ĐTC Phanxicô lần đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ vào vai trò cao cấp trong Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Francesca Di Giovanni tại Liên Hợp Quốc (Tín dụng: Tin tức Vatican)

Tiến sĩ Francesca Di Giovanni tại Liên Hợp Quốc (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí quản lý cấp cao trong Ban Thư ký Nhà nước thuộc phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Tiến sĩ Francesca Di Giovanni, một phụ nữ giáo dân người Ý, trở thành thành viên thứ hai của Bộ phận Quan hệ với các quốc gia, chịu trách nhiệm cụ thể về lĩnh vực đa phương, liên quan đến các tổ chức liên chính phủ ở cấp quốc tế và mạng lưới các điều ước quốc tế.

Sinh ra tại Palermo, Sicily, năm 1953, bà Di Giovanni tốt nghiệp ngành luật và làm việc với tư cách là công chứng viên trong lĩnh vực hành chính-pháp lý tại Trung tâm Quốc tế ‘Opera di Maria’ thuộc Phong trào Focolari, mà bà là một thành viên. Bà Di Giovanni đã làm việc với tư cách là một quan chức trong Bộ phận Quan hệ với các Quốc gia thuộc Ban Thư ký Nhà nước kể từ tháng 9 năm 1993, Vatican cho biết khi tuyên bố việc bổ nhiệm bà vào ngày 15 tháng 1.

Bà Di Giovanni đã làm việc trong lĩnh vực đa phương trong suốt 27 năm qua, đặc biệt về các chủ đề liên quan đến những người di cư và những người tị nạn, luật nhân đạo quốc tế, truyền thông, luật tư nhân quốc tế, điều kiện của phụ nữ, sở hữu trí tuệ và du lịch.

Cuộc bổ nhiệm này mở ra những chân trời mới cho phụ nữ tại Vatican. Bộ phận Quan hệ với các Quốc gia, do Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher người Anh đứng đầu và có một đội ngũ bao gồm 55 người, trong đó có 12 phụ nữ, hiện có hai phó Thư ký: Bà Di Giovanni và Đức Ông Miroslav Wachowski người gốc Ba Lan, người chịu trách nhiệm chính đối với lĩnh vực ngoại giao song phương.

Bà Di Giovanni, người nói tiếng Anh cũng như tiếng Ý, đã phát biểu với Vatican News và L’Osservatore Romano, tờ nhật báo của Vatican, rằng bà đã “vô cùng ngạc nhiên” trước quyết định bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng bà cũng lưu ý rằng trong vài năm nay, đã có cuộc thảo luận về sự cần thiết cần phải có một phó Thư ký cho lĩnh vực đa phương khá nhạy cảm, vốn khác biệt theo nhiều cách thức khác nhau từ lĩnh vực song phương. Bà Di Giovanni mô tả đó là “một vai trò mới”, và đồng thời cũng cho biết rằng bà hy vọng sẽ đáp lại “sự tin tưởng” mà ĐTC Phanxicô đã trao phó cho bà bằng cách phối hợp cộng tác hài hòa với đội ngũ mà bà đã tham gia trong nhiều năm.

Giải thích về công việc của lĩnh vực đa phương trong Bộ phận Quan hệ với các quốc gia, bà Di Giovanni cho biết, “Đây chính là vấn đề liên quan đến các tổ chức liên chính phủ ở cấp quốc tế”, bao gồm các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nó cũng liên quan đến công việc “về mạng lưới các hiệp ước đa phương, vốn là điều quan trọng bởi vì chúng thể hiện ý chí chính trị của các quốc gia liên quan đến các chủ đề khác nhau liên quan đến lợi ích chung quốc tế”, bao gồm “sự phát triển, môi trường, việc bảo vệ nạn nhân của các cuộc xung đột, tình cảnh của phụ nữ và hơn thế nữa”.

Nhận xét về thực tế rằng bà là người phụ nữ đầu tiên từng nắm giữ vai trò cấp cao như vậy trong Ban Thư ký Nhà nước của Vatican, bà Di Giovanni đã phát biểu với truyền thông Vatican rằng: “Đức Thánh Cha đã đưa ra một quyết định sáng tạo, chắc chắn – ngoài cá nhân tôi – đại diện cho một dấu hiệu về sự chú ý đối với phụ nữ”.  Tuy nhiên, bà Di Giovanni nói, “trách nhiệm liên quan đến nhiệm vụ thay vì thực tế rằng tôi là một người phụ nữ”.

Đồng thời, bà Di Giovanni nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng nhân Ngày Thế giới Hòa bình vào ngày 1 tháng 1 năm nay đã tuyên bố: “Phụ nữ chính là những nhà kiến tạo hòa bình và những trung gian hòa giải của hòa bình và cần được tham gia đầy đủ vào các quá trình đưa ra quyết định. Bởi vì khi phụ nữ có thể chia sẻ những món quà của họ, thế giới sẽ thấy mình đoàn kết hơn, ổn định hơn”. Bà Di Giovanni cho biết thêm, “Tôi muốn đóng góp để tầm nhìn của Đức Thánh Cha có thể được hiện thực hóa, cùng với các đồng nghiệp khác làm việc trong lĩnh vực này trong Ban Thư ký Nhà nước, cũng như những người phụ nữ khác – và họ cũng chính là những người nỗ lực làm việc nhằm xây dựng tinh thần huynh đệ trong phạm vi quốc tế này”.

Bà Di Giovanni đã nhấn mạnh “sự chú ý quan trọng” mà ĐTC Phanxicô đã dành cho lĩnh vực đa phương và ngoại giao đa phương, “mà ngày nay, bị nhiều người nghi ngờ nhưng lại có một chức năng cơ bản trong cộng đồng quốc tế”. Bà Di Giovanni tin rằng, “một người phụ nữ có thể có những thái độ nhất định trong việc tìm ra những điểm chung và chăm sóc cho những mối quan hệ có sự thống nhất ở cốt lõi”.

Bà Di Giovanni cho biết bà hy vọng rằng, “việc tôi là phụ nữ có thể phản ánh tích cực về nhiệm vụ này”, trong khi đồng thời thừa nhận rằng các đồng nghiệp nam của bà cũng có những món quà tương tự. Bà kết luận, “Chúng tôi không bao giờ mệt mỏi trong việc thúc đẩy đối thoại ở tất cả các cấp, luôn tìm kiếm các giải pháp ngoại giao”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết