ĐTC Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi chào đón những người nhập cư nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới

“Mỗi người lạ mặt gõ cửa nhà chúng ta chính là một cơ hội cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”.

Hôm qua, Chúa nhật 14 tháng 1 năm 2018, ĐTC Phanxicô trong bài giảng nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới đã lặp lại lời kêu gọi của mình đối với các Kitô hữu để chào đón những người nhập cư, những người tị nạn và những người xin quyền tị nạn.

ĐTC Phanxicô đã đề cập đến Sứ điệp của mình nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới: “Mỗi một người lạ mặt gõ cửa nhà chúng ta chính là một cơ hội cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự đồng hóa mình với những người lạ mặt được tiếp đón cũng như bị bỏ rơi thuộc mọi thời đại (Mt 25:35, 43)”.

ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến ba điểm chính yếu của mình trong việc giải quyết những người tị nạn: bảo vệ, khuyến khích và hội nhập”. ĐTC Phanxicô cho biết việc làm như vậy đòi hỏi các Kitô hữu phải “chào đón, biết và thừa nhận” những người mới đến. ĐTC Phanxicô tiếp tục:

migrant-740x493

“Trong thế giới ngày nay, đối với những người mới đến, việc chào đón, nhận biết và thừa nhận đồng nghĩa với việc nhận biết và tôn trọng luật pháp, văn hoá và truyền thống của các quốc gia tiếp nhận họ. Nó thậm chí còn bao gồm sự hiểu biết về nỗi sợ hãi và sự e ngại của họ đối với tương lai. Đối với cộng đồng địa phương, việc chào đón, nhận biết và thừa nhận những người mới đến có nghĩa là tự rộng mở cánh cửa ra mà không có bất kỳ thành kiến nào đối với sự đa dạng phong phú của họ, để hiểu được những hy vọng và tiềm năng của những người mới đến cũng như những nỗi sợ hãi và những điểm yếu của họ”.

Dưới đây là Bài giảng của ĐTC Phanxicô:

 

Năm nay, tôi muốn cử hành Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới bằng một Thánh Lễ mời gọi và chào đón tất cả anh chị em, đặc biệt là những người nhập cư, những người tị nạn và những người xin quyền tị nạn. Một số  anh chị em gần đây đã đến Ý, những người khác là những cư dân lâu năm và làm việc ở đây, và hiện vẫn còn, những người khác tạo thành cái gọi là “thế hệ thứ hai”.

Đối với tất cả mỗi người chúng ta cùng nhau quy tụ nơi đây, Lời của Thiên Chúa đã vang dội và ngày hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau đào sâu thêm lời mời gọi đặc biệt mà Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta. Như đã thực hiện với Sa-mu-en (x.1 Sm 3: 3b-10, 19), Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta bằng tên và yêu cầu chúng ta tôn trọng thực tế rằng mỗi người chúng ta đã được tạo dựng như một hữu thể duy nhất và không thể lặp lại, khác biệt với những người khác và mỗi người có một vai trò đặc biệt trong lịch sử thế giới. Trong Tin Mừng (x. Ga 1, 35-42), hai môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu, “Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38), ngụ ý rằng việc đáp lại câu hỏi này sẽ quyết định cách nhìn của họ đối với một bậc thầy đến từ Nazareth. Câu trả lời của Chúa Giêsu: “Đến mà xem!” (Ga 1, 39) mở ra một cuộc gặp gỡ cá nhân vốn đòi một khoảng hỏi thời gian phù hợp để chào đón, nhận biết và thừa nhận người khác.

Trong Sứ điệp nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới năm nay, tôi đã viết: “Mỗi một người lạ mặt gõ cửa nhà chúng ta chính là một cơ hội cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự đồng hóa mình với những người lạ mặt được tiếp đón cũng như bị bỏ rơi thuộc mọi thời đại (Mt 25:35, 43)”. Và đối với những người lạ mặt, những người nhập cư, những người tị nạn, những người xin quyền tị nạn và những người bị buộc phải di tản, mỗi cánh cửa nơi một vùng đất mới cũng chính là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu. Lời mời gọi của Chúa Giêsu “Đến mà xem!” ngày nay cũng được nói với tất cả mỗi người chúng ta, với các cộng đồng địa phương và những người mới đến. Đó chính là một lời mời vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta để gặp gỡ người khác, để chào đón, nhận biết và thừa nhận họ. Đó cũng chính là một lời mời gọi vốn mang lại cơ hội để đến gần người khác và để xem họ sống ở đâu và ra sao. Trong thế giới ngày nay, đối với những người mới đến, việc chào đón, nhận biết và thừa nhận đồng nghĩa với việc nhận biết và tôn trọng luật pháp, văn hoá và truyền thống của các quốc gia tiếp nhận họ. Nó thậm chí còn bao gồm sự hiểu biết về nỗi sợ hãi và sự e ngại của họ đối với tương lai. Đối với cộng đồng địa phương, việc chào đón, nhận biết và thừa nhận những người mới đến có nghĩa là tự rộng mở cánh cửa ra mà không có bất kỳ thành kiến nào đối với sự đa dạng phong phú của họ, để hiểu được những hy vọng và tiềm năng của những người mới đến cũng như những nỗi sợ hãi và những điểm yếu của họ.

Cuộc gặp gỡ thực sự với người khác không chấm dứt bằng việc chào đón mà còn mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào ba hành động khác mà tôi đã giải thích rõ ràng trong Sứ điệp cho Ngày này: bảo vệ, khuyến khích và hội nhập. Trong cuộc gặp gỡ thực sự với những người lân cận, chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu Kitô đang cầu xin để được chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập? Như dụ ngôn Tin Mừng về Ngày Cánh chung dạy chúng ta: Thiên Chúa là những người đói, khát, trần truồng, đau yếu bệnh tật, là khách lạ và bị cầm tù – đã được nhiều người giúp đỡ, nhưng trái lại cũng bị nhiều người khác chối bỏ (x. Mt 25: 31-46). Cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi, là sự cứu rỗi cần được loan báo và mang đến cho tất cả mọi người, như Thánh Anrê Tông đồ đã chỉ cho chúng ta thấy. Sau khi tỏ ra cho em mình là ông Simon, “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1:41), ông Anrê đã dẫn Simon đến với Chúa Giêsu để ông có thể có được cùng một trải nghiệm của sự gặp gỡ.

Quả thực không hề dễ dàng để bước vào một nền văn hoá khác, để tự đặt mình vào hoàn cảnh của những người hết sức khác biệt với chúng ta, để hiểu được những suy nghĩ cũng như những trải nghiệm của họ. Do đó, chúng ta thường từ chối gặp gỡ những người khác và tạo ra những rào cản để tự vệ. Các cộng đồng địa phương đôi khi lo sợ rằng những người mới đến sẽ làm đảo lộn các trật tự đã được thiết lập, sẽ ‘đánh cắp’ một điều gì đó mà họ đã phải nỗ lực làm việc lâu năm để xây dựng. Và những người mới đến cũng có những nỗi sợ hãi: họ sợ phải đối đầu, sự bị xét đoán, kỳ thị, thất bại. Những lo ngại này là hợp pháp, dựa trên những nghi ngờ vốn có thể hiểu được một cách đầy đủ từ quan điểm của con người. Việc nghi ngờ và sợ hãi không phải là tội. Đó là tội khi chúng ta để cho những nỗi sợ này xác định những phản ứng của chúng ta, hạn chế sự lựa chọn của chúng ta, thỏa hiệp giữ sự tôn trọng và tinh thần quảng đại, nuôi dưỡng sự thù địch và thái độ từ chối người khác. Tội lỗi đó là khi chúng ta từ chối gặp gỡ người khác, những người có quan điểm khác biệt, những người lân cận mà trong khi đó, trên thực tế, đây chính là một cơ hội vinh dự để gặp gỡ Thiên Chúa.

Từ cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu hiện diện nơi những người nghèo khổ, những người bị từ khước, những người tị nạn và những người xin tị nạn, tràn ngập những lời cầu nguyện của chúng ta ngày hôm nay. Đây là một lời cầu nguyện tương hỗ cho cả hai bên: những người nhập cư và những người tị nạn cầu nguyện cho các cộng đồng địa phương, và các cộng đồng địa phương cầu nguyện cho những người mới đến và những người nhập cư đã ở đây lâu năm. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta tín thác niềm hy vọng của tất cả những người nhập cư và những người tị nạn trên toàn thế giới cũng như nguyện vọng của các cộng đồng đã chào đón họ. Bằng cách này, việc đáp lại giới luật cao nhất của tinh thần bác ái và yêu thương đối với những người thân cận, nguyện xin cho tất cả mỗi người chúng ta đều có thể học được cách yêu thương người khác, những người xa lạ, như chính mình.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết