ĐTC Phanxicô tại Hiroshima: “Sử dụng và sở hữu năng lượng nguyên tử trong chiến tranh là vô đạo đức”

Vào ngày đầu tiên trong chuyến Tông du Nhật Bản, ĐTC Phanxicô đã đến thăm Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và đồng thời mô tả đây như là nơi mà sự chết và sự sống, sự mất mát và sự tái sinh, sự đau khổ và bác ái thương xót hội ngộ. ĐTC Phanxicô tái khẳng định rằng việc sử dụng và sở hữu năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức.

ĐTC Phanxicô tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình tại Hiroshima (Ảnh: AFP)

ĐTC Phanxicô tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình tại Hiroshima (Ảnh: AFP)

Hơn 70.000 người đã thiệt mạng ngay tức khác. 70.000 người khác chết sau đó do bỏng phóng xạ. Vào lúc 8:15 sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thời chiến đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima, phá hủy hoàn toàn thành phố này.

Kiến trúc duy nhất còn sót lại sau vụ nổ đó chính là Đài Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Genbaku Dome). Ngày nay, tàn tích mang tính biểu tượng của nó tọa lạc ngay trung tâm Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima như một lời nhắc nhở về sức mạnh hủy diệt nhất từng được nhân loại giải phóng trên chính nhân loại.

Sự hủy diệt và chết chóc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bay tới Hiroshima để viếng thăm Đài tưởng niệm Hòa bình vào hôm Chúa nhật 24/11. Đứng trước ‘Genbaku Dome’, như tên gọi của nó, ĐTC Phanxicô đã mô tả khoảnh khắc xảy ra vụ nổ: “Một tia chớp chói sáng và lửa bùng lên, rất nhiều đàn ông và phụ nữ, rất nhiều giấc mơ và hy vọng, tất cả tan biến, chỉ còn lại bóng tối và sự im lặng. Chỉ trong chốc lát, tất cả mọi thứ bị nuốt chửng bởi một hố đen của sự hủy diệt và chết chóc”.

Các nạn nhân và những người sống sót

ĐTC Phanxicô cho biết Ngài đã đến để tỏ lòng tôn kính với các nạn nhân và đồng thời ghi nhận sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót. “Chúng ta tiếp tục, thậm chí cho đến tận ngày nay, còn lắng nghe tiếng kêu khóc của những người không còn nữa”, ĐTC Phanxicô nói. “Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, có tên tuổi khác nhau và một số người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đã được liên kết với nhau trong cùng một số phận, trong một giờ khắc kinh hoàng vốn đã để lại dấu ấn mãi mãi không chỉ trong lịch sử của đất nước này, mà còn trên diện mạo của nhân loại”.

 Một người hành hương vì hòa bình

ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài đã đến nơi tràn ngập ký ức này và hy vọng vào tương lai, như “một người hành hương vì hòa bình”, mang theo bên mình “tiếng kêu khóc của những người nghèo, những người luôn là những nạn nhân bất lực nhất của sự thù hận và xung đột”. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài muốn trở thành “tiếng nói của những người không có tiếng nói, người chứng kiến sự lo lắng và thống khổ về những căng thẳng đang gia tăng trong thời đại của chúng ta: sự bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được vốn đe dọa việc cùng nhau chung sống của con người, sự bất lực nghiêm trọng trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và sự bùng nổ liên tục các cuộc xung đột vũ trang, như thể những điều này có thể đảm bảo một tương lai hòa bình”.

Chiến tranh hạt nhân là vô đạo đức

ĐTC Phanxicô một lần nữa tuyên bố rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh ngày nay, hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại phẩm giá của con người mà còn chống lại bất kỳ tương lai có thể nào cho ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng như việc sở hữu các loại vũ khí nguyên tử là vô đạo đức”, Đức ĐTC Phanxicô khẳng định, và “chúng ta sẽ bị phán xét về điều này”. “Các thế hệ tương lai sẽ đứng lên lên án sự thất bại của chúng ta nếu chúng ta nói về hòa bình nhưng lại không hành động để có được nó giữa các dân tộc trên trái đất”. Hòa bình “phải được thiết lập dựa trên sự thật, được xây dựng trong công lý, được cổ võ và được hoàn thiện bởi tinh thần bác ái, và đạt được trong sự tự do”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm.

Hãy buông bỏ tất cả mọi thứ vũ khí

“Nếu như chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, chúng ta phải buông bỏ tất cả mọi thứ vũ khí”, ĐTC Phanxicô tiếp tục. “Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục nhờ cậy đến các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân như một sự truy đòi chính đáng để giải quyết các cuộc xung đột?”, ĐTC Phanxicô chất vấn. “Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không có vũ trang”, bởi vì hòa bình không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh, ĐTC Phanxicô nhắc lại: “Đó chính là thành quả của công lý, sự phát triển, sự liên đới, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và việc thúc đẩy thiện ích chung, như chúng ta đã học được từ những bài học trong lịch sử”.

Luôn ghi nhớ

ĐTC Phanxicô đã trình bày ba sự đòi buộc về luân lý: Ghi nhớ, cùng nhau thực hiện cuộc hành trình, và bảo vệ. Chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất đi ký ức về những sự việc đã xảy ra nơi đây, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. “Đây chính là một hồi ức vốn đảm bảo và khuyến khích xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một ký ức chan hòa, có khả năng thức tỉnh lương tâm của tất cả mọi người bất kể nam nữ, đặc biệt là những người mà hiện nay nắm giữ một vai trò quan trọng trong vận mệnh của các quốc gia; một ký ức sống động vốn giúp chúng ta, trong mọi thế hệ, luôn luôn khao khát: chớ gì điều này đừng bao giờ lặp lại!”.

Cùng nhau thực hiện cuộc hành trình

Chúng ta được mời gọi cùng nhau thực hiện cuộc hành trình với ánh mắt của sự thấu hiểu và tha thứ, ĐTC Phanxicô tiếp tục, “để mở ra chân trời hy vọng và đồng thời mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây mà hiện nay đã khiến cho bầu trời trở nên đen tối”. ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta luôn “mở rộng lòng mình ra với hy vọng và đồng thời trở thành những khí cụ của sự hòa giải và hòa bình”.

Bảo vệ

“Điều này sẽ luôn luôn hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau và nhận ra rằng chúng ta có cùng chung một số phận”, ĐTC Phanxicô nói. “Thế giới của chúng ta, có sự kết nối với nhau không chỉ bởi việc toàn cầu hóa mà còn bởi chính trái đất mà chúng ta luôn chia sẻ, yêu cầu, ngày nay hơn bao giờ hết, liên quan đặc biệt đến một số nhóm hoặc lĩnh vực nhất định bị đặt sang một bên, để đạt được sự vĩ đại của những người đấu tranh đồng trách nhiệm để đảm bảo một tương lai chung”.

Chớ gì điều này đừng bao giờ lặp lại!

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận với lời cầu xin van nài tha thiết chân thành “với Thiên Chúa và tất cả những người có thành tâm có thiện chí, thay mặt cho tất cả các nạn nhân của các vụ đánh bom và các cuộc thử nghiệm nguyên tử, cũng như nạn nhân của tất cả các cuộc xung đột, chúng ta hãy cùng nhau kêu lớn tiếng: Đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh, đừng bao giờ để xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang, đừng bao giờ để xảy ra những sự đau khổ như vậy!”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết