ĐTC Phanxicô thăm nhà văn và nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust ở Roma

Giáo hoàng Francis với nhà văn và là người sống sót sau thảm họa Holocaust Edith Bruck ngày 20 tháng 2 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

ĐTC Phanxicô với nhà văn và là nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, bà Edith Bruck, vào ngày 20 tháng 2 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Bảy 20/2, ĐTC Phanxicô đã đến thăm tư gia của nhà văn và nạn nhân sống sót sau thảm họa biệt chủng Holocaust, bà Edith Steinschreiber Bruck, ở Roma.

Bà Bruck 89 tuổi là người Hungary, nhưng đã sinh sống ở Ý từ khi 20 tuổi. Bà sống sót sau các trại tập trung của Đức Quốc xã ở Auschwitz và Dachau, nơi bà được gửi cùng với cha mẹ, hai anh trai và đứa em gái vào năm 12 tuổi.

Cha mẹ và một người anh của bà đã chết trong trại tập trung. Bà Bruck và các anh chị em còn lại đã được quân Đồng minh giải thoát khỏi trại Bergen-Belsen vào năm 1945.

Theo Vatican, trong cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ vào ngày 20 tháng 2, bà Bruck và ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về “những khoảnh khắc của ánh sáng vốn đánh dấu trải nghiệm địa ngục tại các trại tập trung”.

Cuộc trò chuyện của họ cũng đề cập đến “nỗi sợ hãi và hy vọng cho thời đại mà chúng ta đang sống, đồng thời nhấn mạnh giá trị của ký ức và vai trò của các bậc cao niên trong việc nuôi dưỡng ký ức và truyền lại nó cho thế hệ trẻ”.

Khi chào bà Bruck, ĐTC Phanxicô nói: “Tôi đến đây để cảm ơn vì lời chứng của bà và đồng thời tri ân những người đã chịu đọa đày trong sự điên cuồng của chủ nghĩa dân túy của Đức quốc xã”.

“Và tôi chân thành lặp lại những lời tôi đã chia sẻ từ tận đáy lòng mình tại Yad Vashem và tôi lặp lại trước mặt tất cả những người, giống như bà, đã phải chịu đựng rất nhiều vì điều này: ‘Hãy tha thứ, thay mặt nhân loại!”, ĐTC Phanxicô nói, theo thông tin từ Vatican.

Sau năm 1945, bà Bruck trở lại Hungary và sau đó đến Tiệp Khắc nơi một người chị đang sinh sống. Bà kết hôn lần đầu vào năm 16 tuổi và chuyển đến Israel. Cuộc hôn nhân đó kết thúc bằng việc ly hôn sau một năm, và tiếp theo sau đó là hai cuộc hôn nhân và ly hôn khác.

Bà Bruck chuyển đến Ý vào năm 1954, nơi bà kết hôn với ông Nelo Risi, một nhà thơ, đạo diễn phim, dịch giả và biên kịch người Ý, người đã qua đời vào năm 2015 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh thoái hóa thần kinh.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Risi đã chiến đấu trên mặt trận Nga và bị cầm tù trong một trại giam giữ của Thụy Sĩ.

Bà Bruck đã xuất bản một cuốn hồi ký về khoảng thời gian của bà trong các trại tập trung và những năm sau đó bằng tiếng Ý vào năm 1959. Năm 2001, cuốn hồi ký được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Who Loves You Like This”.

Là một nhà văn từng đoạt giải thưởng, bà Bruck cũng đã xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, vở kịch và kịch bản phim bằng tiếng Ý. Bà cũng đã đạo diễn một số bộ phim của Ý, một trong số đó được phát hành vào giữa những năm 1980, đã bị cấm đối với người xem dưới 18 tuổi vì nội dung khiêu dâm loạn luân.

Trong những năm gần đây, bà Bruck đã tiếp tục nói về thảm họa diệt chủng Holocaust trong các trường học và các trường đại học.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết