ĐTC Phanxicô thúc giục các nỗ lực chung đối với những vấn đề về đại dương

Cần phải giải quyết nạn buôn người, tình trạng lao động nô lệ, cũng như các điều kiện làm việc vô nhân đạo

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu ngày 6 tháng 10 năm 2017 đã kêu gọi một nỗ lực phối hợp để giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện đang trực tiếp ảnh hưởng đến phúc lợi của vô số con người trong đó có nhiều thanh thiếu niên và phụ nữ: đó chính là nạn buôn người, tình trạng lao động nô lệ cũng như các điều kiện lao động vô nhân đạo.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Những nhận xét của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong bức thư của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin gửi các tham dự viên tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ tư do Liên minh châu Âu tổ chức, với chủ đề ‘Đại dương của chúng ta, một Đại dương vì Sự sống’, được tổ chức tại Malta từ ngày 5/10 đến ngày 6/10.

ĐTC Phanxicô cho biết rằng những vấn đề cấp bách này đó chính là “những điều kiện liên quan đến ngành công nghiệp đánh bắt và vận chuyển thương mại, các tiêu chuẩn sống cũng như các cơ hội phát triển ở các cộng đồng ven biển và gia đình những người đánh bắt cá và tình hình các hòn đảo bị đe doạ bởi mực nước biển dâng cao”.

ĐTC Phanxicô cho biết rằng rằng việc suy tư về những vấn đề này chắc chắn sẽ đưa ra hai kết luận. Trước hết đó chính là việc công nhận “nghĩa vụ của chúng ta đối với việc chăm sóc đại dương như là một phần trong tầm nhìn hội nhập về sự phát triển con người”. Thứ hai, đề cập đến Thông điệp Laudato Si, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng phải có “hệ thống quản lý đa phương nhằm mục đích theo đuổi công ích chung và được trang bị để hoạt động ở các cấp độ toàn cầu và khu vực, được hướng dẫn bởi luật pháp quốc tế và lấy cảm hứng từ nguyên tắc bổ trợ và tôn trọng nhân phẩm của mỗi con người (xem Laudato Si, số 174)”.

Thông qua bức thư của Đức Hồng y Parolin, ĐTC Phanxicô đã nhắc nhở các tham dự viên tham dự: “Các đại dương chính là di sản chung của toàn thể gia đình nhân loại”. ĐTC Phanxicô cũng cảnh báo rằng “người ta cho rằng sự bao la vô tận của các đại dương sẽ cho phép những hành vi cẩu thả cũng như việc thải bỏ các chất thải độc hại, và đồng thời các hành vi ấy không bị giám sát bởi các cơ quan hữu trách”.

Bức thư kết luận với một lời kêu gọi rằng “cần phải có những nỗ lực để đào tạo những người trẻ tuổi không những đối với việc quan tâm chăm sóc đại dương mà còn, nếu có thể, giúp họ nâng cao tri thức, đánh giá cao và chiêm ngắm sự bao la bát ngát cũng như sự hùng vĩ của các đại dương”.

Dưới đây là nội dung bức thư, do Vatican cung cấp:

 Từ Vatican, ngày 27 tháng 9 năm 2017
Thưa toàn thể quý vị,
Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chuyển tải lời chào trân trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô đến tất cả các tham dự viên tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ tư về chủ đề ‘Đại dương của chúng ta, một Đại dương vì Sự sống’.

Cuộc hội thảo của quý vị đề cập đến tất cả các vấn đề phức tạp và có liên quan chẳng hạn như tình trạng sức khoẻ của các đại dương, cũng như sự phối hợp và việc quản lý các hoạt động khác nhau ở phía trên hoặc dưới biển. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhân dịp này để khuyến khích một nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách vốn ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của vô số các thanh thiếu niên và phụ nữ: nạn buôn bán người, tình trạng lao động nô lệ và các điều kiện liên quan đến ngành công nghiệp đánh bắt và vận chuyển thương mại, các tiêu chuẩn sống cũng như các cơ hội phát triển ở các cộng đồng ven biển và gia đình những người đánh bắt cá và tình hình các hòn đảo bị đe doạ bởi mực nước biển dâng cao.

Việc suy tư về những vấn đề này chắc chắn sẽ dẫn đến hai kết luận. Trước hết đó chính là việc công nhận nghĩa vụ của chúng ta đối với việc chăm sóc đại dương như là một phần trong tầm nhìn hội nhập về sự phát triển con người. Điều thứ hai liên quan đến sự cần thiết đối với hệ thống quản lý đa phương nhằm mục đích theo đuổi công ích chung và được trang bị để hoạt động ở các cấp độ toàn cầu và khu vực, được hướng dẫn bởi luật pháp quốc tế và lấy cảm hứng từ nguyên tắc bổ trợ và tôn trọng nhân phẩm của mỗi con người (xem Laudato Si, số 174).

