ĐTC Phanxicô kêu gọi hoà bình trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo Myanmar, và đã không sử dụng thuật ngữ 'Rohingya'

“Tương lai của Miến Điện phải là hòa bình”, ĐTC Phanxicô phát biểu với các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của đất nước mà Phật giáo chiếm đa số này trong cuộc nói chuyện công khai đầu tiên kể từ khi đặt chân đến với chế độ dân chủ còn đầy non trẻ đó vốn nổi lên từ sáu thập niên của chế độ cai trị bằng quân đội nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột nội bộ và việc vi phạm nhân quyền.

ĐTC Phanxicô đã giải thích rõ ràng điều mà Ngài tin là hòa bình đòi hỏi: “Đó phải là một nền hòa bình dựa trên việc tôn trọng phẩm giá con người và quyền của mỗi thành viên trong xã hội, tôn trọng mỗi nhóm sắc tộc cũng như bản sắc của họ, tôn trọng luật pháp và tôn trọng đối với một chế độ dân chủ vốn cho phép mỗi cá nhân và tất cả mọi nhóm – không ai bị loại trừ – để đưa ra những đóng góp hợp pháp cho công ích chung”. 

CNS-POPE-MYANMAR-SOCIETY

ĐTC Phanxicô đã phát biểu với các nhà lãnh đạo của đất nước tại Trung tâm hội nghị quốc tế tại Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính và chính trị mới của đất nước rộng lớn này, nằm cách cố đô Yangon 200 dặm về phía Bắc. Buổi tiếp kiến của ĐTC Phanxicô bao gồm các bộ trưởng chính phủ, các nhà lãnh đạo dân sự, các quan chức quân đội, các Hồng y và Giám mục, cùng với khoảng 200 giáo dân và giới truyền thông thế giới.

Trong bài phát biểu của mình, được phát sóng trên truyền hình quốc gia, ĐTC Phanxicô không bao giờ nhắm vào hoàn cảnh của những người Rohingya, nhóm dân số Hồi giáo thiểu số ở tiểu bang Rakhine, và Ngài cũng không sử dụng từ “R”. Thay vào đó, vào những thời điểm khác nhau, ĐTC Phanxicô đã ám chỉ đến tình hình của họ khi Ngài kêu gọi việc tôn trọng nhân quyền của các nhóm người hiện đang đau khổ và đồng thời ủng hộ một cách thẳng thắn đối với tiến trình hòa bình vốn đang nỗ lực cố gắng “chấm dứt bạo lực, xây dựng lòng tin và đồng thời đảm bảo quyền của tất cả những người gọi vùng đất này là quê hương của mình”. Rohingya là một trong nhiều nhóm gọi vùng đất này là quê hương của họ. 

Bà Aung San Suu Kyi, người giành giải Nobel Hoà bình và là nhà lãnh đạo thực tế của đất nước này, đã nồng nhiệt chào đón ĐTC Phanxicô “đến với cuộc gặp gỡ này vốn tái khẳng định niềm tin của chúng ta vào tầm ảnh hưởng cũng như khả năng của hòa bình và tinh thần bác ái yêu thương”. Bà Aung San Suu Kyi đã viếng thăm ĐTC Phanxicô hai lần tại Vatican – vào năm 2014 và cuối tháng 5 vừa qua, và đã có một cuộc hội kiến riêng hôm qua với ĐTC Phanxicô trước khi diễn ra sự kiện công cộng lớn này. 

“Ngài đã mang lại cho chúng tôi sức mạnh và hy vọng qua sự am hiểu của Ngài về nhu cầu cũng như sự khao khát của chúng tôi đối với hòa bình, sự hòa hợp dân tộc và sự hài hòa xã hội”, bà Aung San Suu Kyi nói với ĐTC Phanxicô. Bà đã bày tỏ cam kết của chính phủ của bà “để tiếp tục công việc xây dựng một quốc gia dựa trên luật pháp và các thể chế vốn sẽ đảm bảo cho tất cả mọi người trong công lý đất đai, tự do và an ninh của chúng ta”. Bà nhắc lại rằng Myanmar đang phải đối mặt với “nhiều thách thức” và mỗi người “đòi hỏi sức mạnh, sự kiên nhẫn và dũng khí” trong một quốc gia gồm nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Bà cam đoan với ĐTC Phanxicô rằng chính phủ của bà muốn tôn trọng sự đa dạng này và đồng thời xây dựng đất nước “bằng cách bảo vệ quyền, nuôi dưỡng lòng khoan dung, đảm bảo vấn đề an ninh cho tất cả mọi người”. Bà nói rằng mục tiêu ấp ủ của bà đó chính là “tiến tới tiến trình hòa bình” nhằm chấm dứt tất cả các cuộc xung đột và đạt được sự phát triển bền vững.

Bà đã đề cập một cách rõ ràng đến “tình hình tại Rakhine” vốn “đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của thế giới” và đồng thời làm sáng tỏ rằng vào thời điểm quan trọng này, đó chính là “sự ủng hộ” của người dân “và những người bạn tốt của chúng ta vốn đã được chứng minh là “vô giá” khi chính phủ của bà nỗ lực làm việc để giải quyết” những vấn đề lâu dài về xã hội, kinh tế và chính trị, vốn đã làm xói mòn sự tin tưởng, hiểu biết, sự hòa hợp và hợp tác, giữa các cộng đồng khác nhau ở bang Rakhine”. Mặc dù bà không nói như vậy, nhưng thông điệp tiềm ẩn dường như là những lời chỉ trích tiêu cực không giúp gì được ở đây, nó làm suy yếu bàn tay của bà và chơi nước bài của quân đội, như nhiều người dân ở Myanmar đã phát biểu với tờ America trong những ngày này. 

Bà Aung San Suu Kyi đã cảm ơn ĐTC Phanxicô vì “tinh thần bác ái và sự khích lệ” ở đây cũng như trong những hoàn cảnh khác. Sau đó, bằng cách nhắc lại rằng bà đã nhận được một phần giáo dục tại tu viện Thánh Phanxicô ở Rangoon, bà nói một cách khôi hài rằng điều này “khiến tôi nghĩ rằng tôi được hưởng những phúc lành đặc biệt từ Đức Thánh Cha”. Bà Aung San Suu Kyi kết luận bằng cách nói với ĐTC Phanxicô, “chúng tôi muốn để lại cho tương lai một dân tộc thống nhất và hòa bình; một dân tộc giàu lòng nhân ái và quảng đại, luôn sẵn sàng giúp đỡ cho những người có nhu cầu”. Bà cảm ơn ĐTC Phanxicô vì “đã cầu nguyện cho đất nước chúng tôi và mọi dân tộc trên thế giới” và đồng thời bà cũng cho biết: “Con đường phía trước còn dài nhưng chúng ta sẽ bước đi với sự tin tưởng vào sức mạnh của hòa bình, tình yêu và niềm vui”. 

ĐTC Phanxicô phát biểu với các khán giả hiện diện rằng “tiến trình hết sức gian nan của việc xây dựng hòa bình và hòa giải dân tộc chỉ có thể tiến triển thông qua một sự cam kết đối với công lý và việc tôn trọng nhân quyền”. Là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm vùng đất này, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài đã đến “để ôm chầm lấy toàn thể dân chúng Myanmar và đồng thời đưa ra lời khích lệ đối với tất cả những người đang nỗ lực làm việc để xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hoà giải và hòa nhập”. 

ĐTC Phanxicô đã thu hút sự chú ý tới thực tế rằng trong khi Myanmar “đã được chúc phúc với vẻ đẹp tự nhiên cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời”, dân chúng “đã phải chịu đựng rất nhiều, và tiếp tục phải chịu đựng đau khổ, từ cuộc xung đột dân sự cũng như các hành động thù địch vốn đã kéo dài lâu này và đã tạo ra một sự chia rẽ sâu sắc”.

Đây chính là một điểm tham chiếu đối với nhiều xung đột nội bộ vốn đã gây ra cho quốc gia 52 triệu dân này và 135 nhóm dân tộc sắc tộc, kể từ khi nó giành được độc lập từ Anh vào ngày 1 tháng 1 năm 1948. Người Miến Điện, nhóm sắc tộc lớn nhất chiếm 1/3 dân số, được hưởng lợi từ các chính quyền trung ương khác nhau (được vốn vị chi phối bởi quân đội trong 60 năm); nhưng không phải là các nhóm sắc tộc khác – đặc biệt là những nhóm sắc tộc lớn như Kachin, Karen, Shan và Chin.

Những nhóm sắc tộc khác đòi hỏi cần phải có một sự tự trị lớn hơn, việc tham gia vào lĩnh vực chính trị cũng như việc chia sẻ một cách công bằng hơn đối với các nguồn tài nguyên, nhưng chính quyền trung ương đã không lắng nghe họ và do đó họ đã lựa chọn vũ khí vào những thời điểm khác nhau để tiến đến những mục đích của họ. Các cư dân ở bang Rakhine cũng vậy – kể cả các Phật tử và những người Hồi giáo như nhau – đã cảm thấy bị bỏ quên rất nhiều bởi chính quyền trung ương, và những Rohingya đã phải hứng chịu hầu hết tất cả.

 ĐTC Phanxicô đã đề cập đến tất cả những điều này khi nói với họ rằng “khi quốc gia hiện đang nỗ lực để khôi phục hòa bình, việc chữa lành những vết thương đó phải là một ưu tiên tối cần về chính trị và tinh thần”. 

ĐTC Phanxicô đã bày tỏ “sự đánh giá cao cá nhân đối với những nỗ lực của Chính phủ để đương đầu với thách thức này, đặc biệt là thông qua Hội nghị Hoà bình Panglong, vốn quy tụ nhiều đại diện của các nhóm khác nhau với nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực, xây dựng lòng tin và đồng thời đảm bảo tôn trọng các quyền của tất cả những người gọi vùng đất này là quê hương của họ”.

Đây là một điểm tham chiếu đối với dự án hòa bình được đưa ra bởi chính phủ dân chủ mới dẫn đầu bởi bà Aung San Suu Kyi vào tháng 8 năm 2016 dựa trên dự án ban đầu do cha của bà – ông Aung San, người cha của dân tộc, một người đã chiến đấu để giành độc lập cho đất nước. Cha của bà Aung San Suu Kyi đã triệu tập hội nghị hòa bình Panglong lần đầu tiên vào năm 1947 bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo các nhóm sắc tộc khác nhau nhằm mục đích xây dựng một trật tự xã hội và hiến pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ. Ông đã bị ám sát và dự án đã không được tiếp tục.

Ngay sau khi lên nắm quyền, bà Aung San Suu Kyi đã khôi phục dự án hòa bình này và chính phủ của bà đã triệu tập Hội nghị Hoà bình Panglong đầu tiên tại thành phố Nay Pyi Taw vào tháng 8 năm 2016, vốn quy tụ các nhà lãnh đạo dân sự, tôn giáo, sắc tộc và quân sự để giải quyết nhiều vấn đề, nhưng một số nhóm vũ trang – bao gồm Arkan Salvation Army (nhóm chiến binh vũ trang của người Rohingya) đã không tham dự. Hội nghị lần thứ hai đã được tổ chức hồi tháng 5 vừa qua và những hội nghị khác đã được lên kế hoạch.

Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Phanxicô cho biết, các cộng đồng tôn giáo ở Miến Điện “có một vai trò đặc quyền trong công cuộc hòa giải và hội nhập quốc gia”. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, như Ngài đã làm trước đó khi Ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ các tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Do Thái và Kitô giáo, rằng “sự khác biệt tôn giáo không nên được xem như là một nguồn gây chia rẽ và thiếu sự tin tưởng, những hơn hết đó phải là một lực lượng cho sự hiệp nhất, tha thứ, khoan dung và xây dựng quốc gia một cách khôn ngoan” và họ có thể giúp hàn gắn “vết thương của những người đã phải chịu đựng đau khổ trong những năm xung đột”. Bằng cách dựa vào chiều sâu đức tin của mình, “họ có thể giúp tận diệt những nguyên nhân gây ra xung đột, xây dựng những cầu nối đối thoại, tìm kiếm công lý và trở thành một tiếng nói tiên tri cho tất cả những ai đau khổ”. 

ĐTC Phanxicô đã hoan nghênh thực tế là các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác nhau ở Myanmar “đang nỗ lực cùng công tác với nhau, với tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, vì hoà bình, giúp đỡ người nghèo và giáo dục những giá trị tôn giáo và nhân văn đích thực”. Bằng cách này, ĐTC Phanxicô nói, họ đã đặt nền tảng luân lý cho một tương lai đầy hy vọng và thịnh vượng cho tất cả mọi cư dân của vùng đất này. 

Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh sự cấp thiết đối với chính phủ cũng như các tổ chức khác để “đầu tư” vào những người trẻ và tương lai của họ không những thông qua giáo dục và tạo công ăn việc làm bởi vì họ chính là tương lai của mảnh đất này, mà còn thông qua việc giáo dục tất cả mọi người “những giá trị luân lý về sự trung thực, liêm chính và sự liên đới của con người vốn có thể đảm bảo việc củng cố nền dân chủ và sự lớn mạnh của sự hiệp nhất và hòa bình ở mọi tầng lớp xã hội”. Đây là một điểm quan trọng khi mà hơn 50% dân số Myanmar dưới 30 tuổi: tương lai quốc gia nằm trong tay họ.

ĐTC Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách khuyến khích mọi tín hữu Công giáo Myanmar “hãy kiên tâm trong đức tin của mình và tiếp tục thể hiện sứ điệp hòa giải và huynh đệ của mình thông qua các công việc bác ái và nhân đạo, vốn làm lợi cho xã hội nói chung”, và đồng thời cùng nhau cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo khác cũng như tất cả những ai có thành tâm thiện chí, “để mở ra một kỷ nguyên mới của sự hòa hợp và tiến bộ cho người dân của quốc gia yêu dấu này”. ĐTC Phanxicô đã kết thúc bằng những lời này: “Nguyện cho Myanmar sẽ luôn trường tồn!”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết