực tiếp. Đại diện cho sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ tuổi hiện đang sinh sống tại Nhật Bản ngày nay, một bạn trẻ Công giáo, một Phật tử trẻ và một người di cư trẻ tuổi đã có thể nói lên những nỗi sợ hãi và khát vọng sâu sắc nhất của họ và đồng thời hỏi ĐTC Phanxicô một số câu hỏi quan trọng.
Miki đã nhấn mạnh một thực tế mà trong đó việc thiếu thời gian và sự cạnh tranh thường xuyên đã khiến cho những người trẻ tuổi “không thể nhìn thấy những ngôi sao không thể đếm được và mất cơ hội tràn đầy niềm vui để trải nghiệm sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự yếu đuối của chính họ và nhận ra rằng Thiên Chúa ở cùng họ”.
Masako đã nhấn mạnh thực tế hiện trạng của thói đe dọa ép buộc người khác và vấn nạn tự tử, đặc biệt là giữa các học giả và sinh viên ở Nhật Bản, và thực tế là việc sử dụng công nghệ sai mục đích đã khiến nhiều người trẻ gặp phải sự cô đơn, cô lập và thiếu những người bạn thực sự.
Những bận tâm của Masako đã được lặp lại bởi Leonardo, con trai của một người nhập cư người Philippines, người đã nói với ĐTC Phanxicô: “Thưa Đức Thánh Cha, làm thế nào để chúng con có thể đối mặt với những vấn đề của việc phân biệt đối xử và thói đe dọa ép buộc người khác đang lan rộng khắp thế giới?”.
“Cảm ơn con, Leonardo”, ĐTC Phanxicô nói, “vì đã chia sẻ kinh nghiệm về hành động đe dọa ép buộc người khác và hành động phân biệt đối xử”, và ĐTC Phanxicô cũng lưu ý rằng ngày càng có nhiều người trẻ tìm thấy sự can đảm để nói lên những kinh nghiệm đó.

Leonardo, Masako và Miki lắng nghe ĐTC Phanxicô chia sẻ tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ
Thói đe dọa ép buộc người khác
Hành động đe dọa ép buộc người khác, ĐTC Phanxicô nói, “tấn công vào sự tự tin bản thân của chúng ta vào thời điểm khi mà chúng ta cần nhất khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống”.
ĐTC Phanxicô đã mô tả hiện tượng này như một dịch bệnh và đồng thời cho biết rằng cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề này đó chính là đoàn kết với nhau và học cách nói: “Đã quá đủ rồi!”. Và Ngài kêu gọi tất cả các bạn trẻ đừng bao giờ sợ hãi “đứng lên giữa các bạn đồng trang lứa trong lớp và bạn bè và nói rằng: “Điều các bạn đang làm là sai trái”.
Sự sợ hãi
Sự sợ hãi, ĐTC Phanxicô giải thích, luôn là kẻ thù của lòng tốt, bởi vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng tất cả các tôn giáo lớn đều dạy sự khoan dung, sự hòa hợp và lòng thương xót, chứ không phải là sự sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Ngài nhắc nhở cộng đoàn hiện diện rằng Chúa Giêsu liên tục nói với Môn đệ rằng ‘đừng sợ hãi’. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta, ĐTC Phanxicô nói, gạt bỏ tất cả mọi nỗi sợ hãi. “Chính Chúa Giêsu”, ĐTC Phanxicô nói, “đã biết trước điều gì sẽ bị coi thường và bị chối từ – thậm chí đến mức chịu đóng đinh trên thập giá”. “Ngài cũng biết thế nào là việc trở thành một người xa lạ, một người di cư, một người ‘khác biệt’”.
“Thế giới cần các con, đừng bao giờ quên điều đó!”, ĐTC Phanxicô nói: chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta phải nhìn thấy tất cả cuộc sống mà chúng ta có thể trao ban và chia sẻ với người khác: “Thiên Chúa cần các con, để các con có thể khuyến khích tất cả những người xung quanh chúng ta đang tìm kiếm một bàn tay giúp đỡ để nâng họ lên”.
Điều này, theo ĐTC Phanxicô, bao gồm việc “phát triển một giá trị hết sức quan trọng nhưng bị đánh giá thấp: khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để thông cảm với họ”.
Tình yêu thay đổi thế giới
Chỉ khi đó, ĐTC Phanxicô giải thích, chúng ta mới có thể mở ra những kinh nghiệm và những vấn đề của chúng ta với một tình yêu vốn có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta.
Điều đó, ĐTC Phanxicô tiếp tục, chính là những gì Miki đã đề cập trong bài thuyết trình của mình khi đặt câu hỏi về việc làm thế nào để những người trẻ tuổi có thể tạo không gian cho Thiên Chúa trong một xã hội hối hả điên cuồng và tập trung vào tính ganh đua và năng suất hiệu quả.
Theo ĐTC Phanxicô, chúng ta ngày càng nhận thấy rằng “một người, một cộng đồng hoặc thậm chí cả xã hội có thể phát triển với mức độ cao ở bên ngoài, nhưng lại có một đời sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sinh khí và sức sống thực sự”.
“Tất cả mọi thứ đều làm họ chán nản; họ không còn mơ mộng, cười đùa hay vui chơi. Họ chẳng còn cảm giác về những điều huyền diệu hay kinh ngạc. Họ giống như những thây ma; trái tim của họ đã ngừng đập vì không thể cùng với người khác tận hưởng cuộc sống”, ĐTC Phanxicô nói.
Sự nghèo nàn tâm linh
Nhận xét về việc có biết bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng lại sống như những kẻ nô lệ cho sự cô đơn, ĐTC Phanxicô đã trích lời của Thánh Têrêsa Calcutta, người làm việc giữa những người nghèo nhất, và nói rằng: “Sự cô đơn và cảm giác không được yêu thương là nhất hình thức nghèo đói khủng khiếp nhất”.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi để chống lại sự nghèo đói về mặt tâm linh, ĐTC Phanxicô nói, nhưng những người trẻ tuổi nắm giữ một vai trò đặc biệt “bởi vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên và các lựa chọn”.
“Điều đó đồng nghĩa với việc nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi sở hữu hoặc có thể có được, mà là tôi có thể chia sẻ những thứ ấy với ai. Chẳng mấy quan trọng để tập trung vào việc tôi sống vì điều gì, mà là việc tôi sống cho ai. Của cải vật chất thì cần thiết, nhưng con người mới là quan trọng”, ĐTC Phanxicô nói.
Không có con người, ĐTC Phanxicô tiếp tục, chúng ta trở nên mất nhân cách, chúng ta đánh mất đi diện mạo và danh tính của mình, và chúng ta trở thành một đối tượng khác.

Các bạn trẻ bao quanh ĐTC Phanxicô bên trong Nhà thờ Chánh Tòa Tokyo
Tình bằng hữu
Tình bằng hữu, ĐTC Phanxicô nói, là một điều gì đó đẹp đẽ mà các con có thể cống hiến cho thế giới của chúng ta, và Ngài mời gọi những người trẻ đặt hy vọng vào một tương lai “được dựa trên nền văn hóa của sự gặp gỡ, đón nhận, tinh thần huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người thiếu thốn tình yêu thương và sự cảm thông của người khác nhất”.
“Để duy trì sự sống về mặt thể lý, chúng ta phải giữ nhịp thở; đó là một điều gì đó chúng ta làm mà không nhận ra nó, một cách tự động. Để sống theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, chúng ta cũng cần học cách thở về mặt tâm linh, thông qua việc cầu nguyện và suy tư”, ĐTC Phanxicô nói.
ĐTC Phanxicô mời gọi cộng đoàn hiện diện làm điều đó và học cách lắng nghe Thiên Chúa ngỏ lời với họ trong sâu thẳm trái tim họ, đồng thời tiếp cận với những người khác qua những hành động yêu thương và phục vụ.
Đừng bao giờ gác lại ước mơ của mình
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô đã đề cập đến kinh nghiệm của Masako với tư cách là một học sinh và một giáo viên, đồng thời lưu ý rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không phải là tìm ra những câu trả lời đúng mà là khám phá ra những vấn đề đúng để đặt câu hỏi.
“Hãy tiếp tục chất vấn và giúp người khác đặt câu hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hình một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta”, ĐTC Phanxicô nói.
Các bạn trẻ thân mến, ĐTC Phanxicô kết luận, “Đừng bao giờ ngã lòng hay gác lại ước mơ của các con. Hãy tạo không gian cho những ước mơ đó, dám can đảm hướng nhìn đến những chân trời rộng lớn và xem điều gì đang chờ đợi các con phía trước nếu các con khao khát đạt được những ước mơ đó”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)