Các đại dương chính là di sản chung của toàn thể gia đình nhân loại. Chỉ với một cảm thức về sự khiêm tốn, sự kinh ngạc và thái độ biết ơn, chúng ta mới có thể gọi đúng nghĩa đại dương chính là “của chúng ta”. Việc chăm sóc đối với di sản chung này nhất thiết phải bao gồm việc từ chối tất cả các cách hành động thờ ơ hay bất cần đạo lý. Chúng ta không thể giả vờ bỏ qua những vấn đề dẫn đến kết quả là việc ô nhiễm đại dương, chẳng hạn như ô nhiễm từ những rác thải nhựa và những mẩu nhựa nhỏ được gọi là microplastic vốn xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ của đại dương cũng như cuộc sống con người. Chúng ta cũng không thể thờ ơ trước việc đánh mất đi các rạn san hô, những nơi cần thiết cho sự sống còn của việc đa dạng sinh học biển cũng như tình trạng sức khoẻ của các đại dương, bởi vì chúng ta đang chứng kiến một thế giới dưới lòng đại dương vô cùng kỳ diệu đang bị biến thành một nghĩa trang dưới nước, không màu sắc và không có sự sống nào tồn tại (x. Thông điệp Laudato Si, số 41).

Các đại dương liên kết chúng ta và kêu gọi tất cả chúng ta cùng chung tay với nhau. Như ĐTC Phanxicô đã ghi nhận trong Thông điệp Laudato Si, “tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau”. Thế giới ngày nay của chúng ta cần phải nhìn nhận rằng các đại dương chính là một nguồn tài nguyên quan trọng trong cuộc chiến chống đói nghèo và việc biến đổi khí hậu, cả hai đều gắn liền với nhau (xem Thông điệp của ĐTC Phanxicô gửi Hội nghị COP22 về Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, ngày 10 tháng 11 năm 2016). Cần phải có những công nghệ mới để dự đoán trước những vấn đề khác nhau liên quan đến việc quản lý phù hợp đối với các đại dương, cũng như đối với việc thay đổi cách sống của chúng ta và đồng thời đưa ra các mô hình sản xuất và tiêu dùng mới nhằm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện và đích thực vốn coi trọng việc quản trị tốt và nắm lấy nó một cách có trách nhiệm.

Đối với tất cả mọi người, từ lâu nay người ta cho rằng sự bao la vô tận của các đại dương sẽ cho phép những hành vi cẩu thả cũng như việc thải bỏ các chất thải độc hại, và đồng thời các hành vi ấy không bị giám sát bởi các cơ quan hữu trách. Đã từ lâu, người ta đã không còn đắn đo gì về những hậu quả nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái biển và ven biển của việc thường xuyên khai thác không kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên biển nhất định. Ví dụ, tôi nghĩ rằng các phương tiện phức tạp và xâm lấn của việc khai thác tài nguyên khoáng sản từ đáy biển, vốn nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ, hiện đang ngày càng trở nên khả thi và có tính cạnh tranh. Trong một thời gian dài, sự chú ý đã tập trung vào các tình huống về tội ác và bi kịch của con người trên biển, thiếu đi sự đối mặt một cách can đảm và thỏa đáng đối với các nguyên nhân của chúng, vốn thường có thể nhận thấy trên đất liền. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau chung tay làm việc với tinh thần trách nhiệm lớn hơn để bảo vệ các đại dương của chúng ta, ngôi nhà chung của chúng ta, cũng như các anh chị em của chúng ta, hiện tại cũng như trong tương lai.

Sách Sáng thế ký dạy rằng ngay từ thuở ban đầu “Thần khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2). Câu Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta rằng các đại dương có tầm quan trọng đặc biệt đối với nhiều tôn giáo. Chúa Thánh Thần có thể mang lại những động lực mạnh mẽ cho việc bảo vệ các đại dương, và, nói chung, đối với việc chăm sóc mọi loài thụ tạo (xem Laudato Si, số 216). “Khoa học và tôn giáo, với những cách tiếp cận khác biệt của chúng để hiểu được thực tế, có thể bước vào một cuộc đối thoại mãnh liệt và hiệu quả cho cả hai phía” (Laudato Si, số 62).

Các đại dương nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải được giáo dục về giao ước giữa nhân loại và môi sinh (xem Laudato Si, số 209-215). Về vấn đề này, cần phải có những nỗ lực để đào tạo những người trẻ tuổi không những đối với việc quan tâm chăm sóc đại dương mà còn, nếu có thể, giúp họ nâng cao tri thức, đánh giá cao và chiêm ngắm sự bao la bát ngát cũng như sự hùng vĩ của các đại dương. Bởi vì việc chiêm ngắm công trình sáng tạo có thể dạy cho chúng ta những bài học quý giá và đồng thời đó cũng là một nguồn cảm hứng bất tận (Laudato Si, số 85).

Với việc đảm bảo sự quan tâm sâu sắc của riêng tôi trong các cuộc thảo luận của Hội nghị, tôi vinh dự nhắc lại những lời chúc tốt đẹp của ĐTC Phanxicô và truyền tải đến toàn thể anh chị em phép lành của Ngài.

Trân trọng,
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Hồng Y Pietro Parolin

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết