
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 2 tháng Tư (Ảnh: Daniel Ibanez/ CNA)
Vào Chúa nhật Lễ Lá, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Chúa Giêsu đã tự nguyện gánh lấy sự đau khổ và sự ruồng bỏ của Cuộc Khổ nạn và Chịu Đóng đinh để có thể đồng hành cùng với chúng ta trong bất kỳ sự buồn phiền đau khổ hay khó khăn nào mà chúng ta có thể gặp phải.
“Chúa Giêsu đã trải qua việc bị ruồng bỏ để không để chúng ta trở thành con mồi của sự tuyệt vọng, để đồng hành cùng với chúng ta luôn mãi”, Đức Thánh Cha chia sẻ trong Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 2 tháng Tư.
“Chúa Giêsu đã làm điều này cho tôi, cho anh chị em”, Đức Thánh Cha nói, “bởi vì bất cứ khi nào anh chị em hoặc tôi hoặc bất kỳ ai khác dường như bị ghim vào tường – và chúng ta đã thấy ai đó bị dồn vào chân tường – anh chị em sẽ thấy ai đó bị lạc lối trong ngõ cụt, chìm trong vực thẳm của sự ruồng bỏ, bị cuốn vào vòng xoáy của những câu hỏi ‘tại sao’ không có câu trả lời, vẫn có thể có chút hy vọng…”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá một ngày sau khi được xuất viện sau khi được điều trị tại Bệnh viện Gemelli ở Rôma.
Vatican cho biết Đức Thánh Cha đã được đưa vào bệnh viện trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 29 tháng 3 để điều trị bệnh nhiễm trùng viêm phế quản.
Ước tính có khoảng 60.000 người đã tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, theo Hiến binh Vatican.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với một giọng nhẹ nhàng khi ngài nhấn mạnh rằng bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta tự nhận thấy mình bị bỏ rơi, Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.
Đức Thánh Cha cũng cho biết rằng chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu nơi những người bị bỏ rơi, khi nhắc lại cái chết vào tháng 11 năm ngoái của một người đàn ông vô gia cư đến từ Đức, người được tìm thấy dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô.
Chúa Giêsu “muốn chúng ta quan tâm đến anh chị em của mình, những người giống với Người nhất, những người đang trải qua sự đau khổ và cô đơn cùng cực”, Đức Thánh Cha nói. “Anh chị em thân mến, ngày nay có nhiều dân tộc bị bóc lột và bị bỏ mặc; có những người nghèo sống trên các đường phố của chúng ta và chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ nhìn sang hướng khác, chúng ta quay lưng lại; có những người di cư không còn được coi như là những khuôn mặt mà bị coi như là những con số; những tù nhân bị ruồng bỏ; con người bị hạ thấp và bị coi như là những vấn đề”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những người này là những “Đức Kitô bị bỏ rơi” đối với chúng ta: “Những người bị ruồng bỏ, vô hình, bị che giấu, bị vứt bỏ với đôi găng tay trắng”, như những đứa trẻ chưa chào đời, những người già bị đơn độc, những người bệnh bị lãng quên chẳng được ai ngó ngàng tới, những người tàn tật bị bỏ rơi và những người trẻ cô đơn.
“Chúa Giêsu, trong trạng thái bị ruồng bỏ của mình, yêu cầu chúng ta để mắt chú ý và để tâm đến tất cả những ai cảm thấy mình bị bỏ rơi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô trên chiếc popemobile hôm Chúa nhật ngày 2 tháng 4. Đức Thánh Cha được đưa đến cột đá tưởng niệm obelisk trung tâm để làm phép lá và công bố một bài đọc trích từ Tin Mừng Thánh Mátthêu và hát Thánh Vịnh 23.
Đức Thánh Cha đã ban phép lành sau đoàn rước bao gồm các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Phó tế và giáo dân cầm trên tay lá cọ, cành ô liu và những cành cọ lớn được đan kết lại với nhau gọi là “parmureli” để kỷ niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Đức Thánh Cha Phanxicô đã không dẫn đầu đoàn rước kể từ năm 2019.
Để bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha tiếp tục di chuyển trên chiếc popemobile từ cột đá tưởng niệm obelisk tiến đến bàn thờ phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Chúa Nhật Lễ Lá, còn được gọi là Chúa Nhật Thương Khó, đánh dấu sự khởi đầu của Tuần Thánh, sẽ dẫn đến Tam Nhật Thánh gồm Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh, và kết thúc bằng việc cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô bắt đầu từ Đêm Vọng Phục Sinh.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, Thánh Lễ bao gồm Bài Thương Khó trích từ Tin Mừng Thánh Mátthêu.
Trong bài giảng ngày 2 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào một dòng trong Tin Mừng và được lặp lại trong Thánh Vịnh – tiếng kêu của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong giờ phút bi đát nhất Ngài cảm nghiệm sự bỏ rơi của Thiên Chúa – “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.
“‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’. Trong Kinh Thánh, động từ ‘bỏ rơi’ rất mạnh mẽ”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng một người có thể cảm thấy như thế nào khi bị bỏ rơi “vào những khoảnh khắc đau đớn tột cùng: tình yêu không thành, bị từ chối hoặc bị phản bội; những đứa trẻ bị từ khước và những thai nhị bị phá bỏ; những hoàn cảnh bị hắt hủi, những hoàn cảnh goá bụa và những đứa trẻ mồ côi; những cuộc hôn nhân tan vỡ, các hình thức của sự loại trừ xã hội, bất công và áp bức; sự cô độc của bệnh tật”.
“Nói tóm lại, trong những mối tương quan bị cắt đứt nghiêm trọng nhất”, Đức Thánh Cha nói. “Ở đó, Chúa Giêsu nói với chúng ta từ này: bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã mang tất cả những điều này lên thập giá; trên đôi vai của mình, Ngài gánh lấy tội lỗi của thế giới. Và ở đỉnh điểm, chính Chúa Giêsu, Con Duy Nhất và Chí Ái của Chúa Cha, đã trải qua một hoàn cảnh xa lạ nhất đối với Ngài: sự bỏ rơi, sự xa cách của Thiên Chúa”.
“Nhưng, tại sao mọi chuyện lại đi đến kết cục như vậy? Vì chúng ta. Không có câu trả lời nào khác: vì chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. “Chúa Giêsu đã trở nên một trong số chúng ta cho đến tận cùng, để hoàn toàn và dứt khoát nên một với chúng ta”.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô thinh lặng hơn hai phút rưỡi trước khi hát Kinh Tin Kính.
Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói, “đã chịu đựng sự xa cách của việc bị bỏ rơi để đón lấy mọi khoảng cách mà chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ngài. Để mỗi người chúng ta có thể nói: trong những thất bại của tôi – mỗi người trong số anh chị em đã nhiều lần gục ngã – và tôi có thể nói trong những thất bại của tôi, trong sự tuyệt vọng của tôi, bất cứ khi nào tôi cảm thấy bị phản bội hoặc tôi đã phản bội ai đó, khi tôi cảm thấy bị gạt sang một bên hoặc tôi có phớt lờ người khác, hoặc khi tôi cảm thấy bị bỏ rơi hoặc đã bỏ rơi người khác, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đã bị bỏ rơi, bị phản bội, bị ruồng bỏ”.
Trong những thất bại của mình, chúng ta có thể nhớ rằng Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Khi tôi cảm thấy lạc lõng và bối rối, khi tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa, thì Ngài ở bên tôi, Ngài luôn hiện diện ở đó. Trong hàng ngàn câu hỏi ‘tại sao…?’ và với rất nhiều câu hỏi ‘tại sao’ không được giải đáp, Ngài vẫn luôn hiện diện ở đó”.
Kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ Kinh Truyền tin, một lời cầu nguyện truyền thống để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria.
Trong một thông điệp ngắn gọn trước giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu Công giáo sống Tuần Thánh “như truyền thống của các tín hữu thánh thiện của Thiên Chúa dạy chúng ta, nghĩa là đồng hành cùng với Chúa Giêsu bằng đức tin và tình yêu”.
“Chúng ta hãy học hỏi từ Mẹ của chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Mẹ đã hết lòng bước theo Con Mẹ; Mẹ kết hiệp mật thiết với Ngài, và mặc dù Mẹ không hiểu mọi sự, nhưng cùng với Ngài, Mẹ hoàn toàn phó thác cho thánh ý của Thiên Chúa Cha”.
“Xin Đức Mẹ giúp chúng ta gần gũi với Chúa Giêsu hiện diện nơi những người đau khổ, bị khước từ, bị bỏ rơi. Xin Đức Mẹ dắt tay chúng ta đến với Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những người này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Cầu chúc tất cả mọi người cuộc hành trình vui tươi hướng tới lễ Phục sinh”.
Minh Tuệ (theo CNA)