
ĐTC Phanxicô chia sẻ trong Buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 31 tháng 1 năm 2018 (Ảnh: Daniel Ibanez/ CNA)
Hôm thứ Ba, tại một trường Đại học Dòng Tên tại Tokyo, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ rằng một nền giáo dục đại học chất lượng không nên là một thứ gì đó nằm ngoài tầm với của người bình thường, và đồng thời nó phải thúc đẩy công lý và thiện ích chung.
ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc giáo dục sinh viên tại Đại học Sophia có thể khiến họ “phải lo lắng rằng cách quản lý của họ là công bằng và nhân đạo, có lương tâm và có trách nhiệm, và tự thể hiện mình như là những người kiên quyết bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, thậm chí ngay cả trong những tình huống phức tạp.
“Chớ gì họ có thể được biết đến vì sự chính trực hết sức cần thiết trong những thời điểm này khi mà những lời nói và hành động thường sai lệch hoặc giả dối”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm. “Giáo dục đại học chất lượng không nên được coi như là đặc quyền của một số ít người, mà phải liên tục được thấm nhuần bởi nỗ lực phục vụ công lý và thiện ích chung”.
“Thiên Chúa và Giáo hội của Người”, ĐTC Phanxicô nói, “đang trông cậy vào anh chị em để chia sẻ sứ mạng tìm kiếm và truyền bá Sự Khôn ngoan thiêng liêng, và do đó mang lại niềm vui và hy vọng cho xã hội ngày nay”.
ĐTC Phanxicô đã phát biểu chia sẻ với một nhóm các sinh viên của Đại học Sophia, cũng như hiệu trưởng của họ và Bề Trên Tỉnh Dòng Tên của Nhật Bản.
ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng cuối cùng của mình tại Nhật Bản tại Đại học Công giáo Sophia. Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ với Tu sĩ Dòng Tên trong Nhà nguyện của trường đại học. Sau bữa sáng, Ngài đến thăm các linh mục cao niên và hiện đang đau bệnh của Nhật Bản trước khi có bài phát biểu với toàn trường.
Điểm dừng chân tại trường Đại học Sophia là cuộc gặp gỡ cuối cùng trong chuyến Tông du kéo dài sáu ngày đầy bận rộn đến châu Á, bắt đầu tại Thái Lan từ ngày 20-23 tháng 11 vừa qua. Chuyến viếng thăm nhằm khuyến khích các cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại hai quốc gia, vốn chiếm chưa tới 0,5% dân số ở cả hai quốc gia này.
Lưu ý tên gọi của trường đại học, Sophia, vốn là một từ Hy Lạp cổ đại ám chỉ sự khôn ngoan, ĐTC Phanxicô nói, “để quản lý các nguồn lực của chúng ta theo cách thức mang tính xây dựng và hiệu quả, chúng ta luôn cần có Trí tuệ thực sự”.
“Trong một xã hội đầy cạnh tranh và định hướng công nghệ như Nhật Bản ngày nay, trường đại học này không chỉ là một trung tâm hình thành và đào tạo trí tuệ, mà còn là một địa điểm nơi mà một xã hội tốt đẹp hơn và một tương lai tràn đầy hy vọng hơn có thể được hình thành dựa trên đó”, ĐTC Phanxicô thúc giục.
ĐTC Phanxicô cũng cho biết rằng Đại học Sophia nên truyền cảm hứng cho sự phân định của các sinh viên, theo truyền thống I-nhã mà nó được hình thành dựa trên đó. Các sinh viên khi rời khỏi trường đại học cần phải cảm thấy có thể đưa ra quyết định, “một cách có trách nhiệm và tự do”, và dựa trên lương tâm.
Mặc dù người Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số ở Nhật Bản, ĐTC Phanxicô cho biết rằng “sự hiện diện của họ đã được cảm nhận”.
“Bản thân tôi đã chứng kiến sự tôn trọng quý mến chung mà trong đó Giáo hội Công giáo đã có thể có được và tôi hy vọng rằng tinh thần tôn trọng lẫn nhau này có thể không ngừng gia tăng trong tương lai”.
“Tôi cũng đã cảm nhận thấy rằng, vì tất cả sự hiệu quả và trật tự vốn đánh dấu xã hội Nhật Bản, tôi cũng đã cảm nhận được một sự khao khát, về một điều gì đó lớn lao hơn: một mong muốn sâu sắc để hình thành nên một xã hội nhân văn, nhân ái và bao dung nhân hậu hơn bao giờ hết”, ĐTC Phanxicô nói.
Minh Tuệ (theo CNA)