Trong Thánh Lễ kỷ niệm 5 năm chuyến viếng thăm đến Lampedusa, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công giáo phải lên tiếng trước những sự bất công đối với những anh chị em di dân.
“Thiên Chúa hứa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng và giải thoát đối với tất cả những người bị áp bức của thế giới chúng ta, nhưng Ngài cần chúng ta thực hiện lời hứa của Ngài… Ngài cần chúng ta lên tiếng phản đối những bất công gây ra bởi sự im lặng, thường là đồng lõa, của rất nhiều người”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong bài giảng Thánh lễ hôm 6 tháng 7 cầu nguyện cho những người di cư.

Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong một Thánh Lễ đặc biệt dành cho những người di cư trong Nhà thờ Thánh Phêrô ngày 6 tháng 7 năm 2018. (Credit: Truyền thông Vatican)
Theo ĐTC Phanxicô, sự im lặng có rất nhiều khía cạnh. ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về “sự im lặng khi nghĩ rằng ‘nó luôn luôn được thực hiện theo cách này’” và “sự im lặng ‘của chúng tôi’ như trái ngược với ‘của quý vị’ trong số “rất nhiều sự im lặng”.
“Trước những thách thức của các phong trào di cư đương đại, phản ứng hợp lý duy nhất đó chính là tinh thần liên đới và thương xót”, ĐTC Phanxicô tiếp tục, đồng thời kêu gọi các chính sách di dân “quan tâm đến lợi ích đất nước của mình, trong khi tính đến lợi ích của những nước khác trong một thế giới kết nối nhiều hơn”.
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng chính sách di cư công bằng là một chính sách phục vụ “tất cả mọi người có liên quan”, nghĩa là “một chính sách vốn cung cấp các giải pháp có thể đảm bảo vấn đề an ninh, tôn trọng quyền và phẩm giá của tất cả mọi người”.
Suy ngẫm về bài đọc thứ nhất trong ngày trích Sách Tiên tri A-mốt, ĐTC Phanxicô nói: “Có biết bao nhiêu anh chị em nghèo khổ đã bị chà đạp trong thời đại của chúng ta!… Trong số đó, tôi không thể không kể đến những người di cư và những người tị nạn đang tiếp tục gõ cửa các quốc gia vốn được hưởng sự thịnh vượng hơn”.
Tất cả những người tị nạn và những người chăm sóc cho họ cũng đã tham dự Thánh lễ hôm thứ Sáu 6/7 được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đánh dấu kỉ niệm 5 năm kể từ chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Lampedusa, một hòn đảo của Ý cách bờ biển của Tunisia 90 dặm. Hòn đảo này là điểm đến đầu tiên cho nhiều người di cư châu Phi trên đường đến châu Âu. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh hoàn cảnh của những người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương xứ sở của mình để có thể tồn tại.
ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho những người đã thiệt trong qua trình nỗ lực để có thể đến với Lampedusa bằng các con tàu từ châu Phi. Hơn 20.000 người đã thiệt mạng trong quá trình cố gắng tiếp cận hòn đảo này trong 30 năm qua.
Một phần bài giảng Thánh lễ của ĐTC Phanxicô được giảng bằng tiếng Tây Ban Nha. ĐTC Phanxicô cho biết Ngài muốn nói chuyện trực tiếp với những người dân Tây Ban Nha, những người đã giải cứu nhiều người di cư khỏi biển Địa Trung Hải.
Vào tháng 6, Tây Ban Nha đã tiếp nhận một chiếc thuyền chứa hơn 600 người di cư sau khi chiếc tàu nhân đạo bị từ chối nhập cảnh vào Ý. Tổ chức ‘SOS Mediterranée’ và ‘Các Bác sĩ Không biên giới’ hoạt động trên chiếc thuyền đã giải cứu những người di cư trên các tàu nhỏ ở biển Địa Trung Hải.
ĐTC Phanxicô đã so sánh những nỗ lực của Tây Ban Nha với dụ ngôn về người Samaritan nhân hậu, đồng thời lưu ý rằng người Samaritan nhân hậu đã không đòi hỏi người đàn ông bị đánh nhừ tử và bị bỏ lại bên vệ đường về “lý do của cuộc lữ hành hay những giấy tờ của anh ta… người Samaritan nhân hậu đơn giản đã quyết định săn sóc và cứu mạng người đàn ông tội nghiệp này”.
ĐTC Phanxicô một lần nữa đã nhắc lại những lời mà Ngài đã chia sẻ ở Lampedusa trong chuyến viếng thăm vào tháng 7 năm 2013 nhớ đến những nạn nhân mất tích trên biển:
“‘Em ngươi đâu? Máu của nó đã kêu thấu đến Ta’, Thiên Chúa nói. Đây không phải là một câu hỏi hướng đến ai khác; mà đó là một câu hỏi hướng đến tôi, hướng đến anh chị em, hướng đến mỗi người chúng ta”.
Minh Tuệ chuyển ngữ