ĐTC Phanxicô: “Việc cầu nguyện của các Kitô hữu phải là hơi thở của Giáo hội”

Trong một tác phẩm chưa được công bố trước đây, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh vai trò của việc cầu nguyện trong đời sống Kitô hữu. Văn bản được chứa đựng trong một cuốn sách mới có tên ‘La Preghiera’. ‘Il respiro della vita nuova’, (Cầu nguyện: Hơi thở của sự sống mới) được xuất bản bởi Libreria Editrice Vaticana (LEV), nhà xuất bản Vatican; một đoạn trích xuất hiện trên tờ Avvenire, tờ nhật báo của Hội đồng Giám mục Ý.

"La Preghiera. Il respiro della vita nuova", cuốn sách mới của Giáo hoàng Francis, được xuất bản bởi LEV

“La Preghiera. Il respiro della vita nuova”, cuốn sách mới của ĐTC Phanxicô, được xuất bản bởi LEV

Trích đoạn từ cuốn sách mới ‘La Preghiera. Il respiro della vita nuova’.

Bí tích Rửa tội chính là sự khởi đầu của sự sống mới. Nhưng sự sống mới có nghĩa là gì?

Đời sống mới qua Bí tích Rửa tội không mới mẻ như khi chúng ta thay đổi công việc hoặc chuyển đến một thành phố khác và nói rằng: Tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới. Chắc chắn trong những trường hợp này cuộc sống thay đổi, có lẽ là rất nhiều. Nó khác với những gì trước đó: tốt hơn hoặc tồi tệ hơn, thú vị hơn hoặc kém thú vị hơn hơn, theo từng trường hợp riêng lẻ. Các điều kiện, bối cảnh, đồng nghiệp, những người thân quen và có lẽ cả tình thần hữu, nhà cửa, tiền lương cũng khác nhau. Nhưng đó không phải là một cuộc sống mới; đó chính là cuộc sống tương tự vốn vẫn đang diễn ra.

Đời sống mới qua Bí tích Rửa tội cũng khác với một sự thay đổi triệt để trong cảm nghĩ của chúng ta đối với một người yêu thương; hoặc một sự thất vọng; một căn bệnh; một sự kiện quan trọng nhưng không lường trước được.

Những thứ đó có thể xảy đến với chúng ta như một trận động đất, cả bên trong và bên ngoài: chúng có thể thay đổi các giá trị của chúng ta, những lựa chọn cơ bản của chúng ta: tình cảm, công việc, sức khỏe, việc phục vụ người khác. Trước khi người ta có thể nghĩ về một nghề nghiệp, và sau đó bắt đầu làm việc với tư cách là một tình nguyện viên; hoặc thậm chí trao ban cuộc sống của mình như một món quà cho người khác! Trước đó, người ta có thể không nghĩ đến việc xây dựng một gia đình; sau đó, họ có thể trải nghiệm vẻ đẹp của tình yêu vợ chồng và tình yêu gia đình.

Những điều này cũng vậy, vốn chính là những thay đổi lớn và phi thường, thế nhưng, đó “vẫn chỉ là” những sự biến đổi. Chúng là những sự thay đổi vốn dẫn chúng ta đến một cuộc sống tươi đẹp và năng động hơn, hoặc một cuộc sống khó khăn và mệt mỏi hơn. Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên – khi chúng ta nói về chúng – khi chúng ta luôn sử dụng các cách diễn tả “hơn” hoặc “kém”. Chúng ta có thể nói rằng chúng đã làm cho sự tồn tại của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, tươi vui hơn, thú vị hơn. Đó chính là bởi vì chúng ta luôn luôn đưa ra sự so sánh giữa những thứ ít nhiều tương tự nhau. Nó như thể chúng ta đang đo lường mọi thứ theo thang giá trị. Cuộc sống trước đó của chúng ta, niềm vui chỉ là “5”, và giờ đây niềm vui là “7”; sức khỏe của chúng ta trước đây là “9”, giờ đây chỉ còn “4”. Những con số thay đổi, nhưng thực chất cuộc sống thì không!

Nhưng đời sống mới qua Bí tích Rửa tội không chỉ mới mẻ đối với quá khứ, đối với cuộc sống sắp tới của chúng ta, đối với cuộc sống của chúng ta trước đây. Sự mới mẻ không có nghĩa là gần đây, nó không chỉ có nghĩa là có một sự sửa đổi, hay một sự thay đổi.

Sự sống của Thiên Chúa chính là sự hiệp thông và nó được trao ban cho chúng ta như một tình bạn

Sự sống mới mà Thánh Phaolô nói đến trong những lá thư của Ngài nhắc nhở chúng ta về giới răn mới của Chúa Giêsu (x. Ga 13,34); nó nhắc nhở chúng ta về thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa (x. Mc 14,25), khúc tân ca mà những kẻ được cứu thoát cất lên trước Ngai của Thiên Chúa (x. Kh 5: 9): về những thực tại chung cuộc; theo từ ngữ thần học, đó là Ngày Cánh chung.

