Trong cuộc gặp gỡ với các Linh mục, Tu sĩ và các Giám mục, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mạng truyền giáo mà “trước khi trở thành một dự án hoặc hoạt động cần thực hiện, đòi hỏi cần phải có một tầm nhìn và ‘sự nhạy bén”.
Bangkok (AsiaNews) – “Đừng bao giờ khuất phục trước cám dỗ để nghĩ rằng anh chị em chỉ là một nhóm thiểu số; thay vào đó, hãy nghĩ rằng anh chị em chính là những công cụ nhỏ bé trong bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ viết nên những trang đẹp nhất trong lịch sử cứu độ trên trái đất này qua cuộc sống của anh chị em”. Trên đây chính là lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô đối với các linh mục và tu sĩ Thái Lan, nhưng chắc chắn có thể mở rộng cho tất cả các Kitô hữu châu Á, trung thành với một Giáo hội vốn chỉ là một nhóm thiểu số hầu như ở khắp mọi nơi trên lục địa. ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng ngày thứ ba trong chuyến Tông du của mình tại Bangkok cho Giáo hội châu Á, khi Ngài cũng gặp gỡ các giám mục thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).
ĐTC Phanxicô đã phát biểu chia sẻ với các linh mục, tu sĩ và giám mục về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, “những cội nguồn truyền giáo vốn đã đánh dấu những vùng đất này”. Và các vị Thừa sai đầu tiên “không hướng đến vùng đất này để tìm kiếm sự bảo đảm thành công, nhưng ngược lại, “sự bảo đảm” của họ bao gồm một điều chắc chắn rằng không có người nào và không có nền văn hóa nào không có khả năng đón nhận hạt giống của sự sống, hạnh phúc và đặc biệt là tình thân hữu mà Thiên Chúa muốn ban cho họ một tiên nghiệm. Họ không trông chờ một nền văn hóa tương tự hoặc dễ dàng điều chỉnh phù hợp với Tin Mừng; ngược lại, họ liều mình lao vào những thực tại mới đó – Tất cả mọi sự sống đều xứng đáng trong mắt Thiên Chúa”.
“Tôi muốn nhấn mạnh – ĐTC Phanxicô nói – sứ mạng đó, trước khi trở thành một dự án hoặc hoạt động cần được thực hiện, đòi hỏi cần phải có một tầm nhìn và ‘một sự nhạy bén’; nó đòi hỏi một sự bận tâm của tình phụ tử và tình mẫu tử, bởi vì chiên chỉ đi lạc hướng khi vị mục tử bỏ quên nó”.
Một trong những “quan điểm truyền giáo tuyệt vời nhất – ĐTC Phanxicô nhấn mạnh – đó chính là nhận ra rằng sứ mạng truyền giáo được giao phó cho Giáo hội không chỉ bao gồm trong việc loan báo Tin Mừng, mà còn học cách để tin vào Tin Mừng và để cho bản thân mình được Tin Mừng biến đổi”.
“Một Giáo hội đang hoạt động, không sợ phải bước ra bên ngoài các ngả đường và đương đầu với cuộc sống của những người được giao phó cho mình, có khả năng tự mình khiêm tốn mở ra với Thiên Chúa và với Thiên Chúa trong cuộc phiêu lưu truyền giáo”.
Truyền giáo, ĐTC Phanxicô nói, không chỉ là vấn đề của những người sống đời sống tận hiến: “Chúng ta đừng bao giờ quên thực tế rằng nhiều vùng đất của anh chị em đã được truyền giáo bởi những người giáo dân. Họ đã có cơ hội nói tiếng địa phương của người dân, một cách thực hiện đơn giản và trực tiếp việc hội nhập văn hóa phi lý thuyết hoặc ý thức hệ, nhưng là kết quả của tinh thần nhiệt huyết trong việc chia sẻ Chúa Kitô”.
Ngoài ra còn có một lời chứng trực tiếp cho sứ mạng truyền giáo. Trong cuộc gặp gỡ với các linh mục và tu sĩ, Benedetta Jongrak Donoran, một Nữ tu Dòng Truyền giáo Xaverian 44 tuổi, trước kia là một Phật tử, đã được rửa tội vào năm 2012, đã phát biểu chia sẻ. Chúng tôi tiết lộ câu chuyện của vị Nữ tu này ở đây, vốn cũng được đánh dấu bằng sự hiện diện của một nhà truyền giáo thuộc PIME.
Ở một đất nước nơi mà các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại một cách hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp gỡ đại diện của các tín ngưỡng khác (trong ảnh). Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, vào lúc 15 giờ 20 phút giờ địa phương (8h20 GMT), gặp gỡ các Kitô hữu và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo khác.
“Nhu cầu được công nhận và tôn trọng lẫn nhau, cũng như sự hợp tác giữa các tôn giáo, thậm chí còn cấp bách hơn đối với nhân loại đương đại” vốn đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp, “như toàn cầu hóa kinh tế – tài chính và những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với sự phát triển của các xã hội địa phương” và ” bi kịch dai dẳng của các cuộc xung đột dân sự: các cuộc xung đột về vấn đề người di cư, người tị nạn, nạn đói và các cuộc xung đột chiến tranh”, bên cạnh đó là ” sự xuống cấp và sự tàn phá hủy hoại đối với ngôi nhà chung của chúng ta”.
“Ngày nay, đã đến lúc cần phải hình dung ra, với sự can đảm, chuỗi lý luận của sự gặp gỡ và đối thoại lẫn nhau như một đường hướng của sự hợp tác chung, như các cư xử và sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau, như một phương pháp và tiêu chí; và, theo cách này, đưa ra một mô hình mới để giải quyết xung đột, góp phần vào việc hiểu biết thông cảm lẫn nhau giữa mọi người và đồng thời bảo vệ công trình sáng tạo”. Đây chính là một lĩnh vực mà các tôn giáo, cũng như các trường đại học, “có nhiều sự đóng góp và cống hiến”.
“Thời đại này đòi hỏi chúng ta cần phải xây dựng những nền tảng vững chắc, dựa trên việc tôn trọng và công nhận phẩm giá của tất cả mọi người, nhằm thúc đẩy chủ nghĩa nhân văn toàn diện có khả năng nhận biết và kêu gọi việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta; như một quyền cơ bản để tồn tại. Các truyền thống tôn giáo vĩ đại của thế giới làm chứng cho một di sản tâm linh, vốn siêu việt và được chia sẻ rộng rãi, có thể tạo ra những sự đóng góp vững chắc theo nghĩa này, nếu chúng ta có thể mạo hiểm gặp nhau mà không sợ hãi”.
“Tất cả chúng ta được mời gọi không chỉ để chú ý đến tiếng nói của những người nghèo xung quanh chúng ta: những người bị gạt ra bên lề xã hội, bị áp bức, các dân tộc bản địa và các nhóm sắc tộc thiểu số, mà còn để không ngại đưa ra những lời yêu cầu, mà qua đó chúng ta có thể cùng nhau phối hợp và cộng tác”. Đồng thời, chúng ta được yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ phẩm giá con người và tôn trọng quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tạo ra những không gian nơi mà chúng ta có thể tạo ra một bầu khí trong lành với sự chắc chắn rằng “không phải tất cả đều bị đánh mất, vì con người có đủ khả năng để tự hạ mình đến mức cuối, cũng có thể vượt lên trên, quyết định cho điều thiện và tự cải hóa mình cho tốt, loại bỏ tất cả những điều kiện tinh thần và xã hội đang đè nén họ (x. Thông điệp Laudato si’, số 205)”.
Minh Tuệ (theo Asia News)