Thông điệp video của ĐTC Phanxicô tới Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của các tín hữu Công giáo Ý
Hôm qua thứ Năm 26/10, ĐTC Phanxicô đã lặp lại một trong những chủ đề chính của mình đó là những người không có phẩm giá khi không có lao động trong một tin nhắn video gửi các tham dự viên tham gia Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của các tín hữu Công giáo Ý (Cagliari, 26-29 tháng 10 năm 2017).
“Phẩm giá lao động chính là điều kiện để tạo ra công việc tốt: do đó, nó cần phải được bảo vệ và cổ võ”, ĐTC Phanxicô nói. Ngài cũng đã nhắc lại các trình thuật Tin Mừng về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Thiên Chúa kêu gọi con người trong khi họ đang lao động, như đã xảy ra với những ngư phủ mà Ngài đã mời gọi để biến họ trở thành những kẻ lưới người”.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về Thông điệp video mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của các tín hữu Công giáo Ý
* * *
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng chào đón toàn thể anh chị em tham gia Tuần lễ Xã hội lần thứ 48 của các tín hữu Công giáo Ý, một sự kiện đang được tổ chức tại Cagliari. Tôi cũng muốn gửi lời chào mừng nồng nhiệt của tôi đến Đức Hồng y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cùng với các Giám mục hiện diện, đến Đức Tổng giám mục Filippo Santoro, tới các thành viên thuộc Ủy ban Khoa học và Tổ chức, tới các đại biểu đến từ các Giáo phận Ý, tới các vị đại diện của các Phong Trào và Các hiệp hội kết nối với công việc cũng như toàn thể các khách mời tham dự.
Toàn thể anh chị em đã cùng nhau quy tụ dưới sự bảo vệ và với mẫu gương của Chân Phước Giuseppe Toniolo, một người vào năm 1907, đã cổ võ Tuần lễ Xã hội tại Ý. Đời sống chứng nhân của Ngài đã được thể hiện qua tất cả mọi chiều kích của cuộc sống: tâm linh, gia đình, ơn gọi, xã hội và chính trị. Để truyền cảm hứng cho công việc của toàn thể anh chị em, tôi muốn đề nghị một trong những giáo huấn của Ngài. “Chúng ta, các tín hữu, cảm thấy nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, rằng chính Thiên Chúa sẽ mang lại ơn cứu rỗi cho xã hội hiện tại chứ không phải là một nhà ngoại giao, một học giả, một anh hùng mà là một vị Thánh, hay đúng hơn là một xã hội của những vị Thánh” (Trích ‘Social Directions and Concepts’).
Trong Kinh thánh, chúng ta nhận thấy có nhiều nhân vật được xác định bởi công việc của họ: người gieo giống, thợ gặt, và những nhà sản xuất rượu, các quản gia, ngư dân, những người chăn cừu, các bác thợ mộc, chẳng hạn như Thánh Giuse. Xuất phát từ Lời của Thiên Chúa là một thế giới mà trong đó tất cả đều hoạt động. Chúa Giêsu, Ngôi Lời của chính Thiên Chúa, đã không nhập thể nơi một vị hoàng đế hay nơi một vị vua, nhưng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Philiphê 2: 7) để chia sẻ thân phận con người của chúng ta, bao gồm cả những hy sinh mà công việc đòi hỏi, cho đến việc được mọi người biết đến như là người thợ mộc hay là con của một bác thợ mộc (x. Mc 6: 3, Mt 13:55). Tuy nhiên, còn hơn thế nữa. Thiên Chúa kêu gọi con người trong khi họ đang lao động, như đã xảy ra với những ngư phủ mà Ngài đã mời gọi để biến họ trở thành những kẻ lưới người (x. Mc 1:16-18; Mt 4:18-20). Chúng ta cũng có thể hiểu những tài năng mà chúng ta đã được đón nhận như là những quà tặng và khả năng để sử dụng chúng trong thế giới lao động để xây dựng các cộng đồng liên đới và đồng thời giúp đỡ những người không thể tận dụng khả năng của riêng mình.
Chủ đề của Tuần lễ Xã hội này đó là: “Lao động mà chúng ta mong muốn: Tự do, Sáng tạo, Tham gia cá nhân và Liên đới”. Tôi muốn mô tả lao động của con người như thế, trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (số 192). Cảm ơn tất cả anh chị em vì đã chọn chủ đề lao động. “Không có lao động sẽ không có phẩm giá”: Tôi thường xuyên lặp lại điều này, tôi thực sự nhớ rằng tôi cũng đã làm điều này tại Cagliari vào năm 2013 và tháng Năm vừa qua tại Genoa. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi công việc đều là “công việc phù hợp”. Có những công việc làm hạ thấp phẩm giá của con người, những thứ châm ngòi cho chiến tranh với việc sản xuất vũ khí, những thứ làm rẻ rúng giá trị của thân thể con người với nạn mãi dâm và những thứ lạm dụng cũng như bóc lột trẻ vị thành niên. Việc làm đêm ngoài giờ cũng xúc phạm phẩm giá của người lao động, việc tuyển dụng bất hợp pháp đối với người lao động, các công việc vốn phân biệt đối xử đối với phụ nữ và không tính đến những người khuyết tật. Những công việc bấp bênh không ổn định cũng là một vết thương hở đối với nhiều người lao động, những người phải sống trong nỗi lo sợ mất việc làm. Tôi đã nghe nỗi thống khổ này biết bao nhiêu lần: nỗi đau khổ của việc mất công ăn việc làm; nỗi đau khổ của một người đã lao động cật lực từ tháng Chín cho đến tháng Sáu và không biết liệu rằng họ sẽ lại tiếp tục có việc làm vào tháng Chín tới hay không – tất cả hoàn toàn là một sự bấp bênh. Đây là một điều vô đạo đức. Điều này sẽ gây ra một sự chết chóc, nó giết chết phẩm giá con người, nó giết chết sức khoẻ con người, nó giết chết gia đình, nó giết chết xã hội. Việc làm đêm ngoài giờ và công việc bấp bênh sẽ giết chết tất cả mọi thứ. Kế đến, có một sự lo ngại đối với các công việc nguy hiểm và gây nguy hại cho sức khỏe con người, vốn hàng năm đã gây ra hàng trăm cái chết và thương vong ở Ý.
Phẩm giá lao động chính là điều kiện để tạo ra công việc tốt: do đó, nó cần phải được bảo vệ và cổ võ. Với Thông điệp Rerum Novarum (1891) của Đức Giáo Hoàng Leo XIII, Học thuyết Xã hội của Giáo hội đã được hình thành để bảo vệ những người lao động phụ thuộc vào nạn bóc lột, chống lại tình trạng lao động trẻ em, tình trạng phải làm việc 12 giờ một ngày, các điều kiện vệ sinh không đầy đủ của các nhà máy.
Tôi nghĩ đến những người thất nghiệp đang phải tìm kiếm công ăn việc làm nhưng vô vọng, những người chán nản tuyệt vọng vì không còn sức để tìm kiếm công ăn việc làm nữa, và những người bán thất nghiệp vốn chỉ có thể làm việc một vài giờ mỗi tháng mà không thể vượt quá ngưỡng nghèo đói. Đối với những người này, tôi muốn nhắn nhủ với họ rằng: đừng đánh mất sự tin tưởng. Tôi cũng muốn nhắn nhủ điều này với những người sống ở những vùng khó khăn hơn ở miền nam nước Ý. Giáo hội đang nỗ lực làm việc cho một nền kinh tế phục vụ con người, làm giảm sự bất bình đẳng và mục tiêu đó là nỗ lực làm việc cho tất cả mọi người.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu như một cuộc khủng hoảng tài chính; sau đó nó đã biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc khủng hoảng việc làm. Cuộc khủng hoảng lao động vừa là một cuộc khủng hoảng về môi trường vừa là một cuộc khủng hoảng xã hội (xem thông điệp Laudato Si’, số 13). Hệ thống kinh tế nhắm đến việc tiêu dùng, không quan tâm đến phẩm giá lao động cũng như việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều này giống như việc lái một chiếc xe đạp với lốp xe đã bị xẹp hết hơi: điều này quả thực hết sức nguy hiểm! Phẩm giá và việc bảo vệ con người bị giảm xuống khi người lao động bị xem như là một lộ trình trong ngân sách chi tiêu, khi tiếng kêu của