Vì vậy, chúng ta hiểu rằng đối với sự sống mới, quả là không thể đưa ra sự so sánh. Làm thế nào bạn có thể so sánh sự sống và cái chết, hoặc sự sống trước và sau khi sinh ra? Chúa Kitô đã không trở nên một trong số chúng ta, Ngài không sống Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Ngài để làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên “tốt hơn”, để làm cho nó tươi đẹp hơn, đáng khao khát hơn, mãnh liệt hơn, dễ dàng hơn, hay hạnh phúc hơn. Ngài đến – như Ngài đã nói với chúng ta – để chúng ta có thể có được sự sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

Đây chính là sự sống mới, sự sống mà Thiên Chúa Cha trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Đó chính là sự sống mới bởi vì đó là một sự sống khác đối với chính chúng ta, bởi vì đó chính là sự sống của Ngài, đó là chính sự sống của Thiên Chúa. Đây chính là món quà tuyệt vời mà Ngài đã trao ban cho chúng ta và Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta để được dự phần vào tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để được thông phần vào tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và cho mọi loài thọ tạo. Sự sống mới chính là sự sống mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta!

Những người Kitô hữu chúng ta luôn tìm kiếm những hình ảnh và biểu tượng để biểu lộ món quà to lớn này. Chúng ta hoàn toàn khác biệt, nhưng chúng ta chỉ là một, chúng ta là một Giáo hội. Và sự hiệp nhất này đó chính là tình yêu, vốn không ép buộc, không hạ thấp phẩm giá con người, không giới hạn chúng ta, nhưng củng cố chúng ta, liên kết tất cả chúng ta lại với nhau và biến chúng ta trở nên bằng hữu với nhau.

Chúa Giêsu có một cách diễn tả vô cùng tuyệt vời trong Tin Mừng: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17, 3). Chính Ngài là Đấng đã nói với chúng ta rằng sự sống đích thực đó chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa; và cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa chính là việc nhận biết Thiên Chúa.

Hơn nữa, chúng ta nhận biết từ Kinh Thánh rằng người ta không biết một người nào đó chỉ bằng cái đầu, bởi vì việc “biết” đồng nghĩa với việc “yêu”. Và đây chính là sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta: tình yêu trở thành của chúng ta, và dần dần khiến chúng ta lớn lên, nhờ Chúa Thánh Thần (Rm 5: 5), và soi sáng thậm chí ngay cả những biểu hiện nhỏ bé hàng ngày của chúng ta: “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Làm ơn..!”.

Mặc dù lời nói thì quả là không đủ, nhưng có thể nói rằng sự sống mới đó chính là việc khám phá chính mình để gắn liền với ai đó, để thuộc về ai đó, và qua Ngài trở nên thuộc về tất cả mọi người. Việc thuộc về có nghĩa là mỗi người đều được dành cho người khác.

Điều này làm tôi nhớ đến những lời của Tân nương nói trong Bài ca của Sa-lô-môn: “ Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng” (Dc 2:16). Vì vậy, ngày qua ngày, Chúa Thánh Thần đang mang đến sự hoàn thành lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17: 20-21).

Một trong những hình ảnh cổ xưa nhất – đã được Thánh Phaolô sử dụng – để thể hiện sự thuộc về này – đó chính là hình ảnh về thân thể, với Chúa Kitô là Đầu, trong khi chúng ta là chi thể: “Vậy giờ đây , anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một chi thể” (1 Cr 12, 27).

Biểu tượng về thân thể

Trong cơ thể con người, có một số chức năng thiết yếu, chẳng hạn như hơi thở và nhịp đập của trái tim.

Tôi muốn hình dung rằng lời cầu nguyện cá nhân và cộng đồng của các Kitô hữu của chúng ta chính là hơi thở, nhịp đập của Giáo hội, vốn thấm nhuần sức mạnh của nó qua việc phục vụ của những người làm việc, học tập, giảng dạy; làm trổ sinh hoa trái kiến thức của những người có trình độ học vấn và sự khiêm tốn của những con người đơn sơ; mang lại hy vọng cho sự kiên cường bất khuất cho những người chống lại sự bất công.

Việc cầu nguyện chính là lời thưa “Xin Vâng” của chúng ta với Thiên Chúa, với tình yêu của Ngài đến với chúng ta; đó chính là sự tiếp đón Chúa Thánh Thần, Đấng hằng luôn tuôn đổ tình yêu xuống trên tất cả mọi người.

Thánh Seraphim Sarov, một Thầy dạy tinh thần vĩ đại của Giáo hội Nga, nói rằng: “Việc có được Thần khí của Thiên Chúa, vì thế, chính là cùng đích đích thực của đời sống Kitô hữu của chúng ta, đến mức việc cầu nguyện, canh thức, ăn chay hãm mình, bố thí và các hành động đạo đức khác được thực hiện nhân Danh Chúa Kitô chỉ có nghĩa đối với mục đích này”. Bạn không phải lúc nào cũng có ý thức về hơi thở, nhưng bạn không bao giờ có thể ngừng thở.

Giáo Hoàng Phanxicô

 

(Bản dịch không chính thức do Vatican News cung cấp)

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết