ĐTC Phanxicô: ‘Sự bất công đối với những người di cư và những người tỵ nạn được tạo ra từ sự im lặng đồng lõa’

ROME – “Nền văn hóa thải loại” đã trở thành một bệnh dịch truyền nhiễm hiện nay, và nó khiến cho những người di cư và những người bị buộc phải di dời trở nên không có tiếng nói và phụ thuộc vào lòng thương xót của những người đã lợi dụng họ, ĐTC Phanxicô nói.

20181101T0757-2415-CNS-POPE-ANGELUS-SAINTS_800-787x512

Trong một thông điệp hôm 2 tháng 11 gửi cho các tham dự viên tham gia Diễn đàn Xã hội Thế giới về Di cư, ĐTC Phanxicô cho biết rằng việc hỗ trợ những người di cư không chỉ liên quan đến việc lên tiếng đối với những bất công mà còn liên quan đến việc giúp “khôi phục phẩm giá cho những người sống không trong tình trạng vô định và không thể mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn”.

“Trong số đó là những người di cư, những người tị nạn và những người bị buộc phải di dời vốn đã bị bỏ quên, bị bóc lột, bị xâm phạm và lạm dụng thông qua sự im lặng đáng trách của nhiều người”, ĐTC Phanxicô nói.

Hội thảo từ ngày 2-4 tháng 11 tại Thành phố Mexico được dành riêng cho việc tìm ra những cách thức ảnh hưởng đến chính sách công “ủng hộ việc bảo vệ quyền của những người di cư và gia đình của họ” và đồng thời “củng cố việc đối thoại giữa các mạng lưới xã hội và những người di cư”, trang web của diễn đàn nhấn mạnh.

Trong số những người hiện diện là Linh mục Dòng Tên Michael Czerny, Phó Thư ký Bộ phận Di Dân và Tỵ Nạn thuộc Thánh Bộ Cổ võ sự Phát Triển Con Người Toàn diện; Đức Hồng y Carlos Aguiar Retes Địa phận Mexico City; và Đức Tổng Giám mục Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh tại Mexico.

Trong thông điệp của mình, ĐTC Phanxicô nói rằng trọng tâm của hội nghị về vấn đề nhân quyền, biến đổi khí hậu và vận động chính trị là vô cùng quan trọng và xứng đáng được xem xét một cách cẩn thận từ “những quan điểm khác biệt”, đồng thời thừa nhận “tính phức tạp của hiện tượng di cư”.

ĐTC Phanxicô cho biết Hiệp ước toàn cầu của LHQ về vấn đề di dân, một hiệp ước liên chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện tại, là cơ hội để cộng đồng quốc tế thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện của những người di cư và những người tị nạn.

“Điều này chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc đối thoại chân thành, mang tính xây dựng và minh bạch giữa tất cả các nhân tố, với một sự tôn trọng đối với vai trò và trách nhiệm của mỗi người”, ĐTC Phanxicô nói.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với Hiệp ước toàn cầu của LHQ, dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo thế giới chấp thuận vào tháng 12, ĐTC Phanxicô đã đề xuất kế hoạch 20 điểm hành động của Vatican bao gồm các đề xuất cụ thể để giúp các chính phủ cải thiện tình trạng của những người di cư và những người tị nạn.

Kế hoạch dài 8 trang bao gồm những đề xuất “căn cứ vào những thực tiễn tốt nhất của Giáo hội đáp ứng nhu cầu của những người di cư và những người tỵ nạn ở cấp cơ sở” và đồng thời cung cấp “những cân nhắc thực tiễn mà người Công giáo và những người ủng hộ khác có thể sử dụng, thêm vào và phát triển qua việc đối thoại của họ với chính phủ hướng tới Hiệp ước toàn cầu”.

Trong bài diễn văn của mình, linh mục Czerny đã nhấn mạnh kế hoạch 20 điểm, ngài chia sẻ với các tham dự viên rằng “một sự thay đổi tâm lý” là hết sức cần thiết để “vượt qua việc xem những người khác như là một mối đe dọa đối với sự thoải mái sung túc của chúng ta, và đồng thời coi trọng họ” như những người có thể đóng góp cho xã hội thông qua những kinh nghiệm của họ.

“Một chính sách công bằng là một chính sách phục vụ con người, phục vụ tất cả những người bị ảnh hưởng; cung cấp các giải pháp phù hợp để đảm bảo vấn đề an ninh, tôn trọng quyền và phẩm giá của tất cả mọi người và đồng thời biết cách chăm lo cho đất nước của chính mình trong khi vẫn ghi nhớ phúc lợi của các quốc gia khác trong một thế giới ngày càng được kết nối”, linh mục Czerny cho biết.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết