“Tôi muốn khẳng định lại lời kêu gọi khẩn cấp của tôi để đổi mới đối thoại về cách thức chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh”, ĐTC Phanxicô cho biết trong một thông điệp được Vatican công bố vào ngày 16 tháng 11 năm 2017. “Chúng ta cần có một sự trao đổi vốn liên kết tất cả chúng ta, bởi vì những thách thức về môi trường mà chúng ta đang trải qua, và nguồn gốc của nhân loại, có liên quan đến tất cả chúng ta, và đồng thời ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.
Lời mời gọi hành động mới của Đức Thánh Cha đã được đưa ra trong một thông điệp gửi ông Frank Bainimarama, Thủ tướng của quần đảo Fiji, Chủ tịch kỳ họp thứ 23 của Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Thay đổi Khí hậu (COP-23), đang diễn ra tại Bonn từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 11 năm 2017. Thông điệp đã được đọc trong phiên họp vào ngày 16 tháng 11.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê “bốn thái độ sai lầm” vốn đã “không giúp đỡ cho việc nghiên cứu và đối thoại hiệu quả về việc xây dựng tương lai của hành tinh chúng ta”:
· Phủ nhận
· Thờ ơ
· Thoái thác
· Tin tưởng vào các giải pháp không đầy đủ
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng các phương pháp tiếp cận kinh tế và công nghệ là rất quan trọng, nhưng “cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng các tác động về mặt đạo đức và xã hội và các tác động của mô hình mới về sự phát triển và tiến bộ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”. và ĐTC Phanxicô tiếp tục: “… ngày càng cần chú ý đến giáo dục và lối sống dựa trên một nền sinh thái toàn diện, có khả năng thực hiện một tầm nhìn về việc nghiên cứu trung thực và đối thoại cởi mở, trong đó các khía cạnh khác nhau của Hiệp định Paris được nối kết với nhau”.
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Gửi ngài Frank Bainimarama
Thủ tướng Quần đảo Fiji
Chủ tịch kỳ họp thứ 23 của Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-23)
Bonn, 6-17 tháng 11 năm 2017
Thưa ngài thủ tướng,
Cách đây gần hai năm, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau quy tụ tại diễn đàn UNFCCC, với hầu hết các đại diện cao nhất của chính phủ, và sau một cuộc tranh luận kéo dài và phức tạp, đã đạt được việc thông qua Hiệp định Paris lịch sử. Nó đã đạt được một sự đồng thuận về sự cần thiết phải khởi động một chiến lược chung nhằm chống lại một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất mà nhân loại chúng ta đang phải trải qua: biến đổi khí hậu.
Ý nguyện để tuân theo sự nhất trí này đã được nhấn mạnh bởi tốc độ mà Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực, chưa đầy một năm sau khi được thông qua.
Hiệp định cho thấy một con đường rõ ràng của việc chuyển sang mô hình phát triển kinh tế thấp hoặc không có carbon, khuyến khích tinh thần liên đới và đồng thời thúc đẩy các mối liên hệ chặt chẽ giữa việc chống lại vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng đói nghèo. Quá trình chuyển đổi này tiếp tục được kêu gọi bởi sự khẩn cấp về khí hậu vốn đòi hỏi một sự cam kết lớn hơn của các quốc gia, mà một số trong đó phải nỗ lực để đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi này, lưu ý đến các nhu cầu của các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Trong những ngày này, toàn thể quý vị đã cùng nhau quy tụ tại Bonn để thực hiện một giai đoạn quan trọng khác của Hiệp định Paris: quá trình xác định và xây dựng các chỉ dẫn, các quy tắc và các cơ chế thể chế để nó có thể trở nên thực sự hiệu quả và có khả năng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phức tạp mà nó đề xuất. Với một đường lối như vậy, quả thực hết sức cần thiết để duy trì một mức độ hợp tác cao nhất.
Từ quan điểm này, tôi muốn khẳng định lại lời kêu gọi khẩn cấp của tôi đối với việc đổi mới đối thoại về cách thức chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh này. Chúng ta cần có một sự trao đổi vốn liên kết tất cả chúng ta, bởi vì những thách thức về môi trường mà chúng ta đang trải qua, và nguồn gốc của nhân loại, có liên quan đến tất cả chúng ta, và đồng thời ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Thật không may, nhiều nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi trường thường thất bại vì nhiều lý do khác nhau, từ việc phủ nhận đối với vấn đề cho đến sự thờ ơ, việc thoái thác một cách thoải mái, hoặc việc tin tưởng mù quáng vào các giải pháp kỹ thuật (xem Thông điệp Laudato si’, số 14).
Chúng ta cần phải tránh rơi vào cái bẫy của bốn thái độ sai lầm này, vốn chắc chắn không thể giúp đỡ cho việc nghiên cứu một cách trung thực hay một cuộc đối thoại chân thành và hiệu quả trong việc xây dựng tương lai của hành tinh chúng ta: phủ nhận, thờ ơ, thoái thác và tin tưởng vào các giải pháp không thích đáng.
Hơn nữa, chúng ta không thể tự giới hạn mình chỉ ở các khía cạnh kinh tế và công nghệ: các giải pháp kỹ thuật là cần thiết nhưng không đủ; cần thiết phải cân nhắc kỹ lưỡng các tác động về đạo đức và xã hội cũng như những tác động của mô hình mới về sự phát triển và tiến bộ trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Từ quan điểm này, ngày càng cần chú ý tới giáo dục và lối sống dựa trên một hệ sinh thái toàn diện, có khả năng thực hiện một tầm nhìn về nghiên cứu trung thực và đối thoại cởi mở, trong đó các khía cạnh khác nhau của Thỏa ước Paris đều có mối liên hệ với nhau. Cần nhớ rằng Hiệp định nhắc lại “trách nhiệm đạo đức và luân lý để hành động không được chậm trễ, theo một cách thức tự do nhất có thể từ những áp lực về chính trị và kinh tế, bỏ qua những quyền lợi và hành vi cá biệt” (xem Sứ điệp gửi Hội nghị COP-22). Điều này có nghĩa là, trên thực tế, truyền bá “sự nhận thức có trách nhiệm” đối với ngôi nhà chung của chúng ta (xem Thông điệp Laudato si’, số 202 và 231) thông qua sự đóng góp của tất cả mọi người, qua việc giải thích các hình thức hành động khác nhau và sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau, mà một số trong đó không thể thiếu để làm nổi bật sự khéo léo của con người có lợi cho công ích chung.
Trong khi tôi gửi lời chào tới ngài, ngài Tổng thống, và tất cả các tham dự viên tham dự Hội nghị này, tôi hy vọng rằng, với sự hướng dẫn có thẩm quyền của ngài và của quần đảo Fiji, tất cả mọi công việc của những ngày này sẽ được lấy cảm hứng từ cùng một tinh thần hợp tác và tiên đoán được thể hiện trong suốt COP-21. Điều này sẽ giúp tăng cường nhận thức và đồng thời củng cố ý chí hầu đưa ra các quyết định có hiệu quả nhằm chống lại hiện tượng thay đổi khí hậu đồng thời chống lại tình trạng đói nghèo và thúc đẩy sự phát triển con người đích thực nói chung. Sự cam kết này được hỗ trợ bởi sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng Tối Cao.
Minh Tuệ chuyển ngữ