những người bị bỏ rơi bị bỏ qua. Các bộ phận hành chính công không thoát khỏi logic này khi họ cho thấy những hợp đồng với tiêu chí giảm tối đa mà không tính đến phẩm giá lao động cũng như trách nhiệm đối với môi trường và tài chính của các công ty. Suy nghĩ về việc đạt được sự tiết kiệm và tính hiệu quả, họ kết thúc bằng cách phản bội sứ mạng xã hội của mình trong việc phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, trong rất nhiều những khó khăn thử thách, không thiếu những dấu chỉ của hy vọng. Nhiều thói quen tốt mà anh chị em có được giống như một khu rừng phát triển mà không gây ra sự ồn ào, và chúng dạy cho chúng ta hai thói quen tốt: phục vụ những người đang cần được giúp đỡ và hình thành các cộng đồng mà trong đó tinh thần hiệp thông chiếm ưu thế hơn là sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh: đây chính là căn bệnh của chế độ nhân tài… Thật tuyệt vời biết bao khi nhận thấy rằng sự đổi mới xã hội cũng được hình thành từ sự gặp gỡ và những mối quan hệ, và không phải tất cả những điều tốt đẹp đều là hàng hóa: chẳng hạn như sự tin tưởng, sự quý trọng, tình thân hữu, tình yêu thương.
Không một điều gì được đặt trước sự tốt đẹp của con người cũng như việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, thường bị biến dạng bởi mô hình phát triển vốn đã tạo ra một món nợ nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Việc đổi mới công nghệ phải được hướng dẫn bởi lương tâm cũng như các nguyên tắc bổ trợ và liên đới. Robot cần phải được xem như là một phương tiện và không được trở thành thần tượng của một nền kinh tế trong tay của những kẻ quyền lực; nó phải phục vụ con người và các nhu cầu của con người.
Tin Mừng dạy chúng ta rằng Thiên Chúa công bằng không những với những người thợ làm việc vào giờ chót, mà không làm tổn hại đến “sự công bằng” đối với những người thợ làm việc vào giờ đầu tiên (xem Mt 20, 1-16). Sự khác biệt giữa những người thợ làm việc vào lúc tảng sáng và những người thợ làm việc vào giờ chót không ảnh hưởng đến việc trả công cần thiết cho tất cả mọi người. Đây chính là “nguyên tắc của sự tốt lành” có thể đối với ngày nay cũng không có bất cứ ai thiếu bất cứ điều gì và để làm phong phú thêm quá trình làm việc, đời sống của các công ty, cộng đồng của những người lao động. Một nhiệm vụ của nhà doanh nghiệp đó chính là ủy thác những năng lực cho các cộng tác viên của mình, những người được mởi gọi để không đem chôn những gì mà hđã được lãnh nhận, nhưng phải làm cho nó sinh hoa trái qua việc phụ vụ những người khác. Trong thế giới lao động, tinh thần hiệp thông cần phải chiến thắng đối với việc cạnh tranh với nhau!
Ước muốn của tôi đó là anh chị em hãy trở thành “chất men xã hội” cho xã hội Ý và anh chị em hãy thể hiện một kinh nghiệm mãnh liệt của một hội nghị tôn giáo. Tôi nhận thấy với một sự quan tâm rằng anh chị em sẽ chạm đến những vấn đề có liên quan, chẳng hạn như việc vượt qua khoảng cách giữa hệ thống giáo điều và thế giới lao động, vấn đề về lao động của nữ giới, công việc của những người khuyết tật và công việc của những người nhập cư, những người sẽ thực sự được tiếp đón khi họ có thể được hòa nhập vào các hoạt động lao động. Chớ gì những phản ánh và thảo luận của anh chị em sẽ được biến thành những hành động và cam kết đổi mới hướng đến việc phục vụ cho toàn thể xã hội Ý.
Về ngày hội lớn của Tuần lễ Xã hội Cagliari, tôi hứa sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện, trong khi tôi cũng mong rằng anh chị em sẽ cầu nguyện cho tôi cũng như cho việc phục vụ Giáo hội của tôi, và tôi chân thành gửi đến toàn thể anh chị em phép lành Tòa Thánh của tôi.
Minh Tuệ chuyển ngữ