“Sự thinh lặng là vô cùng quan trọng. Hãy ghi nhớ những gì Cha đã chia sẻ với các con vào tuần trước: chúng ta không đến để tham dự một chương trình biểu diễn; chúng ta đến để gặp gỡ Thiên Chúa và sự thinh lặng giúp chúng ta chuẩn bị và cùng đồng hành với chúng ta. Hãy đặt mình trong sự thinh lặng cùng với Chúa Giêsu”.
Thánh lễ là thời gian để “cầu nguyện”, đó là “một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa”, “chứ không phải là thời gian để tám chuyện”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định điều này trong buổi tiếp kiến chung hôm qua, thứ Tư 15/11, đồng thời nhắc lại ý tưởng đã chia sẻ hôm Thứ Tư tuần trước khi Ngài thú nhận “sự đau buồn” của mình khi chứng kiến việc các tín hữu, kể cả các linh mục và Giám mục, những người trong khi đang cử hành Thánh lễ thay vì cầu nguyện thì lại chia trí bởi việc chụp hình bằng những chiếc điện thoại di động. Thánh lễ, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, “không phải là một chương trình biểu diễn”.
Hôm qua, thứ Tư 15/11, trước 10.000 tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô tiếp tục bài chia sẻ giáo lý được dành riêng để nói về Thánh Lễ. “Để hiểu được vẻ đẹp của việc cử hành Thánh Thể, Cha muốn bắt đầu với một khía cạnh hết sức đơn giản: Thánh Lễ là lời cầu nguyện, hay đúng hơn, đó là lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất, tốt đẹp nhất, cao cả nhất, và đồng thời, “cụ thể nhất”. Trên thực tế, đó chính là cuộc gặp gỡ của tình yêu với Thiên Chúa qua Lời của Ngài cũng như Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó chính là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải trả lời một câu hỏi. Cầu nguyện là gì? Trước tiên đó chính là một cuộc đối thoại, một mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Và con người được tạo dựng trong mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, những người có thể nhận thấy được sự kiện toàn của mình chỉ qua cuộc gặp gỡ với Đấng Tạo Hóa. Cuộc hành trình đời sống con người hướng đến cuộc gặp gỡ chung cuộc với Thiên Chúa”.
“Sách Sáng Thế Ký khẳng định rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh và tương đồng với Thiên Chúa, Đấng là Cha và Con và Thánh Thần, một mối tương quan hoàn hảo của tình yêu, đó chính là sự hiệp nhất. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng tất cả chúng ta đều được tạo dựng để bước vào một mối tương quan hoàn hảo của tình yêu, trong sự trao hiến và đón nhận chính mình để có thể nhận thấy sự viên mãn của chúng ta. Khi Mô-sê đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa trước bụi gai đang cháy, ông đã hỏi Danh Thánh của Ngài. Và Thiên Chúa đã phán điều gì? “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3:14). Theo ý nghĩa ban đầu của nó, cách diễn tả này thể hiện sự hiện diện và ân huệ, và trên thực tế, ngay sau đó Thiên Chúa lại phán: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3:15). Vì vậy, Đức Kitô cũng vậy, khi Ngài kêu gọi các môn đệ, Ngài mời gọi họ để họ ở bên cạnh Ngài. Vì thế, đây chính là ân sủng lớn lao nhất: để có thể cảm nghiệm rằng Thánh Lễ, Bí Tích Thánh Thể chính là thời điểm đặc ân để được ở kề bên với Chúa Giêsu, và qua Ngài, với Thiên Chúa và với anh chị em”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Việc cầu nguyện, cũng như mọi cuộc đối thoại thực sự, cũng có thể phải được giữ thinh lặng – trong các cuộc đối thoại có những giây phút thinh lặng – một sự thinh lặng cùng với Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ, có lẽ chúng ta đến sớm năm phút và chúng ta bắt đầu trò chuyện với người bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là lúc để trò chuyện: đó là giây phút thinh lặng để chúng ta tự chuẩn bị cho cuộc đối thoại. Đó chính là khoảnh khắc để chúng ta tự hồi tưởng nơi thâm tâm chính mình ngõ hầu chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Sự thinh lặng là vô cùng quan trọng! Hãy ghi nhớ những gì Cha đã chia sẻ với các con vào tuần trước: chúng ta không đến để tham dự một chương trình biểu diễn; chúng ta đến để gặp gỡ Thiên Chúa và sự thinh lặng giúp chúng ta chuẩn bị và cùng đồng hành với chúng ta. Hãy đặt mình trong sự thinh lặng cùng với Chúa Giêsu. Và từ sự thinh lặng huyền nhiệm của Thiên Chúa tuôn trào Lời của Ngài, vốn vang dội nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách thực sự để có thể “hiện diện” với Chúa Cha và Ngài chứng tỏ điều đó qua việc cầu nguyện của Ngài. Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã rút lui khỏi những nơi xa khiến Ngài không thể cầu nguyện. Các môn đệ đã nhận thấy điều này, mối quan hệ thân tình của Ngài với Chúa Cha, cảm thấy một sự khao khát để được tham dự vào mối quan hệ ấy, các môn đệ đã thưa với Người: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Luca 11: 1). Chúng ta đã nghe điều đó trong Bài đọc đầu tiên vào đầu buổi tiếp kiến chung. Chúa Giêsu trả lời rằng điều đầu tiên cần thiết để cầu nguyện đó là thưa lên rằng “Lạy Cha”. Hãy lưu ý: nếu chúng ta không có khả năng thưa lên lời “Lạy Cha”, chúng ta không thể cầu nguyện. Chúng ta phải học cách thưa lên “Cha ơi”, đó là tự đặt mình vào sự hiện diện của Ngài với sự tin tưởng của một người con thảo. Tuy nhiên, để có thể học điều đó, cần phải nhận thức một cách khiêm tốn rằng chúng ta cần được hướng dẫn, và để thưa lên một cách chân thành đơn sơ: Lạy Chúa, xin hãy dạy con cầu nguyện”.
