Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm nhiều điều mang tính cách mạng trong suốt bốn năm đầu tiên Triều đại Giáo Hoàng của ngài, thế nhưng, một trong những việc khó thay đổi nhất mà ngài đang thực hiện, chính là đối với Hồng Y Đoàn. ĐTC Phanxicô thay đổi hệ thống bằng cách đưa vào Hồng Y Đoàn các vị Giám mục ủng hộ quan điểm của ngài. Sự thay đổi này sẽ có tác động đến Giáo Hội trong một thời gian dài, có khi đến vài thế kỷ.
Đây không phải là lần đầu tiên Hồng Y Đoàn được thay đổi cách đáng kể bởi một vị Giáo Hoàng, và có lẽ đây cũng không phải là lần cuối cùng. Một trong những thay đổi phổ biến nhất là các vị Giáo Hoàng gia tăng số lượng các Hồng Y.
Vai trò của Hồng Y Đoàn trong việc bầu chọn các vị Giáo Hoàng bắt đầu từ năm 1059 khi Hồng Y Đoàn được thành lập từ các phó tế và các linh mục cao cấp tại Rôma, cộng với các Giám mục thuộc các Giáo phận quanh Rôma.
Vào thế kỷ thứ XII, có khoảng 28 Hồng Y Linh mục và 18 Hồng Y Phó tế tại Rôma, cộng với 7 Hồng Y Giám mục làm thành tổng số 53 Hồng Y. Vào năm 1586, Đức Sixtus V đã quy định số Hồng Y tối đa là 70 theo con số 70 kỳ mục mà ông Môsê đã tuyển chọn trong dân (x. Xh 24,1) và con số 70 môn đệ mà Chúa Giêsu đã chỉ định (x. Lc 10, 1).
Đức Gioan XXIII đã vượt qua giới hạn 70 thành viên, và Hồng Y Đoàn đã tăng lên con số hơn 80 Hồng Y.
Vào đầu những năm 1970, Đức Phaolô VI đã cải tổ Hồng Y Đoàn bằng cách tăng số cử tri lên 120 vị, tức là không tính những vị trên 80 tuổi, không còn trong danh sách cử tri.
Ngoài việc không tính đến những vị trên 80 tuổi, thì còn một chuyện nữa được coi là mang tính cách mạng vào thời điểm đó, là Cơ Mật Viện đã bầu chọn Đức Gioan Phaolô I sau cuộc bỏ phiếu đòi phải đạt hai phần ba số phiếu của những người hiện diện, để đảm bảo rằng hơn hai phần ba của tất cả các Hồng Y đều bỏ phiếu cho vị Tân Giáo Hoàng, thậm chí kể cả những vị vắng mặt.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bỏ qua con số giới hạn 120 và con số các Hồng Y đã lên đến 135 vào năm 2001, mặc dù con số này đã lại giảm xuống còn 115 khi ngài qua đời vào năm 2005.
Ngoài việc tăng con số các Hồng Y và giới hạn số cử tri vào những vị dưới 80 tuổi, các vị Giáo Hoàng còn thay đổi mức độ phân bổ các Hồng Y được chọn.
Ban đầu, các Hồng Y Giám mục là các Giám mục thuộc bảy Giáo phận xung quanh Rôma. Các Hồng Y Linh mục và Hồng Y Phó tế là những Linh mục và Phó tế quan trọng nhất tại Rôma, các Cha sở của các nhà thờ quan trọng hay giám đốc các tổ chức từ thiện bác ái của Giáo Hội. Khi công việc cốt yếu của họ thay đổi, các công việc mục vụ và xã hội của họ sẽ được những người khác đảm nhận thay.
Cuối cùng sự phân biệt giữa ba bậc Hồng Y đã trở nên chuyện vinh dự hơn là chuyện thực tế, và tất cả các vị Hồng Y do Đức Gioan XXIII bổ nhiệm đều là Giám mục.
Vào thế kỷ thứ XI, Đức Leo IX (1049-1054) bắt đầu việc bổ nhiệm các Giám mục ở những vùng xa xôi làm Hồng Y. Các vị Hồng Y như vậy thường phải thôi không trú ngụ ở Tòa Giám Mục của mình và bắt đầu đảm nhận nơi cư trú mới do Giáo Hoàng chỉ định. Trong thời kỳ Ly giáo Tây phương, các vị Hồng Y này thường trú ngụ với Giáo Hoàng mà không phải từ nhiệm khỏi Tòa Giám mục của mình. Một người khác sẽ điều hành Giáo phận của các Hồng Y này, trong khi họ vẫn quản lý ngân khố. Công đồng Trentô đã nghiêm cấm việc lạm dụng này.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ XVI, khi Hồng Y Đoàn đã trở nên lớn mạnh hơn, việc các Hồng Y vẫn lưu trú tại các Giáo phận của mình đã trở nên phổ biến hơn.
Mặc dù các Hồng Y cũng được chọn từ các nơi khác ở Châu Âu, nhưng hầu hết các Hồng Y đều đến từ Ý.
Vào thế kỷ XVII và XVIII, khoảng 80% các Hồng Y được bổ nhiệm đều là người Ý. Đức Pius IX (1846-1878) và Đức Leo XIII (1878-1903) bắt đầu mở rộng việc bổ sung Hồng Y Đoàn bằng cách chỉ có 58% những vị được bổ nhiệm là người Ý. Kế đến là Pháp (chiếm 13%) và Tây Ban Nha (chiếm 8%). Năm 1875, Đức Pius IX bổ nhiệm vị Hồng Y đầu tiên người Tây bán cầu, Đức Cha John McCloskey Địa phận New York. Từ năm 1903 đến 1939, 53% các Hồng Y được bổ nhiệm tiếp tục là người Ý.
Hồng Y Đoàn thực sự bắt đầu được quốc tế hóa dưới thời của Đức Pius XII, vị Giáo Hoàng đã được bầu chọn vào năm 1939 bởi một Hồng Y Đoàn với 57% các cử tri đến từ Ý và 32% đến từ phần còn lại của châu Âu. Tỉ lệ phần trăm những người Ý do Đức Pius XII bổ nhiệm đã giảm xuống chỉ còn 25%, với một phần ba những người được bổ nhiệm đến từ bên ngoài Châu Âu. Ngài đã bổ nhiệm các Hồng Y đầu tiên từ Châu Phi, Ấn Độ và Trung Quốc, mặc dù vị Hồng Y người Châu Phi là người gốc Bồ Đào Nha. Khi Đức Pius XII qua đời, chỉ có một phần ba Hồng Y Đoàn đến từ Ý và 31% khác đến từ phần còn lại của châu Âu. Khu vực giành chiến thắng lớn nhất dưới thời Đức Pius chính là Mỹ Latinh, từ con số 3% lên đến 16% trong Hồng Y Đoàn.
Đức Phaolô VI tiếp tục việc quốc tế hóa đã được bắt đầu bởi Đức Pius XII, và điều này đã trở nên dễ dàng hơn đối với ngài kể từ khi ngài nâng số lượng các cử tri Hồng Y lên đến con số 120 vị. Đức Phaolô VI qua đời, 50% Hồng Y Đoàn là người châu Âu, trong đó có 24% là người Ý. Đặc tính châu Âu trong Hồng Y Đoàn không thay đổi nhiều dưới thời của Đức Gioan Phaolô (49%) và Đức Benedictô (52%), mặc dù số người Ý giảm xuống còn 16.5% dưới thời Đức Gioan Phaolô nhưng đã tăng lên 24% dưới thời Đức Benedictô. Đức Gioan Phaolô đã cắt giảm các vị Hồng Y người Ý để có thể bổ nhiệm thêm nhiều Hồng Y đến từ Đông Âu.
Vậy, Đức Phanxicô đã làm gì?
Đức Phanxicô đã tiếp tục gia tăng đặc tính phi Âu Châu đối với Hồng Y Đoàn. Trong các đợt bổ nhiệm gần đây, chỉ có hai trong số năm tân Hồng Y là người Châu Âu. Số Hồng Y là người châu Âu hiện nay chỉ chiếm 44% số ghế trong Hồng Y Đoàn. Đây là tỷ lệ thấp nhất chưa bao giờ thấy đối với các vị Hồng Y đến từ châu Âu.
Tỷ lệ người Ý hiện nay là 20%, vẫn còn nhiều cử tri Hồng Y hơn so với thời điểm Thánh Gioan Phaolô II qua đời. Điều này có thể thay đổi đáng kể trong năm tới khi năm trong số bảy Hồng Y sẽ bước qua tuổi 80 là người Ý. Không có vị Hồng Y người Ý nào được bổ nhiệm trong năm nay.
Đáng ngạc nhiên, hàng ngũ các Hồng Y từ Mỹ Latinh đã không gia tăng đáng kể dưới thời Đức Phanxicô. Con số này đã chỉ tăng đến 17,4% hiện nay so với con số 16,2% trong Cơ Mật Viện bầu chọn Ngài, nhưng vẫn giảm so với tỉ lệ 18% trong Mật Viện năm 2005. Không giống như các cuộc bổ nhiệm của Đức Gioan Phaolô đối với những vị đến từ Đông Âu, Đức Phanxicô đã không tỏ ra ưu ái những người Mỹ Latinh.
Châu Phi và Châu Á đã được Đức Phanxicô chiếu cố. Các lục địa này hiện nay có nhiều cử tri Hồng Y hơn bao giờ hết. Tỷ lệ phần trăm của họ trong Hồng Y Đoàn đã tăng lên đến 12,4% dưới thời Đức Phanxicô, từ con số 9,4% trong Cơ Mật Viện bầu chọn Ngài. Châu Á và Phi Châu lần đầu tiên kết hợp lại đã có nhiều Hồng Y hơn cả Ý.
Nhưng cuộc cách mạng thực sự trong các lựa chọn của Đức Phanxicô là ngài đã bỏ qua việc xem xét các Hồng Y theo truyền thống và chỉ đơn giản là bổ nhiệm bất cứ Giám mục nào mà ngài cảm thấy phù hợp, thậm chí là một Giám mục Phụ tá. Trong quá khứ, chỉ có các Tổng Giám mục của các khu đô thị lớn mới được lựa chọn để trở thành Hồng Y. Một số Tòa Giám Mục đã chứng kiến việc luôn có các vị Hồng Y liên tục theo thời gian, đến nỗi các Tổng Giám mục ở đó được xem là những người luôn nhất định giành thắng lợi trong các cuộc bầu chọn Hồng Y. Đức Phanxicô đã bỏ qua quy tắc bất thành văn này kể từ những lần bổ nhiệm Hồng Y đầu tiên.
Thật là khó có thể nói điều này mang tính cách mạng đến như thế nào. Đó chắc chắn là sự thay đổi triệt để nhất trong Hồng Y Đoàn kể từ sau cuộc cải cách của Đức Phaolô VI.
Tại sao nó lại quan trọng? Vấn đề là vì nó cho phép một Giáo Hoàng có thể tự do lựa chọn bất cứ vị Giám mục nào mà ngài muốn để bổ nhiệm họ trở thành Hồng Y. Nếu như Đức Phanxicô tuân theo truyền thống, nhiều vị trong số các vị được ngài bổ nhiệm sẽ là các Tổng Giám mục do Đức Gioan Phaolô hay Đức Bênêdictô chỉ định. Hầu hết những vị này sẽ còn sống lâu hơn ngài và sẽ chọn ra vị kế nhiệm sau này.
Đức Phanxicô, một cách cố ý, đã bỏ qua những vị này để lựa chọn các vị Giám mục khác, một số từ những Tòa Giám Mục “chẳng mấy đáng kể”. Đức Phanxicô lựa chọn những Vị Giám mục hơn là những Tòa Giám mục danh tiếng. Ngài tìm kiếm các Giám mục ủng hộ phong cách mục vụ và tầm nhìn của ngài đối với Giáo Hội. Điều này đảm bảo rằng những vị mà ngài bổ nhiệm sẽ có nhiều khả năng ủng hộ tính liên tục trong Cơ Mật Viện tiếp theo, hơn là từ chối cách thức ngài đang lãnh đạo Giáo Hội. Điều này đảm bảo rằng Cơ Mật Viện sẽ được lấp đầy bằng những Mục tử có mùi giống như đàn chiên của mình.
Với những đợt bổ nhiệm mới nhất, 40% Hồng Y Đoàn sẽ là do Đức Phanxicô bổ nhiệm, chỉ ít hơn một chút so với con số 44% do Đức Benedictô bổ nhiệm. 16% là những vị còn tồn tại kể từ thời của Đức Gioan Phaolô.
Những người Công Giáo cấp tiến chắc chắn sẽ ủng hộ Đức Phanxicô về những vị tân Hồng Y mà ngài bổ nhiệm, trong khi những người bảo thủ chắc chắn lại đang đay nghiến vấn đề này. Tôi phải nhắc nhở những người bạn cấp tiến rằng mọi thay đổi đều có những kết quả không định trước được. Nếu như tình cờ, một vị bảo thủ giành lại được chức vụ Giáo Hoàng, ngài có thể làm những điều mà Đức Phanxicô đang làm hiện nay. Hoặc hãy tưởng tượng nếu như Đức Gioan Phaolô hay Đức Benedictô đã thử nghiệm cùng một điều mà Đức Phanxicô hiện đang thực hiện.
Tất cả điều này nhắc nhở chúng ta rằng chẳng có hệ thống bầu cử nào là hoàn hảo. Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã có những thay đổi trong quá trình bầu chọn ra các vị Giáo Hoàng, và trong thế kỷ vừa qua có lẽ Giáo Hội đã làm việc này tốt hơn so với trước đây. Thế nhưng chẳng có sự bảo đảm nào cả. Nó khiến cho tôi nhớ đến hệ thống Coptic, ở đó một thanh niên bịt mắt sẽ chọn ra tên của vị Thượng Phụ từ một cái chén thủy tinh trong đó đựng tên ba người được đề cử.
Minh Tuệ (theo NCR)