ĐTC Phanxicô kêu gọi tất cả các Kitô hữu thể hiện tinh thần hiếu khách với nhau và đối với những người di cư

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến gặp khán giả chung của mình tại hội trường Paul VI tại Vatican ngày 22 tháng 1 năm 2020. (Ảnh CNS / Yara Nardi, Reuters)

ĐTC Phanxicô đang tiến ra Hội trường Điện Phaolô VI trong buổi tiếp kiến chung tại Vatican hôm 22 tháng 1 năm 2020 (Ảnh: CNS / Yara Nardi, Reuters)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu không chỉ thể hiện tinh thần hiếu khách với tất cả các anh chị em Kitô hữu khác thuộc các truyền thống khác nhau bằng cách thừa nhận rằng “họ thực sự chính là anh em chị em của chúng ta trong Chúa Kitô”, mà còn cùng “cộng tác với nhau để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, được tỏ lộ nơi Chúa Giêsu Kitô” đối với rất nhiều anh chị em di cư trong thế giới ngày nay đang phải chạy trốn khỏi bạo lực, chiến tranh và nghèo đói.

Phát biểu trước hàng ngàn tín hữu hành hương đến từ nhiều quốc gia trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Điện Phaolô VI tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “tinh thần hiếu khách” chính là chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm nay, bắt đầu từ ngày 18 tháng 1 và kết thúc vào ngày 25 tháng 1.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng chủ đề đã được trình bày bởi các cộng đồng Kitô giáo tại Malta và Gozo lấy gợi ý từ chương 28 của Sách Công vụ Tông đồ, tường thuật lại trải nghiệm đầy kịch tính của Thánh Phaolô khi bị đắm tàu cùng với 260 hành khách khác trên hòn đảo nhỏ Malta và về việc họ được người dân ở đó tiếp đãi thế nào. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Thánh Phaolô đã đáp lại lòng hiếu khách của họ bằng cách chữa lành cho nhiều người bệnh tật.

“Tinh thần hiếu khách là vô cùng quan trọng, và nó cũng là một đức tính đại kết quan trọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tín hữu hành hương đến từ tất cả các châu lục trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 22/1. Ngài đề cập đến hai chiều kích của tinh thần hiếu khách cần có của các Kitô hữu: thứ nhất, đối với các anh chị em Kitô hữu khác và thứ hai là đối với rất nhiều những người di cư trong thế giới ngày nay.

Trước tiên, ĐTC Phanxicô nói, tinh thần hiếu khách đồng nghĩa với việc “thừa nhận rằng các Kitô hữu khác thực sự là anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô”, cho dù họ là các tín hữu Tin Lành, Chính Thống hay bất kỳ giáo phái nào họ thuộc về. “Trước tiên, việc chào đón các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác, trước hết có nghĩa là, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với họ, anh chị em của chúng ta, và cũng có nghĩa là chào đón những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của họ”.

“Tinh thần hiếu khách mang tính đại kết đòi hỏi thái độ sẵn lòng lắng nghe người khác, chú ý đến những câu chuyện cá nhân về đức tin và lịch sử cộng đồng của họ, một cộng đồng đức tin có truyền thống khác với chúng ta”, ĐTC Phanxicô nói.

“Tinh thần hiếu khách mang tính đại kết liên quan đến mong muốn nhận biết kinh nghiệm mà các Kitô hữu khác có về Thiên Chúa và mong muốn đón nhận những món quà tinh thần xuất phát từ họ”, ĐTC Phanxicô tiếp tục.

ĐTC Phanxicô nhớ lại rằng trước đây tại quê hương Argentina của Ngài, khi mà các nhà truyền giáo truyền giáo đến, một nhóm Công giáo đã đốt các lán trại của họ. Nhưng, ĐTC Phanxicô nói, đó không phải là hành động của người Kitô hữu! Tất cả chúng ta đều là anh chị em và chúng ta phải thể hiện tinh thần hiếu khách với nhau”.

Kế đến, đề cập đến sự cần thiết cần phải thể hiện tinh thần hiếu khách đối với rất nhiều anh chị em di cư trong thế giới ngày nay, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng cũng giống như thời của Thánh Phao lô, và ngày nay cũng thế, các đại dương tiếp tục là “những nơi nguy hiểm” đối với những ai lênh đênh trên đó. “Trên toàn thế giới, những người di cư, kể cả nam giới và phụ nữ, phải đối mặt với những cuộc hành trình đầy nguy hiểm để chạy trốn bạo lực, chạy trốn khỏi cảnh chiến tranh, để thoát khỏi cảnh nghèo đói”. Nhưng cũng giống như Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của Ngài, “họ cảm nhận được sự thờ ơ, sự chống đối thù địch của các sa mạc, các dòng sông và các đại dương…Và nhiều khi, chúng không cho phép họ lên bờ tại các hải cảng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với hàng ngàn tín hữu hành hương đến từ nhiều vùng đất “mà buồn thay, đôi khi họ gặp phải sự thù địch thậm chí còn tồi tệ hơn từ mọi người. Họ bị lạm dụng và bóc lột bởi những kẻ tội phạm buôn người ngày hôm nay! Họ bị coi như là những con số và như là mối đe dọa bởi một số chính phủ. Ngày nay! Đôi khi, họ bị từ chối như một làn sóng đối với sự nghèo đói và những nguy hiểm mà họ đã phải chạy trốn”.

Theo báo cáo về vấn đề di cư IOM của tổ chức Liên Hợp Quốc trong năm 2020, có khoảng 272 triệu người di cư quốc tế trên thế giới hiện nay (3,5% dân số thế giới); hai phần ba trong số họ đang tìm kiếm việc làm và phần còn lại đang phải chạy trốn khỏi xung đột, bạo lực hoặc biến đổi khí hậu. 47,9% là phụ nữ và 13,9% là trẻ em.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả các Kitô hữu “cùng cộng tác với nhau để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Chúa Giêsu Kitô với những người di cư”, và Ngài nói, “chúng ta có thể và chúng ta phải làm chứng rằng không chỉ có sự thù địch và thờ ơ, mà tất cả mỗi người đều quý giá đối với Thiên Chúa và được Ngài yêu thương”.

Lưu ý rằng “sự chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa chúng ta, những người Kitô hữu, ngăn cản chúng ta trở nên dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa”, ĐTC Phanxicô nói, “việc cùng cộng tác với nhau để thể hiện tinh thần hiếu khách mang tính đại kết, đặc biệt là đối với những người có cuộc sống dễ bị tổn thương hơn, sẽ biến tất cả của chúng ta trở nên những người Kitô hữu – Tin lành, Chính thống giáo, Công giáo, tất cả mọi Kitô hữu – trở nên những con người tốt hơn, những môn đệ tốt hơn và một dân tộc Kitô hữu đoàn kết hơn. Hơn nữa, nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất, vốn chính là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sau đó đã gửi một thông điệp chúc mừng năm mới tới “hàng triệu người ở Viễn Đông và ở nhiều nơi trên thế giới sẽ mừng Tết Nguyên Đán” bắt đầu từ ngày 25 tháng 1.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc thông điệp của mình bằng cách mời gọi tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình, đối thoại và liên đới giữa các quốc gia, mà theo Ngài, “đó là những món quà cần thiết hơn bao giờ hết trong thế giới ngày nay”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết