ĐTC Phanxicô đã gửi một thông điệp tới Đức Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople nhân dịp lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ được cử hành hôm 30/11, Bổn Mạng của Tòa Thượng Phụ này.
Bất chấp sự khác biệt giữa các Kitô hữu Công giáo và Chính Thống giáo, ĐTC Phanxicô cho biết rằng cả hai cộng đồng được mời gọi để trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng bằng cách cùng nhau nỗ lực làm việc vì hòa bình, phẩm giá con người và chăm sóc công trình sáng tạo.
Thánh Anrê Tông Đồ
“Ngày nay, chúng ta có thể cùng cộng tác với nhau trong việc tìm kiếm hòa bình giữa các dân tộc, bãi bỏ tất cả các hình thức nô lệ, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi con người và chăm sóc công trình sáng tạo”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong một thông điệp gửi tới Đức Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople nhân dịp lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ được của hành hôm hôm 30 tháng 11, Bổn Mạng của Tòa Thượng Phụ có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông điệp của ĐTC Phanxicô đã được đọc vào buổi sáng hôm thứ Sáu bởi Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo của Vatican, trong Thánh Lễ được cử hành tại Tòa Thượng Phụ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ.
Đức Hồng y Koch đã dẫn đầu một phái đoàn Vatican tới tham dự buổi lễ kỉ niệm nhằm đáp lại chuyến viếng thăm của Tòa Thượng Phụ đến Rô-ma vào ngày 29 tháng 6, nhân dịp lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, Quan Thầy của Thành phố Vĩnh cửu.
Sự chia rẽ và Hiệp thông
Trong phần lớn sự chia rẽ trước hết giữa những người theo Chúa Kitô, Giáo hội Byzantine có trụ sở tại Constantinople (Istanbul ngày nay) và Giáo hội Công giáo có trụ sở tại Rome, đã lên tới đỉnh điểm qua sự chia rẽ gay gắt và chua xót vào năm 1054 được gọi là cuộc Đại Ly Giáo.
Tuy nhiên, kể từ khi Đức Thượng Phụ Athenagoras và Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, theo sau Công đồng Vatican II, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng Chúa Thánh Thần đã giúp họ tiếp tục “đối thoại huynh đệ”.
Nhắc lại mối quan hệ tiến bộ giữa cả hai cộng đồng trong 50 năm qua, ĐTC Phanxicô cho biết rằng họ đang trải nghiệm tinh thần hiệp thông, mặc dù không hoàn toàn trọn vẹn.
Phản ứng hiệu quả với sự đau khổ của thế giới
ĐTC Phanxicô nói, “qua việc liên kết với nhau, chúng ta có thể đưa ra một phản ứng hiệu quả hơn đối với nhu cầu của rất nhiều đàn ông và phụ nữ trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là những người phải chịu đau khổ bởi tình trạng đói nghèo, bệnh tật và chiến tranh”.
ĐTC Phanxicô cũng đã nhắc lại sự tham gia của Đức Thượng Phụ Bartholomew cùng với các vị lãnh đạo và đại diện khác của Giáo Hội trong sự kiện ngày cầu nguyện và suy tư về hòa bình tại Trung Đông, được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 tại Bari, miền nam nước Ý. “Quả là một nguồn an ủi to lớn khi được cùng chia sẻ với Hiền Huynh về những mối bận tâm đối với tình hình hết sức bi thảm của anh chị em chúng ta trong khu vực”, ĐTC Phanxicô nói.
“Trong một thế giới bị tổn thương bởi các cuộc xung đột, tinh thần hiệp nhất Kitô giáo chính là một dấu chỉ của niềm hy vọng vốn cần phải được tỏa sáng hơn nữa”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.
Minh Tuệ chuyển ngữ