Một hội nghị đã được tổ chức tại Athens nhân Ngày Môi trường Thế giới. Đối với vị Thượng Phụ Đại kết, cuộc khủng hoảng “đòi hỏi sự hội tụ của các tôn giáo, khoa học và công nghệ, của tất cả các lĩnh vực và các tổ chức xã hội, cũng như của tất cả mọi người có thành tâm thiện chí”. Ngay cả ĐTC Phanxicô, trong thông điệp của mình, cũng đã tái khẳng định tính cấp thiết của việc cùng cộng tác với nhau, các Kitô hữu và những người không phải là Kitô hữu, “đưa ra một phản ứng rõ ràng” đối với thách thức về mặt sinh thái.
Athens (AsiaNews) – Đức Thượng phụ Bartholomew I đã khẳng định sự cấp thiết của “một sự biến đổi luân lý” của con người vốn dẫn đến một sự thay đổi triệt để trong cách thức nhìn vào thiên nhiên đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa. Những nhận xét của Ngài đã được đưa ra trong bài phát biểu của mình tại Hội thảo Sinh thái Quốc tế lần thứ 9 về Bảo tồn hành tinh và Bảo vệ các cư dân của nó, diễn ra hôm 5/6 tại Athens nhân Ngày Môi trường Thế giới của LHQ.
ĐTC Phanxicô, người đã gửi một thông điệp chúc mừng Đức Thượng phụ Bartholomew I và hội nghị, hôm 6/6 cũng đã đăng tải dòng tweet trên tài khoản của mình nhân Ngày Môi trường Thế giới: “Lạy Chúa, xin hãy thức tỉnh nơi chúng con ý thức về việc ngợi khen và tạ ơn vì hành tinh này, cũng như vì tất cả mọi thứ Ngài đã tạo dựng”.
Trong báo cáo của mình, Đức Thượng phụ Bartholomew I bắt đầu từ việc nhận thấy “Cuộc khủng hoảng sinh thái đã cho thấy rằng thế giới của chúng ta cấu thành một khối trơn tru” và do đó “không có sáng kiến hay thể chế nào, không có quốc gia hay công ty nào, cả khoa học lẫn công nghệ, được đặt trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng sinh thái trơ trọi một mình, mà không làm việc chặt chẽ với nhau”. Câu trả lời là “sự hội tụ và nỗ lực chung của các tôn giáo, khoa học và công nghệ, của tất cả các lĩnh vực xã hội và các tổ chức, cũng như tất cả mọi người có thành tâm thiện chí. Mô hình hợp tác chính là những gì được yêu cầu và không phải là một phương thức của sự cạnh tranh; chúng ta phải làm việc theo cách thức cộng tác và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, thật không may, ngày nay chúng ta đã chứng kiến những lợi ích về kinh tế và các mô hình địa chính trị đang hoạt động chống lại sự hợp tác như vậy trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.
Đức Thượng phụ Bartholomew I tiếp tục rằng Tòa Thượng phụ “từ lâu đã nhấn mạnh nguồn gốc tinh thần và luân lý của cuộc khủng hoảng sinh thái, đồng thời nhấn mạnh sự liên đới giữa con người và thiên nhiên. Hơn nữa, Tòa Thượng phụ cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với một sự biến đổi tâm linh của con người và thái độ của họ đối với công trình sáng tạo”. “Sự tàn phá đối với môi trường tự nhiên chỉ có thể được đảo ngược thông qua một sự thay đổi triệt để về quan điểm của chúng ta đối với thiên nhiên vốn là kết quả của một sự thay đổi triệt để về sự hiểu biết của chúng ta với tư cách là những con người”.
“Đối với Giáo hội Chính thống, việc chăm sóc công trình sáng tạo – bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ con người — phát xuất từ bản chất đức tin của chúng ta” và kể từ tháng 6 năm 2016, Tòa Thượng phụ đã khẳng định rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi để trở thành những người quản lý, những người bảo vệ và những ‘mục tử’ của công trình sáng tạo”.
“Việc bảo tồn và bảo vệ môi trường tự nhiên, cũng như tôn trọng và phục vụ đồng bào của chúng ta, là hai mặt của một và cùng một đồng xu. Hậu quả của cuộc khủng hoảng sinh thái – vốn có ảnh hưởng, trước tiên, đến những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội và kinh tế – là một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự gắn kết và hội nhập xã hội. Đặc tính của mọi xã hội và thước đo của mọi nền văn hóa không được đánh giá bởi mức độ phát triển công nghệ, sự tăng trưởng kinh tế hoặc cơ sở hạ tầng công cộng. Đời sống dân sự và nền văn minh của chúng ta được xác định và đánh giá chủ yếu bởi thái độ tôn trọng của chúng ta đối với phẩm giá con người và tính toàn vẹn của tự nhiên”.
Đức Thượng phụ Bartholomew kết luận, “có một sự liên hệ mật thiết giữa việc chăm sóc công trình sáng tạo và việc phụng thờ Đấng sáng tạo, giữa một nền kinh tế cho người nghèo và một hệ sinh thái cho hành tinh. Khi chúng ta làm tổn thương người khác, chúng ta cũng gây tổn hại trái đất. Vì vậy, sự tham lam vô độ và lượng chất thải quá mức của chúng ta không chỉ là không thể chấp nhận về mặt kinh tế; chúng cũng không thể chịu đựng được về mặt sinh thái. Trên thực tế, những điều này là không thể tha thứ về mặt đạo đức. Đây là cách chúng ta phải giải thích Lời Chúa trong dụ ngôn Ngày Cánh Chung: “Ta đói và các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát các ngươi đã cho Ta uống” (Mt 25,35).
Với sự thông cảm sâu sắc với Đức Thượng phụ Bartholomew, trong thông điệp của mình, ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng “trách nhiệm chăm sóc công trình sáng tạo thách thức tất cả mọi người có thành tâm thiện chí, kêu gọi các Kitô hữu nhìn nhận nguồn gốc tinh thần của cuộc khủng hoảng sinh thái, và đồng thời hợp tác trong việc đưa ra một phản ứng rõ ràng”. Sau đó, ĐTC Phanxicô nhắc lại “ý định xác quyết của mình rằng Giáo hội Công giáo tiếp tục cuộc hành trình cùng với Đức Thượng Đại kết”, và với “các cộng đồng Kitô hữu khác cũng như tất cả mọi người có thành tâm thiện chí”.
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn đối với cam kết của Đức Thượng Phụ Bartholomew và đối với việc đã “tham gia cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà khoa học, chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc tạo ra một mạng lưới quan trọng để phản ứng hiệu quả với những thách thức hiện tại”.
Minh Tuệ chuyển ngữ