“Đây chính là điểm đầu tiên: phải khiêm tốn, tự nhìn nhận mình là con cái, giữ tâm hồn thư thái và chiêm ngắm Chúa Cha, tín thác vào Ngài. Để vào Nước Trời, cần phải làm cho mình nên như trẻ nhỏ, theo nghĩa rằng trẻ em biết làm thế nào để tin tưởng phó thác, chúng biết rằng ai đó sẽ chăm sóc chúng, sẽ ăn gì và mặc gì ( Xem Mt 6: 25-32). Đây chính là thái độ đầu tiên: tin tưởng và hoàn toàn phó thác, như một đứa trẻ đối với cha mẹ của mình ‘để biết rằng Thiên Chúa luôn nghĩ đến và chăm sóc tất cả anh chị em, cũng như tôi và tất cả mọi người”. “Khuynh hướng thứ hai – ĐTC Phanxicô tiếp tục – cũng thích hợp đối với trẻ em, đó là tự khiến mình ngạc nhiên. Một đứa trẻ luôn đặt ra hàng nghìn câu hỏi vì nó muốn khám phá thế giới, và nó thậm chí còn ngạc nhiên trước những điều hết sức nhỏ nhặt, bởi vì tất cả mọi thứ đều mới mẻ với nó. Để vào Nước Trời thì cần phải khiến cho mình bị kinh ngạc. Tôi tự hỏi, trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện, chúng ta có để cho mình bị kinh ngạc hay chúng ta nghĩ rằng việc cầu nguyện chỉ là để nói chuyện với Thiên Chúa như những con vẹt? Không, cần phải tin tưởng phó thác và mở tâm hồn mình ra để cho mình bị kinh ngạc. Chúng ta có để cho mình bị kinh ngạc bởi Thiên Chúa Đấng luôn luôn là Thiên Chúa của những điều kinh ngạc không? Bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn luôn là một cuộc gặp gỡ sống động, nhưng đó không phải là một cuộc gặp gỡ diễn ra nơi viện bảo tàng. Đó là một cuộc gặp gỡ sống động và chúng ta đến tham dự Thánh lễ chứ không phải đi đến một viện bảo tàng. Chúng ta đến để tham dự một cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa”.
“Trong Tin Mừng có thuật lại một cuộc đối thoại của ông Ni-cô-đê-mô (Ga 3: 1-21), một người cao tuổi, một thủ lãnh của người Do Thái, người đã đến với Chúa Giêsu để nhận biết Ngài, và Chúa Giêsu nói với ông ta về sự cần thiết “phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (xem câu 3). Nhưng nó có nghĩa gì? Một người có thể “được tái sinh” được không? Có thể một lần nữa có lại được sự nếm trải, niềm vui, điều kỳ diệu của cuộc sống thậm chí ngay cả khi đối mặt với rất nhiều bi kịch? Đây là một câu hỏi căn bản về đức tin của chúng ta và đây chính là sự khao khát của tất cả mọi tín hữu thật sự: ước muốn được sinh ra một lần nữa, ước muốn có được niềm vui để được bắt đầu lại. Chúng ta có khao khát như vậy không? Mỗi người trong chúng ta có luôn luôn khao khát để được sinh ra một lần nữa để gặp gỡ Thiên Chúa? Chúng ta có khao khát điều này không? Trên thực tế, nó có thể dễ dàng bị đánh mất bởi vì, với rất nhiều hoạt động, rất nhiều dự án để thực hiện, cuối cùng chúng ta còn lại rất ít thời gian và chúng ta không còn nhìn thấy điều gì là nền tảng cơ bản: đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của chúng ta, cuộc sống của chúng ta đó chính là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa qua việc cầu nguyện”.
ĐTC Phanxicô kết luận: “Trong chân lý, Thiên Chúa khiến cho chúng ta kinh ngạc bằng cách cho chúng ta thấy rằng Ngài cũng yêu thương chúng ta nơi bản tính yếu đuối của chúng ta. “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2: 2). Quà tặng này, nguồn mạch của sự an ủi đích thực – nhưng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta – điều này an ủi chúng ta, đó là một sự an ủi thực sự, đó là một món quà được trao cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, đó là bữa tiệc cưới mà qua đó Chàng Rể gặp gỡ sự yếu đuối của chúng ta. Liệu tôi có thể nói rằng khi tôi Rước lễ trong Thánh Lễ, Thiên Chúa gặp gỡ bản tính yếu đuối của tôi không? Vâng! Chúng ta có thể nói điều này bởi vì nó hoàn toàn chính xác! Thiên Chúa gặp gỡ sự yếu đuối của chúng ta để đưa chúng ta trở lại với lời mời gọi ban đầu của chúng ta: đó là về sự hiện hữu theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Đây chính là hoàn cảnh của Bí Tích Thánh Thể; đây chính là việc cầu nguyện”.
Minh Tuệ chuyển ngữ