Vào cuối Tháng Truyền giáo Ngoại thường, chúng tôi sẽ cung cấp một vài trích đoạn từ cuộc phỏng vấn của cộng tác viên Fides News Agency, Gianni Valente, với Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo hội hoặc là phải truyền giáo hoặc đó không phải là Giáo hội”. Cuốn sách, được xuất bản bởi Libreria Edictrice Vaticana và Edizioni San Paolo đã được bán tại các nhà sách vào ngày 5 tháng 11.

ĐTC Phanxicô trao Thánh giá truyền giáo cho một nhà thừa sai (Vatican Media)
“Niềm vui của Tin Mừng lấp đầy quả tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”. Do đó, điều này đã bắt đầu Tông Huấn ‘Evangelii gaudium’, được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố vào tháng 11 năm 2013, tám tháng sau Cơ Mật viện mà trong đó Ngài được bầu chọn làm Giám mục Rôma và Đấng kế vị Thánh Phêrô. Đó là một văn kiện Giáo Hoàng mời gọi tất cả mọi người tái hòa hợp mọi hành động, suy tư và sáng kiến Giáo hội với “công cuộc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”. Sáu năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Tháng Truyền giáo Ngoại thường đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2019, đồng thời triệu tập Hội đồng Đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục tại Rome dành riêng cho Vùng Amazon, với ý định đề xuất những đường hướng mới cho việc loan báo Tin Mừng tại khu vực “lá phổi xanh” của thế giới, vốn đã bị khai tử bởi sự khai thác bóc lột tận diệt đã vi phạm và gây thương tích cho “các anh chị em của chúng ta, và đối với Mẹ trái đất của chúng ta” (Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Pan-Amazon).
Trong giai đoạn này, ĐTC Phanxicô đã đưa vào các bài diễn văn công khai của mình đề cập đến bản chất cụ thể của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội trên thế giới. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng việc truyền giáo không phải là “lôi kéo khiến ai đó từ bỏ tôn giáo của họ”, và Giáo hội phát triển lớn mạnh bởi “sự cuốn hút” và bởi “việc làm chứng” của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tất cả những điều này, và hơn thế nữa, trong cuộc phỏng vấn dài trong cuốn sách có tựa đề “Không có Thầy, chúng con chẳng thể làm gì được: Cuộc trò chuyện về công việc truyền giáo trong Thế giới ngày nay”. Ở đây, Fides News Agency sẽ cung cấp một vài trích đoạn trong cuộc phỏng vấn.
Thưa Đức Thánh Cha, Ngài đã từng nói rằng khi còn trẻ, Ngài mong muốn đến Nhật Bản với tư cách là một nhà truyền giáo. Liệu chúng ta có thể nói rằng việc trở thành Giáo hoàng đồng nghĩa với việc không bao giờ có thể trở thành một nhà truyền giáo?
Tôi không biết. Tôi gia nhập Dòng Tên bởi vì tôi bị đánh động bởi ơn gọi truyền giáo của họ, luôn luôn đi đến với các khu vực ngoại biên. Lúc đó tôi đã không thể đến Nhật Bản. Nhưng tôi luôn luôn cảm thấy rằng việc loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài luôn liên quan đến một sự hướng ngoại nhất định và luôn liên tục bước tới.
Đức Thánh Cha đã luôn lặp đi lặp lại: “Một Giáo hội luôn di chuyển tiến về phía trước”. Nhiều người đã chọn cách diễn tả này, và đôi khi nó dường như đã trở thành một khẩu hiệu được thường xuyên lặp đi lặp lại, được sử dụng bởi ngày càng nhiều người dành thời gian của mình để cảnh báo Giáo hội về những gì Giáo hội nên hay không nên.
“Một Giáo hội luôn luôn di chuyển tiến về phía trước” không phải là một cách diễn tả theo thời mà tôi đã sáng kiến ra. Đó là lệnh truyền của Chúa mà trong Tin Mừng Mác-cô đã truyền cho các môn đệ của Ngài đi vào giữa lòng thế giới và rao giảng Tin Mừng “cho mọi loài thọ tạo”. Giáo hội hoặc luôn luôn di chuyển tiến về phía trước hoặc không phải là Giáo hội. Hoặc Giáo hội truyền giáo hoặc Giáo hội ấy không phải là Giáo hội. Nếu Giáo hội không di chuyển tiến về phía trước, Giáo hội phân rã và rồi trở thành một thứ gì khác.
Một Giáo hội không truyền giáo và không di chuyển tiến về phía trước thì sẽ ra sao?
Nó trở thành một tổ chức tâm linh, một công ty đa quốc gia vốn đưa ra các sáng kiến và thông điệp về đạo đức và tôn giáo. Điều đó không có gì là sai trái, nhưng đó không phải là Giáo hội. Đây chính là rủi ro đối với bất kỳ tổ chức tĩnh tại nào trong Giáo hội. Chúng ta kết thúc bằng việc điều khiển Chúa Kitô. Chúng ta không còn làm chứng cho những gì Chúa Kitô đã thực hiện, nhưng lên tiếng thay mặt cho một ý tưởng nhất định về Chúa Kitô. Một ý tưởng mà chúng ta đã chiếm đoạt và chế ngự. Chúng ta sắp xếp tất cả mọi thứ, chúng ta trở thành những nhà quản lý đối với đời sống Giáo hội, nơi mà tất cả mọi thứ xảy ra theo một kế hoạch đã được thiết lập, chỉ để làm theo những sự chỉ dẫn. Thế nhưng, một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô không bao giờ xảy ra. Cuộc gặp gỡ vốn đánh động quả tim của chúng ta lúc ban đầu đã không còn xảy ra nữa.
Liệu việc truyền giáo tự bản chất chính là một thuốc giải độc cho tất cả điều này? Liệu ý chí và nỗ lực để “ra đi” với sứ mạng truyền giáo có đủ để tránh những sự sai lệch này không?
Truyền giáo, “Giáo hội tiến bước về phía trước”, không phải là một chương trình, một ý định được thực hiện bởi sức mạnh của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Giáo hội bước ra khỏi chính mình. Trong sứ mạng truyền giáo, chúng ta tiến bước về phía trước bởi vì Chúa Thánh Thần thúc bách và đưa chúng ta đi. Và khi chúng ta đến đó, chúng ta nhận ra rằng Ngài đã ở đó và đang chờ đợi chúng ta. Thần Khí của Thiên Chúa đi trước chúng ta. Ngài đã chuẩn bị sẵn con đường cho chúng ta, và Ngài luôn luôn hoạt động.
Trong một cuộc gặp gỡ với các Hội Truyền giáo Giáo hoàng, Ngài đã đề nghị họ đọc Sách Công vụ Tông đồ, như một văn bản thường lệ để cầu nguyện. Tại sao đó chính là một câu chuyện kể về sự khởi đầu, chứ không phải là một cẩm nang truyền giáo mang tính chiến lược “hiện đại”?
Nhân vật chính của Sách Công vụ Tông đồ không phải là các Tông đồ. Nhân vật chính đó chính là Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ chính là những người đầu tiên nhận ra Ngài và làm chứng về Ngài. Khi các Tông đồ truyền đạt các quyết định do Công đồng Giêrusalem thiết lập cho cộng đoàn tại Antiôkia, họ viết: “Chúng tôi đã quyết định, Chúa Thánh Thần và chúng tôi”. Họ thực tế thừa nhận rằng chính Thiên Chúa đã thêm họ vào số “những người đã được cứu thoát”, thay vì những nỗ lực có sức thuyết phục của con người.
Và nó có giống như ngày hôm nay không? Có gì thay đổi?
Kinh nghiệm của các Tông đồ cũng giống như một mô hình luôn có giá trị. Chỉ cần nghĩ về việc tất cả mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên trong Sách Công vụ Tông đồ, mà không có sự ép buộc. Đó chính là một câu chuyện về con người, mà trong đó các Tông đồ luôn đến sau đó, họ luôn xuất hiện sau khi Chúa Thánh Thần đã hành động. Ngài sẵn sàng và hoạt động trên mọi tâm hồn. Ngài làm đảo lộn mọi kế hoạch của họ. Chính Ngài là Đấng cùng đồng hành với họ, hướng dẫn họ và an ủi họ trong mọi hoàn cảnh họ thấy mình đang sống. Khi các vấn đề và sự bắt bớ xuất hiện, Chúa Thánh Thần cũng hoạt động ở đó theo cách thức thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn với sự an ủi của Ngài, sự khuyên giải của Ngài, như đã xảy ra sau khi vị Tử đạo tiên khởi, đó là Thánh Stêphanô.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Thời kỳ bắt bớ bắt đầu, và nhiều môn đệ chạy trốn khỏi Giêrusalem, đi đến Giu-đê-a và Sa-ma-ri. Và ở đó, trong khi họ bị phân tán và trốn tránh, họ bắt đầu truyền giáo, mặc dù họ chỉ lẻ loi cô độc một mình và không có các Tông đồ ở lại Giêrusalem. Họ đã được rửa tội và Chúa Thánh Thần ban cho họ lòng can đảm tông đồ. Ở đó chúng ta nhận thấy rằng Bí tích Rửa tội đủ để trở thành những nhà truyền giáo. Đó chính là sứ mạng truyền giáo. Truyền giáo chính là công việc của Ngài. Việc bối rối lo âu thì quả là vô ích. Ở đó, chúng ta không cần sắp xếp tổ chức, không cần la hét, không cần những mánh lới quảng cáo hay chiến lược. Tất cả những gì chúng ta cần làm đó chính là phải có thể lặp lại trải nghiệm mà ngày hôm nay khiến chúng ta phải thốt lên: “Chúng tôi đã quyết định, Chúa Thánh Thần và chúng tôi”.
Và nếu không có kinh nghiệm này, những lời kêu gọi thúc đẩy việc truyền giáo có ý nghĩa gì?
Nếu không có Chúa Thánh Thần, mong muốn thực hiện công cuộc truyền giáo trở thành một thứ khác. Nó sẽ trở thành, tôi có thể nói rằng, một kế hoạch để chinh phục, cái cớ mà chúng ta đang chinh phục một điều gì đó. Một cuộc chính phục tôn giáo, hoặc có lẽ là một cuộc chinh phục ý thức hệ, có lẽ được thực hiện thậm chí ngay cả với ý định ngay lành. Nhưng nó là một điều gì đó khác.
Trích dẫn những lời của Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, Đức Thánh Cha thường nhắc lại rằng Giáo hội phát triển lớn mạnh nhờ sự cuốn hút của nó. Ý Ngài là gì? Ai cuốn hút? Ai bị cuốn hút?
Chúa Giêsu nói điều đó trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Và cũng trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Giáo hội luôn luôn thừa nhận rằng đây chính là hình thức thích hợp của mọi hành động vốn đưa chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và Tin Mừng. Đó không phải là một sự thuyết phục, một sự hợp lý hóa, nó không phải là việc đưa ra một lập trường; cũng không phải là một áp lực, hoặc một sự bắt buộc. Nó luôn luôn là một sự cuốn hút. Tiên tri Giê-rê-mi-a đã nói: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng”. Và điều này áp dụng cho các Tông đồ, các nhà truyền giáo và công việc của họ.
Những điều Ngài vừa mô tả diễn ra như thế nào?
Lệnh truyền của Thiên Chúa để ra đi lên đường truyền giáo xuất phát từ trong thâm tâm, bằng tình yêu, bằng sự cuốn hút yêu thương. Một người không bước theo Chúa Kitô, và thậm chí không trở thành một nhà truyền giáo, do một quyết định được đưa ra khi ngồi quanh bàn, hoặc bởi một hoạt động của riêng một nhóm. Thậm chí ngay cả động lực truyền giáo cũng có thể sinh hoa trái nếu nó diễn ra trong sự cuốn hút này và lan truyền nó cho người khác.
Ý nghĩa của những lời này liên quan đến sứ mạng truyền giáo và việc loan báo Tin Mừng là gì?
Điều đó có nghĩa là nếu bạn bị quyến rũ bởi Chúa Kitô, nếu bạn tiến bước và làm mọi việc vì bạn bị Chúa Kitô cuốn hút, những người khác sẽ nhận thấy điều đó mà không cần phải nỗ lực. Không cần phải chứng minh điều đó. Thay vào đó, bất cứ ai nghĩ rằng mình là nhân vật chính hoặc người quản lý sắp xếp công việc truyền giáo, với tất cả những ý định và tuyên bố tốt nhất về mục đích, thường sẽ chẳng cuốn hút được ai.
Trong Tông Huấn ‘Evangelii gaudium’, Đức Thánh Cha đã thừa nhận rằng tất cả những điều này có thể “có thể khiến chúng ta cảm thấy mất phương hướng”. Nó giống như hình ảnh những người lặn xuống biển mà không biết họ sẽ tìm thấy thứ gì. Ngài muốn đề xuất điều gì với hình ảnh này? Những lời này cũng liên quan đến sứ mạng truyền giáo?
Truyền giáo không phải là một kế hoạch công ty đã được cố gắng và thử nghiệm. Đó cũng không phải là một sự biểu diễn công khai được tổ chức để phô trương việc có bao nhiêu người có sự liên kết với nó nhờ vào việc tiếp thị của chúng ta. Chúa Thánh Thần hoạt động theo như Thánh ý của Ngài, khi Ngài muốn và nơi Ngài muốn. Và điều này có thể dẫn đến “sự quay cuồng mất thăng bằng”. Tuy nhiên, điểm cao nhất của tự do nằm ở việc cho phép bản thân được Chúa Thánh Thần chiếm ngự, từ bỏ nhu cầu tính toán và kiểm soát mọi thứ. Đây chính là cách thức chúng ta noi gương chính Chúa Kitô, qua Mầu nhiệm Phục sinh của Ngài đã học cách nghỉ ngơi trong sự dịu dàng trong vòng tay Chúa Cha. Hiệu quả huyền diệu của sứ mạng truyền giáo không bao gồm trong những ý định của chúng ta, trong các phương pháp của chúng ta, trong những sự thôi thúc và các sáng kiến của chúng ta, nhưng nằm chính xác trong “cảm giác mất thăng bằng” này: “cảm giác quay cuồng mất thăng bằng” mà chúng ta nhận thấy khi nghe những lời của Chúa Giêsu: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được”.
Đức Thánh Cha cũng thường nhắc lại rằng Giáo hội phát triển lớn mạnh qua việc “làm chứng”. Ngài muốn cố gắng đề nghị điều gì khi nhấn mạnh vấn đề này?
Thực tế là sự cuốn hút khiến chúng ta phải làm chứng. Bằng chứng này chứng minh cho những công việc mà Chúa Kitô và Thần Khí của Ngài đã thực sự hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta. Sau khi Phục sinh, chính Chúa Kitô đã tỏ mình ra cho các Tông đồ. Chính Ngài là Đấng làm cho họ phải trở nên những chứng tá cho Người. Ngoài ra, việc làm chứng này không phải là tự phục vụ mình. Chúng ta chính là những nhân chứng cho công trình của Thiên Chúa.
Một vấn đề khác mà Ngài thường xuyên lặp lại, trong trường hợp này theo nghĩa tiêu cực: Giáo hội không phát triển thông qua việc lôi kéo khiến ai đó từ bỏ tôn giáo của họ, và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội không phải là như vậy. Tại sao Ngài lại liên tục nhấn mạnh vấn đề này rất nhiều? Vậy đó có phải là việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các Giáo hội khác và đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác không?
Vấn đề liên quan đến việc lôi kéo khiến ai đó từ bỏ tôn giáo của họ không chỉ là thực tế mà nó mâu thuẫn với hành trình đại kết và đối thoại liên tôn. Hành động lôi kéo buộc người khác từ bỏ tôn giáo của họ hiện diện ở bất cứ nơi nào có ý tưởng của việc làm cho Giáo hội phát triển bằng cách ít chú trọng đến sự cuốn hút này về phần phía Chúa Kitô và công việc của Chúa Thánh Thần, tập trung mọi thứ vào bất kỳ hình thức nào của một “cuộc đàm thoại tinh khôn”. Do đó, hành động này trước hết là loại bỏ chính Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ra khỏi sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, thậm chí ngay cả khi chúng ta tuyên bố để nói và hành động nhân danh Chúa Kitô chỉ trên danh nghĩa. Hành động này luôn mang tính bạo lực tự bản chất, thậm chí ngay cả khi nó được che giấu hoặc được thực hiện với đôi găng tay trắng. Nó không dung thứ cho sự tự do và lòng bao dung độ lượng mà qua đó đức tin có thể được lan truyền từ người này sang người khác nhờ ân sủng. Đây chính là lý do tại sao việc lôi kéo khiến ai đó từ bỏ tôn giáo của họ không chỉ là một điều gì đó của quá khứ, của thời kỳ thực dân đã qua, hoặc sự chuyển đổi bị ép buộc hoặc được mua bán với những sự hứa hẹn về những lợi ích vật chất. Hành động này cũng có thể tồn tại ngày nay thậm chí ngay cả trong các Giáo xứ, các cộng đồng, các phong trào, các tổ chức tôn giáo.
Vậy truyền giáo có nghĩa là gì?
Truyền giáo có nghĩa là đưa ra lời chứng của mình về Chúa Kitô bằng những từ ngữ đơn giản và chính xác, giống như các Tông đồ đã làm. Nhưng không cần phải đặt ra những diễn ngôn thuyết phục. Việc loan báo Tin Mừng thậm chí có thể được thì thầm khe khẽ, nhưng nó luôn vượt qua sức mạnh áp đảo của sự ô nhục của thập giá. Và nó luôn đi theo con đường đã được chỉ ra trong thư của Thánh Phêrô Tông đồ, trong đó đơn giản là “cung cấp lý do” cho một hy vọng của người khác, một hy vọng vốn vẫn còn là một sự ô nhục và dại dột trong mắt người đời.
Làm thế nào để chúng ta nhận ra một “nhà truyền giáo” Kitô giáo?
Một đặc điểm khác biệt đó chính là đóng vai trò như là người hỗ trợ hướng dẫn, chứ không phải là người kiểm soát đức tin. Việc tạo điều kiện, làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng, không đặt ra những trở ngại đối với mong muốn của Chúa Giêsu để đón nhận tất cả mọi người, chữa lành tất cả mọi người, cứu rỗi tất cả mọi người, không đặt ra sự chọn lọc, không áp đặt “những thuế quan mục vụ”, không đóng vai trò như những người canh gác cửa kiểm soát những ai có quyền vào. Tôi nhớ đến các linh mục tại các Giáo xứ và cộng đồng ở Buenos Aires, những người đã thiết lập nhiều sáng kiến để tạo điều kiện cho việc tiếp cận với Bí tích Rửa tội. Trong vài năm gần đây, họ nhận ra con số ngày càng tăng của những người không được rửa tội vì nhiều lý do, thậm chí cả những lý do về vấn đề xã hội học, và họ muốn nhắc nhở tất cả mọi người rằng việc được rửa tội là một điều gì đó hết sức đơn giản, ai cũng có thể yêu cầu được rửa tội, kể cả cho chính họ và cho con cái của họ. Đường hướng của các Cha xứ và những cộng đồng đó đều có chung một mục tiêu: không tạo thêm gánh nặng, không đưa ra những yêu sách, xóa bỏ bất kỳ mọi khó khăn nào liên quan đến vấn đề văn hóa, tâm lý hoặc thực tế vốn có thể khiến người ta hoãn lại hoặc từ bỏ ý định rửa tội cho con cái của họ.
Ở Châu Mỹ, khi bắt đầu truyền giáo, các nhà truyền giáo đã thảo luận việc ai là người “xứng đáng” để lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Làm thế nào để chấm dứt những tranh luận này?
Đức Giáo hoàng Phaolô III đã bác bỏ lý thuyết của những người cho rằng những người da đỏ Bắc Mỹ về bản chất là “không có khả năng” đón nhận Tin Mừng và đồng thời khẳng định sự lựa chọn của những người tạo điều kiện cho việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội của họ. Chúng dường như là những điều của quá khứ, nhưng thậm chí giờ đây có những vòng tuần hoàn và những lĩnh vực vốn tự thể hiện mình như là những người đã được khai minh [đã giác ngộ], và thậm chí tách biệt việc loan báo Tin Mừng thông qua những lập luận bị bóp méo vốn phân chia thế giới giữa “văn minh” và “chưa khai hóa”. Điều gây khó chịu cho họ và khiến họ tức giận đó chính là ý tưởng rằng Thiên Chúa có thể ưa thích đối với “những kẻ nhỏ con đầu đen” (cabecitas negras – một thuật ngữ xúc phạm). Họ coi một bộ phận lớn trong gia đình nhân loại như thể họ là một thực thể thuộc tầng lớp thấp hơn, không thể đạt được trình độ tề chỉnh trong đời sống tinh thần và trí tuệ theo những tiêu chuẩn của họ. Trên cơ sở này, sự khinh miệt có thể mở rộng đối với những người được coi là thuộc tầng lớp hạng hai. Tất cả điều này cũng xuất hiện trong Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon.
Một số có xu hướng muốn có sự tách biệt rõ ràng giữa việc loan báo đức tin và công tác xã hội. Họ nhấn mạnh rằng chúng ta không được giảm sứ mạng truyền giáo của Giáo hội trở thành một hình thức hoạt động xã hội. Liệu đó có phải là một mối bận tâm chính đáng?
Tất cả mọi thứ trong phạm vi ‘Bát Phúc’ và ‘Mười bốn mối thương người’ đều phù hợp với sứ mạng truyền giáo, tất cả những việc đó cũng đồng nghĩa với việc loan báo Tin Mừng, đó cũng chính là truyền giáo. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo hội là một điều gì đó khác. Nhưng Giáo hội cũng chính là một bệnh viện dã chiến, nơi mà tất cả mọi người đều được chào đón, nơi mà tất cả mọi vết thương của mọi người đều được chữa lành. Và đây chính là một phần trong sứ mạng của Giáo hội. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào tình yêu vốn làm lay động quả tim của những người làm những công việc này. Nếu như một nhà truyền giáo giúp đào một cái giếng nước ở Mozambique vì anh ta biết rằng những người mà anh ta đã rửa tội và truyền giáo cần đến cái giếng đó, làm sao có thể nói rằng công việc đó tách biệt với việc truyền giáo?
Hiện nay, đâu là những trọng tâm và sự nhạy bén mới cần phải được đưa vào thực hành trong các quá trình nhằm mục đích làm cho việc truyền giáo trở nên hiệu quả trong các bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau?
Kitô giáo không chỉ bao quanh một mô hình văn hóa duy nhất. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thừa nhận: “Trong khi vẫn hoàn toàn xác thực với chính nó, với sự trung thành khó lay chuyển với việc loan báo Tin Mừng và truyền thống của Giáo hội, Kitô giáo cũng sẽ phản ánh những khuôn mặt khác nhau của các nền văn hóa và các dân tộc mà trong đó nó được tiếp nhận và được bén rễ”. Chúa Thánh Thần tô điểm thêm cho Giáo hội, với các ngôn ngữ mới của những con người cũng như những cộng đồng đón nhận Tin Mừng. Do đó, Giáo hội, tiếp nhận các giá trị của các nền văn hóa khác nhau, trở thành những “sponsa ornate monilibus suis”, “những tân nương được trang điểm diễm lệ với những món trang sức lộng lẫy” mà Tiên tri Isaiah đã nói đến. Đúng là một số nền văn hóa đã được liên kết chặt chẽ với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng Kitô giáo. Nhưng trong thời kỳ chúng ta đang sống, điều đó càng trở nên cấp bách hơn để ghi nhớ rằng thông điệp được tiết lộ không được xác định với một nền văn hóa cụ thể. Và khi gặp gỡ các nền văn hóa mới, hoặc các nền văn hóa chưa đón nhận Kitô giáo, chúng ta không được cố gắng áp đặt một hình thức văn hóa cương quyết cùng với các đề xuất liên quan đến việc truyền giáo. Ngày nay, trong công việc truyền giáo cũng vậy, điều quan trọng hơn nữa đó chính là không mang theo những hành lý cồng kềnh.
Sứ mạng truyền giáo và việc Tử đạo. Đức Thánh Cha thường nhắc lại mối liên kết mật thiết hợp nhất hai thực tế này.
Trong đời sống Kitô hữu, thực tế của việc tử đạo và sứ mạng truyền giáo đều có cùng một nguồn gốc xuất phát, cùng một nguyên nhân ngọn nguồn: khi tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta qua việc Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh, lòng can đảm và niềm an ủi. Tử đạo chính là biểu hiện cao nhất của việc thừa nhận và làm chứng cho Chúa Kitô, vốn diễn tả việc hoàn thành sứ mạng truyền giáo, hoàn thành công việc tông đồ. Tôi luôn nghĩ về những anh chị em Kitô hữu Coptic bị giết hại ở Libya, những người lặng lẽ kêu lên Danh Thánh Chúa Giêsu trong khi họ đang bị chặt đầu. Tôi nghĩ về các Nữ tu của Mẹ Têrêsa đã bị giết hại tại Yemen, trong khi họ đang chăm sóc các bệnh nhân người Hồi giáo trong một ngôi nhà dành cho những người cao niên bị tàn tật. Các Nữ tu vẫn còn đang đeo tạp dề làm việc bên ngoài bộ tu phục của họ khi họ bị hạ sát. Họ đều là những người chiến thắng vinh quang, chứ không phải là những “nạn nhân”. Và sự tử đạo của họ, đến mức phải đổ máu mình ra, soi sáng cho những hành động tử đạo mà mọi người có thể hy sinh chịu đựng trong cuộc sống hàng ngày của mình, với việc làm chứng cho Chúa Kitô mỗi ngày. Đó chính là những gì có thể quan sát được khi đến thăm các nhà truyền giáo cao niên trong viện dưỡng lão của họ. Họ thường bị vùi dập bởi cuộc sống mà họ đã có. Một nhà truyền giáo nói với tôi rằng nhiều người trong số họ đã quên sạch mọi ký ức và không còn nhớ bất cứ điều gì về những điều tốt đẹp họ đã làm. “Nhưng điều đó không thành vấn đề”, nhà truyền giáo đó nói với tôi, “bởi vì Thiên Chúa nhớ rất rõ những công việc tốt đẹp đó”.
MInh Tuệ chuyển ngữ (theo Vatican News)